Kết thúc bằng “ghosting” – Lối thoát cho người ra đi, tổn thương cho người ở lại

“Ghosting” (dừng liên lạc mà không có lời giải thích nào) thật chẳng khác nào một sự tra tấn về mặt cảm xúc khi nó khiến các “nạn nhân” cảm thấy vô cùng bất lực và tổn thương sâu sắc. Do đó, nếu chẳng may bị “bơ”, việc tìm hiểu về “ghosting” là điều cần thiết để giúp bạn có thể vượt qua tình huống này. 

“Ghosting” là gì?

Theo tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Kelifern Pomeranz, “ghosting” là hành động chấm dứt một mối quan hệ bằng cách ngừng mọi phương thức liên lạc và đột ngột biến mất khỏi cuộc sống của ai đó mà không đưa ra bất kỳ lời biện minh hay giải thích nào. Trên thực tế, “ghosting” khá phổ biến trong các mối quan hệ tình cảm và cũng đã có rất nhiều người đã bất đắc dĩ trở thành “nạn nhân”, trong đó bao gồm cả các ngôi sao nổi tiếng. Một bài phỏng vấn trên tờ New York Times (2010) đã đề cập đến mối quan hệ “mập mờ” trong quá khứ giữa nam rapper Drake với nữ ca sĩ Rihanna. Công chúng luôn tò mò cụ thể câu chuyện diễn ra như thế nào? Tại sao phút trước hai người còn thân thiết, ra nhạc cùng nhau, phút sau lại “bơ nhau toàn tập”? Từ phía Drake, anh chia sẻ rằng: “Bạn biết cô ấy đã làm gì với tôi không? Cô ấy đã làm chính xác những gì tôi đã làm với rất nhiều phụ nữ trong suốt cuộc đời mình, đó là dành thời gian bên nhau và rồi biến mất.”

Chỉ vì bạn là người nổi tiếng không có nghĩa là bạn được “miễn trừ” khỏi những vấn đề trong một mối quan hệ tình cảm.

Không chỉ rapper Drake, nàng thơ “Emily in Paris” – Lily Collins cũng đã từng là nạn nhân của “ghosting”, không chỉ một mà rất nhiều lần. “Dù chẳng muốn thừa nhận đâu nhưng tôi thực sự đã từng bị ‘ghost’ rất nhiều lần. Có những lúc tôi đi hẹn hò và nghĩ rằng ‘ồ chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời’ nhưng ngay sau đấy thì anh chàng đó liền biến mất mà không để lại một lời tạm biệt nào. Tôi không thể hiểu vì sao lại phải làm thế. Hãy thành thật đi xem nào!”

Sự phổ biến của “ghosting” không đồng nghĩa với việc đây là một hành động bình thường. Theo Jeff Temple, một nhà nghiên cứu về các mối quan hệ tại Đại học Texas cho biết “ghosting” là một trong những hành động gây tổn thương nhất mà chúng ta có thể làm với người khác. Vậy nên nếu bạn cảm thấy không phù hợp và muốn dừng lại, hãy thẳng thắn nói lời tạm biệt trước khi rời đi.

Vì sao chúng ta lựa chọn “ghosting” người khác?

Theo các chuyên gia tâm lý, phần lớn mọi người lựa chọn “ghosting” để kết thúc mối quan hệ là do họ muốn né tránh các căng thẳng có thể xảy ra khi nói lời chia tay trực tiếp. Bởi điều này đồng nghĩa với khả năng chúng ta sẽ phải đối diện với những tranh cãi, những lời trách móc hay níu kéo từ phía nửa kia. Chính vì vậy, một người thường gặp lo lắng và thiếu các kỹ năng xử lí tình huống có thể sẽ lựa chọn “ghosting” như một cứu cánh trước vấn đề này. Nhà tâm lý học lâm sàng Ramani Durvasula cho biết: “Nhiều người không được dạy về cách giao tiếp lành mạnh trong một mối quan hệ, vì vậy họ mặc định chọn cách dễ nhất là bỏ đi”. 

Một trong những lý do lý giải cho hành động “ghosting” đến từ tâm lý né tránh và không muốn giải quyết vấn đề.

