Johnny Trí Nguyễn: Từ chuyện "khói lửa" trong phim Mỹ - Tạp chí Đẹp

Johnny Trí Nguyễn: Từ chuyện “khói lửa” trong phim Mỹ

Sao

Johnny Trí Nguyễn phập phồng lo lắng với 'khói lửa Việt Nam'

– Theo vài thông tin mà chúng tôi biết được thì những phim chiến tranh bên Mỹ đều do Bộ Quốc phòng Mỹ cố vấn, tài trợ khí tài, khí cụ… cho bộ phận khói lửa. Có phải vì thế mà các cảnh khói lửa, đánh nhau rất hoành tráng, chân thật và đẹp mắt?

– Đúng là ở Mỹ có nhiều phim chiến tranh do Bộ Quốc phòng tài trợ, nhằm quảng bá, tuyên truyền sức mạnh của vũ khí và quân đội Mỹ. Tuy nhiên, để có được tài trợ này cũng không dễ, các nhà sản xuất phải nộp kịch bản trước để Bộ Quốc phòng xem xét, thậm chí sửa đổi, sau đó họ mới quyết định có tài trợ hay không. Tất nhiên, họ cũng chỉ cung cấp khí tài, khí cụ và cố vấn về chuyên môn, còn cách tạo hiệu ứng khi quay thì các chuyên gia trong đoàn phim phải đảm trách.

Điều này cũng tương tự như Việt Nam, với các phim chiến tranh do Nhà nước sản xuất, Bộ Quốc phòng đều chỉ đạo các quân khu hỗ trợ khí tài và chuyên gia. Chỉ khác là chúng ta chưa có đủ số chuyên gia biết kết hợp được kiến thức chuyên môn về khí tài và kiến thức điện ảnh; chưa linh hoạt với các yêu cầu dịch vụ của các hãng phim tư nhân. Chính vì vậy mới có tình trạng các hãng phim tư nhân và các nhà làm khói lửa phải “tự bơi” với nhau.

Phần nhiều các phim có cảnh khói lửa ở Mỹ đều do các tổ chức tư nhân đảm trách, họ là những người có chuyên môn về khói lửa và điện ảnh, được cấp giấy phép hành nghề. Chỉ có một số ít đạo diễn là tự quay các cảnh khói lửa, còn phần đông đều thuê ê-kíp chuyên gia thực hiện, được gọi là tổ đạo diễn 2 hay tổ quay 2, hoặc có khi là trợ lý đạo diễn. Ê-kíp này sẽ quay bổ sung các cảnh khói lửa, thường là với diễn viên đóng thế, sau khi tổ đạo diễn 1 đã thực hiện xong các cảnh với diễn viên.

– “Dòng máu anh hùng” thuê chuyên gia Thái Lan làm hiệu ứng cháy nổ, có phải vì chuyên gia Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu?

– Tất nhiên ban đầu chúng tôi ưu tiên chọn ê-kíp Việt Nam, phần vì muốn tiết kiệm, phần cũng muốn cùng người Việt mình phát triển nền điện ảnh trong nước. Sau 10 ngày làm việc với nhau, chúng tôi đã phập phồng, lo lắng, ví dụ như tiến độ chuẩn bị các đúp quay quá chậm, không ổn định về hiệu ứng…, nên cuối cùng buộc phải thuê chuyên gia Thái Lan.

Tuy họ không được làm với “đồ nghề” của mình (vì không được phép nhập khẩu đồ cháy nổ), nhưng các chuyên gia Thái Lan đã làm tốt thấy rõ, đảm bảo được tiến độ đoàn phim, vì vậy mà hạn chế được phát sinh kinh phí, thành ra rẻ hơn. Đơn cử như cảnh nổ xe trong phim, tôi hỏi các chuyên gia Thái về khoảng cách an toàn, họ đã nói đúng, nên chỉ quay một đúp là xong.

Người làm khói lửa không chỉ tạo ra khói lửa, mà còn phải tiên liệu được hậu quả và tính an toàn của từng cảnh quay. Các chuyên gia Thái Lan nổi trội hơn các chuyên gia Việt Nam mình ở điểm này. Cho nên, khi làm với họ, đoàn phim yên tâm hơn, còn làm với chuyên gia Việt, ai cũng thấy phập phồng.

– Điều kém cỏi ấy liệu có khắc phục được không và theo anh, có thể bằng cách nào?

– Tất nhiên phải cần quá trình giao lưu và học hỏi bài bản, không thể một sớm một chiều. Ở Mỹ cũng thế thôi, mỗi dòng phim khói lửa đều có chuyên gia riêng, không thể một nhóm làm tất cả. Sau thời kỳ thịnh về phim chiến tranh do Nhà nước đảm trách cảnh khỏi lửa, Việt Nam gần như lơ là về mảng này, nên người làm phải tự mày mò, tự sáng chế, sai sót là khó tránh khỏi.

