“Jurassic Park” và công thức trường tồn của một thương hiệu giải trí

Trải qua hơn ba thập kỷ và 7 phần phim từ “Jurassic Park” đến “Jurassic World” ,thương hiệu khủng long đình đám này vẫn tiếp tục “hái ra tiền” với tổng doanh thu vượt mốc 6 tỷ đô la Mỹ toàn cầu và đang tiếp tục tăng. Điều gì khiến một công thức tưởng chừng đã cũ kỹ vẫn đủ sức chinh phục khán giả? 

Hiện tượng khủng long

Việc khán giả quan tâm đến khủng long không còn là điều quá bất ngờ, nhất là khi phần phim đầu tiên “Jurassic Park” do đạo diễn Steven Spielberg cầm trịch được ra mắt vào năm 1993 đã đặt nền móng cho làn sóng yêu thích loài sinh vật tiền sử này. Nhờ kỹ xảo đột phá, hình ảnh các loài khủng long từng chỉ xuất hiện trong sách vở, báo chí hoặc các tạp chí khoa học nay được tái hiện sống động trên màn ảnh rộng. Cũng chính nhờ đó, “Jurassic Park” phần 1 nhanh chóng thu về 914 triệu đô la Mỹ trên toàn cầu, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1993 và là một trong những tác phẩm ăn khách nhất thời kỳ đó. Sự thành công vang dội của loạt phim về khủng long trên màn bạc đã mở đường cho một đế chế thương mại hóa đồ sộ, với đủ loại sản phẩm ăn theo như đồ chơi, quần áo, sách, trò chơi điện tử và thậm chí cả thực phẩm mang thương hiệu phim. Ước tính, doanh thu từ các mặt hàng liên quan đạt tới hàng trăm triệu đô trong những năm sau đó.

“Jurassic Park” (1993)

Không chỉ thành công về mặt thương mại, “Jurassic Park” còn khắc sâu hình ảnh khủng long vào tâm trí cả một thế hệ khán giả. Những cảnh phim như chú khủng long bạo chúa rống lên giữa cơn mưa giông, hay con velociraptor lén lút săn mồi trong bếp không chỉ gây choáng ngợp bởi hiệu ứng hình ảnh mà còn khơi gợi cảm giác hồi hộp, sợ hãi xen lẫn thích thú. Đối với nhiều người, bộ phim không đơn thuần là một trải nghiệm điện ảnh mà còn là ký ức thị giác đầu đời về một thế giới từng tồn tại ngoài trí tưởng tượng. Từ đó, khủng long không còn là chủ đề dành riêng cho giới khảo cổ học hay trẻ em mê sách ảnh, mà trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng, nơi ranh giới giữa khoa học, giải trí và trí tưởng tượng được xóa nhòa một cách tài tình.

“Jurassic Park” (1993)
Chiến lược thương hiệu và tiếp thị

Nói không ngoa, việc phần đầu tiên ra mắt đã đặt nền móng rất lớn cho việc phát triển “Jurassic Park” thành một thương hiệu phim dài hạn. Bởi lẽ, việc khai thác nội dung từ thế giới của những sinh vật tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn trắng (khoảng 66 triệu năm trước) là một mỏ vàng chưa từng cạn. Các nhà làm phim và đội ngũ sáng tạo có thể liên tục biến nên những câu chuyện xoay quanh loài khủng long, từ thí nghiệm khoa học viễn tưởng cho tới các thảm họa sinh tồn quy mô toàn cầu, miễn là vẫn giữ được tinh thần cốt lõi của thương hiệu. Đó chính là sự choáng ngợp trước thiên nhiên tiền sử và những hệ lụy khi con người cố kiểm soát nó.

“Jurassic World: Dominion” (2022)

Chính vì vậy, hãng phim Universal Pictures không chỉ dừng lại ở các phần phim lẻ, mà đã sớm hoạch định chiến lược dài hơi để xây dựng “Jurassic Park” và sau này là “Jurassic World” thành một vũ trụ thương hiệu toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ qua việc triển khai đồng bộ từ công viên giải trí tại Universal Studios, dòng đồ chơi mang bản quyền chính thức, trò chơi điện tử tương tác, sách ảnh, truyện tranh cho đến sản phẩm thời trang, thực phẩm và đồ lưu niệm. Thậm chí, còn có phiên bản hoạt hình cho thương hiệu khủng long này là chuỗi phim “Jurassic World” đã có hai mùa, được phát hành trên các nền tảng trực tuyến. Do đó, thương hiệu không còn tồn tại chỉ trên màn ảnh rộng mà đã trở thành một phần của đời sống văn hóa đại chúng, tiếp cận mọi độ tuổi, mọi phương tiện truyền thông.

