Kể chuyện "anh Hều" làm bố - Tạp chí Đẹp

Kể chuyện “anh Hều” làm bố

Sống

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được Hiếu Hiền, không phải vì anh quá khó tính hay anh ngại tiếp xúc mà chỉ vì lịch làm việc của anh lúc nào cũng kín. “Ngày xưa, cứ về đến nhà là tôi vào với ba trước nhưng giờ phải vào bế con rồi hai cha con mới cùng nhau chạy sang thăm ông bà nội một chút trước khi tranh thủ chạy ra gặp… nhà báo. Đi vài ngày, tôi nhớ con quá, nhớ cái tiếng u ơ của con đến cồn cào”, anh chàng Hều vui vẻ chia sẻ…

Mong con nối nghiệp

Cậu bé Phạm Lê Hiếu Nhân (tên ở nhà là Panda) đã được hơn 7 tháng tuổi, giống cha như đúc. Cái tên Hiếu Nhân là một kỷ niệm đẹp về mẹ anh – cố nghệ sĩ Kim Ngọc – gắn với một vở diễn. Hiếu Hiền bộc bạch: “Tôi đặt tên con là Hiếu Nhân với ước mong con sẽ lớn lên bình an, ngoan ngoãn và học hành tới nơi, tới chốn. Thêm một chút kỳ vọng là con sẽ nối nghiệp gia đình. Nếu được vậy, vong linh mẹ tôi chắc sẽ vui lắm!”

Việc tự tay chăm sóc “cục cưng” làm vợ chồng anh thấy yên tâm và ý nghĩa hơn việc cứ phải nhờ một người khác chăm sóc con mình. Đặc biệt, dù lần đầu làm bố nhưng Hiếu Hiền không hề lúng túng hay gặp khó khăn trong việc chăm con. Ngay khi vợ bắt đầu có thai, anh đã tự mường tượng và hình dung ra những điều phải làm sau này, rồi học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, người thân để tự tay chăm sóc cho con mình.

Từ khi làm cha, ngoài những lúc phải đi làm, anh dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, chơi với con, phụ vợ trông con để vợ có thể làm những việc khác. “Thay tã, thay quần áo cho con, ẵm con, chơi với con… tôi đều làm rất tốt, trừ việc cho con bú. Tôi đã từng làm con sặc lên sặc xuống khi cho con uống nước nên giờ tôi chịu thua”, Hiếu Hiền lắc đầu lè lưỡi tươi cười.

 

Không muốn làm ông bố khắt khe

Là diễn viên hài nên Hiếu Hiền muốn cái vui vẻ, hài hước của mình sẽ làm con mình thoáng hơn, thoải mái hơn chứ không muốn con nghĩ mình là một ông bố khắt khe. “Tôi muốn khi con buồn bất kỳ chuyện gì, con có thể chia sẻ với ba mẹ, để ba mẹ biết cách giúp con. Hồi nhỏ, ba mẹ dạy tôi không nhiều nhưng rồi khi lớn dần lên, đi theo ba mẹ suốt nên cách ba mẹ nói chuyện với mọi người dần dần ngấm vào tôi. Ba mẹ không bao giờ dạy tôi phải làm thế này, thế kia cặn kẽ. Tôi nghĩ rằng nếu ba mẹ tốt thì con sẽ tốt, đơn giản vậy thôi!”, Hiếu Hiền nói.

Hiếu Hiền kể, cậu bé Hiếu Nhân giống anh ở điểm rất quyết đoán, thích gì là phải tìm mọi cách để đạt cho bằng được cái đó. Khi thả bé trên giường, nếu bé thích món đồ chơi nào đó thì sẽ bằng mọi giá lấy cho bằng được. Và khi đã có món đồ chơi đó rồi thì không cần ai phải nằm kề bên cả, mà bé chỉ ôm món đồ chơi đó và tự chơi, đến khi nào buồn ngủ là tự động ngủ. Anh khoe: “Lúc bé mới một tháng tuổi, tôi đi diễn ở miền Trung và gọi điện về, nói với con “Con ở nhà ngoan nhé, một lát nữa ba sẽ về”, ai dè cậu bé thức từ lúc đó cho đến tận ngày hôm sau khi tôi về tới nhà. Làm như bé hiểu tôi nói gì nên thức suốt để chờ ba về vậy. Thương lắm mà cũng vui lắm…”

Tự nhận mình không phải là một người chồng gia trưởng, Hiếu Hiền cho rằng vợ hay chồng cũng đều cần có những khoảng tự do riêng và tất nhiên nó chỉ ở trong một phạm vi nhất định. Điều đáng ngại duy nhất với anh là vợ cứ ẵm con suốt làm anh lo sau này con sẽ nhút nhát, khó độc lập.

 

Dạy con như ba mẹ dạy mình

Hiếu Hiền muốn dù thế nào cũng chăm sóc và dạy dỗ con trai như những gì ba mẹ đã từng dạy mình. Không phải là người cổ hủ, vẫn muốn con hướng đến những điều hiện đại nhưng giá trị truyền thống vẫn được anh đặt ưu tiên hàng đầu.

“Hiện đại hơn có cái hay nhưng cũng có cái dở. Sự hiện đại làm cho một đứa trẻ tiếp xúc và nắm bắt với môi trường bên ngoài rất nhanh… nhưng việc tự do quá sẽ làm mất đi nhiều lễ nghi, truyền thống tốt đẹp trong gia đình. Đông thời, khi đó sự gắn bó của con cái với ba mẹ cũng không còn nhiều nữa mà nó sẽ dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè.

Tôi từng thấy những đứa trẻ mới lớn, sau khi đi du học hay học ở môi trường quốc tế về thường trò chuyện, giao tiếp với ba mẹ bỗ bã giống như bạn bè và tôi không thích điều đó. Làm gì thì làm, nói chuyện với người lớn phải có từ vâng dạ trong đó đàng hoàng, để có nề nếp trong gia đình. Sau này, có thể tôi vẫn cho con học trường quốc tế nhưng cả hai vợ chồng tôi vẫn không được phép quên giáo dục cho con biết lễ phép, kính trên nhường dưới”.

Vì con, càng thương vợ nhiều hơn

Nhiều lúc, Hiếu Hiền cảm thấy có lỗi vì thời gian của mình dành cho con quá ít nhưng bù lại, anh may mắn có một người vợ hiểu và thông cảm rất nhiều với sự bận bịu của chồng. Vợ anh cũng là người động viên anh rất nhiều khi tự nguyện ở nhà chăm sóc con cái, gia đình để chồng có thể yên tâm ra ngoài làm việc lo kinh tế cho cả nhà. Chính vì vậy mà mỗi lần đi đâu, anh cũng thường xuyên đưa vợ đi theo, cho biết người này người kia để “bà xã” mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

Theo Mẹ yêu bé

Thực hiện: depweb

21/09/2012, 17:36