“Inside Out 2” - Sẽ không sao nếu cảm xúc thay đổi khi ta lớn lên - Tạp chí Đẹp

“Inside Out 2” – Sẽ không sao nếu cảm xúc thay đổi khi ta lớn lên

Review

“Inside Out 2” (tựa Việt: “Những Mảnh Ghép Cảm Xúc 2”) mở ra thế giới cảm xúc đầy màu sắc của con người. Bên cạnh các cảm xúc cơ bản, “đứa con thứ 28” của nhà Pixar và Disney đã thêm chút chông gai để cá thể ấy dần nhận ra những cảm xúc mới của mình. “Inside Out 2” truyền tải thông điệp rằng, từng cảm xúc của ta đều xứng đáng được chấp nhận và nuôi dưỡng. Từ đó, những mảnh ghép cảm xúc sẽ xây dựng hình dung về bản thân ta, về con người mà ta sẽ trở thành.

Nếu bạn chưa xem phần 1, bạn vẫn sẽ hiểu nội dung của “Inside Out 2”. Chuyện phim kể về những cảm xúc của cô bạn 13 tuổi – Riley Andersen, được diễn tả qua những chiến binh tí hon mang đa dạng màu sắc. Mỗi sáng Riley thức dậy, các chiến binh cảm xúc này cạnh tranh “nhấn nút” để đưa ra cảm xúc phù hợp nhất với mỗi tình huống cho Riley. Cảm xúc mà cô trải qua cũng tương ứng ký ức cô bé lưu giữ. Sau đó, các chiến binh tí hon đặt các ký ức của Riley trong khối tròn thuỷ tinh.

Mỗi cuối ngày, các chiến binh cảm xúc chắt lọc và lựa chọn những ký ức để Riley luôn ghi nhớ. Bởi lẽ, những ký ức ta lưu giữ sẽ xây dựng “hình dung về bản thân ta”, về lý tưởng sống mà Riley theo đuổi. Ở phần 1, cây hình dung của Riley là “Tôi là một người tốt”, gợi nhắc cô bé hãy luôn tốt đẹp từ khi là em bé cho đến lúc trưởng thành. Tuy nhiên, các chiến binh không ngờ rằng cục diện đã thay đổi hoàn toàn. Một ngày, Riley chính thức bước vào giai đoạn dậy thì. Cô bạn nhỏ không chỉ đơn thuần giữ các cảm xúc Vui vẻ (Joy), Buồn bã (Sadness), Chảnh choẹ (Disgust), Tức giận (Anger) và Sợ hãi (Fear), mà còn chào đón các cảm xúc mới là Lo lắng (Anxiety), Xấu hổ (Embarrassment), Ghen tị (Envy) và Chán chường (Ennui). 

Cảm xúc mới sẽ xuất hiện khi ta lớn lên mỗi ngày

Đầu phim, người xem dễ dàng thấy vai trò tiểu đội trường thuộc về cô Vui. Cô nàng tất bật quản lý các ký ức của Riley. Ký ức nào không đẹp, cô xóa đi không chút thương tiếc. Còn ký ức nào tích cực, cô nâng niu lưu giữ và thêm vào nhánh cây hình dung về bản thân của Riley. Cô Vui không chỉ là thành viên năng nổ nhất, mà còn là chất keo gắn kết và dẫn dắt các cảm xúc còn lại. Hình ảnh cô Vui chỉ huy tiểu đội cũng tượng trưng rằng, thời thơ ấu của Riley đã được hình thành với các cảm xúc tích cực. Đây cũng là điều mà các ông bố, bà mẹ luôn muốn mang đến cho con, và cũng là ký ức mà chúng ta muốn khắc ghi. Về phía Riley, cô là một người tốt, một “em bé ngoan” được bố mẹ và bạn bè yêu thương.

