Khải Đơn: Từ sóng biển tới rừng xa hay tự sự của một digital nomad

Ngày cuối mùa hè ở Indian Creek, cơn mưa sa mạc cuối cùng cũng hiện ra ở đường chân trời. Tôi đã ngồi ba giờ trước cổng khu quản lý rừng quốc gia để bắt những đoạn sóng wifi yếu ớt. Biên tập viên của tôi đang đợi bài viết.

Nhiều người nói rằng họ ước mơ sống như tôi, tự tại và đi đến nơi mình ao ước. Tôi không kể về buổi chiều ngồi co ro dưới mưa và trời lạnh chỉ còn 4-5 độ C, khi đang vật lộn với những đoạn sửa bài quẹt màu xanh đỏ mà sếp chưa hài lòng.

Trở thành người có thể đi và làm việc trên đường, gọi cho sang miệng là “du mục thời kỹ thuật số”, là giấc mơ khoảng 5 năm về trước, khi tôi chạy như con thoi giữa những điểm tường thuật ở miền Tây và Đông Nam Á cho vài tờ báo ở khu vực.

Những bức ảnh trên Instagram thời đó hứa hẹn giấc mơ tuyệt vời của người trẻ như tôi. Một tách cafe khói thơm lừng. Máy tính mở với vài màn hình công việc. Xa xa là ngọn núi cao tận trời, phủ tuyết và ánh mù xa xăm. Hình ảnh đó chứa nhiều phức cảm: một lứa con người nhìn thấy giấc mơ thoát khỏi sự tù túng ngạt thở của văn phòng, thỏa chí tang bồng ở phương trời lạ lẫm, và vẫn có thể kiếm sống. Không làm giang hồ. Không chết mòn vì hết tiền đi hoang. Không áo xống rách mèm vì kiệt quệ đồng mưu sinh cuối cùng. Ở thế kỷ 21, tôi đã không còn nghe nói về những kẻ si mê đi tìm thế giới đến mức đánh đổi tương lai để lấy con đường.

Chúng tôi muốn có cả hai: một sự nghiệp, và cả hành tinh trong tay.


Khải Đơn (tên thật là Phạm Lan Phương) hiện là phóng viên tự do tác nghiệp chủ yếu tại khu vực Đông Nam Á cho một số tờ báo, hãng tin Việt Nam. Bên cạnh đó cô còn là nhà văn với nhiều tựa sách đã xuất bản như “Đừng tháo xuống nụ cười “(2014), “Ta có bi quan không?” (2017), “Mekong, phù sa phiêu bạt” (Phanbook, 2018),….

Sống trong bong bóng mơ tưởng đó thường tuyệt đẹp, và thi thoảng tôi vùng chạy thoát khỏi cao ốc ở Sài Gòn, lao vào cuộc luyện tập ngạt thở, gồng mình để được giống như du mục số: là cũng đi chơi xa, cũng bày máy tính ra, cũng chụp tách cà phê bên khu vườn ở núi cao. Những bức ảnh đem lại vài trầm trồ tối thiểu mà cái tôi tuổi 20 cần đến. Được dung dưỡng. Được khẳng định. Được tin thứ mình chọn là đúng.

Đến tuổi 30, ngày cuối cùng rời khỏi văn phòng hãng tin ở Bangkok, tôi đặt vé chuyến xe lửa dài xuống miền cực Nam Thái Lan – khởi đầu của con đường đi mãi đến chừng bốn năm sau của bây giờ.

Minh họa: Mỹ Anh

Năm đầu tiên làm việc trên đường, nhiều ngày là chuỗi hoang mang khi khách hàng không trả lời thư. Sự im lặng đáng sợ của món thu nhập không biết liệu mình có được nhận. Những bài viết rơi thẳng vào hố đen tối tăm không quay lại. Sự kiêu hãnh của người viết có tên tuổi dần thế chỗ cho cảm giác tủi hổ của người làm thuê không được cò nạnh hay cự nự khách hàng. Có lần ở phòng tin, tôi tranh cãi một chủ đề với trưởng ban, rồi hùng hổ rời khỏi bàn làm việc. Anh đồng nghiệp ngồi cạnh tôi ngoài quán cafe nói: “Cố lên em, mốt em giỏi không ai bắt nạt được em. Mốt làm tự do không sợ sếp nữa”. Anh đã nhầm và tôi cũng nhầm. Sự khác biệt giữa một đứa du mục số và một nhân viên toàn thời gian chỉ là thay vì có một sếp để cãi nhau, giờ tôi phải hoang mang đợi chờ vô số sếp ban phát cho mình cái gật đầu ưng thuận sản phẩm.

