Khắc phục hội chứng “ống cổ tay” khi mang thai - Tạp chí Đẹp

Khắc phục hội chứng “ống cổ tay” khi mang thai

Sức Khỏe

Tại sao bà bầu thường cảm thấy đau, ngứa ngáy và tê bì ở tay?

Đau, ngứa ngáy và tê bì ở tay thường do hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome) gây nên. Ống cổ tay là một ống chạy từ dưới cổ tay tới lòng bàn tay. Cảm giác và cử động ở tay được kiểm soát bởi dây thần kinh động mạch, chạy qua ống cổ tay.

Hầu hết bà bầu bị sưng nhẹ ở tay trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân là do có sự tích tụ dịch trong các mô. Sưng phù gây áp lực lên dây thần kinh động mạch, chèn ép lên nó và gây ra đau, ngứa ngáy và tê bì ở bàn tay và ngón tay.

Hội chứng ống cổ tay thường xuất hiện trong thời kỳ mang thai, với 60% bà bầu có hội chứng này. Hội chứng có thể xuất hiện bất cứ thời gian nào nhưng thường có xu hướng bắt đầu vào thai kỳ thứ hai và thứ ba. Đó là khi bạn bị sưng phù ở tay.

Nếu bạn bị hội chứng ống cổ tay, thông thường ở thể nhẹ, tạm thời và sẽ biến mất nhanh chóng sau khi sinh em bé. Nhưng một vài người bị nặng và tình trạng này kéo dài vài tháng hoặc hơn so với bình thường.

 

Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm nhưng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng bao gồm:

– Có cảm giác bị kim châm và ngứa ngáy hoặc nóng ran ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, và bên cạnh của ngón áp út. Bạn cũng có thể cảm nhận những triệu chứng này ở toàn bộ bàn tay.

– Đau đớn ở ngón tay và ngón trỏ.

– Đau nhức ở tay, cẳng tay và ống tay.

– Nắm gập yếu, đặc biệt ở ngón cái.

– Da bị khô và sưng phù ở các ngón tay hoặc ngón cái.

– Tê bì ở các ngón tay hoặc lòng bàn tay khi tình trạng xấu đi.

Làm gì để giải tỏa đau đớn?

– Khi bạn có những triệu chứng đau đớn khó chịu, thay đổi tư thế ngủ sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn.

– Cố gắng đừng nằm ngủ gối đầu lên tay.

– Nếu bạn cảm thấy đau khi nằm trên giường, thử lắc tay cho tới khi cảm giác râm ran giảm đi.

– Cố gắng không để bàn tay hoặc cổ tay giữ nguyên một tư thế trong một thời gian dài.

– Uốn gập cổ tay và ngón tay thường xuyên trong ngày. Bạn nên kiểm tra xem cách này có cải thiện được tình trạng không bởi một số bà bầu lại cảm thấy tồi tệ hơn.

– Cố gắng không làm các việc đòi hỏi cử động tay lặp đi lặp lại sẽ khiến tình trạng trở nên xấu đi.

– Bổ sung vitamin B6 cũng có tác dụng hỗ trợ, nhưng nên hỏi bác sĩ trước khi bạn uống bổ sung thuốc trong thời kỳ mang thai.

– Tập thể dục nhẹ nhàng, như yoga với người hướng dẫn, cũng sẽ làm giảm đau.

– Liệu pháp sóng siêu âm cũng có thể giúp làm thuyên giảm các triệu chứng.

Bạn nên thử qua các phương pháp này để tìm ra cách phù hợp chữa trị hội chứng ống cổ tay.

Khi nào nên gặp bác sĩ?


Bạn nên gặp bác sĩ hoặc bác sĩ vật lý trị liệu nếu đau đớn và tê bì gây cản trở cho giấc ngủ cũng như cuộc sống hàng ngày của bạn.

Bạn hãy xin tư vấn bác sĩ nếu thường xuyên bị tê bì ở bất cứ phần nào trên tay hoặc nếu bạn cảm thấy yếu ở các cơ gần ngón cái. Điều này có nghĩa là dây thần kinh không hoạt động tốt và có nguy cơ bị hủy hoại vĩnh viễn. Nhưng bạn có thể an tâm rằng tình trạng này không thường xảy ra trong thời kỳ mang thai.

Nếu bạn đã thử qua các phương pháp khắc phục trên mà không có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị bạn đeo một thanh nẹp cổ tay suốt đêm hoặc cả ban ngày. Thanh nẹp giữ cho cổ tay bạn ở tư thế thẳng và sẽ nới rộng không gian cho ống cổ tay. Bạn sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện đáng kể trong vòng 8 tuần kể từ khi đeo thanh nẹp.

Chuyện gì xảy ra nếu sản phụ bị hội chứng ống cổ tay sau khi sinh em bé?

Hội chứng ống cổ tay thường biến mất, cùng với sưng phù, trong vòng 1 năm kể từ khi bạn sinh em bé.

Tuy nhiên, đối với một vài phụ nữ, hội chứng ống cổ tay vẫn kéo dài hơn khoảng thời gian này. Nếu đau và các triệu chứng khác tiếp diễn sau khi bạn sinh em bé, bạn cần được điều trị.

Nếu thanh nẹp cổ tay không có tác dụng, bạn có thể chọn cách tiêm steroid (hợp chất hữu cơ tự nhiên trong cơ thể, bao gồm hormone và vitamin) vào cổ tay. Cách này sẽ làm giảm sưng viêm và giải tỏa áp lực lên dây thần kinh động mạch.

Liệu pháp cuối cùng có thể áp dụng là bạn được thực hiện một cuộc phẫu thuật cực kỳ đơn giản ở tay. Cuộc giải phẫu sẽ cắt dây chằng để giải tỏa áp lực lên dây thần kinh động mạch. Bạn chỉ cần gây tê cục bộ trong khi phẫu thuật tiến hành.

May mắn là đối với hầu hết bà bầu, hội chứng ống cổ tay sẽ tự động biến mất và không cần phải nhờ đến phẫu thuật để khắc phục.

Bảo Anh (theo Gia đình VN)

Thực hiện: depweb

25/02/2013, 10:24