Chắc chắn sẽ có rất nhiều nhận định về sự chuyển động trong một năm qua của hai lĩnh vực giải trí có tính đại chúng nhất là nhạc nhẹ và điện ảnh – tất nhiên ở đây là nhạc nhẹ Việt và phim Việt, và các nhận xét sẽ rất khác nhau TUỲ THÁI ĐỘ LẠC QUAN HAY BI QUAN CỦA NGƯỜI NHẬN ĐỊNH. Đẹp sẽ chọn góc nhìn từ dưới lên, từ hàng ghế khán giả, nhưng không phải với tư cách “trong cuộc”…
Lạnh sân, những món ăn đã ngán…
Trước tình hình những chương trình ca nhạc lớn, dù quy mô dàn dựng rất hoành tráng và quá trình truyền thông khá ồn ào, cũng chỉ được đáp lại bằng sự thờ ơ của khán giả, có chăng là sự quan tâm lấy lệ, khác hẳn những “cơn sốt” thời nhạc trẻ lên ngôi – ôi cái thời tươi đẹp đến nay còn được nhắc mãi – 10 năm trước.
Những cơn sốt không còn, chỉ còn lại một cuộc sống bộn bề mà dường như âm nhạc dù giải trí thuần túy hay cao cấp bác học không phải là tác nhân khiến người ta có thêè… mất ăn mất ngủ nữa.
Liveshow của Tuấn Ngọc, ngôi sao lớn như thế, giá vé cao như thế hòng đánh vào tâm lý thích thể hiện sự sang trọng của một đối tượng có thu nhập cao, báo chí nhắc đến nhiều như thế mà vẫn còn… ghế trống, và nghe nói là vẫn… lỗ.
Show của Phương Thanh, của Đan Trường cũng rất lớn, nhưng sau những tuyên bố… rất lớn là rơi tõm vào cái biển dư luận rất lớn không có nhu cầu ồn ào xung quanh một chương trình ca nhạc.
Ngày trước, nhắc đến một liveshow là người ta nghĩ tới sự thăng hạng hoặc rớt hạng của ca sĩ – tuỳ quy mô và cách thức tổ chức mà sự thăng, giáng này sẽ xảy ra, nay, để trấn an dư luận ngay từ đầu, Mỹ Linh tuyên bố tour xuyên Việt của cô là một hoạt động bình thường, chẳng phải đánh dấu hay tạo bước ngoặt gì hết. Cứ coi là bình thường đi, đừng bắt ca sĩ phải lên cao hơn hay ngồi chờ họ “xuống”.
Khái niệm “bình thường” chưa cần Mỹ Linh kích hoạt nó đã trở nên phổ biến… hơn bình thường. Giờ đây, cái gì cũng được coi là bình thường. Các diva như Thanh Lam, Trần Thu Hà có khảng khái tuyên bố về những cách tân hay “công phá” đến đâu, các “sao” khác như Phương Thanh dù có tuyên bố sẽ quậy tới bến với nhạc rock, Mỹ Tâm sang tận Hàn Quốc để dùng công nghệ Hàn hòng tái chinh phục thị trường Việt… thì đáp lại vẫn là một sự thờ ơ. Ngay cả đến cái thói quen “phong trào” ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ, vốn rất dễ lợi dụng – từ đây sinh ra những fanclub ồn ào náo loạn – giờ đây cũng đang dần “xẹp”. Chốt lại một câu, như người viết tình cờ nghe Thanh Lam thốt lên, và không chỉ có chị, nhiều người khác cũng nghĩ thế: Ca nhạc bây giờ chán nhỉ!
Tại sao lại có sự “chán” ấy?
Nói đến đây, thế nào cũng có người nghĩ ngay tới một “thủ phạm” bị điểm mặt chỉ tên nhiều lần: Truyền hình.
Theo đó, việc ca nhạc truyền hình, thứ ca nhạc miễn phí chất lượng trồi sụt xuất hiện tràn lan – không tuần nào, thậm chí có thời điểm không ngày nào không có truyền hình trực tiếp ca nhạc, từ kênh trung ương tới địa phương, thậm chí có đài truyền hình có 2 kênh thì cả hai đều “trực tiếp” ca nhạc, ca sĩ vừa hát kênh này đã thấy ở kênh kia rồi thoắt cái lại về kênh này, chóng cả mặt – đã khiến khán giả no nê, bội thực ca nhạc, mà toàn là no những món cũ kỹ và chán ngắt. Vậy chẳng chán là gì!