Hôm ấy trời mưa như trút nước bên ngoài rừng quốc gia Hala Bala ở miền Nam Thái Lan. Rừng mưa Đông Nam Á là vậy. Đâu đó trong chừng hơn chục giờ mưa không vuốt mặt sẽ có khoảng vài tiếng nắng vung lên. Đó là lúc cho kiểu đi bộ tay mơ như tôi vào rừng. Hôm ấy, vừa thấy sợi nắng rẽ làn sương mù đặc ra, bạn tôi và tôi chạy vào rừng. Vừa qua con suối sát bìa rừng để vào sâu hơn, điện thoại trong túi tôi rung lên: có đánh bom ở thị trấn Pattani – biên tập viên muốn tôi làm một đoạn video ngắn và phỏng vấn vài người địa phương. Con đường trước mặt xanh biếc như thế giới thần tiên kỳ ảo. Những cây dương xỉ to hơn hai người lớn ven đường gợi ra thế giới như trong phim khủng long. Tôi nói với người bạn: “Mình xin lỗi, mình phải quay ra thị trấn để làm việc”.

Tháng 8/2019, tôi luyện thi GRE và làm việc ở vùng Bishop, California, trong một khu thung lũng cắm trại mùa thu.

Vậy là tụi tôi chạy ngược lại con đường đất ướt mem. Rừng mưa khép lại, ru kín mình trong làn sương lầm lụi kéo về. Tôi vội xóa cơn hứng khởi khỏi đầu mình, bắt đầu lùng sục trên bản đồ vị trí trận đánh bom vừa xảy ra để biết gọi cho ai ở trong thị trấn giúp mình phỏng vấn. Khoảnh khắc đó, tôi ước mình không phải du mục số, mình không phải phóng viên tự do. Tôi chỉ muốn nhìn thấy khu rừng kỳ ảo đó trong một trưa hiếm hoi mưa ngừng đọng hạt. Nhưng làm việc tự do thường đồng nghĩa với cam kết trở nên cạnh tranh nhất có thể, trong thị trường thừa thãi người viết, thừa thãi dân làm nội dung. Nếu không sẵn sàng, tôi nhanh chóng bị gạt khỏi cuộc chơi chỉ sau cái lắc đầu khó chịu.

Những thư viện công cộng khắp nơi ở Mỹ, từ New York, đến Louisiana, đến St. Louis, đến Las Vegas, đến California, đều dần trở thành văn phòng làm việc hàng ngày trên đường rong ruổi đi qua. Tôi tập thói quen làm việc ở bất cứ đâu, dù quán Starbucks nhạc ồn ào đến mấy, hay công viên gió lạnh buốt thốc từ biển vào. Cam kết thời gian không phải trò đùa, và nó trở thành mối nối cho cuộc đời lang thang tôi lao vào mê mải.

Con đường đó không đẹp kỳ ảo và tĩnh tại như tách cà phê bên màn hình máy tính với khung cảnh đẹp như catalogue. Tôi học cách du hành trân trọng tất cả những gì mình có và không kỳ vọng với tới những giấc mơ vẽ ra trên bản đồ du lịch (nơi ta có thể xài tiền thỏa thích, ăn toàn đặc sản và trả tiền không tiếc tay). Với mỗi nơi đi qua, tôi nhìn chính sách thị thực để ở lại vài tháng, chỉ một nơi, chơi thể thao, trân quý thiên nhiên, tận hưởng mỗi ngày được có thiên nhiên nơi đó bên mình. Sống như ngày bình thường mình ở giữa Sài Gòn, chắt gọt niềm vui từ thế giới lạ lẫm đó bằng nhiều giác độ khác của cảm giác.

