Kể từ năm 2024, Jun Phạm tiếp nối Ngô Thanh Vân trở thành đại sứ của “Nhịp tim Việt Nam” – chương trình nhằm gây quỹ phẫu thuật cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong cuộc trò chuyện với Đẹp, anh bày tỏ rất nhiều trăn trở ở vai trò mới.
Trong quyển sách “Xứ sở miên man”, Jun Phạm kể câu chuyện về một giấc mơ mà nơi đó người lớn được trở lại làm trẻ con còn trẻ con được đắm chìm trong thế giới tưởng tượng của mình. Dường như anh luôn dành nhiều sự quan tâm cho trẻ em và việc nuôi dưỡng những giấc mơ. Đối với anh, những giấc mơ có thể thành hình và hành trình gắn bó với “Nhịp tim Việt Nam” đã củng cố niềm tin đó. “Thời điểm đứa trẻ được cứu sống, chúng tôi thấy sự hồi sinh kỳ diệu ấy giống như một giấc mơ. Qua thời gian, chúng tôi lại được nhìn thấy dáng hình của những giấc mơ qua dáng hình của những đứa trẻ nay đã trưởng thành, sống một cuộc đời tươi đẹp”.
Nhờ có nguồn chi phí đối ứng từ bảo hiểm y tế cho trẻ em và chính quyền địa phương, thông qua chương trình “Nhịp tim Việt Nam”, các nhà tài trợ chỉ cần đóng góp 36.500.000 VNĐ (tương đương 1/3 tổng chi phí trung bình của một ca mổ) là có thể cứu được một em bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Chương trình do Jun Phạm là đại sứ đồng thời cung cấp chi phí chăm sóc trước và sau phẫu thuật cho các em, bao gồm hỗ trợ dinh dưỡng, đi lại, tái khám cũng như học bổng để các em có thể tiếp tục đến trường.
Anh có thể chia sẻ về cơ duyên đồng hành cùng “Nhịp tim Việt Nam” và vai trò đại sứ của chương trình được không?
Nhờ hoạt động trong nhóm 365 dưới sự dẫn dắt của chị Ngô Thanh Vân, tôi có cơ hội được đồng hành với chương trình từ những ngày đầu. Năm nay, tôi được chị Vân và tổ chức tin tưởng trao cho vai trò đại sứ vì chị cảm thấy chương trình cần một nhân tố mới giúp tiếp cận nhóm người trẻ. Hiện tại, tôi cảm thấy vô cùng áp lực vì chị Vân đã từng làm rất tốt. Trước đây tôi thấy chị trăn trở nhưng không biết những khó khăn chị gặp phải là gì. Bây giờ tôi mới hiểu, làm đại sứ cho một chương trình từ thiện phải dấn thân và đối mặt với rất nhiều bài toán khó.
Từ khi nào anh nhận ra sự thôi thúc rằng mình nhất định phải làm công việc này?
Cách đây 2 năm, khi đi qua hành lang của một bệnh viện, tôi nhìn thấy một em bé nhỏ xíu đang nằm lạc lõng, không có người thân bên cạnh. Hỏi ra mới biết bố mẹ em đều qua đời vì dịch COVID-19, còn em lại mắc bệnh tim. Nếu chỉ nghe kể hoặc nhìn thấy em bé qua bản tin thời sự, có lẽ lòng thương cảm của tôi sẽ chỉ dừng lại ở giây phút đó. Nhưng khi tận mắt nhìn thấy em bé nằm ở đây, nếu không làm gì để giúp em, tôi sẽ day dứt mãi.
Anh có nghĩ rằng nghệ sĩ nổi tiếng sẽ có ưu thế trong việc lan tỏa và tạo ra tác động tích cực cho xã hội? Tôi nghĩ anh đã tận dụng rất tốt ưu thế của mình qua các dự án phim ngắn như “Cỏ bốn lá”, “Máy bay giấy” và tiết mục âm nhạc “Nếu một mai tôi bay lên trời” phải không?
