Kefir là một loại đồ uống lên men có nguồn gốc từ Nga, có kết cấu khá giống với sữa chua. Kefir cũng chứa nhiều men vi sinh có lợi cho tiêu hóa, giúp hỗ trợ cung cấp các vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Đây là đồ uống đặc biệt có lợi giúp trung hòa các tác hại từ việc ăn uống quá nhiều các thực phẩm chế biến sẵn. Đặc biệt, kefir có thể được coi là một thực phẩm bổ sung rất hiệu quả dành cho các thực đơn giảm cân, vì kefir chứa nhiều protein, nhiều chất dinh dưỡng mà rất ít calo.
Nếu ăn một chén sữa kefir không đường, bạn sẽ bổ sung vào cơ thể tới 10,5 gram protein mà chỉ hấp thụ khoảng dưới 100 ca lo, giúp bạn dễ cảm thấy no bụng mà không sợ tích trữ thêm chất béo. Trong kefir còn chứa rất nhiều phốt pho, đây là một chất giúp đốt cháy năng lượng để tăng cường sản sinh năng lượng cho các hoạt động hàng ngày, đồng thời kích thích phát triển tế bào, giúp cơ thể thêm khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực.
Nếu bạn là người rơi vào trạng thái dễ tăng cân do hay bị căng thẳng, thì kefir cũng là một thức uống lý tưởng, vì kefir chứa nhiều vitamin B1 giúp giảm căng thẳng, chứa nhiều vitamin B12 giúp tăng cường lưu thông máu và nuôi dưỡng hệ thần kinh, và acid amino giúp tạo cảm giác thư giãn, thoải mái. Ngoài ra, mỗi 175 gram kefir cung cấp khoảng 20% nhu cầu canxi mỗi ngày, giúp xương và răng chắc khỏe, hỗ trợ cho các hoạt động thể dục thể thao mà bạn lựa chọn để giữ dáng.
Kefir nước có dạng tinh thể có màu vàng, còn kefir sữa có dạng miếng mềm như pho mát màu trắng sữa. Kefir nước được lên men từ các loại nước ép trái cây, nước dừa và nước đường hữu cơ. Còn kefir sữa được lên men từ sữa, có thể là sữa bò hoặc sữa dê, thậm chí sữa cừu hoặc sữa đậu nành. Kefir nước có thể được pha vào các món thạch trái cây, nước sốt salad, kem và sinh tố trái cây, rau củ, có thể pha thành nước uống thay nước ngọt có ga hay nước trái cây. Kefir sữa cũng có thể dùng làm nước sốt salad hay sinh tố, có thể dùng thay bơ, sữa chua, ăn kèm với trái cây.
Để tự làm kefir sữa, bạn cần bắt đầu từ hạt kefir “giống”, bạn có thể mua hoặc xin của người quen, vì rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ bớt kefir do mình đã “nuôi” quá nhiều. Cho hạt kefir vào lọ thủy tinh sạch và đổ sữa vào đầy ¾ lọ. Dùng thìa gỗ hoặc thìa nhựa khuấy nhẹ rồi dùng một miếng vải bịt lên miệng lọ, lấy dây chun buộc chặt lại. Để lọ sữa này ở nhiệt độ phòng trong khoảng 24 giờ. Sau 1 ngày, bạn sẽ thấy sữa trong lọ đóng váng gần giống như sữa chua, bạn có thể bắt đầu lọc ngay hoặc đợi vài ngày nữa. Khuấy đều hỗn hợp trong lọ rồi lọc bằng vải, chú ý không dùng vợt lọc bằng kim loại. Giữ lại phần men kefir để tiếp tục “nuôi”, còn phần sữa có thể uống trực tiếp, hay chế biến thành sinh tố, hoa quả dầm v.v…
Với kefir nước, thao tác đầu tiên bạn cần làm là cho 1/3 chén đường pha với 1 chén nước rồi đun lên cho ấm, không để sôi. Đợi đường tan hết và nước nguội bớt, bạn pha thêm 4,5 chén nước vào hỗn hợp này rồi mới cho hạt kefir “giống” vào. Các bước tiếp theo tương tự như cách làm kefir sữa: dùng miếng vải bịt chặt miệng lọ, để trong phòng sau 24 giờ hoặc lâu hơn, càng để lâu thì nước càng bớt ngọt. Bạn cũng không được dùng vợt kim loại khi lọc lấy nước kefir, và có thể giữ phần xác để tiếp tục làm men nuôi kefir. Phần nước lọc được có thể uống trực tiếp, hoặc pha thêm chanh, gừng hay một chút hương liệu hoa quả cho dễ uống.
Thời điểm tốt nhất để uống kefir là vào buổi sáng, khi chưa ăn uống gì hết. Nhất là với những người không có thời gian ăn sáng, thì uống kefir là một cách giúp bạn tráng một lớp bảo vệ cho dạ dày, giúp bạn đỡ bị đau dạ dày nếu uống cà phê hay đồ có cồn. Bạn cũng có thể dùng kefir để uống vào giữa buổi, khi thấy đói và thèm ăn vặt, bạn sẽ thấy ngon miệng, no bụng mà lại tránh xa được các món ăn vặt dễ gây tăng cân.