Jordan: Những tội lỗi & tai tiếng - Tạp chí Đẹp

Jordan: Những tội lỗi & tai tiếng

Sự Kiện

Kỳ 8

Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu khởi đăng từ số tháng 2/2012.

Trong vòng chưa đầy 48 tiếng đặt chân đến Jordan, tôi đã thành người nổi tiếng. Một tờ báo chính thống của Jordan đăng ảnh tôi lên trang nhất, một tờ khác post hình tôi lên facebook và tính cho đến thời điểm này thì đã có hơn 120 người “share”, chia sẻ, phát tán trên mạng cái hình tôi bé xíu. Kể đến đây đã biết ngượng nên phải đính chính lại ngay rằng tôi “tai tiếng” chứ không phải nổi tiếng. Mà cũng chẳng phải tôi, chỉ là… cái vai tôi tự dưng xấu số thành đề tài cho thiên hạ ném đá.

 

1 trong 7 kỳ quan thế giới mới, Petra là một thành phố kỳ diệu được xây bởi người Nabataeans khoảng 2500 năm trước. Hàng trăm cung điện, nhà thờ, hầm mộ cũng như chỗ cư ngụ của người dân đều được tạc thẳng vào núi đá. 

 

Chết vì câu “view”

Chiều hôm ấy, tôi và hai người bạn đi qua phía Thánh đường Hồi Giáo ở trung tâm thủ đô Amman đúng vào lúc gần một ngàn tín đồ trải chiếu ra con đường chính để cầu nguyện. Bình thường họ cầu nguyện trong thánh đường, nhưng từ khi Mùa xuân Ả Rập tràn qua, chiều cuối tuần nào phe đòi cải cách chính phủ cũng tổ chức cầu nguyện tràn cả ra đường. Trên vỉa hè, ai mua bán qua lại thì cứ việc buôn bán lại qua. Dưới lòng đường, các ông các anh và các bé trai dập đầu nhằm hướng Mecca quỳ lạy. Được một chặp thì con bé tôi hơn hớn mặc áo hở vai đi qua, đúng quy tắc của một khách du lịch, thấy lạ là giương máy ảnh lên chụp. Toách!

Chưa đầy 3 tiếng sau, Adam bạn tôi gọi điện hộc tốc triệu tập tôi lên facebook. Chình ình trên trang chính của tờ báo là cái vai trần của tôi phơi ra. Dưới lòng đường, một nửa đám đàn ông cúi đầu cầu nguyện, một nửa cả gan… ngước mắt nhìn. Đấy, chỉ có thế thôi. Thế mà dân tình bù lu bù loa, hết kêu tôi không tôn trọng tín đồ đang làm nghi lễ, rồi lại quay ra chửi bới mấy gã tín đồ nửa mùa đang lạy Chúa Trời mà thấy gái một cái là giướng mắt lên.

Tôi hết hồn, kêu thằng Adam giải thích xem bản thân sai chỗ nào. Adam nhíu trán một hồi rồi kêu cái ảnh này không đăng mặt tôi, ý đồ muốn cho dân tình hiểu nhầm tôi là người bản xứ chứ không phải khách du lịch. Chung quy chỉ là muốn bán được báo và câu lượt xem.

Thế tại sao lại phải câu “view” kiểu nửa mùa như thế? Đơn giản là vì trâu bò đang đánh nhau nên cần ruồi muỗi chết cho xôm tụ. Sau mỗi chiều thứ sáu cầu kinh xong là cả ngàn tín đồ này đứng lên lôi băng rôn ra tuần hành biểu tình đòi thay đổi chính phủ. Suốt hơn một năm rưỡi qua, trung bình cứ 6 tháng Jordan lại có một ông thủ tướng mới, ông nào cũng có thời từng làm… cựu thủ tướng. Sau tầm nửa năm không cải cách kịp bèn phải từ chức để thay nội các. Vì thứ sáu nào cũng có biểu tình nên báo chí phải căng óc tìm ra khía cạnh mới giật tin cho ăn khách. Việc đưa cái vai của tôi lên báo theo Adam là “lá cải” hết phương cứu chữa.