Chuỗi phim hoạt hình “Jurassic World” được chiếu trên Netflix

Chiến lược tiếp thị của thương hiệu này cũng được tính toán bài bản và nhiều tầng lớp. Mỗi lần ra mắt phim đều gắn liền với các chiến dịch truyền thông quy mô lớn, bao gồm teaser đầy kịch tính, trailer hé lộ tình tiết gay cấn, các chiến dịch quảng bá chéo với thương hiệu khác (như xe hơi, đồ chơi LEGO, đồ thời trang…), và đặc biệt là sự hiện diện dày đặc trên mạng xã hội qua hình ảnh hậu trường, buổi họp báo và tương tác cùng người hâm mộ. Không chỉ tạo hiệu ứng lan truyền trước khi phim chiếu, chiến dịch còn được kéo dài hậu kỳ để duy trì sự hiện diện thương hiệu liên tục trên các nền tảng số.

video
play-rounded-fill

Một yếu tố không thể thiếu là tính đều đặn và tính biểu tượng. Việc định kỳ cho ra mắt các phần phim mới, cách nhau vừa đủ để khơi gợi nỗi nhớ, nhưng không quá lâu để khán giả lãng quên khiến thương hiệu luôn giữ được độ “nóng” cần thiết. Cộng thêm dàn diễn viên tên tuổi như Chris Pratt, Bryce Dallas Howard, sự trở lại của Sam Neill, Laura Dern, Jeff Goldblum trong “Jurassic World: Dominion” (2022), và mới đây nhất là Scarlett Johansson trong phần phim “Jurassic World: Rebirth” đang được công chiếu. Đồng thời, cùng ê kíp đạo diễn – biên kịch có kinh nghiệm với dòng phim giải trí đã khiến loạt phim luôn được bảo chứng về mặt sản xuất.

“Jurassic World: Dominion” (2022)
Tính giải trí cao

Trong thế giới bộn bề với nhịp sống ngày càng căng thẳng, khán giả hiện đại thường tìm đến điện ảnh như một lối thoát tạm thời khỏi thực tại. Họ không nhất thiết cần một kịch bản quá phức tạp hay đầy ẩn dụ, mà cần một trải nghiệm thị giác hấp dẫn, câu chuyện dễ tiếp cận, đủ hồi hộp, đủ tiếng cười và đôi khi chỉ đơn giản là cảm giác được “giải tỏa” trong hai tiếng đồng hồ. “Jurassic World” chính là mẫu hình điển hình cho dòng phim giải trí đại chúng ấy, nơi sự căng thẳng được đóng gói một cách an toàn, và mọi hiểm nguy đều có lời giải trong rạp chiếu.

“Jurassic World: Dominion” (2022)

Loạt phim không cố gắng trở nên triết lý hay sâu sắc hóa thế giới khủng long bằng các lớp lang tâm lý nặng nề. Bởi lẽ, với một sinh vật như T-Rex hay velociraptor, thứ người ta tò mò không phải là nội tâm chúng nghĩ gì, mà là cách chúng săn mồi, hành vi bảo vệ lãnh thổ, phản ứng bản năng và đặc biệt là khoảnh khắc “lật kèo” khiến con người buộc phải chạy thục mạng để giành giật sự sống. Khán giả đơn giản mong muốn thấy được tiếng gầm vang động, những màn truy đuổi nghẹt thở, những cú twist bất ngờ trong hành vi của loài thú tiền sử và cả sự “vô lý – hợp lý” của khoa học viễn tưởng nhưng đầy cuốn hút. 

“Jurassic World: Rebirth” (2025)

Bên cạnh đó, các phần phim “Jurassic World” cũng luôn duy trì công thức cân bằng giữa hành động và hài hước. Nhân vật chính thường được xây dựng theo hướng dễ đồng cảm, có khi là một chuyên gia lạnh lùng nhưng nghĩa khí, có khi là trẻ nhỏ thông minh, hay những người hoàn toàn xa lạ buộc phải hợp tác trong nghịch cảnh. Những mối quan hệ được khắc họa ở mức đủ gần gũi để khán giả quan tâm, nhưng không bị sa đà vào kịch tính nội tâm, nhằm giữ trọng tâm vào trải nghiệm hành động và hình ảnh.

“Jurassic World: Fallen Kingdom” (2015)

Chính vì vậy, ngay cả phần mới nhất “Jurassic Park: Rebirth (2025)” dù không có nhiều đột phá về mặt nội dung, vẫn xoay quanh mô-típ quen thuộc: con người chơi đùa với tiến hóa và lại bị chính sinh vật mình tạo ra truy đuổi nhưng vẫn thành công về mặt thương mại và mang về được 318,5 triệu đô la Mỹ toàn cầu chỉ sau năm ngày công chiếu. Bởi nó đánh trúng mong muốn cốt lõi của người xem chính là được xem thế giới khủng long tái sinh một cách hoành tráng, được hồi hộp, được chiêm ngưỡng những cảnh hành động công phu và tạm quên đi thực tại trong một hành trình điện ảnh mãn nhãn.


From the same category