Joseph Gordon Levitt đã dành ba tháng đầu năm 2013 cho phim “Don Jon”, bộ phim đầu tiên của anh trong vai trò là biên kịch và đạo diễn. Bộ phim về một anh chàng nghiện sex là nơi để Joe (tên thân mật của Joseph Gordon Levitt) được kiểm nghiệm về sự đối lập giữa anh và nhân vật chính – cũng được anh thể hiện trong phim. Bộ phim chỉ quay mất 25 ngày. Trước khi ra rạp vào ngày 18/10 tới, “Don Jon” đã kịp đi khắp các liên hoan phim Sundance, Berlin,…
Theo lời của Joe, “đây sẽ làm một bộ phim được làm với nỗ lực thách thức khán giả, buộc họ phải nghĩ, và (hy vọng) có thể bắt đầu những cuộc đối thoại với người xem của mình”. Trong “Don Jon” cũng có những cảnh thể hiện xung đột giữa mong đợi và hiện thực như trong “(500) Days of Summer”. Joe chia sẻ rằng động lực chính giúp anh viết kịch bản phim này chính là mối nguy hiểm của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, và vì sao sự thật lại cần được đánh giá cao.
– Anh đã hứng thú với ý tưởng về sự xung đột giữa hiện thực và truyền thông trong bao lâu? Và vì sao chuyện người ta tin vào báo chí lại ảnh hưởng tới các mối quan hệ của mọi người?
– Tôi đã nghĩ về nó trong rất nhiều năm. Tôi đã tìm kiếm trong nhiều ghi chép của mình, và tìm thấy “Don Jon” trong các ghi chép từ năm 2008. Đó chỉ là một ý tưởng về việc chúng ta chủ quan hóa mọi thứ, và về việc các phương tiện truyền thông đã đóng góp vào việc đó như thế nào. Ý tưởng đó với tôi là rất thú vị và hài hước.
Tôi đã nghĩ về một gã trai xem quá nhiều phim cấp 3, và một phụ nữ xem quá nhiều phim lãng mạn của Hollywood, và đây là một cách khá buồn cười để đặt ra câu hỏi: làm thế nào mà sự khác biệt giữa các phương tiện truyền thông lại có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta, cũng như cả đời sống yêu đương nữa?
– Bộ phim diễn đạt ý tưởng về sự tác động của truyền thông tới cuộc sống con người, nhưng anh có tán thành ý tưởng đó không?
– Tôi rất đồng tình mà. Tôi nghĩ rằng các bộ phim chúng ta xem, show truyền hình chúng ta theo dõi, các cuốn sách chúng ta đọc, các bài hát chúng ta nghe,… tất cả đều có những đáng động đáng kể tới cá tính, niềm tin, văn hóa và góc nhìn của chúng ta về mọi thứ. Điều này khá thú vị, vì trong nền văn hóa hiện giờ, mọi người thường nghĩ: “Ôi, chỉ là giải trí thôi mà, chẳng vấn đề gì”. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng nghĩ về chuyện này một cách nghiêm túc là điều nên làm.
Cá nhân tôi không bao giờ mang mấy thứ vớ vẩn đó về nhà. Tôi nghĩ chúng thực sự độc hại, ví dụ các câu chuyện ngồi lê đôi mách hoặc các tin đồn, tôi sẽ không bao giờ để chúng lại gần tôi. Tôi biết tác hại của chúng, nếu cứ dành thời gian để “tiêu hóa” mấy thứ vớ vẩn đó, tôi tin chắc người ta sẽ nuông chiều bản thân và bắt đầu để bản thân mình có những thái độ như thế.
– Anh có vẻ kiểm soát khá tốt các dự án anh làm bây giờ, nhưng thật khó để liên hệ chúng với những vai anh nhận khi trẻ hơn.
– Khi bắt đầu đóng phim, tôi cũng là một đứa trẻ thôi mà. Hồi đó, tôi rất thích đóng phim, rất thích được làm việc trên trường quay. Từ đó với nay, tôi nghĩ lý do để tôi lựa chọn phim nào là vì niềm vui, vì sự sáng tạo và truyền cảm hứng. Tôi đã cố gắng hết sức trong những bộ phim mà tôi cho rằng hay và tích cực. Ít ra tôi cũng đủ sức mạnh để được lựa chọn. Tôi chẳng bao giờ đổ lỗi cho ai đó khi các bộ phim của họ có những thông điệp không lành mạnh, vì tôi không nghĩ họ cố tình như vậy.
