“Into the storm” – “Thảm họa” của dòng phim thảm họa

Cũng lấy đề tài thảm họa làm câu chuyện chính như “The Day after Tomorrow” hay “2012” nhưng lần này, người xem không nhìn thấy mặt đất tan nát hay đóng băng, mà lại được chiêm ngưỡng cơn thịnh nộ cuồng phong kéo đến phá nát cả thị trấn nhỏ.

Đối mặt với con bão của “Into the Storm” là ba thái độ khác nhau đến từ ba nhóm người. Nhóm đầu tiên là các nhà khoa học mong muốn nghiên cứu về bão, dẫn đầu là nhà khoa học lập dị Peter. Sự đam mê cơn bão khiến ông thiết kế ra một cỗ xe tăng nhầm… chống bão, để có thể đứng giữa tâm bão mà ghi lại sự khủng khiếp của nó. 

Nhóm người thứ hai là hai gã trai tưng tửng đang tìm mọi cách để được nổi tiếng trên Youtube, quyết định quay các video không giống ai nhằm thu hút mọi người. Cả hai sau khi quay cảnh phóng xe qua bãi lửa thì quyết định thử sức với cơn bão đang tới.

Nhóm còn lại là ba cha con một giáo viên cấp ba. Sau cái chết của người mẹ, cả ba cha con đều khó có thể gần gũi, nói chuyện và thấu hiểu nhau. Hai cậu con trai muốn thực hiện một video tên là “Hộp thời gian” để ghi lại khoảnh khắc mọi người nói về tương lai, để 25 năm sau, họ sẽ ngồi nhìn lại, xem mình đã thay đổi thế nào với thời gian. Cơn bão kéo tới khiến gia đình họ chịu nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là một cơ hội để mọi người có thể gần gũi nhau hơn.

Với “Into the Storm”, người xem cần một viên thuốc chống buồn ngủ. Phần đầu phim khá dàn trải khi để một khoảng quá dài giới thiệu từng nhóm nhân vật, mục đích cũng như tính cách của họ. Ở giai đoạn này, cơn bão chỉ xuất hiện với dạng “tin tức rỉ tai”, ai cũng nói bão đang tới, dù chả ai thấy mặt mũi nó ra sao. Những đoạn thoại lê thê, nhàm chán, không có chi tiết giật mình hay yếu tố nào gây hào hứng sẽ khiến người xem ngáp dài, mệt mỏi, vài người hết kiên nhẫn bỏ về. Vài người mở điện thoại ra coi, vài người nói chuyện… 

Khoảng 1/3 cuối phim, cơn bão bắt đầu đổ bộ vào thị trấn và hoành hành. Lúc này nhịp phim được đẩy nhanh hơn, cao hơn và các tình tiết cũng gia tăng. Tuy nhiên nhìn chung, vẫn là chuyện của nhóm người chạy đi tránh bão, sau khi núp ở chỗ này bị bão quét ngang thì chạy sang chỗ khác… núp tiếp. Phần cuối phim này sẽ khiến bạn tập trung cao độ hơn, và nếu có uống thuốc chống buồn ngủ thì đến đây thuốc cũng đã đủ ngấm để bạn coi cho hết phim.

Viên thuốc thứ hai bạn cần cho bộ phim này là thuốc chống say xe, nhức đầu. Do được quay bằng kiểu “giả tài liệu” góc nhìn thứ nhất (giống bộ phim gần đây là “Tượng ma”) nên góc quay của phim thay đổi rất nhiều, đồng thời cũng có sự rung lắc liên tục, nếu ai không quen với kiểu coi phim này thì bảo đảm sẽ bị chóng mặt kéo dài gần 90 phút phim. Còn nếu bạn đã quen thuộc hay thích kiểu quay phim như vậy, thì cứ vô tư mà thưởng thức.

Nói về đề tài thảm họa, so với những phim trước, cơn bão trong phim không quá dữ dội. Mức độ tàn phá của nó chỉ là một thị trấn nhỏ, không phải cả trái đất như “2012” hay kéo mọi người về kỷ băng hà như “The Day after Tomorrow”. Những cảnh trong trailer sẽ khiến mọi người đặt hi vọng vào phim này nhiều hơn, và vì vậy khi coi hết phim, nhiều người… chưng hửng và thất vọng. 

Ở mặt nội dung hay ý nghĩa, có thể nhìn ra được ý đồ của bộ phim muốn để người xem hiểu về sự gắn bó của gia đình, người thân, sự đoàn kết để vượt qua thiên tai, cũng như sự hi sinh bản thân để bảo vệ người khác. Tiếc rằng phải kiên nhẫn ngồi coi hết phim thì bạn mới nhìn ra được các vấn đề này.

“Into the Storm” có thể nói là một điển hình tiêu biểu cho thể loại phim “trailer hay hơn phim đầy đủ.”

Với những ai đam mê dòng phim thảm họa, chả có việc gì suy nghĩ để mua vé và coi bộ phim này. Nhưng với những ai cần giải trí bằng cách xem phim và không quan trọng thể loại, chỉ cần hay là được, thì “Vệ binh dải ngân hà”“Ninja Rùa” sẽ là lựa chọn tốt hơn.

Bài: Chú Hề

Ảnh: IMDb


logo

>>Có thể bạn quan tâm: Mùa phim hè năm nay, ngoài phim kinh dị Mỹ “Linh hồn báo thù” thì điện ảnh Việt Nam chỉ có một bộ phim duy nhất ra rạp nhận được nhiều quan tâm từ khán giả. Càng đặc biệt hơn khi bộ phim này cũng chọn chủ đề kinh dị tâm linh để hù người coi.


From the same category