Mặc dù khá khó tin nhưng một lý do khác cũng thường được các “ghoster” chia sẻ khi lựa chọn ‘ghosting’ là vì họ muốn bảo vệ đối phương khỏi cảm giác tiêu cực của việc bị chia tay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng họ chỉ đang muốn bảo vệ bản thân, vì không muốn mang tâm lý “mình là người tồi tệ khi nói lời chia tay”. Vậy nên, trong một số trường hợp, các “ghoster” thường có những hành vi như phớt lờ (silent treatment) hoặc gửi các tín hiệu trung gian (ví dụ: xóa trạng thái hẹn hò) như một cách khiến đối phương buộc phải nói lời chia tay trước.

Dù lý do là gì thì việc biến mất khỏi mối quan hệ một cách đột ngột là hành động rất thiếu tôn trọng và gây ra nhiều tổn thương cho người ở lại.
Làm thế nào để đối phó với việc vị “ghosting”? 

Trải qua việc bị “ghost” không phải lúc nào cũng dễ dàng và thường mất thời gian khá lâu để có thể tự “chữa lành”, nhưng dưới đây là những điều bạn có thể làm để cảm thấy khá hơn, khi ai đó quan trọng đột ngột biến mất mà không rõ lý do.

1. Ngưng đổ lỗi cho bản thân: Sau khi đối phương rời đi, bạn thường sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, bối rối, hối tiếc và cả xấu hổ. Bạn không thể tìm ra nguyên nhân cho chuyện này và cũng không có lời giải thích nào được đưa ra. Vì vậy, rất có thể bạn sẽ quay sang trách ngược bản thân mình – “Chắc hẳn mình đã làm điều gì sai đúng không?” Điều này vô hình chung khiến bạn bị tổn thương và dần đe dọa tới những mối quan hệ của bạn trong tương lai. Đây chính là lúc bạn cần bình tĩnh ngồi xuống để sắp xếp lại mọi chuyện, tử tế với bản thân, ngưng suy  và nghỉ ngơi. Bạn không phải chịu trách nhiệm khi ai đó bỏ đi mà không nói một lời, và cũng chẳng phải là lỗi của bạn khi người kia không thể chín chắn nói cho bạn nghe sự thật.

2. Không cố chấp ôm hy vọng: Việc liên tục tìm cách liên lạc hay cố gắng kết nối lại tình cảm với “ghoster” chỉ càng khiến bạn càng thêm mệt mỏi cũng như thất vọng mà thôi. Và ở một mức độ nào đó, điều này còn khiến bạn trông thật đáng thương trong mắt người kia. Bởi một khi họ đã lựa chọn “ghosting” đồng nghĩa với việc họ chọn ưu tiên cảm xúc của bản thân hơn tất cả mọi thứ. Nếu bạn vẫn cảm thấy day dứt và bức bối, hãy soạn một tin nhắn nói rằng bạn đã có một khoảng thời gian vui vẻ, sau đó cảm ơn và tạm biệt. Điều này trao lại quyền chủ động cho bạn khi bạn cuối cùng cũng có thể kết thúc mối quan hệ dang dở này. 

Việc xóa đi những thông tin liên lạc và ngừng theo họ trên mạng xã hội sẽ là bước khởi đầu cho việc vượt qua nỗi ám ảnh về mối quan hệ cũ.

3. Chia sẻ với người thân: Chìa khóa để có thể vượt qua sau khi phải đối mặt với những tổn thương trong chuyện tình cảm chính là lắng nghe và chăm sóc bản thân. Nếu có thể, bạn hãy chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình cho những người thân thiết để có thể xin lời khuyên hoặc chỉ đơn giản là được cảm thấy nhẹ nhõm hơn trong lòng.

Hãy coi thời gian này như là cơ hội để tập trung vào bản thân và củng cố thêm năng phục hồi của bạn.

4. Đừng quên “me time”: Ngoài ra, để cải thiện tâm trạng và tăng sản sinh endorphin (một chất dẫn truyền thần kinh tạo ra những cảm xúc tích cực), bạn cũng có thể cân nhắc thỉnh thoảng hẹn hò với bản thân: đi tập thể dục, đi dạo ngoài trời, mua sắm hoặc đi du lịch ngắn ngày… Những hoạt động này tuy nhỏ cũng góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và làm dịu đi những cảm xúc khó khăn bạn đang gặp phải. 


From the same category