Khám phá bí mật làm nên đẳng cấp của những cây cọ xứ Phù Tang

Sự danh giá của những cây cọ trang điểm Nhật Bản không chỉ nằm ở giá thành ngất ngưởng hay chất liệu lông thượng hạng mà đến từ chính nghệ thuật thủ công tinh xảo của những người nghệ nhân xứ Phù Tang.

Nghệ thuật làm cọ ở Nhật Bản khởi nguồn từ vùng núi đá Kumano. Địa hình không thuận tiện cho việc trồng trọt nên người dân nơi này bắt đầu làm bút lông để tăng thêm thu nhập từ những năm 1840. Đến khi nhu cầu sử dụng bút lông sụt giảm, các nghệ nhân ở thị trấn Kumano bắt đầu mở rộng phạm vi, chuyển sang sản xuất cọ trang điểm. Các thương hiệu cọ nổi tiếng như Hakuhodo, Chikuhodo, Suqqu, Mizuho… đều sinh ra từ vùng đất này.

Sự quý giá của chất liệu

Những cây cọ Nhật được yêu chuộng bởi sợi lông của chúng đạt đến độ mịn màng đáng kinh ngạc, mỗi lần lướt trên da đều để lại cảm giác nhẹ nhàng tựa một cơn gió mơn man. Đa phần được làm hoàn toàn từ lông tự nhiên như lông sóc, dê, ngựa, chồn, bởi lớp biểu bì của những sợi lông này được cấu thành từ 6-10 lớp keratin xếp chồng lên nhau, tương tự cấu trúc sợi tóc của con người. Các lớp sừng tạo ra những khe hở li ti giúp mỹ phẩm dễ dàng bám dính vào lông cọ. Chính đặc điểm này giúp lông tự nhiên có khả năng lấy phấn và giữ phấn tốt hơn so với sợi nhân tạo.

S100 Series – dòng cọ nổi tiếng nhất của thương hiệu Hakuhodo – sở hữu phần cổ mạ vàng 24K đắt đỏ, sợi làm hoàn toàn từ lông tự nhiên.
Để giữ chất lượng lông cọ Takumi ở trạng thái tốt nhất, các nghệ nhân Chikuhodo không nhuộm mà giữ nguyên màu gốc của lông dê.

Loại lông được sử dụng nhiều nhất trong nghề làm cọ trang điểm Nhật Bản là lông sóc, nhưng chỉ giống sóc xanh, sóc xám, sóc Canada, sóc Kazakhstan sở hữu bộ lông dài mới được các nghệ nhân lựa chọn. Lông sóc xanh thường được dùng cho cọ phủ phấn và cọ má hồng bởi sự mượt mà, êm ái. Lông sóc Kazakhstan và Canada mỏng hơn, thích hợp làm cọ mắt hoặc cọ bắt sáng nhờ mang lại hiệu ứng ưng ửng nhẹ nhàng. Hiện nay trên thị trường, cọ lông sóc tốt nhất lần lượt là cọ sóc xanh của Chikuhodo, cọ sóc xám của Koyudo và cọ sóc xanh của Hakuhodo.

Dòng Takeda Tsubaki gồm 49 cây cọ với đủ mọi chức năng, đầu cọ được làm từ những loại lông quý hiếm và đắt đỏ như lông sóc đỏ châu Âu, sóc Canada, sóc xanh…

Lông chồn cũng góp mặt nhiều trong ngành nghề thủ công này. Sợi lông chồn có hình nón dài, đầu nhọn, bề mặt phủ vẩy như ngói lợp giúp thấm được một lượng kem phấn đáng kể. Cọ làm từ lông chồn sở hữu độ đàn hồi tốt, sau nhiều lần sử dụng vẫn giữ được phom dáng nguyên bản. Trong số đó, lông chồn Kolinsky là loại đắt đỏ nhất, tùy vào độ dài mà giá lông chồn Kolinsky có thể lên đến 16.000 đô la/kg. Đó là lông đuôi chồn đực, được lấy khi trời vào đông, lúc lông chuyển sang màu nâu phớt đỏ. Cọ làm từ lông chồn hương, chồn Pahmi, chồn nâu… chất lượng đều không thể sánh bằng.

