K-Pop: Anh chàng chọc gậy bánh xe

Ngẩng mặt lên, gã phương Tây càng choáng hơn bởi anh chàng liều lĩnh K-pop kia đã chẳng thèm xài ngôn ngữ toàn cầu là tiếng Anh mà còn sử dụng hết những gì gọi là “công nghệ” của chính gã để đàng hoàng chiếm lĩnh công chúng vốn luôn được gã cưng chiều.

Chính xác thì trước đó, có lúc anh chàng K-pop tưởng chừng đã ngấp nghé đuổi kịp được gã phương Tây. Lùi lại thời điểm cách đây 6 năm, khi mà thế hệ Bi Rain, 7even hay BoA đã mở đầu cho cái khái niệm còn rất mới mẻ khi đó – làn sóng K-pop. Lúc đó Bi Rain có tour diễn thế giới qua cả Mỹ và Canada còn 7even đã phát hành đĩa đơn tại Mỹ. Đây cũng chính là lúc mà các nhà sản xuất Hàn Quốc hồi hộp chờ đợi sự đón nhận của thị trường giải trí lớn nhất nhưng cũng khó tính nhất thế giới. Tuy nhiên họ đã phải thất vọng. “Khi đó K-pop đã chiếm lĩnh được thị trường châu Á. Nhưng chiến lược của các nhà sản xuất mới chỉ có thể dừng ở đó. Để bước vào thị trường phương Tây, họ phải nghĩ khác,” nhà báo Lee Byung Han của trang All K-Pop nhận định.

 

Big Bang là nhóm nhạc nam thành công nhất K-pop năm qua 

Sáu năm tạm quên thị trường phương Tây, các ông lớn của làng giải trí Hàn Quốc không từ bỏ tham vọng của mình. Họ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công nghệ “sản xuất ngôi sao” và tìm lời giải cho câu hỏi: Vũ khí nào mới đủ sức tấn công thị trường vững chắc này? Cuối cùng họ đã tìm ra. Ông Kang Cheol Keun, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Quốc tế Hallyu lý giải: “Với làn sóng thứ nhất, cứ tạm gọi vậy, họ chỉ dừng ở thành công mang tính khu vực bởi họ là những ngôi sao, nghệ sĩ riêng lẻ. Còn khi làn sóng thứ hai xuất hiện, K-pop tạo thành cả một xu hướng, một cuộc tổng tấn công mạnh mẽ, và như vậy nó tạo nên một thứ văn hóa đại chúng có khả năng lôi cuốn được bất cứ người trẻ nào trên thế giới.”

Những buổi diễn tại Las Vegas, New York hay London luôn có không dưới 10 nghệ sĩ và nhóm nhạc tham gia. Các kênh truyền hình, phát thanh hay YouTube đều dành chương trình riêng về K-pop. Công chúng không tiếp cận một nghệ sĩ hay nhóm nhạc đơn lẻ, họ tiếp cận gần như cả một thể loại riêng mang tên K-pop. “Mỗi nhóm nhạc có những cộng đồng fan riêng nhưng thực tế fan của Big Bang cũng sẽ thích Beast và ngược lại. Chính vì thế sự hâm mộ là rất sâu đậm,” tờ US Today bình luận. Chưa kể sự tương tác của điện ảnh và du lịch đã tạo nên cả một văn hóa đại chúng với sức ảnh hưởng nhanh và mạnh.

Xét về âm nhạc, các nghệ sĩ Hàn Quốc chỉ khác Justin Bieber hay One Direction hai điểm. Họ là người châu Á và họ vẫn hát chủ yếu bằng tiếng Hàn Quốc mẹ đẻ. “Pop, dubstep rồi dance… tất cả những thứ đó không có gì mới mẻ. Nhưng kèm với phần nhạc bình thường tới mức dưới bình thường của ‘Gangnam style’ và phần lời chắc hẳn chưa có tới 10% người nghe hiểu được, là một điệu nhảy ngựa quá ‘độc’ và bình dân,” nhà báo Alan Soller của tờ New York Times nhận xét. Có lẽ chính sự bình dân là điều khiến các ca khúc K-pop được đón nhận dễ dàng dù sử dụng tiếng Hàn. Chính nhà sản xuất lừng danh Will.i.am khi giải thích lý do hợp tác cùng nhóm nhạc nữ 2NE1 cũng phải thừa nhận rằng anh bị thuyết phục không chỉ bởi sức hút của các ca sĩ mà còn của cả ê kíp sản xuất. “Tôi đã bị họ thuyết phục hoàn toàn. Đó là những nhạc sĩ, nhà sản xuất rất giỏi và có cá tính riêng. Họ đem lại cho tôi những cảm hứng mới trong âm nhạc,” Will.i.am phát biểu.

Will.i.am đang có sự hợp tác rất thành công với nhóm 2NE1

Không ít người đã đặt câu hỏi, sau “Gangnam style” sẽ là gì? K-pop sẽ tiếp tục làm mưa làm gió trên mọi phương tiện giải trí toàn cầu trong năm sau và vài năm nữa hay làn sóng này bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào vì cũng không còn gì hơn? Sự dự đoán không hề dễ dàng dù nhiệt của K-pop vẫn đang lan tỏa (thậm chí đến tận Washington, buổi lễ mừng Giáng sinh của gia đình Tổng thống Obama cũng không thiếu sự có mặt của Psy). Nhưng có thể chắc một điều rằng năm tới sẽ là thời điểm để các nghệ sĩ, các nhà sản xuất Hàn Quốc “bám rễ” trong thị trường phương Tây. Những bản hợp đồng, những dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Hàn và các hãng ghi âm, nghệ sĩ Mỹ đã minh chứng cho điều đó.

Psy biểu diễn bài “hit” “Gangnam style” cùng MC Hammer tại lễ trao giải American Music Awards năm 2012

Lịch sử đã từng ghi nhận trào lưu British invasion – Cuộc xâm lăng của văn hóa Anh quốc vào Mỹ những năm 1960 của thế kỷ trước. Để giờ đây, ranh giới giữa âm nhạc hay nghệ sĩ Anh và Mỹ đã trở nên rất mờ nhạt. Anh chàng “chọc gậy bánh xe” K-pop chắc chắn sẽ không thể trở thành người lái chiếc xe công nghiệp giải trí phương Tây nhưng rồi cũng sẽ có được vị trí nào đó trên chiếc xe. Sau cú “gây ấn tượng” thành công hẳn sẽ là câu chuyện thú vị và đáng chờ đợi.

Girl’s Generation – nhóm nhạc nữ của Hàn Quốc đã phát hành những sản phẩm âm nhạc đầu tiên thành công tại Mỹ

Bài: Độc Cầm


From the same category