Nhưng truyền hình cũng chẳng phải chỉ toàn cái tệ. Sao Mai Điểm hẹn hay Bài hát Việt cũng mang lại khối cái mới và không ít niềm hy vọng.
Nguyên nhân khác, khách quan hơn, là ở bản thân những người làm ca nhạc, dù họ có “dính dáng” đến truyền hình hay không. Đã có vô số tuyên bố được phát ra, đã có quãng thời gian tới 10 năm kể từ ngày nhạc nhẹ trong nước chiến thắng nhạc hải ngoại kéo theo nhiều kỳ vọng về một sự thăng tiến ổn định, nhưng cuối cùng lại là cuộc tuột dốc không phanh.
Bằng đó khuôn mặt ngự trị, cái mới nhỏ giọt và quá ít, đến nỗi luôn phải chịu phận con ghẻ, bị nghi ngờ, thậm chí mỉa mai chỉ vì không chịu đứng chung với cái cũ kỹ, cái bình dân vô bổ vớ vẩn tràn ngập. Cái cũ quá nhiều, người bao dung đến mấy, “dễ chiều” đến mấy cũng có lúc phát ngán. Và họ – khán giả – quay lưng.
Đã có rất nhiều nỗ lực của nghệ sĩ, cả âm thầm lẫn tuyên bố công khai, nhằm giải mã ẩn số khán giả âm nhạc. Tại sao âm nhạc vẫn là thị trường giải trí có thị phần lớn nhất Việt Nam mà sao khán giả ta lại luôn có một bộ mặt “lạnh”, theo kiểu à có thì đi xem đi mua, không có cũng chẳng sao, diva ở nhà mãi thì thành quen, thành nhờn, đi xa cũng chẳng ai nhớ ai mong.
Ca sĩ sẽ còn tốn bao nhiêu tiền cho những liveshow chắc chắn lỗ hay những album chỉ mong hoà vốn?
Khán giả dù không quay lưng, nhưng lạnh nhạt đến bao giờ nữa? Chẳng lẽ đến ngày các nhà tài trợ đủ văn hóa và tự trọng để… gỡ cái bảng tên to tướng của mình trên phông nền sân khấu? Cứ chờ xem.
Im rạp và những cuộc chiến ảo…
Chẳng bao lâu nữa sẽ tới mùa được gọi một cách đầy hy vọng là “mùa phim Việt”, mùa Tết, cái mùa được định nghĩa là có những cuộc chiến ngầm của những thế lực ngầm nhằm làm sao cho phim đến được người xem.
Liệu có cần phải vất vả, khổ sở, thậm chí làm trò trẻ con đi rạch, đi xé, đi giấu băng-rôn… của đối thủ chỉ để chứng tỏ một điều rằng phim Việt Nam cũng có khán giả?
Biết bao nhiêu phân tích, bao bài báo rồi chuyện hành lanh vỉa hè tràn lan về những quyền lực nổi, thế giới chìm, tảng băng này nọ v.v… hòng lý giải tại sao phim Việt Nam chỉ ăn khách dịp Tết mà không phải là dịp khác, hè hay Noel gì đó.
Bao trách móc tung ra, như thể việc phim Việt Nam không vào được rạp mùa hè là lỗi của người làm phim, là sự vô trách nhiệm của người làm chủ rạp chiếu phim.
Chỉ có một ẩn số, cho phép giải thích tất cả những điều đó, thì dường như luôn bị quên lãng, bị cho ra ngoài rìa không được phép xớ rớ vào những tranh luận đầy tính chuyên môn và… lý thuyết. Những hội thảo kiểu: Làm sao để phim Việt Nam đến gần khán giả hay phim Việt Nam cần làm gì để vừa đương đại vừa hấp dẫn vừa ăn khách vừa có giá trị nghệ thuật… diễn ra thường xuyên, nhưng không có hội thảo nào dạng: Làm sao để khán giả Việt chấp nhận phim Việt, mà chấp nhận suốt bốn mùa chứ không chỉ mùa Tết đầy tinh thần xã giao xuề xoà.