Lý do khiến tôi chọn cuộc sống trên đường là vì muốn dành thời gian tập lướt sóng và chơi môn leo núi.

Nhiều người ngạc nhiên vì tôi đến Indonesia suốt năm này tới năm khác. Hỏi thì biết giải đáp thế nào? Thiên nhiên ở Indonesia, nơi tôi sống ở West Java, gần như nguyên vẹn và trong trẻo. Tôi có thể chơi lướt sóng mỗi ngày. Tôi sống ở ngôi nhà nhỏ thuê gần biển, đạp xe đi chợ cá mỗi buổi chiều khi thuyền về mẻ lưới mới. Tôi ngồi làm việc với sóng wifi ổn định khoảng 5 tiếng mỗi ngày. Không có những chuyến đi xa hoa hoành tráng. Không có những bữa tiệc lao xao trong resort ở Bali xinh tươi. Tôi sống với không gian khiêm tốn mình có thể chi trả, ở khung cảnh mình ao ước và vẫn làm việc hàng ngày.

Lý do để tôi trở đi trở lại Chile cũng tầm phào không kém: vì người Việt Nam được miễn visa Chile 90 ngày. Vì thiên nhiên Patagonia lộng lẫy ngạt thở. Vì tôi có thể ra chợ gom cả túi đào tươi, cherry, mật ong về trại của mình với giá rẻ mùa hè. Vì nắng Chile – trong vắt không mùi khói ô nhiễm đô thành. Vài tháng hè đó, tôi lang thang giữa hồ và sông, giữa rừng và núi, giữa quãng biển hoang đàng và sự bạo liệt thiên nhiên. Khi nắng hè cạn, tôi bay về Thái Lan, lùi về miền quê nào đó ở vùng Đông Bắc Thái hay Lào – để nghỉ ngơi chậm chạp.

Từ ngày đầu tiên đặt vé tàu lao xuống miền Nam Thái Lan đó, giờ tôi cố gắng đến Mỹ mỗi mùa hè để đi rừng quốc gia leo núi, đi lướt sóng ở California. Mexico thường lộng lẫy ngày cuối năm khi tôi rời Mỹ. Và khi mùa đông buốt lạnh dần ở bán cầu Bắc, tôi xuống Chile hoặc trở về Indonesia để tìm nắng hè. Tìm sóng biển. Tìm núi non. Tìm những con đường vào rừng thỏa ánh mắt đói khát mỗi ngày.

Trên mái nhà ở miền trung Chile (khi sóng 3G quá yếu), trên bờ biển miền Bắc Chile (trong mùa dịch Covid-19), trên con sóng West Java, tôi ngồi xuống làm việc – mỗi ngày.

Để dám đi như suốt bốn năm qua, tôi thường nghĩ tới những khách hàng đã cho tôi công việc viết với đầy cảm thông và trân trọng. Họ đã cho tôi một phần con đường.


DARE

Đẹp số 257 mời bạn cùng gặp gỡ những con người có trái tim dũng cảm.
Họ dám vùng chạy khỏi cao ốc, học cách du hành, khám phá thế giới để có được cả sự nghiệp và hành tinh trong tay.
Họ dám chơi với đủ thứ, từ cây bút đến ca từ, với cả những chất liệu truyền thống để làm nên các sáng tạo đẹp đẽ mang hơi thở “made in Vietnam” đầy kiêu hãnh.
Họ dám sáng tạo đến tận cùng, bởi luôn “bị” nỗi sợ hãi sự tụt hậu đẩy về phía trước.
Cuối cùng và không thể thiếu, họ dám yêu, dám sống qua bão lửa để viết nên những bản tình ca tuyệt đẹp giữa cả thời chiến lẫn thời bình.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, người bạn đời của cố nhạc sĩ Thuận Yến đã gói chữ “Dám” lại thế này: “Cứ được sống đúng là mình, đó mới là ‘dám’ nhất!”.
Còn bạn thì sao?

From the same category