Một hầm mộ có tuổi đời 2000 năm được cải biên thành Cave Bar, quán bia có một không hai ở Petra.

 

Các đám cưới ở Jordan thường chia làm hai phòng, một cho phụ nữ và một cho nam giới. Các bé gái được trang điểm và ăn vận lộng lẫy. 

Biểu tình kiểu Jordan

Những cuộc biểu tình ở Jordan có thể nói là độc nhất vô nhị. Mở đầu đoàn biểu tình là một chiếc xe to, đài loa mở hết công suất. Khoảng hơn trăm người theo sau căng tràn ra khắp mặt đường một lá cờ khổng lồ rộng chừng 25 mét vuông có in hình Đức vua. Nên nhớ là thủ tướng cứ 6 tháng phải “đổi ca” một lần nhưng Đức vua thì đời đời bất diệt.

Vua ở Jordan không giống mấy ông hoàng bà chúa ở châu Âu chỉ ngồi đó cho đẹp. Ngài đứng đầu quân đội, thâu tóm hành pháp, và các đảng thân cận của Ngài nắm gần trọn quyền lực trong nội các. Tuy nhiên, cuộc biểu tình có Ngài dẫn đường tiếp nối bằng hơn một nghìn người với rừng băng rôn khẩu hiệu. Một cách vừa có lý vừa phi lý, những người đi biểu tình bản chất là phản đối cái chính phủ thân vua nhưng lại không thoát ra được cái đạo vua tôi ăn sâu vào tiềm thức.

Tội lỗi của Sodom

Khắp miền Bắc Jordan không đâu là không có dấu vết của những nhà truyền đạo nổi tiếng và những nền văn minh nổi tiếng. Loanh quanh chỉ hơn trăm kilomet quanh thủ đô Amman thôi, bạn sẽ loạn lên với hàng chục điểm ghi chú, nào là Chúa Jesu được rửa tội ở đây, hay đỉnh núi này là nơi Chúa Trời chỉ cho Moses thấy Miền Đất Hứa mà Ngài dành cho dân Israel. Riêng tôi, điểm đến khiến tôi tò mò nhất là hai thành phố nổi tiếng trong Kinh Thánh, nói đúng hơn là hai thành phố tai tiếng đầy tội lỗi: Sodom và Gomorrah.

Lại nói về cậu bạn Adam của tôi. Tối hôm tôi trở nên nổi tiếng (e hèm, tai tiếng!), hai đứa nằm vắt cẳng lên thành ghế sô pha thổ lộ tâm tình. Tôi thú nhận là sau bấy nhiêu tháng lăn lê ở Trung Đông, hiện tại bản thân chỉ có một niềm khao khát khá mãnh liệt là được mặc áo ba lỗ hở rốn và quần đùi vừa đi vừa mút kem ngoài đường mà không sợ bị phạm húy. Adam thở dài một cái rồi bảo, niềm khao khát mãnh liệt nhất của nó là được… hôn bạn trai một cái ngoài đường mà không bị “ném đá” cho chết. Tôi hò reo trong bụng, phục mình đoán trúng phóc ngay từ giây phút đầu tiên gặp Adam: cậu chàng là dân đồng tính.

 

Một buổi hành lễ chiều thứ sáu ngay trên mặt đường. 

Việc mò đến thăm địa danh Sodom là gợi ý của Adam. Theo nhiều cách hiểu từ bản gốc Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái, người dân nơi đây nhiều tội lỗi không kể xiết, trong đó có cả tội quan hệ tình dục với người cùng giới (thuật ngữ “sodomy” dùng để chỉ việc quan hệ qua đường hậu môn). Chúa Trời cử ba thiên thần giả dạng khách lỡ độ đường xuống điều tra và ở nhà của một người tên Lot. Khi những cư dân của Sodom và Gomorrah kêu gào đòi Lot nộp mạng những khách lạ, Lot vì danh dự chủ nhà, cương quyết chối từ và hiến dâng hai cô con gái còn trinh của mình cho lũ người man rợ. Tuy nhiên, họ không chịu nhân nhượng và xông vào tấn công. Những thiên thần giả dạng liền tuân lệnh Chúa, tiêu diệt toàn bộ Sodom. Họ dặn dò gia đình Lot kỹ lưỡng là không được ngoảnh đầu lại, nhưng vợ Lot không kiềm chế được đã ngoái nhìn quê hương lần cuối. Cô lập tức bị biến thành một cột muối. Nước mắt Lot chảy dài và biển nước khổng lồ nơi đó ngàn năm sau vẫn còn mặn chát.

