Khám phá giấc ngủ - Tạp chí Đẹp

Khám phá giấc ngủ

Làm Đẹp

Đối với một số người giấc ngủ là thứ yếu, nhưng nhiều người hiếm khi hài lòng về thời lượng cũng như chất lượng giấc ngủ của mình. Nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng việc ngủ đủ giấc mỗi ngày là hết sức quan trọng và cần thiết đối với mọi người.
Thế nhưng giấc ngủ cũng là cái mà chúng ta sẵn lòng “hy sinh” khi cần hoàn thành công việc đúng thời hạn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, trong số những thanh niên ngủ từ 6 đến 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày có 56% sức khỏe không tốt, còn những người “lười” ngủ hơn 6 tiếng đồng hồ thì có tới 99% đang trên đà tụt dốc về sức khỏe.
Vậy thì phải ngủ như thế nào cho đúng? Câu hỏi này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu khoa học, kể cả những nhà triết học. Đối với chúng ta, giấc ngủ được hiểu nôm na là khoảng thời gian từ lúc đi làm về cho tới lúc chuẩn bị đi làm; còn hiểu một cách khoa học thì ngủ là khi chúng ta nhắm mắt cho não bộ nghỉ ngơi. Hoạt động của não bộ sẽ chậm lại, mọi hoạt động liên quan đến nhận thức đều tạm ngưng, lượng máu lên não khi chúng ta ngủ cũng khác so với khi thức.

Bóc tách giấc ngủ
Khi chúng ta leo lên giường, hẹn giờ đồng hồ và “hạ cánh” trên chiếc gối êm ái cũng là lúc chúng ta thả lỏng toàn thân cho tới khi tỉnh giấc. Theo các chuyên gia thì giấc ngủ cũng giống như một củ hành tây – có rất nhiều lớp và để hiểu hết được cần bóc tách từng vấn đề thật cặn kẽ.
Có 2 dạng ngủ – một là dạng REM (Rapid Eye Movement) còn dạng còn lại gọi là non-REM; nôm na là ngủ say và ngủ chập chờn. Khi chúng ta đặt lưng xuống ngủ thì trạng thái REM là “cái đích” cần phải đạt tới để có một giấc ngủ ngon thực sự. Chỉ những người nào đạt được trạng thái REM mới thực sự có giấc ngủ chất lượng. Trạng thái REM thường xảy đến vào lúc 4 hoặc 5 giờ sáng khi mắt của chúng ta di chuyển nhanh, liên tục và chúng ta chìm vào những giấc mơ. Nếu bạn ngủ mà không mơ thì có nghĩa là bạn không có giấc ngủ say đúng nghĩa. Khi đạt được trạng thái REM, não bộ của chúng ta ở mức hoạt động thấp nhất và cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi tốt nhất. Trạng thái REM càng kéo dài thì cơ thể càng nhanh hồi phục sau những công việc vất vả và căng thẳng.
Theo tự nhiên, giấc ngủ ở trạng thái REM sẽ cân bằng lại cơ thể để chúng ta trở về trạng thái làm việc hiệu quả nhất. Não bộ sẽ điều khiển cơ thể tự lấy lại cân bằng và hồi phục sau những tổn thất về sức khỏe; hoóc-môn sẽ được tiết ra và cơ bắp được nới lỏng để tiếp tục làm việc.
Theo cuốn sách “Archives of Internal Medicine”, thiếu ngủ sẽ khiến cho cơ thể dễ bị kích động và không đủ sức đề kháng bệnh tật. Một số nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập số liệu cho thấy những bệnh thường gặp ở những người thiếu ngủ là viêm khớp và béo phì. Nếu ngủ không đâçy giấc, cơ thể không được nghỉ ngơi đủ để có thể tiếp tục chống chọi với những căng thẳng trong ngày làm việc tiếp theo và mất đi sự đề kháng trước những chấn thương nhỏ nhất. Vậy nên các vận động viên thể thao luôn phải đảm bảo giấc ngủ được đầy đủ về thời lượng và về chất lượng.

Ngủ bao nhiêu thì vừa?
Đồng hồ sinh học của mỗi người khác nhau do đó nhu cầu ngủ của mỗi người cũng không giống nhau. Nhu cầu ngủ cũng thay đổi theo độ tuổi. Người trưởng thành cần ngủ từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, càng lớn tuổi thì nhu cầu này càng giảm dần. Và trong 6 đến 8 tiếng đồng hồ đó, chúng ta cần một khoảng thời gian thư giãn toàn thân và đạt đến trạng thái REM. Chúng ta có thể lên giường từ 10 giờ tối nhưng trạng thái REM không nhất thiết phải đến ngay. Nó sẽ tự tìm đến trong giấc ngủ một cách hoàn toàn tự nhiên; chúng ta không kiểm soát được nhưng một khi đạt tới trạng thái REM, cơ thể chúng ta đã ở vào trạng thái nghỉ ngơi tốt nhất.
Chúng ta có thể “ngủ bù” bằng những giấc ngủ vụn vặt buổi trưa, buổi chiều hay không? Không giống như những hoạt động khác, giấc ngủ ban đêm không thể bù đắp bằng những phút chợp mắt ban ngày bởi cơ thể sẽ không đạt đến trạng thái REM, sẽ không có trạng thái nghỉ ngơi tốt nhất. Những phút chợp mắt chốc lát không thể thay thế được một giấc ngủ ngon giấc về đêm.

