Kasim Hoàng Vũ: Lặng lẽ bên… mẹ!

Nhưng từ những “lặng lẽ” ấy, tôi lại có thêm những nhát cọ vẽ nên chân dung hoàn chỉnh về anh… Và có thêm đóa hoa hồng để tặng những người mẹ kính yêu…

Ân hận vì không dành nhiều thời gian cho ba

– Cũng lâu không thấy dự án âm nhạc mới của anh. Anh không sợ người ta quên mình sao?

Từ trước tới giờ, tôi đâu có để ý tới điều đó. Nói không để ý tới sự nổi tiếng thì hơi quá, nhưng tôi chưa bao giờ ép mình phụ thuộc vào sự nổi tiếng. Cuộc sống đã an bài rồi, tôi chỉ cố gắng chăm chỉ và phát huy những điều mình đang có thôi.

Nhưng điều quan trọng nhất là, năm vừa rồi ba tôi mất, nên tôi không có tâm trạng nào để làm việc. Tôi muốn dừng lại một thời gian, để thật sự cân bằng. Ít công việc lại, cà phê một mình, suy ngẫm về mọi điều trong cuộc sống, xem điều gì cần và không cần.

 

– Lâu nay, rất ít khi nghe anh nhắc về ba. Tại sao vậy?

Tôi ít nhắc về ba, bởi từ khi ba mẹ chia tay, tôi sống và gắn bó với mẹ, nên tôi nhắc về mẹ là đương nhiên. Ba tôi tính tình vô tư. Nói như người Đà Nẵng chúng tôi, thì cách ba sống “phây phây” lắm. Nhiều khi tôi cũng chẳng biết phải nói gì về ba, chia sẻ với ba như thế nào để ba hiểu. Có điều gì thì tôi chia sẻ với mẹ, hoặc tự giải quyết, tự chịu trách nhiệm, tự vượt qua.

– Giữa hào quang của ca sĩ nổi tiếng, có khi nào anh them khát một cái ôm từ vòng tay của người cha mình không được sống cùng?

Không đâu. Có lẽ tôi là người sống mạnh mẽ, không “mít ướt”, nên ít nghĩ về ba mình. Tôi đang tập quen với việc mình phải sống với mẹ, và chỉ có mẹ thôi. Từ nhỏ, tôi là người “hiểu chuyện” lắm. Ba mẹ chia tay, mẹ đi diễn từ Bắc chí Nam, tôi ở nhà với ông bà ngoại. Tôi tự bày trò chơi, tự vượt qua những lúc yếu đuối nhất. Xoay sở một mình với tuổi thơ, tôi hay “nhìn xuống” chứ ít khi nhìn lên. Tôi nhìn những đứa bạn quanh mình, thấy tụi nó con nhà nghèo, đen đúa, lem luốc, ba mẹ phải chạy ăn từng bữa. Còn tôi, dù bị khiếm khuyết tình thương, nhưng vẫn được mẹ lo cho đi học đầy đủ, chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, thi thoảng mẹ đi diễn xa về còn có quà, quần áo đẹp… Nên tôi luôn nhủ mình phải mạnh mẽ, vượt qua mọi thứ. Từ nhỏ đã vậy, thì lớn lên tôi không thể yếu đuối được.

– Nhưng là trẻ con, sao tránh khỏi lúc yếu lòng, và ghen tỵ khi nhìn những đứa trẻ quanh mình đầy đủ tình thương của cha mẹ?

Tôi vẫn có đầy đủ tình thương của ba và mẹ đó chứ. Chỉ là ba tôi không có bên cạnh tôi thôi. Sau khi chia tay mẹ, ba có gia đình khác. Thú thật là tôi không “ưng” lắm, nên tôi ít khi gặp ba. Nhưng mỗi khi gặp, tôi biết ba thương tôi rất nhiều. Khi tôi đi hát, thành danh, ba tôi rất tự hào. Đi đâu ông cũng khoe về con mình, rồi cắt những bài báo, những tấm hình của tôi, kỳ công dán chúng lại và tặng cho tôi. Những tấm ảnh, món quà ông làm cho tôi, tôi vẫn giữ đến giờ.

Trước khi mất, người ba muốn gặp nhất chính là mẹ con tôi. Tôi tới thăm ba, đút cho ông ăn, hai cha con hát lại những bài hát ngày còn nhỏ bà và tôi hay hát. Ba hạnh phúc, cười nhiều. Rồi ba nhắm mắt, ra đi nhẹ nhàng…

– Đứa trẻ lớn lên giữa sự mất mát tình cảm thật không dễ dàng. Nhất là khi vẫn có những người lớn “xấu tính” vô tư tác động vào tình cảm của đứa trẻ. Anh đã vượt qua những điều đó như thế nào?

Đúng là người lớn nhiều khi vô tâm và “ác” với trẻ con lắm! Khi tôi còn nhỏ, nhiều người nói với tôi: “Mẹ thằng Sim không thương thằng Sim nữa, bỏ nó đi rồi”. Nhưng tôi tin vào tình yêu mẹ dành cho mình, tin tưởng tuyệt đối. Họ cũng hay nói về tình cảm giữa ba tôi và tôi, nhưng tôi không để ý tới. Tôi không trách giận điều gì trong cuộc đời mình, mà phải cảm ơn ba mẹ đã cho tôi cơ thể lành lặn, giọng hát và khuôn mặt… điểm trai (Cười).

– Sau khi ba anh mất, anh có bận tâm về điều gì không?

