Jeanne Lanvin: Người đàn bà khác thường - Tạp chí Đẹp

Jeanne Lanvin: Người đàn bà khác thường

Thời Trang

Một tính cách khác thường

Jeanne Lanvin là một phụ nữ ít nói. Một tính cách dường như khác thường trong thế giới của các loại vải tơ lụa sột soạt và các chuyện tầm phào mà bà bị cuốn mỗi khi gặp khách hàng. Dù hơi khác người như Paul Poiret và kiêu ngạo như Gabrielle Channel nhưng bà lại chọn cho mình cách sống nơi hậu trường. Im lặng và kín đáo, hầu như lầm lì cô độc, luôn luôn với bộ com-lê đen của bản hiệu với vài chi tiết trang trí màu trắng thật nhỏ, bà dường như tự cách ly với các khách hàng ngoài xã hội. Họ không vui khi được trả lời: “Chúng tôi được căn dặn không được làm phiền bà chủ. Bà ấy rất không muốn nói chuyện với bà, cô.”

Điều gì đã làm cho bà bận tâm đến thế? Có vẻ, mọi lý giải đều “dẫn lối” về một cái tên: Marguerite – cô con gái xinh đẹp yêu dấu, “quả ngọt” từ cuộc hôn nhân tan vỡ của bà. Con gái trở thành tất cả, là nguồn cảm hứng vô bờ bến của bà. Bà sống và làm việc chỉ cho riêng con gái mình.

Đối với Lanvin, hơn hẳn bất cứ nhà thiết kế “haute couture” nào, thời trang và tình yêu không thể phân biệt rạch ròi vì nó có cùng một điểm xuất phát: Marguerite-Marie-Blanche. Khi còn bé, cô được bà may cho quần áo đẹp như tiên; đến tuổi niên thiếu, cô được mặc như phụ nữ.

Mẫu vẽ minh họa những thiết kế dành cho trẻ em năm1929

Từ gác mái nhỏ

Lanvin đã tự kiếm sống khi bà 13 tuổi. Việc này chẳng có gì là lạ. Ở Paris luôn có hàng trăm cô gái làm việc vặt trong các cửa hiệu may mặc và phục vụ nhu cầu của khách hàng về các loại quần áo, nón mũ và vật dụng trang điểm. Nhưng không ai có ý chí như bà. Bà được mệnh danh là “cô bé xe buýt”, bởi thói quen chạy bộ theo xe buýt loại ngựa kéo để tiết kiệm tiền xe.

5 năm sau, khi 18 tuổi, bà đã học xong nghề làm mũ nón dành cho phụ nữ và tự mình đứng ra kinh doanh. Xưởng làm việc nằm ở một gác mái trên đường Marché Saint-Honnoré chỉ là một bước khởi đầu khiêm tốn nhưng bà không hề khuất phục. Bà có một năng lực vô biên, vốn liếng là một đồng luy (loius) vàng và ba trăm quan tiền mua chịu của các nhà cung cấp. Lanvin hoàn toàn dốc lòng cho tài năng của mình, cho niềm đam mê nghề nghiệp, cho niềm tự hào mà bà cảm nhận được khi có thể chu cấp cho cả gia đình; và cho cả niềm tin của tầng lớp trung lưu đối với giá trị công việc.

Bà kết hôn với một nhà quý tộc người Ý, Emilo di Pietro vào 1895 và li dị vào năm 1903. Cuộc sống chung ngắn ngủi của họ vẫn có “điểm chung” ngọt ngào là cô con gái mà sau này được biết đến như một ngôi sao thời trang – Marguerite.

Thời gian này, bà bắt đầu may trang phục cho con gái mình. Bà đã thiết kế những bộ váy áo cực kỳ công phu, tiêu biểu là chiếc áo lông chồn viền đen, áo đầm không tay dệt thun và viền đen, đôi găng tay thêu và mũ Neapolitan được tạo bằng lưới bạc. Khi những đơn đặt may cho con từ các bậc phụ huynh gửi tới ngày càng nhiều, Lanvin liền mở một phân xưởng quần áo trẻ em.

Bắt đầu từ những bộ trang phục dành cho trẻ em, chất lượng tay nghề, sự tập trung cao độ vào việc chọn lựa màu sắc và vải sợi là những nhân tố dần dần trở thành thói quen hà khắc đối với Lanvin. Đối với bà, chẳng có cái nhìn mang tính cách mạng nào, chỉ đơn giản là công việc của một người thợ may và niềm khao khát không thể thỏa mãn được là xem, học và  thu thập những điều mới mẻ.

