– Chào Ken Ochiai. Trở lại sau hai năm với một bộ phim mới, cảm giác của anh như thế nào?
– Làm phim ở Việt Nam là một trong những trải nghiệm tuyệt vời của cuộc đời tôi. Tâm thế của tôi trong lần trở lại này là phải làm tốt hơn phim “Vệ Sĩ Sài Gòn” (2016) không chỉ về mặt doanh số mà còn phải có nội dung thuần Việt và hướng tới người Việt nhiều hơn.
Trong hai năm qua, từ những góp ý của bộ phim đầu tiên, đồng thời dõi thị trường phim ảnh Việt và xem rất nhiều phim Việt Nam; tôi dần học hỏi, nắm bắt tâm lý khán giả Việt nhiều hơn. Quả thật, tôi chịu khá nhiều áp lực mà nếu không có sự hỗ trợ của mọi người, và của anh Charlie Nguyễn, thì khó mà vượt qua được.
– Tại sao anh lại chọn một kịch bản về đề tài gia đình, hài tình cảm khá thuần Việt cho lần quay trở lại này?
– Vì tôi thích phim hài. Thể loại phim không phải yếu tố quan trọng, thay vào đó là thông điệp mà bộ phim truyền tải. Tôi muốn xoáy sâu vào mối quan hệ giữa các nhân vật chính, vào cái cách mà họ tìm thấy cảm giác an toàn, bình yên, cái cách mà người ta tìm về nơi họ thuộc về. Phim “Hồn papa da con gái” là một ví dụ. Cả bộ phim là hành trình mà ông bố và con gái tìm được sự hòa hợp với nhau sau cái chết của người mẹ. Bạn có thể thấy, các bộ phim của tôi đều giống nhau ở chỗ, vẻ đẹp trong tâm hồn nhân vật chính sẽ được bộc lộ trên con đường tìm kiếm sự bình yên.
Tôi cũng rất trân trọng cơ hội được làm việc với Thái Hòa. Sau “Vệ sĩ Sài Gòn”, tôi luôn tự hỏi mình sẽ làm gì với Thái Hòa nữa đây? Ai cũng nghĩ thế mạnh của anh Hòa là diễn hài nhưng thật ra anh Hòa diễn “drama” rất xuất sắc. Đối với tôi thì Thái Hòa như Charlie Chaplin của Việt Nam.
– Có nhiều ý kiến trái chiều về chi tiết thuốc lá trong phim, dẫu là thuốc lá điện tử. Lúc phát triển kịch bản, anh có biết đây là chi tiết cực kỳ nhạy cảm trên màn ảnh Việt không?
– Tôi biết nhưng vẫn làm vì tôi liều. Giống như phim “Em Chưa 18” với câu chuyện một người đàn ông 30 tuổi cặp kè với một cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên. Rồi “Em chưa 18” thành công vì sự liều lĩnh đó. Nếu người làm phim nào cũng e ngại những thứ nhạy cảm rồi né tránh thì họ không thể tự do làm nghệ thuật được.
Thực tế, bản thân tôi không hút thuốc và cũng không cổ vũ thói quen nguy hại này. Chi tiết này tôi đã có trao đổi với anh Charlie Nguyễn cùng ê kíp và mọi người rất thận trọng để làm sao khi đưa vào phim thật hợp lý và không quá phản cảm.
– Nhưng rõ ràng anh đã để một nữ sinh làm điều đó?
– Nhân vật Châu (và ngay cả diễn viên đóng vai này) đều 18 tuổi. Ở đâu cũng vậy, không ai thích chuyện học sinh hay bất kỳ thanh thiếu niên 18 tuổi nào hút thuốc cả. Như đã nói ở trên, chi tiết này thực chất là một sự liều lĩnh để mọi người nhìn nhận đó là công cụ của một buổi trình diễn nghệ thuật chứ không tạo chú ý vào hành động hút thuốc. Hơn nữa, nhân vật sử dụng Vape (thuốc lá điện tử) chứ không phải là thuốc lá thật. Trong “Hồn papa da con gái”, ngay từ đầu phim chúng tôi khuyến cáo rất nhiều về điều này và cũng không có cảnh nào trong phim khuyến khích mọi người làm theo hay hút thuốc cả.
– Anh có hài lòng với doanh thu của “Hồn papa da con gái”?
