1. Chỉ số chống nắng có quá quan trọng?
SPF15, 20, 30 hay 50 liên quan đến thời gian kem chống nắng giúp da bạn không bị cháy bỏng dưới ánh mặt trời, chứ không mang lại hiệu quả quá khác biệt trong việc chống lại tia UV. Theo thứ tự, chúng vẫn chống được 93, 95, 97 và 98% tia UVB – loại tia gây ra ung thư và những tổn thương có thể nhìn thấy ngay bằng mắt như cháy đỏ, bong da. Nếu thông thường, da bạn bị cháy nắng sau 5 phút, thì khi dùng sản phẩm chứa SPF15, nó sẽ được bảo vệ trong khoảng thời gian dài gấp 15 lần, tức 75 phút. Tất nhiên, khoảng thời gian dẫn đến da bị tổn thương dưới nắng của mỗi người là khác nhau, vì vậy với cùng một chỉ số SPF, sản phẩm có thể bảo vệ da người này lâu hơn, da người kia kém hơn.
Ngăn tia UVA tác động đến da là một việc cực kỳ quan trọng, bởi đây chính là tác nhân gây lão hóa nhanh nhất, kinh khủng nhất. UVA có mọi lúc, mọi nơi, trong mọi mùa, có thể xuyên qua kính và vải. Chúng làm tiêu hủy collagen và elastin, gây hiện tượng da chảy nhão, nhăn nheo, đổi màu, khiến da xuống dốc không phanh. Để đảm bảo da được bảo vệ khỏi tia UVA, bạn không nên chỉ chọn kem chống nắng có chỉ số SPF mà phải bao gồm cả chỉ số PA với càng nhiều dấu + phía sau càng tốt (mức chống UVA cao nhất hiện nay là PA++++). “Broad-spectrum” hay “full-spectrum” cũng là những tín hiệu cho biết loại kem chống nắng có khả năng quang phổ rộng, chống lại được cả tia UVA và UVB.
2. Liều lượng hợp lý cho chống nắng dạng kem, dạng xịt và dạng thỏi?
Cách đong thông thường cho sản phẩm chống nắng dạng kem là 1/4 thìa cà phê cho khuôn mặt, 1/4 thìa cà phê cho cổ và 1 chén uống rượu nhỏ cho cả cơ thể. Nhưng thế giới của các sản phẩm chống nắng đang ngày một trở nên đa dạng. Ngoài những tuýp kem, ta có thể tìm thấy những chai xịt, thỏi sáp lăn hay thậm chí cả viên uống và khăn lau chống nắng. Với những dạng thức mới này, ước lượng bao nhiêu là đủ?
Các chuyên gia da liễu khuyên bạn nên đặt chai xịt cách bề mặt da khoảng 5cm, tránh đứng trước gió, xịt qua xịt lại cho tới khi thấy bề mặt da ánh lên, sau đó dùng ngón tay vỗ hợp chất cho thấm đều vào da. Với các loại thỏi chống nắng, cần lăn qua lăn lại bề mặt da 2 lần, tức là trải đủ trên da 4 lớp chống nắng.
Sản phẩm chống nắng dù có trong và mỏng đến cỡ nào đi nữa cũng khó tránh được hoàn toàn việc gây nặng, bí da nếu thoa liền một lượng lớn. Vì vậy, bí quyết cho bạn là hãy chia liều lượng thành 2 lần. Bôi hết lớp này, đợi hợp chất thẩm thấu rồi bôi lớp khác. Sau khi hoàn tất, nếu thấy da mặt bị bóng, hãy dùng giấy thấm dầu thấm bớt và phủ lên một lớp phấn bột có chỉ số chống nắng để làm mờ bề mặt da.
