John Lennon: Thần tượng bị câu rút

John Lennon 

 

John Lennon – Thiên sứ của hòa bình và tình yêu

Những hình thái xã hội biến thiên muôn trùng vạn nẻo nhưng qua mọi thăng trầm, âm nhạc của John vẫn sống như một bản cáo trạng. Ở tuổi 73, nếu còn sống John sẽ làm gì? Có lẽ anh chẳng làm gì cả, hòa bình vẫn chưa bao giờ thật sự có cơ hội. John sẽ viết sách cho trẻ con. Anh sẽ thay Lewis Carroll để kể một câu chuyện giống như “Alice ở xứ sở diệu kỳ”, câu chuyện đã từng nuôi anh lớn và John đã từng chịu ơn nó trong các sáng tác của mình. Nhưng xét cho cùng, John không phải là Alice, và anh càng không phải là Peter Pan, cậu bé chẳng bao giờ chịu lớn. Trong thế giới thật sự của những thành phố xi măng cùng những tòa nhà bê tông cột thép chọc trời cuối thế kỷ 20 ấy, chẳng ai cho phép một cậu bé như Peter Pan ngừng lớn và chẳng có đâu xứ sở diệu kỳ cho Alice ghé thăm.

Bài liên quan:
– John Lennon: Gã nghệ sỹ khờ trong thế giới phù hoa

                                                                       Tổ chức: Quỳnh Tun


Khẩu P.38 bắn thủng chiếc tàu ngầm màu vàng

Chiếc xe con của phòng ghi âm Plant chở vợ chồng John Lennon và Yoko Ono về Dakota, một ngôi nhà cổ sang trọng, xây dựng đã 100 năm theo kiểu gothic trong khu phía Tây thành phố, nơi cư trú của nhiều đại diện nổi tiếng trong giới nghệ sĩ New York. Lúc ấy, John không để ý có một gã đàn ông đang chờ mình trước cửa.Lẽ ra thời điểm 22h50 hôm ấy, John sẽ cùng Yoko Ono đến ăn tại nhà hàng Stage Deli nhưng anh muốn về nhà chúc cậu con trai Sean 5 tuổi ngủ ngon. Và số phận đã được an bài.

Khi John Lennon ra khỏi xe và đi về phía lối vào nhà, một cái cổng đồ sộ bằng sắt uốn, người gác cổng đã mở rộng chiếc cửa để đón John. Bỗng anh nghe tiếng gọi “Ngài Lennon!”. John quay lại. Một gã đàn ông còn trẻ đứng cách anh hai bước trong chiếc quần bò, áo sơ mi trắng, mắt đeo kính. Mới sáng nay, John ký tặng hắn trên đĩa nhạc vừa được phát hành “Double fantasy”. Nhưng lúc này, vật trong tay hắn không là chiếc đĩa hát, mà là một khẩu súng ngắn P.38 của Smith & Wesson, thường được gọi là “undercover” (bí mật ), thứ vũ khí tiêu chuẩn của các thám tử thuộc cơ quan cảnh sát. Ngay phát đầu tiên đã chí mạng: lồng ngực và phổi bên trái của nạn nhân bị xuyên thủng. Sau đó, hắn còn bồi thêm bốn phát.

John Lennon

John Lennon gục xuống trước lối vào phòng ngoài. Những viên cảnh sát được người gác cổng gọi đến không chờ xe cấp cứu, khiêng luôn John lên xe của họ vì anh chảy máu rất nhiều, và họ để Yoko Ono, lúc này đang lăn lộn trong cơn động kinh, ngồi cạnh anh. Chiếc xe lao tới bệnh viện St. Luke’s-Roosevelt cách đấy không xa. Khi người ta đưa John vào phòng mổ thì anh đã không còn thở nữa. Các bác sĩ tuyệt vọng tìm mọi cách để anh sống lại. Nhưng mọi cố gắng tận tình của họ đều hoài công vô ích.

Tên giết người không bỏ chạy, hắn điềm nhiên đút khẩu súng ngắn vào túi quần. Lấy trong túi bên kia một cuốn sách nhỏ, bìa mềm nhan đề  “The Catcher in the Rye” (Bắt trẻ đồng xanh) rồi chăm chú đọc một cách hết sức thản nhiên. Trong tác phẩm ấy, có cậu bé luôn tự hỏi những chú vịt sẽ trốn ở đâu vào mùa đông. Và với Mark David Chapman, kẻ thủ ác, hắn biết sẽ làm gì với thần tượng của mình.

Thứ Hai, mùng 8/12/1980 đã trở thành một ngày buồn bã. Khẩu P.38 đã lấy đi sinh mạng của một người hết sức yêu thương con người. Chiếc tàu ngầm màu vàng, biểu tượng của tự do, cuối cùng đã bị một khẩu súng trong một xã hội tự do bắn thủng.

