#inspiredbywomen: TS. Nguyễn Tô Lan: “Làm đàn bà mới chính là… cảm hứng”

#InspiredbyWomen: Những người phụ nữ truyền cảm hứng

Khi đọc các câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt trong chiến dịch mang tên “inspiredbywomen”, khởi xướng bởi Moroccanoil, nhằm tôn vinh những người phụ nữ đã và đang truyền cảm hứng cho mọi người khắp nơi trên thế giới bằng các hành động, nghĩa cử đẹp đẽ, chúng tôi dường như được truyền lửa và lập tức muốn đồng hành bằng việc tìm ra những người phụ nữ truyền cảm hứng trên dải đất hình chữ S.
Một “nam nhi chí” 8X – tiến sĩ Nguyễn Tô Lan, học giả đang nghiên cứu ở Viện Harvard – Yenching Hoa Kỳ; một tình nguyện viên – cô gái Trần Thúy An – người đã thắp lên ngọn lửa của niềm tin rằng “Dù là ai, bạn cũng có thể đưa cuộc đời mình đến những nơi mình muốn”; cô gái 9X tên Võ Thị Mỹ Linh –  trong 8 tháng đã tạo ra ngôi nhà tình nguyện với 1.500 thành viên trên khắp thế giới; và Đặng Thu Thảo – người đã không chọn con đường lấp lánh hào quang của một hoa hậu, mà muốn chuyên tâm cho công việc “làm thiện nguyện cả đời”…
Mỗi người trong số họ đều có một lý do và nguồn cảm hứng khác nhau để không ngừng vận động. Nhưng những việc họ đã và đang làm đều hướng về cộng đồng, và những giá trị sống tốt đẹp để rồi truyền lửa cho biết bao người…
Đọc thêm:
– “Quán quân Siêu thủ lĩnh 2013” Trần Thúy An: “Đến lúc nào hết hạnh phúc thì thôi”

TS.Nguyễn Tô Lan đang ở Học viện Harvard-Yenching, Mỹ

Tiếng trống tuồng ở Havard

Dường như là một cơ duyên khi Tô Lan lớn lên ở khu Văn công Mai Dịch gần Nhà hát Tuồng Việt Nam. Từ nhỏ, tiếng trống, tiếng kèn và tiếng luyện thanh của diễn viên đi cả vào trong giấc ngủ của chị. Dấn thân vào ngành Hán Nôm, khi làm luận văn cao học về thư tịch Hán Nôm ở thành phố Huế, tuồng tình cờ trở lại với chị qua những kịch bản tuồng cổ chị sưu tập được. Và đề tài luận án tiến sĩ (về sau được in thành sách) của chị là: “Nghiên cứu văn bản tuồng: Quần phương tập khánh trong bối cảnh dòng văn quan phương thời Nguyễn”.

Những người biết Tô Lan đều ngạc nhiên với sức chịu đựng dẻo dai của người đàn bà nhỏ bé ấy trong thời gian chị viết luận án. Bắt đầu vào năm thứ nhất của nghiên cứu sinh cũng là khi chị mang thai và sinh con gái đầu lòng. Con gái được một tuổi rưỡi là chị đã phải tạm xa con để đi điền dã trong 9 tháng khắp các vùng miền Nam Trung Quốc như Nam Ninh, Quảng Châu, Thượng Hải để thu thập tư liệu nghiên cứu đối chiếu tuồng Việt Nam và Việt kịch Trung Quốc với tư cách là học giả của ASF (Asian Scholarship Foundation). Vừa muốn đảm bảo việc chăm sóc con và việc viết luận án, chị đi lại như con thoi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cứ hai tuần điền dã lại hai tuần về nhà. Song song với viết luận án tiến sĩ, chị còn tìm kiếm các nguồn học bổng để tiếp tục trau dồi kiến thức. Và chị đã có mặt ở Đại học Harvard chỉ 6 tháng sau khi luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công ở Việt Nam.

Tô Lan luôn nói về mình là một người bình thường, tư chất không tốt, sức khỏe kém, trí nhớ tồi. Điểm chị hài lòng duy nhất ở bản thân là “không hiểu tại sao cứ hết lần này tới lần khác lại có thể vượt qua được chính mình”. Đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng là bạn học thời đại học của chị – TS. Phạm Văn Tuấn nói về chị: “Gặp Lan chẳng ai nghĩ cô ấy đang rất bận vì Lan luôn hòa đồng, thân thiện và dành nhiều thời gian cho bạn bè. Nhưng phía sau là thế giới của Lan, nơi nghị lực của Lan vượt qua những giới hạn thông thường mà cánh đàn ông chúng tôi lắm khi cũng không vượt qua nổi”. Còn Lan thì nói: “Tạo hóa vốn dĩ không có gì gọi là bình đẳng tuyệt đối. Đàn bà có thiên chức của đàn bà, đàn ông có thiên chức của đàn ông. Làm đàn bà cũng tốt. Nhưng quan trọng hơn cả là phải sống cuộc đời mình chứ không phải sống cuộc đời của bất kỳ ai khác…”