Hai dự án phim ngắn tôi tham gia viết kịch bản và làm đạo diễn đều lấy cảm hứng từ những câu chuyện thật. Câu chuyện đó dựng thành phim chỉ là một đóng góp nhỏ cùng rất nhiều hoạt động khác. Riêng với tiết mục “Nếu một mai tôi bay lên trời”, hiệu ứng tốt vượt ngoài sự mong đợi của tôi và mọi người. Ban đầu, chúng tôi chỉ đơn giản muốn truyền tải thông điệp ý nghĩa thông qua âm nhạc chứ không nghĩ có thể gây quỹ bằng tiết mục đó. Vậy mà chúng tôi đã nhận được đóng góp của những cá nhân, tập thể gửi về cho chương trình, thậm chí có những bạn nhỏ đang tuổi đến trường cũng đóng góp 10 nghìn, 20 nghìn trong khả năng của các em. Tôi nghĩ làm từ thiện bằng trái tim bao giờ cũng đáng quý. Người yêu quý tôi đa phần là thế hệ trẻ, việc các bạn biết cảm thông và chia sẻ với nỗi đau của người khác cũng rất đẹp, không nhất thiết phải gây quỹ được thật nhiều tiền. Những tác động nho nhỏ đó là điều mà một người nghệ sĩ như tôi có thể làm được.
Có ý tưởng nào anh đang ấp ủ thực hiện không?
Tìm kiếm ý tưởng mới là một áp lực đối với bản thân tôi ở vai trò đại sứ. Trước đây, khách mời tham dự sự kiện “Vết sẹo cuộc đời” đa phần là các tập đoàn, tổ chức lớn với nguồn tài chính vững mạnh. Nhưng thế hệ các mạnh thường quân rồi sẽ già đi, hoặc họ đã gắn bó và đóng góp cho chương trình đủ lâu, họ cũng có những mối quan tâm với các chương trình khác vì không phải chỉ có các em bé bị bệnh tim mới cần giúp đỡ. Hiện tại, chúng tôi đang muốn hướng đến lớp người trẻ có sự quan tâm và khả năng đóng góp cho xã hội, nhưng vì họ còn trẻ nên cách tiếp cận với họ cần phải theo hình thức khác. Tôi nghĩ mình có thể tổ chức các buổi đấu giá gây quỹ những món đồ có giá trị không quá cao, vừa vặn với khả năng tài chính của người trẻ.
Những khó khăn anh gặp phải là gì, ngoài áp lực kể trên?
Làm từ thiện chỉ với lòng tốt thôi thì chưa đủ mà còn cần rất nhiều trách nhiệm và quyết tâm. Khi ai đó nhắn tin cho tôi biết về tình trạng bệnh của con cháu họ, tôi sẽ chuyển thông tin đến tổ chức, sau đó tiếp tục cập nhật xem tình hình em bé đó thế nào, đã được phẫu thuật chưa hay còn trong danh sách chờ. Chúng tôi sẽ phân loại theo thứ tự ca nặng, ca nhẹ, ca nào đến trước, ca nào đến sau. Khi phẫu thuật xong, tôi cùng ê-kíp chương trình thường đến thăm từng em một. Chúng tôi cần lên ý tưởng thực hiện các hoạt động khác cho chương trình gây quỹ, và bên cạnh đó vẫn phải làm công việc riêng của mình để nuôi sống bản thân. Nhiều anh chị em tham gia từ ngày đầu chia sẻ rằng họ dường như đã dành cả thanh xuân cho chương trình và quên cả việc xây dựng hạnh phúc cá nhân.
Mất bao lâu để anh vượt qua cảm giác bất lực khi muốn giúp đỡ một trường hợp nào đó nhưng lực bất tòng tâm?