Câu trả lời tạm thời – dù tạm thời nó vẫn khá đúng lúc này – là khán giả cũng rất lạnh nhạt với phim Việt, hệt như liveshow Việt. Nếu họ thực sự mặn mà, nếu họ tin vào các chiến dịch P.R ồn ào, nếu họ có tinh thần dân tộc (dù giải hiệu) như khi xem bóng đá, thì chẳng cứ phải dịp Tết họ mới đi, mà quanh năm họ sẽ đi xem phim Việt Nam bất cứ khi nào có chiếu phim Việt.
Họ thờ ơ giống như với bên ca nhạc, rằng có thì xem, không có thì cũng… chẳng chết ai. Chẳng ai buồn rầu tiếc nuối đau đáu vì không được xem một bộ phim Việt Nam.
Ngày Tết, người ta rảnh rỗi nhiều, các rạp lại ưu tiên chiếu phim nội nên người ta đi xem, ngày Tết người ta vui vẻ nên phim dở họ cũng bỏ qua, vui là chính. Hết Tết là chuyện khác, việc đi xem phim đáng phải cân nhắc, và trong các trường hợp cân nhắc này, người ta ưu ái phim ngoại hơn. Điều ấy là hiển nhiên, được chứng minh rõ ràng ở các rạp.
Năm rồi, phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt” mới chỉ chiếu vòng 2, vẫn còn cận Tết mà người xem đã vắng hẳn, dù phim này hội tụ đủ mọi yếu tố ăn khách, còn nếu bảo nó “nhảm” thì nó cũng chẳng nhảm hơn Khi đàn ông có bầu là bao, vậy là kẻ rất lỗ, người rất lời – nếu tin theo những tuyên bố của các nhà sản xuất, bởi thực hư chuyện lời lỗ chỉ nhà sản xuất và… ngành thuế biết, dư luận hoàn toàn có thể bị lừa.
Tâm lý chuộng phim Việt dịp Tết hoàn toàn có thể so sánh với thói quen xem bóng đá bùng phát mỗi dịp SEA Games.
Trong cái ồn ào đó có nhiều sự đóng kịch, vì thế có nhiều trận đội Việt Nam mới thua 1-2 quả là khán giả lũ lượt bỏ về, bao nhiêu tinh thần “yêu nước” bỏ đi đâu sạch, chưa kể đa số “yêu nước” ấy thường xuyên lờ lớ lơ các trận V-League, bởi đơn giản, ở đó, họ không chứng tỏ được chính bản thân họ – những người thích a dua.
Xem phim cũng thế, tưng bừng phim này dịp Tết, thờ ơ phim kia mà chẳng phải vì hay dở gì cả. Cái thái độ thất thường ấy cũng là một biểu lộ của sự lạnh nhạt, sự thờ ơ. Mà điều này chẳng phải chỉ xảy ra với phim Việt, siêu phẩm “King Kong” mà có buổi cả rạp mênh mông vắng lặng vài người xem; “Dạ Yến” ầm ĩ thế mà có buổi đếm được khoảng… 5 khán giả.
Chuyện “im rạp” đã thành… bình thường rồi, và không dễ gì có được một cuộc “cách mạng” chừng nào các rạp còn chưa là nơi lý tưởng để thưởng thức điện ảnh cho một đối tượng khán giả lịch sự, vốn không hề ít, đã mất thói quen đến rạp chỉ vì quá chán, chán cả phim lẫn rạp.
Chẳng lẽ chỉ toàn chuyện buồn thế sao…
Chuyện buồn im rạp lạnh sân nói ra kể cũng… buồn, tuy nhiên, một bài viết mà có tham vọng vừa kể… xấu vừa khen hay thì e có cái đó dĩ hoà vi quý, vừa đánh vừa xoa, an ủi giả tạo, vậy nên người viết chỉ đơn giản nghĩ rằng ta hãy cứ cùng nhau nhìn vào cái ta chưa làm được, coi như một cuộc tổng kết cái “dở” của năm để lần sau, cũng có nghĩa là trong bài viết sau, bằng một cái nhìn lạc quan hơn nhưng cũng không vì thế mà… vỗ về an ủi, chúng ta sẽ cùng nhau điểm lại những niềm hy vọng hứa hẹn sẽ tạo đà cho một năm mới sáng sủa, tất nhiên là cho phim Việt và nhạc Việt.
Ẩn số khi đó sẽ không là khán giả nữa, mà ở bản chất của sản phẩm nghệ thuật, một bộ phim đáng hy vọng, một ngôi sao chắc chắn sẽ tỏa sáng, một album tầm… quốc tế chẳng hạn!