– Đây là thứ tôi không thể kiểm soát được. Bản thân tôi đã làm tốt nhất trong khả năng của một nhà sản xuất kiêm đạo diễn. Doanh thu của phim còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Phim đã có gần 1 triệu lượt khán giả đến rạp xem. Tôi nghĩ đó là một tín hiệu khả quan.
– Dự án tiếp theo của anh là gì?
– Tôi muốn thử thách với thể loại nhạc kịch. Tôi biết bạn sẽ nói sao mà chọn thể loại khó làm quá vậy. Nhưng tại sao tôi chỉ được chọn cái gì đó dễ dàng? Con người lên được mặt trăng và người ta chọn hướng đi đấy bởi vì nó khó (cười lớn).
– Nhưng anh thừa hiểu, với nhạc kịch thì phần thoại sẽ là yếu tố tối quan trọng, trong khi anh lại là người nước ngoài…
– Tôi hiểu những khó khăn mà bạn muốn nói đến. Thật sự, đây vừa là thử thách vừa là cơ hội để tôi buộc bản thân phải nỗ lực vượt qua các chướng ngại trước mắt. Trong một khía cạnh nào đó, tôi thấy nhạc kịch có vài ưu điểm phù hợp với các đạo diễn nước ngoài như tôi khi thực hiện. Chẳng hạn, các diễn viên phải học thuộc lời và vũ đạo trước khi quay, vì đây là hai điều hiếm khi thay đổi trên hiện trường. Tôi khá tự tin và lạc quan với dự án này.
– Tại sao anh vẫn tập trung vào thị trường Việt Nam thay vì Nhật Bản hay Mỹ?
– Vì tôi thích Việt Nam. Ở đây, tôi có nhiều cơ hội cũng như được làm việc với ê kip người Việt rất giỏi và đa năng. Một số nhà đầu tư khá hứng thú với dự án mới của tôi nên tôi sẽ sớm quay lại. Ngoài ra, chúc mừng năm mới tạp chí Đẹp và mọi người.
– Cảm ơn anh. Nhân tiện nhắc tới năm mới, chắc hẳn anh cũng đã có nhiều trải nghiệm thú vị khi đón Tết tại Việt Nam?
– Khoảng 4 năm trước, lần đầu tiên tôi được “ăn” Tết Việt và hoàn toàn bị sốc. Tôi không tưởng tượng được phố xá lại vắng vẻ và trống rỗng đến thế. Khó khăn nhất là hàng quán đều đóng cửa khiến tôi rất khổ sở tìm quán ăn. Lúc ấy tôi cũng chưa có nhiều bạn bè ở đây nên cũng chưa có cơ hội chúc Tết mọi người. Nhưng tôi thích bánh chưng lắm!
Tôi nghĩ Tết và các dịp lễ truyền thống là cơ hội quý giá gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau nên những ngày lễ này cần được duy trì. Đặc biệt là với một người cả năm phải bôn ba bên ngoài như tôi.
– Tết ở Nhật Bản và Tết Việt hẳn là có sự khác biệt nhiều đúng không, thưa anh?
– Bạn cũng biết là Nhật Bản đã ngừng đón Tết theo âm lịch và đón Tết Dương lịch (1/1) tuy vậy vẫn có một số hoạt động truyền thống được lưu giữ. Ví như trong dịp năm mới, mọi người đều đoàn tụ và cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Ngày này, người Nhật sẽ ăn mì Soba truyền thống, một loại mì sợi dài với hi vọng cầu chúc cho một năm mới nhiều sức khỏe.
Nhật Bản cũng có các món ăn truyền thống vào dịp Tết và được chuẩn bị trước để không cần phải nấu nướng trong suốt tuần lễ đầu của năm mới đâu. Trước đây, ba ngày đầu tiên của năm mới, việc sử dụng lò sưởi và nấu các bữa ăn là một điều cấm kỵ, ngoại trừ việc nấu súp mochi (hay còn gọi là Ozoni)*. Phụ nữ Nhật cũng không phải nấu nướng nhiều trong ngày này mà sẽ cùng gia đình đến đền chùa để cầu nguyện, chơi các trò chơi truyền thống và đi thăm họ hàng.
– Cám ơn anh. Chúc anh năm mới nhiều thắng lợi và thành công với các dự án mới.
(*): “Osechi ryori” là bữa ăn mà hầu hết người Nhật Bản dùng vào đầu năm mới và không hề có trong bất kỳ thực đơn của nhà hàng nào tại Nhật Bản. Bữa ăn này chỉ được nấu và thưởng thức trong vài ngày đầu của Tháng Giêng và tại nhà của người Nhật.