Thế nhưng, chúng ta không phải là những con robot chỉ biết cười, bị buộc phải lãng quên hay chạy trốn những cảm xúc không tốt. Tiểu đội của cô Vui và Riley dần nhận ra khi cô bé bước sang tuổi mới lớn. Các cảm xúc khác lũ lượt kéo tới “đá văng” tiểu đội của cô Vui vào nhà giam. Sự xuất hiện của cô Lo lắng đã làm “xám xịt” bộ sưu tập ký ức chỉ toàn màu “hường phấn” của Riley. Mặc dù vậy, thật oan uổng nếu gọi cô Lo lắng và tiểu đội là những kẻ “phản diện”. Bởi lẽ, Riley đang bước vào giai đoạn mới – chuyển cấp và tạm biệt những người bạn thời thơ ấu. 

Riley không còn là em bé được bao bọc trong vòng tay bố mẹ. Cô không còn học chung với 2 người bạn thân và cần tự tìm cách “sinh tồn” tại ngôi trường mới. Cô bé gặp vấn đề ngoại hình khi dậy thì “lỗi” với răng mọc không đều, mụn bắt đầu nổi trên mặt. Riley còn gặp gỡ những đàn anh, đàn chị, huấn luyện viên khúc côn cầu mới, làm quen với chế độ sinh hoạt khắc nghiệt hơn,… Những tình huống không ngờ đã hình thành những cảm xúc mới. Riley rời xa bạn thân và cảm thấy lo lắng sẽ bị cô lập ở trường. Cô cảm thấy xấu hổ khi huấn luyện viên răn đe vì đùa giỡn, trong khi hồi nhỏ cô chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng. Cảm xúc ghen tị xuất hiện khi Riley e ngại không theo kịp đàn chị Val, hay cảm thấy chán nản vì không biết bản thân nên làm gì. 

Trong lúc Riley quay cuồng với loạn xạ cảm xúc, cây hình dung mới hình thành. Cô Lo lắng sau khi gom góp các ký ức mới của Riley, cô phũ phàng vứt bỏ cây hình dung cũ và đặt cây mới mang tên “Tôi chưa đủ tốt”. Đây cũng là điều dằn vặt Riley không ngừng. Phải chăng, sẽ thật bất ổn nếu cảm xúc thay đổi khi ta lớn lên? 

Sẽ không sao nếu cảm xúc thay đổi khi ta lớn lên

Ban đầu, Riley không chấp nhận cảm xúc mới qua tình tiết tiểu đội của cô Vui liên tục phản đối cô Lo lắng – cảm xúc vẽ ra trăm nghìn viễn cảnh tiêu cực cho Riley. Cô Vui sợ rằng mọi cảm xúc của Riley bị đảo lộn, kéo theo thay đổi hình dung về bản thân và đánh mất con người cũ của cô bé. Sự hỗn loạn này được thể hiện qua tâm trạng dằn xé của Riley khi lựa chọn giữa bạn thân hay đàn chị Val. 

Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở nỗi lo không có bạn, mà còn là những cảm xúc quen thuộc bị thay đổi. Riley là cô bé vui vẻ, được yêu thương và luôn làm hài lòng mọi người. Đó cũng là ký ức và cảm xúc mà cô luôn giữ. Thế nhưng, Riley phải tiếp tục tích cực như thế nào khi bị cô giáo quở trách, hay không thể hoà nhập ở môi trường mới? Nếu mình khác đi, liệu mình vẫn còn là Riley tốt bụng như trước?

Giằng co giữa những cảm xúc dẫn tới phân đoạn cô Vui và tiểu đội đi tìm lại cây hình dung “Tôi là người tốt”. Hành trình này còn chứng kiến sự bứt phá của cô Buồn bã. Cảm xúc bề nổi của Riley là lo lắng, nhưng sâu thẳm bên trong Riley đang rất buồn vì ý thức về hành vi không tốt của mình. Cô mong muốn được giúp đỡ nhưng không thể nói ra. Do đó, cô Buồn bã vốn dĩ rất nhút nhát, nhưng vì để giải cứu cho Riley, cô cảm xúc này đã không ngần ngại vượt qua mọi chướng ngại vật để trở về trung tâm đầu não. 

