"Interstellar": Phép màu vũ trụ đã bớt thiêng tại Oscar 2015 - Tạp chí Đẹp

“Interstellar”: Phép màu vũ trụ đã bớt thiêng tại Oscar 2015

Review

Còn nhớ năm ngoái khi bộ phim “Gravity” (tựa Việt: “Cuộc chiến không trọng lực”) của đạo diễn người Pháp Alfonso Cuarón đã đại thắng tại Oscar khi ẵm về tới 7 giải ở các hạng mục danh giá mà phải kể tới trong đó là Đạo diễn xuất sắc nhất. Điều này khiến người ta nghĩ tới việc liệu có phải Oscar dường như đã bắt đầu “bén duyên” với các bộ phim khoa học viễn tưởng vũ trụ, như “Gravity”, sau sự e dè cố hữu trước đây chăng? 

Tuy vậy năm nay, khi những công bố đề cử cho Oscar 2015 vang lên, những người hâm mộ “thương hiệu” Christopher Nolan không tránh khỏi tiếng thở dài, nhưng là tiếng thở dài đã lường trước khi bộ phim mới nhất của ông – “Interstellar” (tựa Việt: “Hố đen tử thần”) chỉ được trao 4 đề cử, mà toàn về mặt hiệu ứng, kĩ thuật.

Oscar: Sân chơi không dành cho những tác phẩm “hại não” ?

Cùng điểm qua một số cái tên đã từng đoạt Oscar như “Million Dollar Baby”, “Crash”, “The Departed”, “No country for old men”, “Slumdog millionaire”, “The hurt locker”, “King’s speech”, “The Artist”, “Argo”, “12 years a slave”… Và đoán xem những cái tên nào đã không được xướng lên? Người ta đã vô cùng thất vọng khi những ứng cử viên như“Inception” (2010), “Momento”, “Fight Club”… đều đã thất bại trong cuộc đua tới tượng vàng.

Rõ ràng là Oscar rất hiểu gu của người Mỹ, và khi những bộ phim có chất liệu tốt, chứa đựng nội dung nhân văn (nhưng phải đơn giản thôi) như các phim về thảm hoạ, khoa học, chính trị, chiến tranh… ẵm được tượng vàng và trở nên phổ biến, thì sẽ càng ít những tác phẩm dám đi ngược lại quỹ đạo này mà sống sót. “Fight Club”, “Momento”, “The Dark Knight” hay “Inception” đều quá phức tạp, quá dàn trải. Chẳng phải đó cũng là những gì đang xảy ra với “Interstellar”?

Nhìn lại chiến thắng của “Gravity”

“12 Years a Slave” là “ngôi sao” của Oscar 2014, nhưng kẻ cướp sân của “kép chính” với tần suất được xướng tên nhiều nhất lại là tác phẩm bom tấn của đạo diễn Cuáron – “Gravity” gồm Biên tập phim xuất sắc, Hiệu ứng xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Hòa âm xuất sắc, Biên tập âm thanh xuất sắc, Nhạc phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc.

Ngoài hạng mục trao cho đạo diễn, những chiến thắng (và đề cử) còn lại hầu hết đều thuộc diện kĩ thuật, tức là “Gravity” vẫn không được đánh giá cao về mặt nội dung. Chính sự khổ công tìm tòi và cách tân trong lối quay phim, gồm có công nghệ POV quay từ điểm nhìn của nhân vật và các cú máy dài vốn là “đặc sản” của Steve McQueen,… là một trong những lý do mà “Gravity” được lòng các nhà bình phim trên phương diện hiệu ứng thị giác và âm thanh. Tuy nhiên người ta vẫn phải khen ngợi sự thông minh trong cách dẫn dắt cốt truyện, cách truyền tải những kiến thức khoa học một cách hàm súc. Vì suy cho cùng thì giám khảo của Academy Awards không phải những nhà khoa học, cũng không phải tất cả đều là fan của thể loại phim khoa học – viễn tưởng.