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, Tô Lan đang ở Harvard. Tháng 6/2014, chị trở về Việt Nam sau 10 tháng làm học giả nghiên cứu (Visiting Scholar) tại Viện Harvard-Yenching, thì tháng 6/2015, chị đã trở lại nơi đây với tư cách là học giả nghiên cứu hợp tác (Coordinate Research Scholar). Trong lần đầu tới Harvard, chị nỗ lực trình bày những nghiên cứu của mình về tuồng cung đình triều Nguyễn, tuồng dân gian Phật giáo tại các trường đại học như Temple, Yale, Harvard… với tư cách một diễn giả, vừa như một nhà đồng tổ chức. Lần này, quay lại Harvard trong một dự án hợp tác nghiên cứu với giáo sư lịch sử Việt Nam hàng đầu của Harvard – GS. Hồ Tài Huệ Tâm, chị tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu về vai trò của nghệ thuật biểu diễn tuồng trong nghi lễ dân gian đồng bằng sông Cửu Long.

Tô Lan tham gia hội thảo tại Đại học Temple, với Dr. Ngô Thanh Nhàn (tháng 11/2013)

Làm đàn bà là công trình khoa học cả đời

“Triết lý sống của tôi là ‘pay it forward’. Việc của tôi chủ yếu là học được càng nhiều càng tốt để về chia sẻ với những người không có điều kiện như mình.”
Được biết, sau khi kết thúc thời gian nghiên cứu tại Harvard, Tô Lan lại bắt đầu một chặng khác trên hành trình nghiên cứu của mình với tư cách là học giả của ACLS (American Council of Learned Societies). Tô Lan từng khẳng định, càng đi càng thấy mình bé nhỏ và thấy khoảng cách giữa mình và các nhà nghiên cứu thế giới xa tới chừng nào. Vì vậy, nỗ lực nhỏ bé nhưng bền bỉ của chị là sẽ tiếp tục cố gắng giới thiệu những “điều hay ho” ở Việt Nam, để có ai đó có hứng thú sẽ để mắt tới.

Việc của mình chủ yếu là học được càng nhiều càng tốt để về chia sẻ với những người không có điều kiện như mình” – chị tâm niệm. Từ thành công của chị, nhiều nhà khoa học trẻ đã được truyền cảm hứng để kiên trì trên con đường đi tìm “chiếc chìa khóa thần kỳ” mở cánh cửa đến với nghiên cứu khoa học thế giới. Nhiều người trong số họ đã thành công. Với tinh thần “tự nhiệm” vốn được coi là truyền thống của người học Hán Nôm, Tô Lan luôn cố gắng tới mức tối đa để hỗ trợ đồng nghiệp, bạn bè và học trò. Đồng nghiệp thường đùa mà gọi chị là “mama đại tổng quản” hay “Từ Hy thái hậu” vì cái tính thích đi “lo việc thiên hạ” của chị.

Dù đã đi rất xa so với điểm xuất phát ban đầu trên phương diện nghề nghiệp, nhưng về phương diện đời sống, chị vẫn là Tô Lan qua bao năm tháng bể dâu. Facebook của chị như bao người đàn bà khác, là những trăn trở, suy tư về cuộc sống thường ngày, là những câu chuyện đồng hành với cô con gái nhỏ tên ở nhà là Mỡ, là niềm vui khi nấu được món ngon… Khi được hỏi: “Việc chị ưu tiên nhất trong đời sống của mình?” thì gần như ngay lập tức chị trả lời: “Làm đàn bà”. Lan còn hóm hỉnh nói:“Chức to nhất của mình cho tới hiện giờ là… Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi các bà vợ. Mình là đàn bà, mình hiểu và xót xa cho đàn bà. Đối với mình, làm đàn bà mới là công trình khoa học cả đời. Mình thích sinh con và nuôi con, thích nấu nướng, thích thời trang. Mình còn được tạm phong là… Master Chef của Cambridge đấy. Với mình, khoa học chỉ là một nghề mà thôi”.

“Khoa học chỉ là một nghề” 
là cách Lan nói về công việc mà chị đã dành cho nó nhiều sức lực và thời gian đến thế. Cách chị sống với nghề khiến cho tất cả những ai gặp chị đều như được truyền thêm cảm hứng. Chị tự hào kể về cô học trò nhỏ chỉ qua một bài giảng của chị ở Trường hè Khoa học 2014 đã có thêm dũng khí để theo đuổi niềm đam mê từ thuở nhỏ của mình là học lịch sử. Cũng như khi đặt chân tới Harvard, Tô Lan mới thực sự cảm nhận được rõ ràng rằng nơi đây là mảnh đất của những tài năng lớn, nhưng lớn hơn nữa là những nghị lực vĩ đại. Và họ chính là những người truyền cảm hứng cho Tô Lan bước tiếp, dù chặng đường trước mắt chắc hẳn không kém chông gai… 

 Profile

– Nguyễn Tô Lan sinh năm 1981 tại Hà Nội, tiến sĩ Ngữ văn, chuyên ngành Hán Nôm, công tác tại Viện Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
– Hiện là học giả hợp tác nghiên cứu tại Viện Harvard- Yenching, Hoa Kỳ.

 

Bài: Thục Khôi

logo


From the same category