Kẻ độc hành lủi thủi

Giá một bức tranh của ông có khi ngang ngửa giá một chiếc xe hơi. Ông là một trong những danh họa Việt Nam còn sống có tranh bán với giá cao nhất so với mặt bằng giá tranh Việt Nam đương đại.

Chỉ riêng số tranh sơn dầu ông vẽ trong 8 năm trở lại đây, tức là từ năm 72 tuổi đến năm 80 tuổi (cái tuổi nghỉ ngơi của nhiều người) phủ kín hàng ngàn mét vuông toan, đã là giấc mơ của nhiều họa sĩ đang sung sức.

30 năm giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, ông là bậc thầy của nhiều họa sĩ nổi tiếng hiện nay.

Nhưng đám đông công chúng rất ít người biết đến ông – họa sĩ Trần Lưu Hậu, một kẻ độc hành lủi thủi.

Bây giờ người ta chỉ nói đến giới trẻ trong văn nghệ. Chữ văn nghệ trẻ trong đời sống văn nghệ hôm nay đã thực sự trở thành một tuyên ngôn mạnh mẽ của “giới trẻ” về một thời đại văn nghệ mới.

“Già rồi, còn vẽ vời (hoặc viết lách) gì nữa”. Những câu “vô lễ” kiểu này nghe có vẻ như ngày càng thuận tai. Mặc cảm về tuổi già với những ám ảnh bị xếp loại bảo thủ, lạc hậu là áp lực rất khó chịu cho nhiều người sáng tác lớn tuổi. Nhưng có một người không như thế, không mặc cảm già trẻ gì cả, bình thản làm việc, bình thản tiếp tục con đường nghệ thuật mà bản thân đã hướng tới từ ba, bốn chục năm trước.

Sang tuổi 81, con cháu gọi bằng cụ cố, vẫn vẽ như đang tuổi ba mươi mà lại còn vẽ nhiều hơn, giàu sức sáng tạo hơn, không phải là chỉ so với chính mình, mà so cả với những họa sĩ trẻ rất nổi tiếng hiện nay. Một người không như thế chính là họa sĩ Trần Lưu Hậu, một tài năng còn sót lại của thế hệ họa sĩ kháng chiến, một người anh văn nghệ đáng kính.

Tôi thường ghé thăm anh mỗi lần có dịp ra Hà Nội. Anh Hậu trong đời thường là một người ôn hòa, điềm tĩnh, ít nói và luôn lắng nghe. Anh lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cách tân, lặng lẽ độc hành, nhập thế mà như ở ẩn. Biết và được gặp gỡ, trò chuyện với anh, tôi nghĩ mình thật may mắn.

Căn buồng hơn 30m2 trên tầng 2 khu Tập thể Mỹ thuật, xưởng vẽ tạm của anh (nhà và xưởng vẽ chính ở ngõ Yết Kiêu đang sửa), buổi tối, trời mưa, cúp điện, những đống tranh sơn dầu khổ lớn mới vẽ vài tháng nay xếp kín chân tường. Trong ánh sáng của mấy ngọn nến, chân dung anh và những mặt tranh để lộ, lung linh một màu đỏ thắm.

Dương Thụ: Lủi thủi một mình, buồn và còn thấy khổ nữa. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Vậy mặt ngược lại của nó là gì anh?

Trần Lưu Hậu: Lủi thủi một mình hóa ra lại hay, dễ tập trung vào làm việc, có thời giờ để sống nội tâm, để chìm sâu, để hình thành. Buồn, khổ có thể dẫn đến cái chết, cũng có thể dẫn đến sự sống tươi mới. Buồn là bảo chứng cho sự vẫn còn lòng tin, tình yêu và hy vọng. Nếu mất rồi thì còn gì để mà buồn nữa.

Dương Thụ: Sống “một mình”, chắc là anh vẽ cũng “một mình”. Thực ra làm cái gì mà chẳng phải có hội, có thuyền, như Thụ chẳng hạn, lúc nào cũng có ê kíp, ê kíp ấy có thể thay đổi tùy từng công việc, tùy thời gian. Nhưng có lẽ làm nghệ thuật, nếu đã chọn cho mình một con đường riêng thì ai cũng “một mình” thôi. Phải thế không anh?

Trần Lưu Hậu: Không giống như Thụ. Cái một mình của mình là tuyệt đối. Không hẳn chỉ do việc vẽ nó phải thế. Thế hệ mình chả ai vẽ như mình. Giờ là giới họa sĩ trẻ, cũng thế. Trong đời sống mỹ thuật có phần bùng nổ với nhiều phong trào như hiện nay, có lẽ mình là một kẻ độc hành, nhưng là một kẻ độc hành lủi thủi.