Phấn trang điểm chống nắng Shiseido UV Protective Compact Foundation SPF35 / PA+++: 790.000VND
3. Thời gian cần bôi lại kem khi đi bơi?
“Bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ” là lý thuyết mà có lẽ thời đại này, phụ nữ nào cũng đã nằm lòng, chỉ là không rõ họ có thực hiện nổi hay không. Cho dù bạn đang dùng sản phẩm chống nắng vật lý hay hóa học, dạng xịt, kem hay nước…, nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc này. Khi đi bơi, bạn phải bôi lại nhiều lần hơn. Nếu dùng loại chống nắng có dán nhãn “very water resistant” (cực kỳ chịu nước), bạn cần bôi lại sau mỗi 80 phút. Còn nếu sản phẩm bạn dùng có mác “water resistant” (chịu nước), bạn nên lên bờ, thấm khô người và bôi lại kem sau mỗi 40 phút bơi lội.
4. Bôi lại kem chống nắng bằng cách nào?
Có 2 lý do chính khiến đa phần phụ nữ không bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 tiếng. Thứ nhất: họ quên. Thứ hai: họ không biết phải làm thế nào, bôi đè lên lớp makeup hay xóa toàn bộ khuôn mặt đi rồi bôi tất cả lại từ đầu. Và đây là câu trả lời: nếu bạn dùng sản phẩm chống nắng dạng kem hoặc dạng nước, tất nhiên không thể bôi chúng lên trên lớp phấn sáp kì công bạn đang có. Trong trường hợp này, bạn nên tẩy trang và bôi lại từ đầu. Để không lâm vào tình cảnh bi đát đó, bạn có thể dùng xịt chống nắng, cushion chống nắng hoặc phấn phủ chống nắng ở những lần sau. Các sản phẩm này có thể phủ lên trên lớp makeup mà không khiến khuôn mặt trở nên nhòe nhoẹt.
5. Kem chống nắng hóa học, vật lý, hay… gì?
Kem chống nắng vật lý hoạt động như một bức tường thành chắn lại các tia UV. Nó an toàn cho da nhạy cảm nhưng có đặc điểm hơi “dễ ghét” là thường để lại một lớp màng trắng, cần mất chút thời gian để sản phẩm tiệp hoàn toàn vào da. Đặc điểm nhận biết kem chống nắng vật lý: có ký hiệu sunblock và thành phần có chất zinc oxide, titanium dioxide. Kem chống nắng vật lý sẽ phát huy tác dụng ngay sau khi bôi, chúng bền vững nên thường được khuyên dùng khi hoạt động dưới nước.
Kem chống nắng chịu nước Shiseido Perfect UV Protector SPF 50+ / PA++++: 930.000VND
Kem chống nắng hóa học hoạt động như một màng lọc hóa học, bằng cách hấp thụ và thẩm thấu các tia UV trước khi chúng kịp gây hại cho da. Kem chống nắng hóa học không gây màng trắng và cũng ít phù hợp với da nhạy cảm. Chúng được gọi bằng tên sunscreen, trong thành phần thường có các chất mang đuôi –benzone hoặc –salate. Khi dùng kem chống nắng, bạn cần đợi 20 phút cho các hoạt chất thật sự thẩm thấu và hoạt động rồi mới nên ra ngoài.
Bởi kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý đều mang những ưu điểm xen lẫn nhược điểm cố hữu, một thế hệ kem chống nắng mới đã ra đời nhằm đáp ứng những người có yêu cầu khắt khe hơn. Tinosorb là dạng lai hoàn hảo giữa kem chống nắng vật lý và hóa học. Chúng bền vững như kem chống nắng vật lý, tính thẩm mỹ cao như kem chống nắng hóa học, và chứa quang phổ rộng chống lại được cả tia UVA lẫn tia UVB. Nếu là một “con nghiện” kem chống nắng, bạn nhất định nên thử Tinosorb.
– Nên chia khối lượng kem cần bôi thành 2 hoặc 3 lần, đợi lớp này khô mới đến lớp tiếp theo.
– Nên dùng ngón tay vỗ cho kem thấm vào da thay vì bôi lan trên bề mặt da.
– Nếu kem chống nắng quá bóng, sử dụng giấy thấm dầu thấm bớt.
– Cuối cùng, phủ một lớp phấn bột có chỉ số SPF để làm mờ bề mặt da.
Bài: Hương Thủy