Cái chết mạnh hơn mọi món hàng quảng cáo

Vụ giết John Lennon đã xảy ra vào thời điểm thuận lợi, gần 11 giờ đêm, vừa vặn trước khi các đài truyền hình và truyền thanh bắt đầu phát bản tin cuối cùng. Như một đàn sói, các phóng viên truyền thanh và truyền hình chộp luôn lấy mẩu xương là chuyện giật gân mà cái xã hội bạo lực vừa ném cho họ lần nữa. Như cây gậy trong cuộc thi chạy tiếp sức, phóng viên các hãng truyền hình lớn nhất chuyền cho nhau thi hài của Lennon bó trong một tấm vải dày màu xanh, dây da buộc chằng chịt, từ dinh thự Dakota qua bệnh viện St. Luke’s-Roosevelt rồi đến cơ quan giám định tư pháp và cuối cùng là nhà xác thành phố. Hàng trăm, hàng nghìn người sững sờ trước cái chết vô nghĩa lý của thần tượng, đã đứng suốt dọc con đường ấy. Những máy quay phim của đài truyền hình chĩa một cách không thương tiếc vào những khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Như những ống nghe của bác sĩ, những chiếc micro đi sâu tìm hiểu trái tim của họ.

John Lennon

Có cảm tưởng vụ giết John Lennon được đặt chương trình từ trước, và các phương tiện truyền thông đã được chuẩn bị chu đáo trước vụ giết người này. Trong một thời gian cực nhanh, khẩu Smith & Wesson cỡ 38 đã đăng đàn đứng trước mọi sân khấu truyền thông, từ việc tổ chức nội các của tổng thống Ronald Reagan, cuộc xung đột giữa Iran và Iraq, những tin giờ chót về các con tin ở Teheran hay việc định giá các cổ phần chứng khoán ở phố Wall. Khẩu P.38 đã thực hiện buổi diễn độc quyền của nó, không muốn chia ánh sáng sân khấu với một diễn viên nào khác. Chỉ có hoạt động quảng cáo hùng mạnh mới đôi khi dám xông vào điệu múa này của thần chết. Không món hàng quảng cáo nào mạnh hơn cái chết của John Lennon. Các đài truyền thanh thì “nhân văn” hơn, thay vì tả lại diễn biến cái chết thì hầu như đài nào cũng chỉ phát lại nhạc của Beatles và John Lennon. Công chúng, những người đã sống và lớn lên từ những giai điệu của tứ quái, đã khóc ròng và hát tất cả những gì được phát ra.

Ngày xưa John từng hát “Happiness is a warm gun” (Hạnh phúc là khẩu súng ấm trong tay, ý nói về một khẩu súng vừa nhả đạn) và bây giờ khẩu súng ấm ấy đã quyết định “John Lennon không còn được lưu hành nữa”. Tổng thống Jimmy Carter đã gọi vụ giết John Lennon là “vô nghĩa lý”. Nhưng cũng có điều mà ông tránh nói ra khi chính ông từng hứa hẹn trước tuyển cử là cấm bán và sản xuất một số loại súng ngắn. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Một dự luật về vấn đề này soạn thảo từ năm 1977 vẫn nằm lỳ trong Bộ Tư pháp. Dự luật này thậm chí không được đưa ra Quốc hội vì nó đã bị bóp chết bởi cuộc vận động bằng súng sau hậu trường, tiến hành dưới sự điều khiển của “Hội chơi súng toàn quốc”.

John Lennon

Thật là một điều mỉa mai cay đắng của định mệnh: đầu năm 1964, người dẫn chương trình nổi tiếng Ed Sullivan đã mời nhóm Beatles từ Anh sang Mỹ với mục đích, theo lời ông, “để nước Mỹ nguội đi và lãng quên được ít nhiều sau cơn sốc choáng vì vụ ám sát tổng thống John Fitzgerald Kennedy”. Trong chương trình đó, anh chàng đẹp trai 24 tuổi John Lennon đã hát bài “I want to hold your hand” (Anh muốn nắm tay em) trong tiếng gào khoái trá của đám thanh niên đang tự rứt tóc, cào mặt, giãy giụa điên loạn. Và bây giờ, cánh tay của John nằm trên cáng thòng xuống bất lực. Đám thanh thiếu niên trước kia nay đã già đi sau 20 năm và lại càng già đi sau vụ ám sát, đứng chết lặng trước Dakota. Không ai tự rứt tóc, không ai cào mặt, tất cả chỉ còn nước mắt. Những thanh thiếu niên trước kia giờ đây không hát lại những tiếng “yeah yeah yeah” nữa mà là “Tất cả những gì chúng ta cần nói là hãy cho Hòa bình một cơ hội” (“Give peace a chance”), một bài hát của John được xem là thánh ca của phong trào phản chiến. Còn một sự thật đau lòng khác. Trước khi chết một ngày, John Lennon đã quyên 10.000USD cho cảnh sát New York sắm áo chống đạn. Còn chính John thì lại không có một chiếc áo chống đạn, anh vẫn tin nước Mỹ sẽ bảo vệ mình. Và mỉa mai là ngày Mark David Chapman ra tòa không phải trong chiếc áo sơ mi bình thường, mà chính là cái áo chống đạn.

Khi nhóm Beatles đặt chân lần đầu lên đất hứa, các phóng viên đã hỏi John Lennon: “Ông thấy nước Mỹ như thế nào?”, “Màu xanh lá cây”, John trả lời, không cần suy nghĩ. Nhưng trong khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi bị cắt đứt bằng bạo lực của anh, nước Mỹ lại đổ máu trước mắt John.

Bài: Nguyên Minh

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Những người nói rằng So Ji Sub đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp có lẽ cũng đồng tình rằng chàng trai này được sinh ra để đứng trên đỉnh cao:

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category