Trí thức văn nghệ sĩ muốn tồn tại phải học cách tự bảo vệ

Dương Thụ: Lủi thủi nhưng vẫn độc hành được, vậy cũng là may mắn. Nhiều người như thế đã phải dừng lại. Dám tách ra khỏi đám đông, đi một mình, cái dám ấy phải trả giá.

Trần Lưu Hậu: Cũng là chuyện thường tình thôi. Cuộc sống vốn nó như thế, muốn đi một mình, muốn làm theo ý mình chẳng dễ dàng gì. Có bao nhiêu sự can thiệp bao nhiêu sự phiền hà mà chúng ta không chờ đợi. Chính vì thế những người có nghề nhưng có tuổi (già) để có thể tiếp tục làm việc được phải tìm cách giữ mình, tìm cách tồn tại bằng sự khiêm tốn, nhún mình.

Nhiều lúc mình phải tầm thường hóa công việc vẽ của bản thân và gán cho nó những mục đích rất thực dụng để được yên thân “tôi vẽ nhiều để làm “cơm khô” lương thực dự phòng cho con cái thôi mà”. Có khi nhún mình hết mức họ cũng không tha. Đấy là chưa kể những chuyện dính dáng đến quan điểm nghệ thuật, đến đường lối văn nghệ. Trí thức văn nghệ sĩ muốn tồn tại phải học cách tự bảo vệ.

Đi đến cùng cái mình có thể

Dương Thụ: Theo suy nghĩ thông thường, một họa sĩ đã bước sang tuổi 81, con đường sáng tạo không ở phía trước mà đã ở sau lưng rồi. Nhưng với anh, Thụ thấy hình như không phải như thế.

Trần Lưu Hậu: Chuyện này cũng chẳng đơn giản đâu.

Dương Thụ: Thụ hiểu, nhiều họa sĩ nói rất hùng hồn “vẽ là hành động sáng tạo”. Nhưng thực tế có họa sĩ vẽ nhiều, rất nhiều, nhưng tranh của họ chẳng một chút sáng tạo, chỉ là lặp lại những cái đã có, hoặc “chế” thêm, “gia vị” thêm kiểu bắt chước nhưng biết ngụy trang.

Như vậy không phải ai vẽ cũng là đi trên con đường sáng tạo. Ngay cả người có khả năng sáng tạo, đã xuất phát nhưng đi vài bước đã dừng lại, đi thế sao thành đường. Phải đi mãi trên một lối kiên định mới thành con đường của mình.

Trần Lưu Hậu: Thực ra thời buổi này họa sĩ có nhiều may mắn. Cái đáng sợ nhất chính là sự bất tài, nhưng làm nghệ thuật thì phải có tài năng. Và chỉ người tài năng mới có thể sáng tạo và đi tiếp trên con đường đó.

Dương Thụ: Làm được như anh bây giờ, anh có cảm nhận được tài năng của mình không?

Trần Lưu Hậu: “Tôi có phải là một tài năng hay không?”- Đây không phải là câu hỏi của mình. Câu hỏi của mình là: “Tôi có vẽ được như thế không, theo những gì tôi muốn?” Về đề tài chẳng hạn, mình chỉ tập trung khai thác một vài đề tài ưa thích vì những đề tài đó ẩn chứa trong nó rất nhiều yếu tố hội họa, có khai thác mãi cũng không hết. Mỗi mô típ đẹp, những bố cục đẹp có thể vẽ đi vẽ lại hàng mấy chục lần.

Dĩ nhiên đấy là những yếu tố hội họa đầy tính biểu cảm, nó khơi gợi từ hồi ức và nó cũng dấu bên trong một điều gì đó rất kín đáo về bản thân về xã hội và cuộc sống.
Bây giờ vẽ cái gì cũng được, không câu nệ về đề tài. Cái gì thích vẽ thì bỏ thời gian vào đó. Mình làm việc trên những nguyên tắc của chuyên môn: Khai thác những cái gì mà hội họa cho phép trên cơ sở đó mà sáng tạo.

Làm việc càng nhiều càng thấy cái phong phú của hiện thực, cũng thấy cái phong phú của tâm hồn mình. Làm việc không để tỏ ra tài năng mà mục đích tiên quyết để khám phá bản thân, về mặt nội tâm, trữ lượng năng lực, tự biết khả năng của mình đến mức nào. Càng làm việc càng phong phú hơn, làm được những điều mà mình chưa nghĩ tới, thật bất ngờ với chính mình.

Cái tài tự mình không ý thức được, chỉ làm việc mới có thể khám phá ra nó, mới tự ngẫm về mình chính xác hơn, sâu sắc hơn, vừa trân trọng nó, vừa bông đùa diễu cợt với nó. Lúc chưa nhận ra nó thì mơ ước có nó. Khi có nó cũng thấy bình thường.