Tôi ân hận khi chưa chia sẻ được với ba nhiều, và cũng chưa chăm sóc được nhiều cho ba. Khi tôi còn  nhỏ ba sống với gia đình khác, nên tôi ít khi gần ba. Lớn lên, tôi lại đi xa. Thời gian dành cho ba chẳng có bao nhiêu. Nhiều khi ba bị bệnh, vô bệnh viện, tôi về thăm thì ba đã khỏe, tôi đi ba lại bệnh. Muốn chăm sóc cho ba cũng không được. Nhưng tôi tin ba hiểu và cảm thông cho tôi. Ít ra, tôi cũng đã làm được nhiều thứ cho ba, và trở thành niềm tự hào của ba.

Tôi luôn sợ mẹ không… thương tôi

– Anh rất hay nhắc về mẹ. Anh có tự ái không, nếu tôi nói đôi khi tôi có cảm giác anh là cậu bé được mẹ bảo bọc quá kỹ?

Sao em và mọi người không nghĩ ngược lại? Nhiều người người nói tôi phải cái bóng của mẹ, mẹ đăt đâu tôi phải ngồi đó. Không lẽ tôi phải mời những người đó tới nhà để chứng minh cho họ thấy cuộc sống của tôi đang diễn ra như thế nào? Tôi chắc, khi đến gia đình tôi, họ sẽ ngưỡng mộ, thèm khát được như mẹ con tôi. Nhà có hai mẹ con, mẹ chăm sóc cho tôi là lẽ tất nhiên. Hơn nữa, với vai trò quản lý, mẹ tôi phải chăm lo cho ca sĩ của mình.

Nếu ai có sự gắn bó sâu nặng với mẹ, sẽ hiểu tình cảm của mẹ con tôi. Tôi nhớ, khi tôi còn nhỏ, hai mẹ con ngủ chung một chiếc giường. Tôi có chiếc gối ôm, những lúc mẹ đi diễn xa thì tôi ôm gối để ngủ và ngửi mùi mẹ trên gối. Có lần, tôi nói với mẹ là đêm qua con ngửi cái gối, thấy có mùi mẹ về với con. Đúng là ngày hôm đó, mẹ về thăm tôi thật. Tôi tin vào thần giao cách cảm giữa hai mẹ con, và tin vào sự thiêng liêng của tình mẫu tử.

Từ nhỏ, tôi đã luôn khuyên mẹ đi lấy chồng, vì thương mẹ cô đơn. Tôi không bao giờ ích kỷ. Tôi chỉ sợ ngày nào đó, mình làm điều gì đó khiến mẹ không thương tôi nữa. còn ai nói gì, tôi mặc kệ.

– Đàn ông thường có xu hướng giấu tình cảm họ dành cho mẹ, còn anh bộc lộ một cách… sướt mướt. Anh có sợ điều đó ảnh hưởng tới sự ‘đàn ông tính” và cả… tâm lí của người yêu anh?

Tôi luôn cố gắng làm những gì tốt nhất, để sau này không bao giờ hối hận “tại sao hồi xưa mình không chăm sóc mẹ”. Được bên cạnh mẹ, “dính” vào mẹ là niềm hạnh phúc của tôi.

Mẹ chưa bao giờ quản lý tôi đi đâu, làm gì. Bản thân tôi vẫn đi chơi với bạn bè tới 1, 2 giờ sáng. Nhưng tôi biết giới hạn để không làm mẹ buồn. Ví như, buổi trưa mẹ nấu cơm thì dù bận đến mấy tôi cũng gắng về nhà ăn cơm cho mẹ vui.

Thật ra, hồi nhỏ tôi lì lắm. Tôi hay đi chơi khiến mẹ phải đi tìm. Rồi tôi nhận ra, sao mình tàn nhẫn với mẹ mình quá, mẹ phải đi hát tới bể phổi, bể giọng để có tiền lo cho mình ăn học, còn mình lại rong chơi. Nghĩ vậy, tôi quyết định dừng chân lại. Bây giờ lớn lên, mọi người thấy tôi có hiếu với mẹ, nhưng nhiều khi tôi thấy chữ hiếu đó vẫn chưa đủ cho đạo làm con.

 

Tôi đang hạnh phúc

– Anh có chủ chương tìm bạn trăm năm giống mẹ mình?

Trời! Tính cách vợ tương lại mà giống mẹ, thì nhà sẽ có hai bà mẹ, làm sao tôi chịu nổi? Một mẹ là đủ… mệt rồi! (Cười). Con người, không ai giống ai cả. Cô ấy có thể giống mẹ tôi ở sự chịu thương chịu khó, mạnh mẽ. Nhưng cô ấy vẫn là cô ấy, không thể nào giống mẹ tôi được.

– Đàn ông ở tuổi anh, cũng đã đến lúc dừng chân, xây dựng gia đình rồi đấy chứ?

Tôi đang hạnh phúc với tình yêu của mình. Chúng tôi ở xa nhau nhưng có cùng suy nghĩ, cùng chí hướng. Sáng nào thức dậy, cũng nhận được tin nhắn, cuộc gọi. Dù biết những tin nhắn thân thuộc đó sẽ nói gì, nhưng vẫn thấy hạnh phúc. Chỉ còn vấn đề khoảng cách nữa thôi. Mẹ tôi không thích sống bên Mỹ, vì ở bên đó buồn, không phù hợp với người lớn. Tôi nghĩ ra cách nào đó để chu toàn nhất cho cả hai bên!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, và chúc anh những ngày dài hạnh phúc!

Bài: Yến Linh 

Theo f 


From the same category