Con tàu mang tên Super Fast đưa chúng tôi rời khỏi Patra – Hy Lạp, vượt
qua eo biển phía Tây Địa Trung Hải để đến thành phố cảng Bari của Ý. Con
tàu hiện đại cao 5 tầng giống như một khách sạn nổi trên biển khiến tôi
không khỏi sững sờ. Quán bar, nhà hàng, khu massage, bể bơi hay sòng
bạc mở cửa trong suốt 15 tiếng hành trình. Với nhiều mức giá khác nhau,
du khách có thể được phục vụ như những ông vua bà hoàng trong những căn
phòng hạng sang, hay chỉ có được một chỗ ngả lưng trên boong tàu giữa
biển đêm lạnh giá.
Với 2 tấm vé trị giá 120 euro, chúng tôi mua 2 ghế mềm trong khoang máy
lạnh. Tuy nhiên, đêm đó quá lạnh, có khoác vào người bao nhiêu cái áo
cũng không đủ ấm, chúng tôi đành ôm nhau thức trắng đêm, chờ tàu cập
bến.
27/7
Nước Ý là thiên đường du lịch với những nhà thờ Thiên chúa nguy nga,
tráng lệ, những viện bảo tàng hoành tráng, những khu mua sắm với các
thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới… Song với người dân địa phương,
mùa hè ở Ý lại không hề lãng mạn đến vậy khi cái nắng nóng lên đến
40°C, các con phố tràn ngập khách du lịch và giá cả của các loại hàng
hóa, dịch vụ đồng loạt tăng cao, thì họ chỉ có một lựa chọn duy nhất đó
là trốn khỏi thành phố và đi cắm trại cho đến hết mùa hè.
Các trại hè giống như một thành phố ngầm núp dưới rừng thông ven biển,
những căn lều lớn nhỏ khác nhau được dựng lên san sát, biến những cư dân
ở đây từ xa lạ trở thành bạn bè và hàng xóm của nhau chỉ trong một
khoảng thời gian ngắn.
Lều thì cũng đủ loại phong phú, từ những cái đơn sơ chỉ dành cho một
người cho đến những căn lều “thần kỳ” như trong truyện “Harry Porter”
với đầy đủ phòng ốc và tiện nghi như một ngôi nhà di động, được dựng lên
từ phần thân xe kéo và phông bạt.
Tất nhiên cắm trại cũng phải trả tiền, và khoản tiền này cũng không hề
nhỏ. Chi phí cho một đêm của chúng tôi đến 40 euro. Hãy làm một phép
tính đơn giản: 1 gia đình 4 người với “ngôi nhà” đồ sộ thế kia trong
suốt 3 tháng hè, dễ đến cả ngàn euro.
Những ngôi nhà nằm sát nhau, thoai thoải theo triền núi
30/7
Thức dậy từ 5h sáng, cả đêm mất ngủ do khu trại tổ chức đêm nhạc rock cho thanh niên, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đóng gói hành lý lên đường sớm để tránh nắng nóng. Khoảng 2h chiều, ngước mắt nhìn lên ngôi làng nằm chót vót trên đỉnh núi, tôi ngán ngẩm: “Sao họ lại leo tít lên đỉnh núi mà ở thế?”. Đoạn đường dài 15km khiến tôi hoa cả mắt, cứ đạp được vài cây số lại phải dừng lại thở dốc. Cứ như vậy, sau 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng leo đến nơi.
Làng Sant’Andrea trong ánh hoàng hôn
Nhà thờ cổ 400 năm tuổi tại làng Sant’Andrea.
Ngôi làng Sant’Andrea di Conza hiện ra thanh bình dưới ánh mặt trời chói chang. Những ngôi nhà nhỏ nằm sát nhau, ép mình thoai thoải dọc sườn núi. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi làng như một công trình của kiến trúc sư đại tài Gaudin với những mảng ghép đa sắc màu.
