Jean Srimpton: "Bật và tắt là đủ!" - Tạp chí Đẹp

Jean Srimpton: “Bật và tắt là đủ!”

Thời Trang
Cô là người mẫu được trả tiền cát-sê cao nhất thế giới lúc bấy giờ và không ít người cho rằng không phải các nhà thiết kế mốt như Mary Quant hay Andre Courreges, mà chính Jean Shrimpton là người có công lăng xê váy mini jupe trên phạm vi toàn thế giới.


Tờ London Evening News viết rằng, “Đứng giữa lụa là, lông thú, váy nylon in hoa và vải tulle nhợt nhạt, trông cô như bông hoa dạ yên thảo lạc vào một rổ hành tây”.





Năm 1965, Jean Shrimpton trên danh nghĩa người mẫu số một của London cùng bạn trai là diễn viên điện ảnh Terence Stamp đến dự cuộc đua ngựa truyền thống hàng năm Victoria Derby Day tại Melbourne theo lời mời của ban tổ chức. Đây là một trong những sự kiện giao lưu và thời trang quan trọng nhất hàng năm của giới thượng lưu địa phương. Báo chí Úc bấy giờ nhắc đến khoản tiền cát-sê 2.000 bảng Anh cho cô người mẫu trẻ tuổi, ngang với thu nhập bình quân của người Úc trong một năm và cao hơn cả tiền cát-sê mời ban nhạc The Beatles biểu diễn tại đây.

Jean Shrimpton xuất hiện trước khán giả trong chiếc váy trắng hợp mốt. Vì nhận được quá ít vải của nhà tài trợ nên những chiếc váy may cho chuyến đi của cô hơi ngắn hơn thuờng lệ, tay trần, gấu váy cao trên đầu gối 10cm. Vì trời nóng, cô cũng bỏ cả tất chân ở khách sạn, để hở cặp chân rám nắng nổi tiếng, không đeo găng tay và xõa tóc một cách tự nhiên. Không có trang sức đắt tiền, cổ tay cô chỉ đeo một chiếc đồng hồ nam cỡ nhỏ. Phong cách thiếu nữ trẻ trung của cô đã phá vỡ mọi quy ước về trang phục cho những lễ hội trang trọng, thách thức giới thượng lưu Úc và những “lệ làng” của họ.


Jean Shrimpton phớt lờ như không nghe thấy tiếng la ó dè bỉu cô tại cuộc đua ngựa. Trên báo chí địa phương, người ta gọi cô là “đồ trẻ con” và cho rằng “cô tha hồ mặc váy mini ở London, còn người Úc không phải là không biết cách ăn mặc lịch sự và đúng mực”.

“Vụ tai tiếng váy ngắn” lan đến tận London và trở thành một sự kiện quốc tế. Tất nhiên là báo chí Anh đứng về phía cô người mẫu trẻ tuổi. Tờ London Evening News viết rằng, “đứng giữa lụa là, lông thú, váy nylon in hoa và vải tulle nhợt nhạt, trông cô như bông hoa dạ yên thảo lạc vào một rổ hành tây”. Có lẽ là chỉ sau khi Jean Shrimpton “gây chấn động” cho các quý khách dự cuộc đua ngựa tại Úc (những người được coi là thuộc giới cực kỳ bảo thủ), người ta mới thấy rằng chiếc váy ngắn mang theo hơi thở của thời đại, tượng trưng cho tất cả những điều mới mẻ, cho cách suy nghĩ cởi mở và lối sống thành thị phóng khoáng của thập kỷ 1960. Đó là những điều trái ngược với lối suy nghĩ cổ hủ, chất địa phương hẹp hòi nhiều mặc cảm.

Mary Quant hay Andre Courreges có thể là những người đã tìm ra kiểu dáng mới của trang phục, thuyết phục được London và Paris. Nhưng có lẽ chính Jean Shrimpton mới làm cho váy mini jupe khuấy động dư luận xã hội trên phạm vi vượt ra ngoài các trung tâm thời trang của Mỹ và châu Âu.


Jean Shrimpton sinh năm 1942 tại High Wycombe, Buckinghamshire, Anh và bước vào nghề người mẫu năm 1960. Khác với những người mẫu có dòng dõi thượng lưu của thập kỷ 50, cô xuất thân trong một gia đình bình dân, sống tại trang trại nuôi gia cầm với bố mẹ. Khi đang theo học trường đào tạo thư ký, cô được đạo diễn người Mỹ Cy Endfield phát hiện và khuyên theo học nghề người mẫu.

Tại một buổi chụp ảnh cho Vogue, cô gặp David Bailey, nhiếp ảnh gia trẻ tài năng nhất của London lúc bấy giờ. Cặp tình nhân nhiếp ảnh gia và nàng thơ nhanh chóng trở thành cặp đôi nổi tiếng nhất tại kinh đô thời trang thế giới, đem theo những cảm xúc riêng tư vào những bức ảnh thời trang. Chẳng bao lâu sau, Jean Shrimpton trở thành gương mặt tượng trưng cho Swinging London – một London của thời trang, phim ảnh, âm nhạc do lớp trẻ gây dựng và dành cho chính lớp trẻ.







Cô nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên trước ống kính và khả năng người mẫu bẩm sinh mà Steve McQueen kể rằng, chỉ cần “bật và tắt” là đủ. “Đấy là phản xạ tự nhiên, là nghề của tôi, “bật và tắt” cho đến khi nhiếp ảnh gia vừa lòng” – Jean Shrimpton kể với tờ Guardian nhân dịp kênh truyền hình BBC làm phim về cô và mối tình với David Bailey. Jean Shrimpton từ bỏ nghề người mẫu vào đầu thập kỷ 1970, khi mới ngoài 30 tuổi và vừa trở thành khuôn mặt quảng cáo nước hoa No19 cho Chanel. “Thời trang là một môi trường khắt khe đầy áp lực, làm cho người ta phải trả giá và đốt cháy con người – Jean Shrimpton không luyến tiếc quyết định của mình. Chỉ có những kẻ tinh ranh, như Andy Warhol hay David Bailey là sống sót”.


Bài: Lukasz Nguyễn

Thực hiện: depweb

09/11/2011, 22:02