 

Như ngồi trên ghế sô pha 

Biển Chết hay mỏ vàng?

Mặn chát thật ra không đúng khi miêu tả nước ở Biển Chết. Tôi chót dại ghé mặt thè lưỡi nếm thử và lập tức quên phắt lễ nghi bao năm bố mẹ dạy dỗ, bụm miệng khạc nhổ ầm ĩ. Như nếm a xít. Cái chất lỏng kinh khủng ấy vừa chạm đầu lưỡi đã đốt cháy các tế bào cảm nhận. Bên cạnh tôi, Desmond – một anh bạn người Mỹ – nhảy tưng tưng vì hôm qua trót cạo râu, bây giờ nước biển ngấm qua lỗ chân lông như ngàn mũi kim châm. 35% dung lượng nước là muối thế nên ở Biển Chết không bao giờ có người chết đuối. Xung quanh tôi ai ai cũng bập bềnh trên nước như ngồi ghế sô pha. Có kẻ còn mang theo tờ báo để vừa đọc vừa lững lờ trôi. Tử vong chỉ xảy ra khi có kẻ dại dột ngụp đầu xuống nước và bị sặc muối, hoảng loạn mà chết.  

Biển Chết tuyệt nhiên không một loài sinh vật nào có thể sống sót, trừ mấy con vi sinh vật cổ đại. Ngày xưa tôi đọc đâu đó một cảm nhận khá hoa mỹ nói rằng Biển Chết không có sự sống vì nó chẳng chia sẻ nước của mình cho đại dương nào. Vớ vẩn! Thế các hồ ao thì sao? Từ ngày xửa ngày xưa các ông hoàng bà chúa Trung Đông, bao gồm cả Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã biết sử dụng nước Biển Chết để kéo dài sự sống và nhan sắc. Ngày nay, hàng triệu lượt người mỗi năm trầm mình nơi đây, phơi nắng suốt ngày để thay da đổi thịt. Biển Chết nằm dưới mực nước biển hàng trăm mét, là điểm thấp nhất Trái đất nên các tia nắng ít chịu ảnh hưởng của tia cực tím nhất. Biển Chết mang lại cho Jordan hàng tỷ đô la mỗi năm, đóng góp một phần không nhỏ vào việc đưa đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên này trở thành một quốc gia giàu có ở Trung Đông, trợ giúp cho ngân sách giáo dục khổng lồ chiếm tới 21% ngân khố quốc gia, với số lượng các nhà nghiên cứu khoa học tính trên đầu người cao hơn cả đất nước một thời từng đô hộ Jordan: Đế quốc Anh.

Suy cho cùng, những kỷ niệm của tôi ở Jordan xa gần đều ít nhiều gắn với tội lỗi và tai tiếng. Chả sao, nhất là khi tội lỗi của cái vai trần vô tư tạo điều kiện cho tự do báo chí phát triển (Hì hì, AQ một tí!), hoặc tội lỗi chỉ là do ấu trĩ của nhận thức (Chẹp! Thương cho cuộc sống dấm dúi của Adam!), hay tội lỗi mà hệ quả là cái Biển Chết thì chết mà vẫn mang lại cả đống lợi nhuận cho hậu thế như thế này thì lời quá, khỏi cần mất công ăn năn. Nhỉ?

Kỳ sau: Jerusalem – Khí thiêng tôn giáo

Bài & ảnh: Phương Mai


Thực hiện: depweb

14/09/2012, 16:34