– Nhưng thỉnh thoảng cũng thật khó để biết khán giả đón nhận bộ phim như thế nào.
– Chắc chắn rồi. Tôi nghĩ một số người cũng chẳng cho rằng đây là trách nhiệm của nhà làm phim. Một số người nghĩ: “Tôi chỉ cố làm ra thứ gì đó để giải trí. Nếu mọi người thấy vui, thế là được rồi”. Đây là một lời bao biện, tôi hiểu.
– Anh vốn được biết tới là một diễn viên “tắc kè hoa”, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi anh có thể làm được chuyện này: chỉ đạo diễn xuất của chính mình, với một vai diễn thực sự không dễ.
– Tôi đã nghĩ rất nhiều trong quá trình viết kịch bản. Tính tới lúc bắt đầu quay phim, tôi đã dành hàng mấy năm trời để nghĩ về gã trai này trong đầu rồi. Đây là quá trình dài hơn nhiều so với diễn xuất thông thường. Khi diễn trong một bộ phim, mục tiêu duy nhất của tôi là hiểu xem đạo diễn muốn gì và thực hiện điều đó. Còn khi là đạo diễn, tôi biết chính xác tôi muốn gì, và tôi chỉ cần làm theo từng chi tiết nhỏ thôi.
– Tôi biết rằng anh từng khẩn khoản hỏi xin kinh nghiệm từ rất nhiều đạo diễn giỏi mà anh từng làm việc cùng, ví dụ như Christopher Nolan, Steven Spielberg và Rian Johnson, nhưng có lời khuyên nào từ họ mà anh không muốn nghe theo không?
– Tôi nói với Christopher Nolan rằng tôi chuẩn bị làm một bộ phim và ông ấy ủng hộ ngay lập tức. Điều đó rất có ý nghĩa với tôi. Ông ấy bảo: “Có vẻ cậu sẽ khá giỏi trong việc này”. Tôi nói với ông rằng tôi sẽ diễn và chỉ đạo cùng lúc, và ông ấy khá ngạc nhiên, ông cho rằng đó là một thử thách lớn mà đáng lẽ tôi nên làm trong bộ phim thứ 2 của mình.
Rian thì chỉ trích khá nhiều. Ông là người đầu tiên tôi cho xem kịch bản và ông cũng đưa ra nhận xét trong quá trình tôi viết và biên tập. Đa phần các gợi ý của ông tôi đều nghe theo, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng bất đồng và quyết làm theo ý mình.
– Một trong những điểm tôi thích ở “Don Jon” là nó có ngôn ngữ điện ảnh rõ rệt, một phần nào đó gợi nhớ tôi tới “”Amelie,” “Requiem for a Dream” và thậm chí cả “Natural Born Killers”. Điều này có được chủ định trước không?
– Tôi chủ định nghĩ về nghệ thuật như là tập hợp của tất cả những thứ tuyệt vời nhất mà người nghệ sĩ từng thấy. Tôi cho rằng mọi thứ chỉ có nguyên bản, hoặc không là gì. Nếu là một người trung thực, tôi tin rằng ai cũng độc nhất và nguyên bản. Vì thế, nếu tôi trung thực, tôi có thể kể một câu chuyện từ trái tim mình.
Với tôi, đó là câu chuyện của một người đã lún sâu vào vũng lầy, một người chịu ảnh hưởng từ rất nhiều thứ khác nhau: gia đình, bạn bè, nhà thờ, truyền thông, các bộ phim cấp 3 anh ta xem hàng ngày. Anh ta cố gắng xoay sở để thoát khỏi những thứ này và mở rộng đầu óc một chút. Đó có phải là câu chuyện chưa từng được kể bao giờ không? Không, đó là chuyện cũ nhất trên đời. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng có những thứ độc đáo trong đó.
Linh Hanyi
Biên dịch từ Huffingtonpost