Cọ phủ phấn nằm trong bộ sưu tập phiên bản giới hạn Somell Garden của hãng Koyudo với phần lông dê được nhuộm vàng nhẹ ở đầu và cán cọ được làm từ gỗ óc chó

Chuyên gia trang điểm Sonia Kashuk tỏ ra rất mực sủng ái những cây cọ thủ công Hakuhodo, Chikuhodo… trong các video hướng dẫn trang điểm của mình trên YouTube. Wayne Goss – chủ nhân kênh Youtube có 3,5 triệu người theo dõi cũng không ngớt lời ngợi ca độ mềm mại và tinh tế của lông cọ Nhật Bản. Anh xem đó là nguồn cảm hứng để sáng tạo ra dòng cọ Wayne Goss của riêng mình vào năm 2013, cũng đặt sản xuất thủ công tại Nhật và hoàn toàn làm từ lông tự nhiên.

Đẳng cấp đôi bàn tay nghệ nhân

Lông sử dụng trong những cây cọ Nhật chủ yếu được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Trung Quốc. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các nghệ nhân làm cọ (còn được gọi là fude-shi) sẽ chọn lấy phần lông tốt nhất và bỏ đi những sợi bị cong, hư hỏng hoặc chẻ ngọn. Một chiếc cọ trung bình sẽ tốn khoảng một tuần để hoàn thành và trải qua tổng cộng 60 khâu khác nhau, hoàn toàn không có sự can thiệp của máy móc.

MB là dòng cọ cao cấp nhất của thương hiệu Mizuho, phần lông cọ được làm từ lông sóc xám, lông dê tuyển chọn kỹ lưỡng. Thiết kế tinh giản, sang trọng của dòng cọ này từng đạt giải Good Design Award của Nhật vào năm 2011.

Ngoài phần lông cọ quý giá, tên tuổi của những cây cọ Nhật Bản còn nằm ở phần cổ và cán. Một số thương hiệu mạ vàng cho phần cổ cọ, làm cán gỗ mosaic hay sử dụng gỗ hiếm để tăng giá trị cho chiếc cọ. Những cây cọ cán đỏ trứ danh Hakuhodo S100 Series bên cạnh phần lông sóc xanh đắt đỏ còn sở hữu logo sơn mài tinh tế và cổ cọ mạ vàng 24K. Dòng cọ Makie Series do Chikuhodo sản xuất lại khiến phái đẹp mê mẩn với phần cán chạm khắc những cánh anh đào kiêu sa; cọ Hakuhodo dòng Kokutan Series thì sang trọng với phần cán được làm từ gỗ mun có vân chìm.

Phần cán cọ Makie Series của thương hiệu Chikuhodo do các nghệ nhân sơn mài Yamanaka (tỉnh Ishikawa, Nhật Bản) chế tác hoàn toàn bằng tay.

Hakuhodo, Chikuhodo, Koyudo, Takeda… đều là những hãng cọ được xếp vào hàng đắt đỏ. Giá mỗi cây cọ mắt, cọ môi nhỏ thường dao động từ 20–40 đô la. Cọ đánh kem nền, phấn phủ, phấn má có giá từ 50–150 đô la. Những bộ cọ phiên bản giới hạn thậm chí lên đến 1.000 đô la. Không những vậy, chúng còn chẳng bao giờ giảm giá, việc đặt mua cũng không ít khó khăn bởi hầu hết các thương hiệu này đều chỉ bán tại Nhật Bản, ngoại trừ Hakuhodo có thêm hai cửa hàng tại Singapore và Los Angeles (Mỹ).

Hoa văn trên thân cọ Chikuhodo Makie Series được sơn mài với bột vàng hoặc bột bạc, giá trị của cây cọ vì vậy được nâng lên rất nhiều.

Nghề làm cọ truyền thống Nhật Bản mang trong mình những tinh hoa được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những tác phẩm ra đời dưới bàn tay các fude-shi ngày một hoàn mỹ và tinh xảo hơn theo thời gian. Vẫn luôn là giấc mơ xa hoa trong lòng phái nữ yêu làm đẹp, những cây cọ Nhật Bản không đơn thuần phủ lên da một lớp trang
điểm rạng rỡ mà còn gieo vào lòng chủ nhân của nó một niềm hân hoan khó tả.


From the same category