Kẻ thắng người thua tại chiến trường Hollywood 2015

“Jurassic World”

Universal – ông vua mới của Hollywood

Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) với các thành viên là 6 gã khổng lồ trong giới phát hành phim thế giới, gồm 20th Century Fox, Paramount Pictures, Sony Pictures Entertainment, Universal Studios, Walt Disney Studios, Warner Bros. Entertainment, gần như vừa trải qua một năm trong tình thế “được ăn cả, ngã về không”.

2015 là cột mốc khó quên trong lịch sử 103 năm của Universal. “Fast & Furious 7”, “Jurassic World” “Minions”, cả ba bộ phim do hãng phát hành đều cùng vượt ngưỡng 1 tỉ USD – điều mà trong suốt hơn một thế kỷ trước đó, Universal chưa bao giờ đạt được tại phòng vé quốc tế lẫn nội địa. Thậm chí, bộ phim chủ đề tính dục “Fifty Shades of Grey” chuyển thể tiểu thuyết cùng tên, được làm với kinh phí khoảng 40 triệu USD cũng mang về doanh số cao đến không tưởng cho thể loại phim tình cảm/lãng mạn gần 570 triệu USD.

“Fast & Furious 7”

“Minions”

“Ant-Man”

Chính vì vậy, dù ít nhiều thành công với “Ant-Man”, “Cinderella”, “Inside Out”, “Avengers: Age of Ultron”…, hãng Disney – bá chủ phòng vé thế giới từ nhiều năm qua – cũng không thể đụng đến ngai vàng của vị vua mới – Universal. Đó là chưa kể đến thất bại lớn nhất của Disney trong năm 2015 – “bom xịt” “Tomorrowland”. Dù George Clooney đóng vai chính cùng kinh phí sản xuất lên tới 190 triệu USD, tác phẩm khoa học giả tưởng này cũng chỉ thu về khoảng 208,6 triệu USD. Con số lỗ nặng đã khiến Disney quyết định hủy dự án bom tấn “Tron 3” với kinh phí dự kiến khoảng 200 triệu USD, khiến nhiều fan hâm mộ thất vọng và phản đối.

20th Century Fox, Sony Pictures, Warner Bros. và Paramount Pictures là những cái tên bị dồn vào thế thất thủ của năm. Tính đến thời điểm hiện tại, Warner Bros. vẫn chưa có bộ phim nào vượt qua mức 500 triệu USD. Fox còn trở thành tâm điểm truyền thông với bom tấn “Fantastic Four” bị giới phê bình chê bai tơi tả, kéo theo đó là thảm bại tại phòng vé khắp nơi trên toàn cầu. Niềm hy vọng gỡ gạc bằng “Hitman: Agent 47” cũng bị cả giới phê bình lẫn khán giả ghẻ lạnh. Đáng tiếc là trường hợp của Paramount, dù khởi đầu với “Mission: Impossible Rogue Nation” đạt được thành công lớn nhưng tiếp sau đó, “thương hiệu khủng” “Terminator: Genisys” lại là nỗi thất vọng lớn nhất của năm, khi thu chưa đến 90 triệu USD tại Mỹ. Nguyên nhân được cho là cốt truyện mới quá hời hợt, diễn biến mờ nhạt và cuối cùng phải trông chờ đến chút danh tiếng sót lại của Arnold Schwarzenegger để gỡ gạc ở thị trường nước ngoài. Còn Sony Pictures như một lão già chậm chạp, không có nổi một phim nào vượt mức 100 triệu USD tại thị trường nội địa trong năm nay, tính đến thời điểm hiện tại.

“Mad Max”

“Mad Max: Fury Road” – tiếc nuối lớn nhất của năm

Được xem là sự trở lại của một trong những tượng đài phim hành động của mọi thời đại, kịch bản thông minh, lối kể chuyện tài tình, những cảnh hành động gây sửng sốt thị giác… – tất cả được nhào nặn dưới bàn tay của đạo diễn đại tài George Miller, “Mad Max: Fury Road” đã phủ sóng chờ đợi của người hâm mộ khắp mọi nơi trên thế giới cùng chiến dịch quảng bá khôn ngoan. Giới phê bình không tiếc lời khen ngợi đây là siêu phẩm hành động hay nhất trong năm.