Tôi đơn cử chuyện nhân vật trúng đạn, điện ảnh Hong Kong một thời gian dài làm không được, xem phim cứ thấy phụt lửa cháy áo, trong khi đạn dính vào người thì làm sao mà cháy áo? Sau này, khi có giao lưu và trao đổi chuyên gia, họ đã học được cách làm kíp nổ của Mỹ, cảnh dính đạn nhìn mới chân thật hơn.

Trong “Dòng máu anh hùng”, cảnh anh Dustin bắn người phu xe, do đạn của loại súng này mình không còn, mà nhập thì không được, anh Phương “khói lửa” phải tự chế, nên bắn rất phập phù, có đúp quay lửa phà vào mặt diễn viên mà súng không nổ. Diễn với vũ khí không tươm tất và không chuẩn về kíp nổ rất là ức chế, diễn viên dễ mất cảm hứng.

Từ “Dòng máu anh hùng” đến nay, chúng tôi đã khắc phục và tự làm được nhiều khâu trong phim hành động, nhưng cảnh khói lửa thì phải lệ thuộc khá nhiều vào hoàn cảnh khách quan. Chuyện khói lửa phim trường vẫn còn bị xem là nghề nhạy cảm tại Việt Nam, dù nhu cầu thực tế thì rất nhiều, nên rất cần một cơ chế quản lý cụ thể, rõ ràng hơn để phát triển.

– Anh từng đóng thế trong nhiều phim khói lửa bom tấn ở nước ngoài, mức độ nguy hiểm ở đó được cảnh báo thế nào?

Khói lửa và đóng thế là hai bộ phận nguy hiểm nhất trong đoàn phim, nên cảnh báo về tính nguy hiểm và yêu cầu cao về an toàn luôn được đặt ra. Thế nhưng thực tế cho thấy rằng làm với các đoàn phim Mỹ thì mức độ yên tâm cao hơn, không phải vì bảo hiểm của họ tốt hơn, mà trong mỗi khâu chuyên môn, họ đều tính toán và dự báo được hậu quả.

Riêng chuyện các vụ nổ, họ chế được những chất liệu gây nổ chỉ có sức đẩy mà gần như không có sức công phá, nếu diễn viên có chạy quá gần thì sức ép cũng khó gây chết người. Khi ra hiện trường, những chỗ đặt bom mìn thường có cắm một cây cờ nhỏ để diễn viên biết mà tránh, nhưng khi vào cảnh quay nổ liên tục, khói bụi tùm lum, chẳng thấy cờ đâu mà tránh nữa.

Trong một phim, tôi từng chạy trúng một quả mìn và bị hất tung lên cao, trông rất nguy hiểm nhưng không sao cả. Tại Thái Lan hay Ấn Độ cũng thế, các vật liệu này người ta nhập từ Mỹ, hoặc học được công thức chế tạo, nên gần như không có nguy hiểm. Anh Charlie Nguyễn kể lúc quay chương trình tại Thái Lan, một diễn viên chạy nhiệt tình khi diễn xuất, một quả mìn nổ ngay trước mặt, anh ấy hưởng trọn khói bụi, bọt xi măng, nhưng chẳng bị sao cả.

Với cách làm khói lửa ở Việt Nam, gặp phải trường hợp này là nguy hiểm to. Trong “Bẫy rồng” có vài trường hợp bị thương là do không kiểm soát được khói lửa. Một cascadeur kể với tôi chuyện có nhà quay phim Việt Nam từng bị cây nhọn đâm vào cổ, là hậu quả của việc tính toán sai về sức nổ. Thuốc nổ và đạn tự chế, chưa qua kiểm nghiệm chất lượng, làm sao mà an toàn được.

– Chính những lý do như anh vừa nêu mà nền điện ảnh Việt Nam còn phải lệ thuộc nước ngoài khá nhiều, mà cụ thể là Thái Lan, phim nào cũng tốn tiền tỷ cho họ…

– Điện ảnh là nền công nghiệp, cái gì mình làm không được thì phải thuê, sòng phẳng thôi. Chính điều kiện khói lửa như vậy mà khi làm phim “Bụi đời Chợ Lớn” chúng tôi chọn liệu pháp “giải trừ” súng ống, chỉ dùng mã tấu để bớt rắc rối, nên làm gần như tất cả tại Việt Nam, chỉ tốn khoảng 60 ngàn USD cho âm thanh và chép phim nhựa ở Thái Lan. Sang năm, khi phần lớn các rạp ở Việt Nam đã chuyển sang chiếu kỹ thuật số, nếu không dính đến khói lửa, đạn dược, chúng ta có thể nội địa hóa 100% một bộ phim bình thường.

Văn Bảy (thực hiên)

Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Thực hiện: depweb

02/03/2013, 07:45