James Horner – người “khổng lồ” của Hollywood

Ngày 22/6, người hâm mộ trên toàn thế giới ngậm ngùi chia tay một tài năng lớn của Hollywood ở tuổi 61. Chiếc máy bay chở James Horner, nhà soạn nhạc lừng danh từng đóng góp vào thành công cho những tác phẩm phim ảnh nổi tiếng như “Titanic” hay “Avatar” đã gặp tai nạn và cướp đi sinh mạng của ông. 

Năm 1997, bộ phim “Titanic” của James Cameron đã tạo ra một cú sốc tại các rạp chiếu phim, đi cùng với đó là album nhạc do James Horner thực hiện đã đem về cho ông một giải Oscar danh giá cho ca khúc gốc. Đã có hơn 30 triệu bản album được tiêu thụ, và sản phẩm đó vẫn tiếp tục được bán ra cho tới nay, album gồm cả bài hát nổi tiếng mà ông đồng sáng tác “My Heart Will Go On” được cất lên bởi giọng ca Celine Dion. Tác phẩm của Horner khắc họa tình yêu bất diệt, được cất lên giữa mênh mông đại dương, trong khoảnh khắc quan trọng của bộ phim. Khi chúng ta thấy Leo và Kate nơi mũi tàu, khi chúng ta nhớ về những giây phút khủng khiếp trên xuồng cứu hộ, đó là lúc âm nhạc của Horner chảy qua trái tim và tâm trí của người xem. 

Poster một số bộ phim Horner tham gia viết nhạc

James Horner là một trong những nhà soạn nhạc ưu tú của Hollywood – những người như Alexandre Desplat, Carter Burwell, Hans Zimmer, John Williams, Ennio Morricone hay Bernard Herrmann – người có thể nâng tầm một bộ phim với trí tưởng tượng, độ nhạy bén và sự chuyên nghiệp của mình bằng âm nhạc. 

Horner tạo ra các bài hát dựa trên 3 cấp độ: cấu trúc và chiều sâu của bộ phim, cấp cao hơn là kết hợp hòa âm với tường thuật và cuối cùng là đỉnh cao của sự hoa mỹ, khi những giai điệu thoát thai khỏi mọi ràng buộc, trở thành tiếng nói độc lập của bộ phim như  khoảnh khắc kì diệu trong “As Time Goes By” (bài hát chủ đề trong “Casablanca”).

Status trong hình là một trong rất nhiều chia sẻ đầy tiếc thương dành cho sự ra đi của James Horner: “Thật là một mất mát lớn lao khi nghe tin về sự ra đi của Jame Horner. Tôi đã lớn lên bằng tình yêu với các tác phẩm của ông ấy. Ông ấy đã để lại những tác phẩm âm nhạc có giá trị vĩ đại cho nhân loại”

Như những cầu thủ vĩ đại, Horner đã giữ cho mình sự sung sức đáng kinh ngạc, ông là người sản xuất âm nhạc một cách tự nhiên như hơi thở nhưng cũng là người đặt cho mình một khối lượng công việc nặng nề, khi thường xuyên làm việc 16 tiếng/ngày. Thật kinh ngạc, trong năm 1993, ông cho ra đời tới 13 tác phẩm nhạc phim, khi làm nhạc cho hai bộ phim “The Pelican Brief” (Hồ sơ bồ nông ) của của Alan Pakul và “The Man Without a Face” (Vô Diện Nhân) của Mel Gibson. Hơn 20 giờ âm nhạc được tạo ra trong một năm, và tất cả đều được sắp xếp phức tạp. Billy Wilder nói rằng, trong phim bạn phải nêu bật lên sự tinh tế, và đó cũng là một phần những gì mà những nhà soạn nhạc phải làm: thiết kế phần âm nhạc chạy song song với hình ảnh, và âm nhạc phải kết hợp được sự tinh tế và sức mạnh trong đó. Một khi âm nhạc trở nên quá cường điệu và ầm ĩ thì đó không phải là những gì mà người soạn nhạc nên làm. 

Tác phẩm đánh dấu bước đột phá của James Horner trong vai trò nhà soạn nhạc là khi ông bắt tay thực hiện nhạc cho bộ phim “Star Trek II: The Wrath of Khan” vào năm 1982, trong đó âm nhạc của ông chuyển tải sự phấn khích của những cuộc hành trình dài trong không gian, kết hợp phong cách ồn ào của John Williams với hơi hướng của biển, và ý tưởng này đã quay trở lại trong “Titanic”

Một trong những tác phẩm gây được ấn tượng khác của James Horner phải kể tới “Apollo 13” (Tàu Apollo 13), bộ phim của Ron Howard mà tại đó âm nhạc đóng một phần hết sức quan trọng. “The Launch” của Horner đã truyền tải được sự hưng phấn, sung sướng và kinh ngạc qua các giai điệu hơi hướng Giáng Sinh. Bài hát là một tác phẩm phi thường, chứng minh Horner là một “người khổng lồ” tại Hollywood. Rất có thể, đây cũng là tác phẩm đã truyền cảm hứng cho Hans Zimmer để tạo nên nhạc phim cho “Interstellar” (Hố đen tử thần) của đạo diễn Christopher Nolan. 

Bài: Ngọc King

Ảnh: The Telegraph

logo


From the same category