Thiếu ngủ
Tác hại của thiếu ngủ đã được nêu qua nhưng vẫn cần nhấn mạnh thêm. Thiếu ngủ ở mức độ trầm trọng sẽ khiến ta mất tập trung, trở nên cáu bẳn, khó tính, hay quên… và những triệu chứng lẻ tẻ này sẽ dẫn đến hậu quả lớn hơn là tâm lý bất ổn, trầm cảm và stress. Nguy hiểm nhất là thiếu ngủ sẽ làm cho huyết áp tăng cao và nguy cơ mắc phải các bệnh về tim là rất lớn.

Các giải pháp về tư thế ngủ cho các cặp đôi

Tư thế ngủ 1: Khi một người quen nằm thẳng lưng và một người quen nằm nghiêng
Đây là giải pháp về tư thế ngủ cho hai người có tư thế ngủ khác nhau tạo cảm giác thoải mái cho cả hai. Thông thường những người có tư thế ngủ khác nhau sẽ thường tách rời nhau khi thức dậy buổi sáng ở hai mép giường. Chàng và nàng khéo léo “khóa” chân nhau khi nằm ở tư thế này sẽ tạo được một sự khăng khít khó tách rời.
Tư thế ngủ 2: Giải pháp cho những người mắc chứng đau lưng dưới.
Khi ngủ dậy nếu bạn cảm thấy tê chân tay, rất có thể đó là hậu quả khi ngủ với số lần đổi tư thế quá ít. Tránh để hai đầu gối chạm nhau và nên co chân khi ngủ sẽ giúp bạn tránh được cơn đau ở chân. Nằm ở tư thế này sẽ giúp cho cột sống của cả hai không bị vặn hoặc căng ra và cả hai vẫn rất gần gũi tình cảm.
Tư thế ngủ 3: Giải pháp cho những người ngủ nghiêng và ngáy!
Nếu một trong hai người ngáy khi ngủ thì tư thế ngủ quay lưng vào nhau như hình trên là một giải pháp hữu hiệu giảm bớt tiếng ngáy. Với những người “ngủ ngáy” khi tỉnh dậy nếu cảm thấy choáng váng, mệt mỏi, rất có thể bạn đã mắc phải chứng “lười thở” khi ngủ, cần phải đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Chuẩn bị "đón" rem
Sau đây là một vài mẹo nhỏ để giấc ngủ của bạn đạt được trạng thái REM nhanh chóng và kéo dài:
+ Trang bị giường thật tốt: Một chiếc giường tốt sẽ tạo điều kiện cho bạn chìm vào trạng thái REM nhanh chóng. Nệm phải chắc nhưng không quá cứng giúp cho phần cơ bắp ở lưng cũng như toàn thân sẽ được thư giãn hoàn toàn.
+ Tư thế ngủ: Tư thế ngủ tốt nhất là nằm thẳng lưng và ngửa mặt lên; tư thế nằm nghiêng một bên cũng là một lựa chọn tốt cho giấc ngủ “chào đón” REM nhanh nhất. Nếu bạn có thói quen nằm ngủ nghiêng một bên thì hãy đặt một chiếc gối ôm bên cạnh để gác chân. Không nên để chân vặn chéo qua, phần cơ ở xương chậu sẽ bị căng trong khi ngủ và bạn khó có thể ngủ trong trạng thái đó.
+ Chăm tập thể dục: Cuộc sống năng động sẽ tạo điều kiện cho một giấc ngủ tốt. Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp bạn có được giấc ngủ sâu hơn về đêm.
+ Thư giãn trước khi ngủ: Ngâm mình trong bồn tắm nước nóng và nghe nhạc êm dịu trước khi đi ngủ trong ánh nến hoặc ánh đèn mờ ảo sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần tốt cho một giấc ngủ sâu. Nhịp thở khi thư giãn cũng đóng vai trò đáng kể, giúp bạn chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng nhất.
+ Dẹp bỏ tivi: Việc đặt tivi trong phòng ngủ là tối kị, phòng ngủ chỉ dùng để phục vụ những giấc ngủ!

Thực hiện: depweb

19/04/2007, 10:13