Nhưng bom tấn này lại không mấy thành công ở khía cạnh doanh thu với số tiền lời ít ỏi, dẫn đến hy vọng cho hai phần kế tiếp đang trong thế “chỉ mành treo chuông”. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là George Miller đã thay đổi hồn cốt của bộ phim. Nhân vật đầy nam tính Mad Max đột nhiên bị biến thành một vai phụ mờ nhạt làm nền cho các đả nữ tung hoành trên màn ảnh. Nếu cứ tiếp tục kiểu “cải lùi” như “Mad Max: Fury Road”, thì thương hiệu “Mad Max” danh giá trong tương lai sẽ chỉ còn mỗi cái tên và có thể chịu chung số phận với loạt phim về gã người máy hủy diệt Terminator!

Kỳ vọng nào cho hai tháng cuối năm?

Phim kinh dị của đạo diễn bậc thầy Guillermo del Toro – “Crimson Peak”. Tác phẩm tình cảm/chính kịch “By the Sea” do Angelina Jolie làm đạo diễn kiêm đóng vai chính cùng ông xã Brad Pitt. Bộ phim hoạt hình thứ hai của Pixar trong năm – “The Good Dinosaur”. Quả bom tấn “Star Wars: The Force Awakens”. Siêu phẩm thần thoại “In the Heart of the Sea”. Phiên bản làm lại của “Point Break”. Phim hoạt hình “The Peanuts Movie”. Bộ phim cải biên về nhân vật nhà khoa học quái đản Victor Frankenstein – phim gián điệp mới của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg – “Bridge of Spies”. Và hơn hết là tập phim mới về điệp viên James Bond 007 mang tên “Spectre”, với kinh phí sản xuất lên đến 300 triệu USD… – Đó là những cái tên mà người hâm mộ trung thành của môn nghệ thuật thứ bảy có thể chờ đợi. Tuy nhiên, trong điện ảnh luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Đó là sự xuất hiện của rất nhiều bộ phim nhỏ vào dịp cuối năm, rồi bất ngờ gây sốt truyền thông và phòng vé… – điều vẫn thường xuyên diễn ra ở các năm trước.

“Crimson Peak”

2016 – vẫn là kỷ nguyên của bom tấn hành động và phim siêu anh hùng

2015 là cột mốc khó quên trong lịch sử 103 năm của Universal với ba bộ phim cùng vượt ngưỡng 1 tỉ USD – điều mà trong suốt hơn một thế kỷ trước đó, Universal chưa bao giờ đạt được tại phòng vé quốc tế lẫn nội địa. Nhưng bên cạnh đó, không ít “gã khổng lồ” gần như vừa trải qua một năm trong tình thế “được ăn cả, ngã về không”.
Tại hội chợ Comic – Con San Diego vừa qua, hãng Warner Bros. đã chiêu đãi khán giả hai trailer dài hơn 3 phút của bộ đôi “Batman vs. Superman: Dawn of Justice”“Suicide Squad” mà hãng hợp tác cùng DC Comics như một lời tuyên chiến chính thức với thế giới điện ảnh siêu anh hùng đã kéo dài hơn 7 năm của Marvel và Disney. Thế giới X-men và hãng Fox cũng không kém cạnh khi có đến tận ba bộ phim về dị nhân là “Deadpool”, “X-Men: Apocalypse”“Gambit” cùng nhau ra rạp trong năm sau. Đó là còn chưa tính các siêu phẩm khác cũng đã xếp lịch phát hành. Có người nói rằng phim siêu anh hùng đang dần đi vào lối mòn và sẽ sớm biến mất, nhưng thực trạng cho thấy, thể loại phim này trong tương lai vẫn còn kiếm tỉ tỉ USD mà chưa thấy điểm dừng.

Dù được xem là một năm đầy biến động khi cảnh tượng “kẻ sống, người chết” liên tục xảy ra giữa các nhà phát hành, nhưng chung quy khán giả vẫn luôn là người có lợi nhất khi vừa có cái để coi, để bàn cãi, để khen ngợi hay chê bai… và thậm chí là học hỏi từ nghệ thuật điện ảnh.

 
Bài: Bá Vũ

logo


From the same category