Thế nhưng, chặng đường tiểu đội tìm lại cây hình dung đã không thể đuổi kịp cảm xúc lo âu của Riley, đỉnh điểm khi cô bé liều lĩnh đọc sổ đánh giá của huấn luyện viên. Biết rằng bản thân không được cô giáo chọn, Riley càng thêm ngông cuồng và hung bạo trên sân đấu. Riley giành bóng của đồng đội, lao vào bạn thân để chắc suất ghi bàn thắng cuối cùng. Riley vì thế bị phạt suy ngẫm 2 phút. 

Cô bạn nhỏ lúc này lo sợ tột độ và thở dốc. Các viễn cảnh vẽ ra trước mắt Riley là hình ảnh giữa một “em bé ngoan” và một “cô nhóc nổi loạn”. Cùng lúc đó, cô Vui cũng nhận ra điều mình bỏ lỡ. Hoá ra, vì để giữ niềm tin tích cực, cô Vui đã không chấp nhận các ký ức tiêu cực của Riley và vô tình tạo nên sự tích cực độc hại.

Nàng cảm xúc ít khi mắc lỗi này đã chỉ đường sai cho đồng đội. Khi bị than trách, cô Vui đã thổ lộ rằng “Tớ cũng rất mệt mỏi khi luôn cố tỏ ra tích cực”. Hình ảnh này cũng giống như Riley, một cô bé chỉ giữ lại những cảm xúc tốt nên vô hình trung càng dễ bị tác động khi đứng trước thử thách. 

Cô bé từng thất vọng bản thân vì bị điểm kém và không muốn tái phạm để bố phải buồn. Cô Vui vì thế xoá đi ký ức này, dẫn đến cô bé quên rằng mình có thể mắc lỗi. Ký ức đã bị xoá khi Riley va chạm trên sân bóng làm Riley quên rằng thể thao cần sự cạnh tranh lành mạnh, phải có lúc thắng thua. Cảm xúc tích cực mà Riley khắc ghi đã tạo nên hình ảnh cô bạn vui tươi trong mắt người khác, nên Riley đã che giấu cảm nghĩ và làm những việc bản thân không muốn.

Sau cùng, 9 cảm xúc nhận ra rằng không có cảm xúc cụ thể nào có thể tạo nên hình dung về bản thân của Riley. Cô bé cần chấp nhận và dung hòa các cảm xúc, từ vui vẻ, buồn bã, sợ hãi, tức giận, chảnh choẹ, lo lắng, xấu hổ, ghen tị, chán nản và cả sự hoài niệm. 

Nếu Riley nhìn nhận theo chiều hướng tốt, thì những cảm xúc tưởng chừng tiêu cực sẽ đảo ngược tình thế và giúp Riley trở nên hoàn thiện. Lo lắng là cách Riley lường trước những tình huống có thể xảy đến để đưa ra quyết định phù hợp. Buồn bã để Riley được ôm ấp và dành thời gian cho bản thân. Ghen tị giúp Riley biết phấn đấu hơn, hay chán nản là cảm xúc giúp tìm cách vực dậy chính mình. 

Sẽ không bất ổn đâu nếu chúng ta thay đổi cảm xúc khi lớn lên. Phải mất đi thì mới biết mình được gì, phải trải qua những cảm xúc chưa tốt để học cách chấp nhận, yêu thương và sử dụng các cảm xúc tốt hơn. Từ đó, chúng ta tạo ra muôn màu những ký ức và xây dựng cây hình dung của bản thân. Thông điệp tuyệt vời mà Pixar và Disney gửi tặng đã chạm đến trái tim khán giả từ trong ra ngoài như tựa đề “Inside Out”. 

Với doanh thu trong 2 tuần hơn 724 triệu đô, tác phẩm vượt kỷ lục trong năm 2024 của “Dune” và vực dậy một năm ảm đạm của nhà Chuột. Nối tiếp phần 1, “Inside Out 2” được khen ngợi với cốt truyện đầy sâu sắc và nhân văn. Các biên kịch đã tạo ra những thước phim với hình ảnh và âm thanh mãn nhãn. Đặc biệt, Pixar còn khéo léo chia đều spotlight để 9 cảm xúc cùng tỏa sáng và tạo nên một cô bạn Riley vô cùng chân thật với khán giả. 

Tác giả: Minh Anh

04/07/2024, 17:00