Kẻ về nhì cay đắng - Tạp chí Đẹp

Kẻ về nhì cay đắng

Sống

Trong số những người về nhì, có lẽ cay đắng nhất và cũng đáng buồn nhất là bị về nhì trong những cuộc thi chỉ có… hai người. Nói như vậy, cũng có nghĩa là người về nhất được tất cả, người về nhì trắng tay.

Khi cuộc đua đã chỉ có hai người, thì chẳng bao giờ tài nghệ giữa hai người quá chênh lệch mà thông thường “bên tám lạng, bên nửa cân” (ở đây, nói về cân ta dùng thời trước mà một cân chia thành 16 lạng. Như vậy nửa cân tức 16 lạng chia đôi cũng chính là tám lạng).

Trong những cuộc thi “kỳ phùng địch thủ” ấy, kẻ “tám lạng” và người “nửa cân” thường chỉ dựa vào một điều may rủi nào đó mà thắng. Người thắng cũng hú vía, xuýt xoa, còn người thua thì ấm ức khôn nguôi với biết bao điều “đáng lẽ…” và “giá như…”

Chuyện xưa kể rằng, đời vua Hùng thứ 18, hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh đều đến cầu hôn cô Mỵ Nương, con gái rượu của nhà vua. Cả hai chàng đều đẹp trai, giàu có, võ nghệ siêu quần và đều là con nhà đại gia cả. Chàng nào cũng xứng đáng. Vua cha rất bối rối “chỉ có một nàng mà hai rể, vua cho rằng thế cũng hơi nhiều” (Nguyễn Nhược Pháp), bèn đưa ra lời thách đố cực kỳ khó khăn: sính lễ là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Cả hai chàng đều tìm được bảo vật hiếm hoi đó, nhưng có lẽ vì “kẹt xe” nên Thủy Tinh đến chậm hơn chút đỉnh, đành làm “người về nhì”. Oái oăm thay, người về nhất là Sơn Tinh hốt trọn gói cô tiểu thư thập phần xinh đẹp, còn “người về nhì” là Thủy Tinh tay không trở về với sự bẽ bàng.

Trong tâm trạng uất ức, người về nhì không kiềm chế được mình đã đùng đùng gậy binh đao và kẻ thắng phải vất vả chống đỡ. Cuộc ác đấu gây lụt lội khiến nhân dân vô cùng khổ sở.

Nhưng đó chỉ là truyện cổ tích để nhân dân lý giải vì sao có lũ lụt hàng năm.
Cuộc song đấu giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ cứ 4 năm một lần là chuyện đương đại. Mỗi ứng cử viên, trước lúc bước vào cuộc đua gay gắt và quyết liệt, phải cọ sát đến toé máu trong cuộc bỏ phiếu giữa nhiều ứng cử viên trong Đảng của mình cho đến khi mỗi Đảng bầu ra được một đại diện duy nhất.

Cuộc giành giật từng lá phiếu không kém phần ác liệt đến sứt đầu mẻ trán và không chỉ dân chúng Hoa Kỳ mà toàn thế giới say sưa theo dõi trận thư hùng. Từng có những cuộc căng thẳng đến mức chỉ chênh lệch vài trăm phiếu trong số hàng trăm triệu cử tri như trường hợp giữa Al Gore và George Bush năm 2000.

 

Phần thưởng của người về nhất là chiếc ghế quyền lực nhất thế giới, bởi ông chủ Nhà Trắng là người đứng đầu cường quốc số 1 ngày nay. Người về nhất sẽ đi vào lịch sử, xuất hiện hàng ngày trên tivi tất cả các nước. Còn người về nhì sẽ rơi tõm vào sự lãng quên, vài tháng sau đã chẳng mấy ai nhớ đến. May mắn lắm vớt vát cái ghế Thượng nghị sĩ, nhưng nhiều vị bị trắng tay.

Tất nhiên cay cú, ấm ức vì “nó có hơn gì mình”… nhưng với tính galăng, phong lưu mã thượng, và kinh nghiệm của những chính trị gia lão luyện, dường như chẳng bao giờ kẻ thua cuộc xử sự như Thủy Tinh. Ông ta luôn luôn công nhận thất bại, “thành thật chúc mừng” người chiến thắng khi cuộc đua đã ngã ngũ.

Âu đó cũng là một nét văn hoá của những kẻ về nhì.

Tuấn Hà

Thực hiện: depweb

14/05/2009, 15:06