#InspiredbyWomen: Những người phụ nữ truyền cảm hứng
Khi đọc các câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt trong chiến dịch mang tên “inspiredbywomen”, khởi xướng bởi Moroccanoil, nhằm tôn vinh những người phụ nữ đã và đang truyền cảm hứng cho mọi người khắp nơi trên thế giới bằng các hành động, nghĩa cử đẹp đẽ, chúng tôi dường như được truyền lửa và lập tức muốn đồng hành bằng việc tìm ra những người phụ nữ truyền cảm hứng trên dải đất hình chữ S.
Một “nam nhi chí” 8X – tiến sĩ Nguyễn Tô Lan, học giả đang nghiên cứu ở Viện Harvard – Yenching Hoa Kỳ; một tình nguyện viên – cô gái Trần Thúy An – người đã thắp lên ngọn lửa của niềm tin rằng “Dù là ai, bạn cũng có thể đưa cuộc đời mình đến những nơi mình muốn”; cô gái 9X tên Võ Thị Mỹ Linh – trong 8 tháng đã tạo ra ngôi nhà tình nguyện với 1.500 thành viên trên khắp thế giới; và Đặng Thu Thảo – người đã không chọn con đường lấp lánh hào quang của một hoa hậu, mà muốn chuyên tâm cho công việc “làm thiện nguyện cả đời”…
Mỗi người trong số họ đều có một lý do và nguồn cảm hứng khác nhau để không ngừng vận động. Nhưng những việc họ đã và đang làm đều hướng về cộng đồng, và những giá trị sống tốt đẹp để rồi truyền lửa cho biết bao người…
Đọc thêm:
Võ Thị Mỹ Linh (Ảnh: Phan Võ)
Ngọn núi & bàn tay trắng
Sau khi trở về từ đỉnh đèo Thorung La Pass trong cơn bão tuyết ở Nepal,
Mỹ Linh cho rằng mình lại chinh phục tiếp được một “ngọn núi” khi xây dựng và đưa vào hoạt động thành công dự án Volunteer House Vietnam – ngôi nhà dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo. Bản thân cô còn đứng ra kêu gọi ủng hộ người dân Nepal bị thiệt hại trong trận động đất hồi tháng 6/2015 và mới đây thành công với chương trình Share You Cakes nhân dịp Tết Trung thu.
Sau 10 tháng hoạt động, hiện Volunteer House Vietnam đã có 4 cơ sở giảng dạy tại Tp.HCM, 4 cơ sở tại Hà Nội. Số lượng tình nguyện viên gửi đơn đăng ký lên đến hơn 1500 người, trong đó có khoảng 300 thành viên hoạt động và đóng góp công sức thường xuyên. Điều hài lòng nhất của Linh về Volunteer House Vietnam chỉ là: “Người ta từng cho rằng: Nó khó mà chạy được khi không có tiền, nhưng đến nay tôi đã chứng minh được, nó đã hoạt động tốt mà không cần đến sự hỗ trợ của một tổ chức tài chính nào”.
Việc làm của Linh khiến Mr. Luc Gheysens (hiện là người điều hành dịch vụ Trường Wall Street English tại Việt Nam), người đàn ông Bỉ đã dành 60 năm cuộc đời đi đến 80 quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, phải thốt lên rằng: “Trước tiên, tôi ngưỡng mộ Mỹ Linh với tư cách một con người độc lập. Phải mất rất nhiều quyết tâm và năng lượng để làm được dự án này, và cô ấy đã làm điều đó rất tốt. Theo đó, sẽ có hàng ngàn học sinh được dạy dỗ hàng ngày hoặc hàng tuần bởi Volunteer House Vietnam và đây là một thành tích đáng kể của họ”.
Võ Thị Mỹ Linh và các tình nguyện viên của Volunteer House Vietnam trong một buổi dã ngoại. Linh luôn tạo ra nhiều hoạt động để gắn kết các thành viên.