Dương Thụ: Ở tuổi “cổ lai hy”, anh vẫn làm việc rất khỏe, vẫn mải miết đi trên con đường của mình. Chỉ tính từ năm 2000 trở lại đây thôi, anh đã phủ sơn dầu kín hàng nghìn mét toan, với tốc độ vẽ ngày càng nhanh hơn, lực bút ngày càng mạnh hơn và mầu sắc ngày càng lộng lẫy. Có lúc nào anh thấy mệt mỏi không?

Trần Lưu Hậu: Vẽ nhiều, vẽ thoải mái, ngoài việc cảm thụ được cái sung sướng của nghề nghiệp thì còn có cả những cái sung sướng khác: làm lợi ích cho những người thân. Hiệu quả của công việc (bán được tranh) giúp cho gia đình có một cuộc sống đàng hoàng, hơn cả những gì mình mơ ước.

Đến tuổi nào, vẽ nhiều đến mức nào mới ngộ được đấy. Điều ngộ ra nhiều khi rất không ngờ: tại sao mình lại nghĩ như thế, vẽ như thế, tại sao lại được sự quí nể, tại sao có thể làm việc được nhiều điều như thế. Có những chuyện bình tĩnh nhìn lại thấy bất ngờ vì trước kia nghĩ nó sẽ không thể như thế. Vẽ nhiều, vẽ thoải mái nên thấy được những cái được của đời mình, hứng thú lắm.

Nói vậy thôi, cũng có nhiều lúc dao động, điều mà người ta thường gọi là khủng hoảng ấy mà. Mình phủ nhận mình. Nhưng phải đến độ tuổi nào đó mới hiểu việc phủ nhận mình là cần thiết. Có phủ nhận thì mọi việc mới dễ dàng hơn.

Coi mình chả là cái gì, nghề nghiệp chả là cái gì, thì tự nhiên có thể tiếp tục làm việc được. Giải thoát ra khỏi cái có, chúng ta có cái không, vì là không nên mới tiếp tục lấp đầy thì mới trở thành có. Đại khái cái vòng của sáng tạo là thế.

Bây giờ mình thường đùa: vẽ là việc mỗi ngày tự ra cho mình một bài tập phải làm xong, một ý nghĩ thật đơn giản, không coi đó là việc sáng tạo gì to tát. Càng làm việc càng thấy nếu đơn giản hóa thì làm việc dễ dàng. Nghiêm trọng, phức tạp hóa thành ra khó làm.

Không coi ra gì lại là cái gì. Coi là cái gì thì không ra gì. Cứ như thế ta có một con đường, cứ đi mãi, đi đến tận cùng cái mình có thể. Nhưng đến tận cùng cái mình mong muốn thì… chẳng ai có thể vẽ tiếp được khi đã ở bờ bên kia của sự sống.

 Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928 tại Ninh Bình, tốt nghiệp tại Học viện mỹ thuật Xurikop danh tiếng (Liên Xô cũ), 30 năm giảng dạy tại trường Mỹ Thuật Yết Kiêu, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam.


Tại sao lại không thể làm được như các “mét” đã làm?

Dương Thụ: Anh Hậu này, chuyện cái nhà của anh ấy. Người ta xây chung cư, khách sạn, cao ốc văn phòng cho thuê thì đã đành, đây lại chỉ là nhà riêng mà tới bẩy tầng tổng cộng một nghìn bốn trăm mét vuông mặt sàn. Chắc là anh muốn “tứ đại đồng đường”.

Trần Lưu Hậu: Không đâu. Các con mình đều có nhà riêng. Nhà mình thôi. Ở thì hết bao nhiêu. Một phòng ăn, một phòng ngủ, một phòng khách, hết. Đây là ngôi nhà dành cho hội họa, giấc mơ của đời mình. Ngoài những tranh đã bán cho bảo tàng và những người sưu tập, còn lại rất nhiều, chúng không thể cứ xếp trong kho, chúng cần được sống, nghĩa là phải được treo lên tường trong những không gian thích hợp.

Tranh mình hầu hết vẽ khổ lớn, nó đòi những mảng tường rộng. Rồi còn xưởng vẽ nữa, sao cho đủ chỗ xoay sở, đủ độ lùi để nhìn ngắm, phải tràn ngập ánh sáng. Chưa chắc nhà lớn thế đã đủ chỗ, mà mình vẫn còn đang vẽ mà.

Picasso 90 tuổi vẫn còn vẽ. Ông mua nhiều lâu đài làm xưởng vẽ và chỗ để treo tranh. Mình ăn thua gì. Nhưng tại sao lại không thể làm điều mà các “met” đã làm.

Hà Nội, trận lụt lịch sử tháng 11/2008

Dương Thụ


From the same category