Chúng tôi dừng chân trước một siêu thị nhỏ. Tôi nói với Guim: “Tự nhiên em thèm dưa chuột quá, anh mua cho em một quả nhé?”. Sau vài phút, Guim trở ra đưa cho tôi thứ mà anh nghĩ là quả dưa chuột. Chúng tôi đứng tranh cãi một hồi mà không để ý rằng 2 chiếc xe đạp với đống hành lý lỉnh kỉnh đã thu hút sự chú ý của dân làng.
Một người đàn ông tiến lại gần chỗ chúng tôi bắt chuyện. Khi biết chúng tôi rong ruổi khắp nơi trên 2 chiếc xe đạp, ông tỏ ra rất hứng thú và mời chúng tôi vào quán bar La Capsula của ông ngay gần đó. Luigi – tên người chủ quán, hồ hởi giới thiệu chúng tôi với những người dân làng. Còn chàng trai trẻ Gerardo, phóng viên của tạp chí làng Sant’Andrea, tờ tạp chí đặc biệt được xuất bản 6 tháng một lần, thì mời chúng tôi nghỉ lại đây một đêm.
Khi Guim kể cho mọi người việc anh nhầm lẫn giữa “cetriolo” (dưa chuột – tiếng Ý) với “zucchine” (quả bí), cùng lý do tôi thèm ăn dưa chuột, thì người phụ nữ ngồi ngay cạnh ôm chầm lấy tôi chúc mừng và nói một tràng tiếng Ý. Sau đó, tôi và Guim được người phụ nữ này, Antonietta, cùng chồng chở xuống thị trấn phía bên kia sườn núi. Họ dừng xe trước cửa siêu thị và chỉ trong nháy mắt, Antonietta đã xuất hiện với nụ cười và túi dưa chuột trên tay. Quá xúc động, tôi chỉ biết nói “Grazie mille, grazie mille” (Cảm ơn chị rất nhiều).
Con đường nhỏ trong làng Sant’Andrea.
Sau bữa tối tại gia đình Gerardo, chúng tôi quay trở lại La Capsula. Khoảng hơn 10 người đã ngồi sẵn đợi chúng tôi. Mọi người hỏi tôi về Việt Nam và yêu cầu tôi hát cho họ nghe. Ca khúc “Quê nhà” của nhạc sĩ Trần Tiến được cất lên trong không gian ấm cúng giữa đêm khuya tại ngôi làng Sant’Andrea di Conza trên đỉnh núi.
31/7
Sáng hôm sau, chúng tôi được mời ăn trưa tại nhà bố mẹ của Antonietta. Đó là một ngôi nhà nhỏ với vườn rau xanh trải xuôi theo sườn núi. Mẹ chị Antonietta nói, họ không phải mua bất cứ thứ gì ngoài siêu thị ngoài thịt và cá, vì tất cả các loại rau xanh, củ quả đều có trong vườn của họ, ngay cả rượu vang hay món mì pasta nổi tiếng cũng đều do gia đình tự làm hết, điều này khiến chúng tôi cực kỳ thích thú.
Chiếc xe cổ thời trang tại nhà chị Antonietta.
Bức ảnh kỷ niệm trước lúc tạm biệt Sant’Andrea
Chúng tôi cùng những người bạn tại làng Sant’Andrea quây quần xung quanh bàn ăn. Bữa tiệc sóng sánh trong rượu vang cùng tiếng cười nói kéo dài đến tận 5h chiều.
Những người phụ nữ ở làng Sant’Andrea di Conza.
Những vòng tay ôm hôn, những lời chào tạm biệt và cả lời cầu chúc an lành làm đầy thêm hành trang của chúng tôi. Đạp xe rời khỏi Sant’Andrea khi mặt trời đã bắt đầu ngả dần xuống núi, ngoảnh đầu lại tôi vẫn còn thấy những cánh tay vẫy chào của người dân làng, giống như một lời nhắn gửi: “Hãy quay trở lại nhé…”.
Bài Thùy Anh;
Ảnh Guim Valls Teruel