Những đặc sắc chỉ có ở Jeanne Lanvin

 

Những màu sắc của Lanvin thật vô cùng độc đáo. Cũng như xanh Lanvin, còn có màu hồng nhạt san hô, màu đỏ anh đào, màu hoa cà và màu xanh hạnh nhân.

“Trang phục hiện đại đòi hỏi phải có một sự cảm nhận lãng mạn nào đó”. Jeanne Lanvin 

 

Hoa cúc tiêu biểu cho niềm đam mê không kể xiết của Jeanne dành cho con gái, trong đó cũng có hình dáng của trái tim, thường được cách điệu, đôi khi khó có thể nhận ngay ra lần đầu. Đó chính là cơ sở cho các mẫu thêu tay hay kết hạt.

Một mô-típ thường thấy nữa là gút thắt và một hình lá nào đó, chăng hạn như lá cây ô-liu, cây trường xuân hay nguyệt quế – những cây mang biểu tượng vô tận.

Chiếc áo đầm là bằng vải taffeta và vải tuyn màu kem và đen này được trang trí hoa làm từ ruy – băng  nhung và cổ hở đờ-muya (demure) đặc trưng. Nó được đặt tên là “Balsamine” và ra đời vào năm 1924.

“Réverive”: Do họa sĩ Gerorges Lepape vẽ vào khoảng năm 1924 cho báo Gazette du bon ton. Hai áo đầm trẻ em này minh họa cho xu hướng trẻ trung của phong cách Lanvin. Những phụ nữ muốn có dáng vẻ trẻ trung đều bị Lanvin thu hút.

Những cuốn sách chứa đầy những ghi chú về các kiểu kết hạt, mẫu thêu. Chúng hợp thành một biên khảo về Lanvin và chúng là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn.

Trong suốt thập niên 20, khi những chiếc áo dạ hội của bà đạt đến đỉnh vinh quang, kĩ thuật kết hạt tuyệt hảo được coi là dấu ấn tiêu biểu nhất của công ty bà. Vào năm 1925, các xưởng của Lanvin thu hút hơn 800 người làm, không tính đến nhân viên bán hàng. Khi các BST mới được trình diễn, khách hàng, phần lớn là phụ nữ Mỹ, sẵn sàng vượt Đại Tây Dương chỉ để sắm cho mình những bộ đầm yêu thích. Vào 1925, bà tung ra loại nước hoa tuyệt hảo đầu tiên và trở nên rất thành công tại Mỹ. Dần dần, một “đế quốc” thời trang đã được hình thành.

 

 

Mặc dù việc sử dụng từ “style”(phong cách riêng) gần như là đương nhiên, nhưng Lanvin đã quyết liệt phủ nhận từ “style” mà người ta dùng cho các tác phẩm của bà trên một bài báo trong tạp chí Vogue 1945. Bà khẳng định: “Tôi chưa bao giờ giới hạn mình trong một loại trang phục riêng biệt nào và cũng chưa cố gắng ấn định cho mình một phong cách đặc thù nào. Trái lại, tôi cố gắng hết sức để mỗi màu mình phải nắm bắt được một trào lưu và tự mình diễn đạt các sự kiện chung quanh nhằm thể hiện các quan niệm còn mông lung thành một hình thể hữu hình”.

 

Áo đầm dạ hội, khoảng 1930, vải taffeta xanh nhạt và lưới lụa. Đây là chiếc váy do Lanvin thiết kế được Jill.Leinbach và James L.Long mua lại  trong những năm sau này để tưởng nhớ mẹ của họ, bà Jane P.Long, 1986.

Bộ Robe de style(áo đầm kiểu), hè 1924, làm bằng lụa bóng taffeta màu đen, lụa màu xanh và kim sa, mề đay thêu và chỉ bạc kết dây, đan lưới.

Váy áo dạ tiệc cốc-tai khoảng năm 1924. Chất liệu lụa sa tanh màu ngà có những miếng đắp tinh tế. Sự sắp xếp màu sắc phong phú trên nền trắng tạo ra loại y phục thanh lịch với nét ngây thơ, trong trắng.

Đã nhiều năm trôi qua từ ngày bà qua đời, nhiều nhà thiết kế tài giỏi đã thay bà lãnh đạo nhà may, song dấu ấn của Jeanne Lanvin luôn phong phú, súc tích và không phai nhòa.

 “Khi bạn lúc nào cũng nghĩ đến những mẫu thiết kế mới thì mọi thứ bạn nhìn thấy đều được biến đổi và được thích nghi với bất cứ điều gì mà bạn có thể có trong tay. Quá trình này xảy ra một cách tự nhiên và trở thành một bản năng, một chân lí, một nhu cầu, một ngôn ngữ khác.” Jeanne Lanvin

Dinh Nguyên

Thực hiện: depweb

26/05/2012, 16:33