Kem chống nắng thoa thế nào cho đúng? - Tạp chí Đẹp

Kem chống nắng thoa thế nào cho đúng?

1. Da trắng hay da nâu đều cần lượng kem chống nắng như nhau

Những suy nghĩ như “Da đã ngăm rồi thì có thoa kem chống nắng cũng không trắng lên được”, hoặc “Hưởng ứng trào lưu da nâu nên không cần dùng kem chống nắng” đều rất sai lầm. Làn da nâu ngăm có độ chống nắng tự nhiên khoảng SPF 4, hoàn toàn không đủ bảo vệ bạn khỏi tác hại của tia tử ngoại. 

Nếu phơi nắng nhiều, nhất là khi đi bơi hay tắm biển, da bạn vẫn dễ bị bỏng nắng, đau rát, bong tróc. Những vết thâm nám, tàn nhang có thể không xuất hiện rõ trên da nâu ngăm, nhưng tia tử ngoại vẫn khiến da bạn lão hóa nhanh, khiến da có nhiều nếp nhăn, không còn vẻ căng mịn như bạn kỳ vọng. 

2. Đừng dựa dẫm vào mỹ phẩm trang điểm có chỉ số SPF

Cụ thể như các loại kem nền, BB cream hay cushion của Hàn Quốc thường có chỉ số SPF rất cao, nhưng không đủ khả năng bảo vệ da toàn diện. Nhất là khi bạn thích trang điểm mỏng nhẹ, thì một lượng kem trang điểm ít ỏi lại càng cung cấp không đủ liều SPF cần thiết. Nếu không thích tốn thời gian cho 2 bước tách biệt là thoa kem chống nắng trước rồi tán nền sau, thì hãy trộn luôn kem chống nắng của bạn với kem nền rồi thoa lên da.

3. Chỉ số SPF 30 là vừa đủ

Một bức ảnh do Hudvis (@hudvis) đăng vào Th04 11, 2016 lúc 8:13am PDT

Các chuyên gia đã khẳng định rằng, các loại kem chống nắng có chỉ số SPF 30 và SPF 85 cũng chẳng có tác dụng khác nhau là mấy. Điều quan trọng là bạn phải thoa đủ lượng kem chống nắng cần thiết (khoảng 1 đồng xu nhỏ cho cả khuôn mặt), và khi hoạt động liên tục ngoài trời thì nên thoa lại sau khoảng 2 tiếng đồng hồ. 

Kem chống nắng SPF 30 được đánh giá là vừa đủ cho nhu cầu chống nắng hàng ngày. Chỉ khi bạn thường xuyên phải đi máy bay, hoặc đến những vùng khí hậu khắc nghiệt thì mới cần thiết dùng kem có chỉ số SPF cao hơn. 

4. Vậy còn chỉ số PA thì sao?

SPF là chỉ số thể hiện khả năng chống tác hại của tia UVB (gây bỏng rát, ngứa, đỏ da, thể hiện ngay tức thời), còn PA thể hiện khả năng chống tác hại của tia UVA (gây lão hóa, nếp nhăn trong thời gian dài). PA là chỉ số thường được dùng trong các loại mỹ phẩm châu Á, với các dấu “+” phía sau, càng nhiều dấu “+” thì càng có khả năng bảo vệ trong thời gian dài. 

Nhưng cũng giống như SPF, bạn cũng không nên quá mê muội đuổi theo các loại mỹ phẩm đề nhãn “PA++++” và tin tưởng rằng chúng có thể bảo vệ bạn tới 16 tiếng đồng hồ. Quan trọng vẫn là bạn phải dùng đủ liều lượng, thoa lại nhiều lần nếu đứng dưới nắng trong thời gian dài. 

Nếu dùng kem chống nắng của các nước Âu Mỹ (không có chỉ số PA) thì bạn hãy tìm cụm từ “broad-spectrum” để đảm bảo sản phẩm đó bảo vệ da bạn khỏi cả tia UVA và UVB.

5. Dùng kem chống nắng dạng xịt hay dạng sữa đều được

Kem chống nắng dạng xịt được yêu thích vì sử dụng nhanh chóng, nhanh thấm vào da, nhưng không phải vì cảm giác mỏng nhẹ này mà bạn phải lo lắng rằng nó không có tác dụng tốt như kem dạng sữa thông thường. Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo xịt đủ mọi vị trí trên da cần được bảo vệ, ví dụ như cả bàn chân, khuỷu chân, sau tai v.v… Nếu cảm thấy không yên tâm thì có thể xịt 2 lần, giữ chai xịt cách da khoảng 15cm. 

Bài: Eve Nguyễn

Ảnh: Instagram

logo

Thực hiện: depweb

12/04/2016, 16:02