“Inside Out 2” dạy chúng ta điều gì về sự lo âu? - Tạp chí Đẹp

“Inside Out 2” dạy chúng ta điều gì về sự lo âu?

Sống

Nếu theo dõi câu chuyện trong “Inside Out 2”, chắc hẳn sẽ có không ít khán giả cảm thấy “khó chịu” với những hành động của cảm xúc mới mang tên Lo âu (Anxiety). Tuy nhiên, nếu thay đổi góc nhìn về Lo âu, ta sẽ thấy cô ấy hoàn toàn không phải là một “kẻ phản diện” mà trái lại, thông qua cảm xúc này, Pixar còn gửi gắm không ít các bài học ý nghĩa tới người xem. 

Lo âu – cảm xúc mới trong “Inside Out 2”
Lo âu không phải là “kẻ phản diện”

Sau khi hồi chuông “tuổi dậy thì” vang lên cũng là lúc những cảm xúc mới, do Lo âu dẫn đầu, đột nhiên xuất hiện và làm xáo trộn cuộc sống của cô bé 13 tuổi Riley Andersen. Tuy nhiên đây không phải là một nhân vật phản diện bởi xét về bản chất, cảm xúc Lo âu khá giống với Vui vẻ (Joy) khi mọi hành động của cả hai đều được thúc đẩy từ tình yêu thương dành cho Riley. Vì vậy nếu nhìn ở một góc độ khác, chúng ta sẽ thấy Lo âu cũng rất đáng yêu và chân thành. 

Lo âu xuất hiện nổi bật với thân hình màu cam cùng mái tóc lởm chởm

Ngay từ màn giới thiệu bản thân, cảm xúc này đã cho thấy rằng cô ấy mong muốn được giúp đỡ mọi người như thế nào. Nếu như Vui vẻ (Joy) hướng chúng ta đến những giá trị tích cực trong cuộc sống, Sợ hãi (Fear) giúp chúng ta tránh khỏi những hiểm nguy, thì công việc của Lo âu là lên kế hoạch cho tương lai và bảo vệ Riley khỏi những thứ đáng sợ mà cô bé không thể nhìn thấy. Để thực hiện hóa mục đích đầy cao cả này, Lo âu đã tưởng tượng ra tất cả mọi sai lầm mà Riley có thể mắc phải. Nhưng đây thực sự là một chiến lược vô cùng tệ và nó đã hoàn toàn thất bại.

Không nên để Lo âu trở thành cảm xúc chủ đạo

Các nhà sản xuất của “Inside Out 2” đã cho khán giả một góc nhìn vô cùng chân thực về một viễn cảnh “thảm họa” khi chúng ta để cho cảm xúc Lo âu trở nên mất kiểm soát và nắm quyền điều khiển toàn bộ tâm trí. Đó không chỉ là những thay đổi nhỏ về cách hành xử hay lối suy nghĩ mà nó có thể đem lại tác động sâu rộng đến cả hệ thống niềm tin và cả ý thức bản thân của mỗi con người. Mặc dù đôi khi việc cảm thấy căng thẳng, sợ hãi hay hoài nghi khi nghĩ về bản thân là điều bình thường song, nếu để tình trạng này kéo dài, một ngày nào đó bạn sẽ bị “nhấn chìm” bởi sự lo âu lúc nào không hay. 

Chúng ta cần học cách không để lo âu hay bất kỳ cảm xúc nào có thể kiểm soát chúng ta.

Trên thực tế, sự lo âu có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai – kể cả những người có quyền lực, danh tiếng và tiền bạc. Điển hình như việc Hoàng tử Harry đã phải trải qua sự lo âu và hoảng loạn nghiêm trọng ngay sau sự ra đi của mẹ mình, Công nương Diana vào năm 1997. Vị Hoàng tử trẻ chia sẻ rằng bản thân đã tìm đến chất kích thích để cố gắng đối phó với những cảm xúc đang trào dâng trong mình: “Tôi sẵn sàng uống rượu, tôi sẵn sàng dùng thuốc, tôi sẵn sàng thử và làm mọi điều để tôi không phải cảm thấy những cảm giác này nữa”.

Ai cũng có thể mắc chứng rối loạn lo âu, kể cả người nổi tiếng.

Kendall Jenner cũng từng mở lòng về việc cô đã phải vật lộn với sự lo âu – bao gồm cả chứng lo âu xã hội (sợ bị người khác theo dõi và đánh giá) trong một cuộc phỏng vấn với Vogue: “Tôi nhớ mình còn rất trẻ và bị khó thở, tôi đã đến gặp mẹ và kể cho bà nghe. Bây giờ nhìn lại, tôi biết rằng đó rõ ràng là sự lo âu.” Thật may mắn là sau đó, siêu mẫu 28 tuổi đã học được cách làm chủ cảm xúc lo âu của mình để có thể đối mặt với mọi thứ bằng tâm thế bình tĩnh, tích cực hơn. Theo một bài đăng trên Instagram năm 2022, Kendall đã chia sẻ về những phương pháp đơn giản cô thường làm đó là hít thở sâu, viết nhật ký, thực hành lòng biết ơn và ở ngoài nắng.

Lo âu cũng cần được vỗ về, yêu thương

Khoảnh khắc cuối phim khi Vui vẻ xoa dịu Lo âu và giúp Lo âu tập trung vào vấn đề trước mắt cũng là lúc những cảm xúc bên trong tâm trí Riley hòa quyện vào nhau, chúng chấp nhận rằng mỗi cảm xúc đều đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời cô bé. Đây chính là minh chứng cho thấy mọi cảm xúc đều có giá trị riêng và đang góp phần không nhỏ tạo nên bản sắc của mỗi con người, ngay cả khi đó là những cảm xúc thường được gắn mác “không tốt” như lo âu, ghen tị, hay thậm chí là chán nản. 

Lo âu không phải là điều đáng xấu hổ cần phải loại bỏ, mà đây chỉ đơn giản là một cảm xúc cần được quản lý đúng cách để có thể phát huy hết vai trò của mình.

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Lisa Damour, người đã tư vấn cho các nhà làm phim: “Điều quan trọng mà ‘Inside Out 2’ đã thể hiện được đó là bên trong chúng ta bao gồm rất nhiều cảm xúc không mấy dễ chịu nhưng lại có giá trị của riêng mình. Chúng là những cảm xúc mang tính bảo vệ và đang giúp chúng ta ngày càng trưởng thành hơn”. Không chỉ thế, những cảm xúc ấy còn góp phần tạo nên hạnh phúc vì vậy đừng lên án cảm xúc của bạn, mà thay vào đó, hãy dành thời gian để lắng nghe chúng. 

Ngay cả những điều không thoải mái cũng cần được nhìn nhận đúng với giá trị của chúng và cũng cần được yêu thương, trân trọng.

Tác giả: Nhi Trương

26/06/2024, 11:14