Quà của mẹ
“Nhìn vào sự chịu đựng của mẹ, tôi bắt đầu muốn ra đi, đầu tiên để giải thoát chính mình. Nhưng tôi nhận ra, sức chịu đựng ấy của mẹ đã tràn sang tôi, để tôi hiểu nếu vượt qua được tất cả những ngáng trở trong đời sống, mình sẽ tự do. Tôi biết ơn mẹ về điều đó.”
Linh được
truyền cảm hứng từ đâu, để luôn muốn làm một người “xẻ núi”?
“Có lẽ là khi chứng kiến sự chịu đựng của mẹ, trước uy lực của người đàn ông là bố” – thật bất ngờ khi nghe Linh bộc bạch. Linh kể, mẹ cô là một người phụ nữ miền Trung có sức chịu đựng phi thường, bà luôn câm lặng trước cách chồng mình đối xử, một mình gồng gánh cả nhà qua hết cơn hoạn nạn này đến cơn hoạn nạn khác nhưng chưa từng làm được điều gì đó theo ý mình.
“Nhìn vào sự chịu đựng của mẹ, tôi bắt đầu muốn ra đi, đầu tiên để giải thoát chính mình. Nhưng tôi nhận ra, sức chịu đựng ấy của mẹ đã tràn sang tôi, để tôi hiểu nếu vượt qua được tất cả những ngáng trở trong đời sống, mình sẽ tự do. Tôi biết ơn mẹ về điều đó. Bà chính là nguồn cảm hứng của tôi.” – Linh nói.
Sau những khám phá, thế giới với Linh giờ đây không còn đáng sợ, có chăng là những rào cản cần được chung tay tháo gỡ. Vì thế, ước mơ của Linh là không muốn những người nghèo bị thiệt thòi về quyền lợi, về cơ hội nghề nghiệp, khi họ không đủ điều kiện được tiếp xúc với tiếng Anh. Tuy ngôi nhà tình nguyện của Linh chỉ có thể dạy được 10 học sinh mỗi buổi/mỗi địa điểm, nhưng điều đáng kể hơn cả là đã tạo thành tác nhân trong sự thay đổi của những đứa trẻ nghèo và gia đình của các em.
Võ Thị Mỹ Linh đang đứng lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em tại một căn nhà tình nguyện của dự án Volunteer House Vietnam ở Tp.HCM.
Volunteer House Vietnam đồng thời giúp các tình nguyện viên trẻ thêm lần nữa nhận thức bản thân cũng như có được một lối tư duy mới về công việc tình nguyện.
Sắp tới, bên cạnh các lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em, Volunteer House Vietnam sẽ tiến hành triển khai chương trình “Talk House” – là nơi những người nổi tiếng, hoặc các tình nguyện viên quốc tế tìm đến chia sẻ, để giúp các bạn trẻ vừa có cơ hội rèn luyện kĩ năng tiếng Anh vừa học hỏi thêm kinh nghiệm làm thiện nguyện, đồng thời còn là hoạt động hợp tác trao đổi với những tổ chức phi chính phủ như AIESEC, GLC để đưa các tình nguyện viên quốc tế đến những tỉnh thành nghèo, dạy tiếng Anh cho trẻ em…
Profile
– Võ Thị Mỹ Linh sinh năm 1989 tại Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp khoa Báo chí – trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM.
– Từng làm phóng viên, sau đó làm chuyên viên pr của một ngân hàng.
– Năm 2014, sang Ấn Độ, Nepal du lịch và trở thành một hiện tượng sau khi thoát chết trở về từ cơn bão tuyết tháng 10/2014.
– Từng xuất bản 10 tập sách in chung và tiểu thuyết “Bên kia đồi”.
– Người sáng lập ngôi nhà tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo: Volunteer House Vietnam. Đến nay đã có 1.500 thành viên trên khắp thế giới đăng ký tham gia và có khoảng 300 tình nguyện viên hoạt động thường xuyên.
Bài: Thục Khôi