Khi gặp em bé ở hành lang bệnh viện, tôi đã tự hỏi liệu mình có thể nhận đứa trẻ này làm con nuôi không. Nhưng sau khi cân nhắc, tôi tự nhủ rằng mình rằng cần phải làm việc với một cái đầu tỉnh táo. Tôi nhớ mãi một em bé vừa trải qua ca phẫu thuật tim thành công thì phát hiện bị ung thư máu và qua đời. Có lẽ không ai có thể tránh khỏi cảm giác bất lực và tự chất vấn rằng tại sao mình đã cố gắng rất nhiều mà kết quả lại buồn đến thế. Đối diện thường xuyên với những câu chuyện buồn cũng khiến mình rơi vào cảm xúc tiêu cực. Nhưng khi chứng kiến đủ nhiều, chính tôi cũng từng trải qua sự mất mát khi bố mẹ mãi mãi rời xa, tôi hiểu được một điều rằng chúng ta chỉ có thể làm hết sức mình, không thể cưỡng lại số phận.
Anh từng chia sẻ về cảm giác mất đi ý nghĩa cuộc sống khi bố anh qua đời. Anh nghĩ sao về việc chúng ta cần tìm thấy giá trị trong những công việc mình làm để có động lực tiến về phía trước?
Khi đối diện với sự mất mát, tôi đặt câu hỏi: liệu có đời sống tinh thần nào khác để hun đúc năng lượng cho mình hay không? Nhờ “Nhịp tim Việt Nam”, tôi thấy mình có một điểm tựa quý báu. Với mỗi ca phẫu thuật tim thành công, chúng tôi không phải chỉ cứu một sinh mệnh mà là cứu cả một gia đình, bởi khi đứa trẻ khỏe mạnh thì cha mẹ, anh chị em của chúng có thể quay lại làm việc và học hành, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Không biết tôi sẽ là đại sứ cho chương trình trong bao lâu, nhưng tôi đã biết đâu là công việc mà mình muốn làm từ nay đến hết cuộc đời.
Điều anh chia sẻ khiến tôi nghĩ đến hai khái niệm “vị kỷ” và “vị nhân sinh”. Anh có nghĩ rằng tất cả mọi điều chúng ta làm đều dẫn về vị kỷ? Điều mình làm sẽ mang lại cho mình hạnh phúc và nhờ hạnh phúc nên mình có nhiều năng lượng để trao cho người khác?
Tôi đồng ý. Những lúc đang buồn bực mà nhận được tin báo rằng một đứa trẻ vừa được cứu sống, tự dưng tôi hạnh phúc vô cùng, và niềm hạnh phúc vẫn còn tiếp diễn khi nhìn thấy những đứa trẻ lớn lên. Chúng sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư, cũng có thể là một công nhân, một người mẹ… Mỗi người đều sống rực rỡ theo cách riêng của mình. Nhiều em khi trưởng thành đã ngỏ ý muốn tham gia vào chương trình để giúp đỡ những em bé khác. Khi họ bày tỏ lòng biết ơn, tôi nghĩ, người nhỏ bé như tôi mà lại nhận được sự yêu thương nhiều như thế này, thật quá lớn lao. Tôi thực lòng biết ơn tất cả và cứ thế muốn trao đi nhiều hơn.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
CHUYÊN ĐỀ: ĐIỀU TỬ TẾ
Tiểu thuyết gia Mark Twain từng nói: “Sự tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người câm có thể nói”. Câu nói ấy mang ý nghĩa rằng lòng tốt và sự tử tế là những giá trị phổ quát, có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và thể chất. Bước vào không gian của một lớp học múa dành cho người điếc hay một lớp học về sức khỏe của phụ nữ vùng cao, trò chuyện cùng một nghệ sĩ hay một nhà hoạt động xã hội, bạn có thể dễ dàng hiểu được câu nói trên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điểm chung giữa những con người này là một trái tim nhân ái rộng mở và những dự án nối dài cho các thế hệ tương lai.
Đọc thêm
Lyon Nguyễn: Nghệ thuật múa dành cho tất cả mọi người
Chung Thúy Linh: Quả ngọt cho tương lai
Jun Phạm: Dáng hình của những ước mơ
Matt Jackson: Người đàn ông cất tiếng nói vì phụ nữ
Ảnh: Ngọc Ánh, NVCC
Trợ lý: Diệp Anh