Christopher Nolan lại lỡ hẹn với Oscar lần nữa

Như đã nói ở trên, “Interstellar” không phải là bộ phim dễ xem cho bất cứ ai vì sự phức tạp và chất khoa học hàn lâm khiến người xem cảm tưởng như đang “bơi” trong một biển kiến thức, đặc biệt là với những người học không giỏi các môn tự nhiên. Tuy Christopher Nolan có cái biệt tài trong việc biến những thứ khô khan trở nên gần gũi, bằng chứng là người ta vẫn mê tít “Interstellar” dù phần lớn mù tịt trước những gì mà nhân vật Cooper (Matthew Mcconaughey thủ vai) bàn bạc với đồng nghiệp hay thậm chí với đứa con gái 9 tuổi của mình. Nhưng điều này vẫn không thể cứu vãn sự thật rằng Nolan vẫn là cái tên không được ưu ái tại Oscar và nếu vẫn giữ cách làm phim “ảo diệu” tới độ ám ảnh người xem thế này thì vị đạo diễn còn bị Oscar ngó lơ dài dài.

“Interstellar” là dự án phim có thể nói là tham vọng nhất của anh em nhà Nolan, nhưng lại có nhiều “sạn” hơn “The Dark Knight” và “Inception”, từ nội dung tới cách truyền tải. Nhiều trường đoạn dàn trải, quá phụ thuộc vào kiến thức khoa học để diễn tả chuyện một kĩ sư bất mãn vì phải cầm cuốc ra đồng, sau này tạm biệt đứa con gái dấu yêu để du hành vũ trụ cứu thế giới. Người ta hay nói vui rằng nhạc phim đã cứu vớt đến một nửa lượng người tới rạp xem “Interstellar”, vì mỗi khi trót ngủ gật thì vừa vặn phần phối nhạc hay đến nổi da gà của Hans Zimmer lại vang lên.

Có thể nói “Interstellar” của Christopher Nolan là một ví dụ đối lập với “Gravity” của Alfonso Cuáron. Một bên là cơ hội sống sót mong manh trong bóng tối ảm đạm ngoài vũ trụ, một bên là đi tìm ánh sáng của tương lai nơi những hành tinh xa xôi. “Gravity” dạy ta câu “không đâu bằng nhà”, còn dường như “Interstellar” muốn thì thầm vào tai người xem: “Xách đồ phi hành gia lên và bay” khi táo bạo đi tìm câu trả lời ở đâu đó ngoài kia.

“Cuộc chiến không trọng lực” lấy mục tiêu khai thác diễn xuất của diễn viên chính (thực ra cả bộ phim chỉ có hai diễn viên), đặc biệt là cô nàng “hái ra tiền” cho Hollywood là Sandra Bullock (Sandra đã làm rất tốt). Trong khi đó “Interstellar” phân bố đều thời lượng cho các diễn viên và tập trung gây choáng ngợp cho người xem bằng hiệu ứng hình ảnh, bằng những hành tinh kì lạ mà chúng ta chưa từng trải nghiệm. Và dễ thấy hơn cả, “Gravity” có nội dung đơn giản, cô đọng từ chuyện của một phi hành gia hết dưỡng khí trong tàu vũ trụ đến cách giải quyết vấn đề này.

Đối chiếu với một nội dung quá vĩ mô (từ rõ ràng như vấn nạn ô nhiễm môi trường, suy thoái nông nghiệp, thám hiểm vũ trụ… tới các vấn đề cũng rất cấp thiết như kĩ sư kiêm phi hành gia mà phải về vườn làm nông dân) và nan giải trong cách giải quyết ở “Interstellar” thì có thể nói đây là hai tác phẩm hoàn toàn khác biệt in đậm dấu ấn của đạo diễn. Ở Oscar năm nay, “Interstellar” có thể mờ nhạt, nhưng câu chuyện tình cảm gia đình cảm động cùng phiên bản điện ảnh của một bộ phim khoa học dù bạn có hiểu được bao nhiêu chăng nữa vẫn ghi dấu sâu đậm trong lòng khán giả.

Bài: Ngọc King

Ảnh: CGV cung cấp

logo

Thực hiện: depweb

12/02/2015, 14:56