Gào Thét’s blog, là một trong những blog gây ấn tượng trong giới trẻ. Tự nhận mình là người có tính tình trái khoáy, hơi lầm lì, blog của Gào thét luôn thể hiện tình trạng thái quá về cảm xúc, hay “chửi bới” với những gì diễn ra trái ngược với ý muốn thay vì sự nhìn nhận lại bản chất…
Gào thường tỏ ra đau khổ cùng cực với những sự việc rất nhỏ xảy ra với mình. Đó là những gì thể hiện trên blog, nhưng khi trò chuyện, tôi nhận thấy một Gào giàu cảm xúc, có năng khiếu viết, khá thông minh, đang trưởng thành và cố gắng tự thay đổi mình. Hãy cùng trò chuyện, để tìm hiểu tâm lý của một blogger mang nickname Gào Thét!
Bạn tham gia blog từ khi nào?
Tôi viết xanga – một dạng blog xuất hiện trước khi Yahoo 360 phát triển rầm rộ, cách đây khoảng hai năm. Nhưng từ khi xanga bị hack, tôi chuyển sang blog khoảng gần một năm.
Blog là nơi cho tôi sống thật nhất, là nhật ký chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và sự đi tìm cân bằng cảm giác, đôi khi là cả gào thét nội tâm.
Bạn thấy mình ở trạng thái nào trên blog?
Nhiều người lôi giá trị của những dòng viết quá xa, để tạo nên lớp vỏ bọc xa hoa cho mình, để câu kéo sự nổi tiếng giả dối, và tự chôn vùi bản thân. Đó chỉ là những kẻ tự đào hố chôn mình. Người ta giả tạo và ảo hơn cả ảo nữa cơ à?
Tôi không như thế. Tôi không muốn hạ mình để xếp mình vào chung một trong số những “trạng thái” ngu ngốc đó. Người ta cứ ngồi lấy bút chì màu, vẽ đủ thứ khổ đau, vui sướng… còn tôi thì có hơi hướng “mặc kệ người đời”! Chính vì thế ai cũng bảo tôi “ngông”, đôi khi “phiêu” mà…
Bạn có phải là một blogger chuyên nghiệp không?
Không! Tôi thấy thật buồn cười, bởi tôi không muốn bị “ám” và thành “ma blog” nên dành ít thời gian cho nó thôi, khoảng 20 phút là cùng, với lại như thế đủ lắm rồi. Tôi không nhảm đến mức, ngồi ôm máy tính, ôm blog vật vã một cách cuồng tín.
Điều gì khiến bạn lập nick là Gào thét?
Cũng không phải vì tôi thích gào thét, mà đơn giản năm tôi học lớp 10, có tham gia trên diễn đàn 88andlife (88 và cuộc sống), tự nhiên tôi chọn cái nick “Gào thét trong toilet”. Về sau mọi người toàn gọi tôi là Gào thét, rồi đến Gào. Lâu dần thành quen, Gào trở thành một cái tên quen thuộc mà người ta gọi tôi. Có khi tên thật của tôi thì chả ai biết nhưng nick Gào thì chắc là ai cũng biết hơn đấy!
Có những dòng trên blog, viết về phản ứng, tâm trạng của bạn với gia đình, bạn nói đã rất sợ bị ba đánh, mẹ khóc, tại sao bạn không đối diện và tâm sự chân thành với ba mẹ?
Là một đứa con, khi đối diện với cha mẹ, tôi khá khó khăn trong việc thể hiện tình cảm để bố mẹ hiểu mình. Dường như không chỉ mình tôi, mà có rất nhiều bạn bè cùng lứa cũng bị lâm vào tình trạng ấy.
Bố mẹ đôi lúc vẫn xem tôi là đứa con hư hỏng, vô dụng, sống không tình cảm, ích kỷ và thiếu suy nghĩ. Trong khi công việc và xã hội công nhận tôi có khả năng, biết nhận thức và có ích.
Khi xung đột gia đình xảy ra, mâu thuẫn giữa khoảng cách thế hệ khiến hai chiều tư tưởng không thể dung hòa. Điều đó làm tôi sợ hãi, đôi khi là hoảng loạn và chọn giải pháp viết ra để cố gắng giải tỏa mong tìm lối thoát.
Tôi càng yêu gia đình bao nhiêu, yêu bố mẹ nhiều đến mấy, thì càng cảm thấy hoang mang khi thấy bố bực tức và mẹ buồn rầu… nhất là khi lý do đó lại là từ tôi. Dù thế nào, bố mẹ cũng rất yêu tôi, và tôi cũng vậy.
Nhiều entry với các dòng chữ xanh đỏ đủ màu sắc của bạn về tình yêu, dường như luôn trong trạng thái đau khổ “quằn quại”?
Tôi yêu từ năm lớp 11, và không nghĩ thế là quá sớm. Xin hãy xem những entry như những dòng nhật ký viết cho người tôi thương yêu. Người ta bảo tôi “yêu điên”. Nhưng yêu mà, tình yêu đâu phải lúc nào cũng gào lên giông bão, ngoài những lúc bộp chộp, khổ đau… nó cũng có những khoảnh khắc vui vẻ, nhẹ nhàng, dịu dàng và cổ điển.
Tất cả những gì tôi viết về chuyện tình cảm, là những cảm xúc đa chiều, nó đến từ nhiều hướng, đôi khi khiến người không hiểu lầm tưởng. Nhưng cũng không phủ nhận rằng, tình cảm của tôi dành cho người yêu, cũng có nhiều sóng gió, nó không suôn sẻ và, tôi đã thất bại!
Có nhiều người nói tôi “hận tình”. Tôi cũng không “hận tình”, bây giờ tôi “bình bình”, tôi muốn phát triển sự nghiệp, muốn là người thành đạt, và chẳng muốn yêu nhiều nữa. Tôi luôn mơ về một gia đình hạnh phúc với người tôi yêu.
Bạn có thấy mình “già” trước tuổi không?
Tôi thấy mình đang lớn lên, chứ không thấy đang “già hơn” trước tuổi. Hãy nghĩ là tôi “lớn nhanh” trong suy nghĩ, và đang từng bước trưởng thành trong cảm xúc. Tôi có những suy nghĩ đa dạng, chứ không hề chai sạn trong tâm hồn. Tôi là người như thế nào à? Mâu thuẫn và nhạy cảm, đôi khi nhạy cảm đến mức ám ảnh kéo dài… Mỗi “chạm nhẹ” của cuộc sống, đều khiến tôi phản ứng lại.
Blog của bạn có sử dụng quá nhiều từ chửi bậy, thô tục, và đôi khi phản cảm, phải chăng như vậy để thể hiện cá tính của mình?
Cuộc sống cũng có những góc hình xấu xí, như nền đen tăm tối, cũng có những điểm sáng nổi trội. Người ta thường chỉ thích nghe những điều nhẹ nhàng thôi. Khi tôi nói về thói xấu, nói về những cái tôi lệch lạc và phản bác những điều chướng mắt, thì tại sao lại có người vùi ngay và dập tắt bằng cách áp đặt cho tôi cái mác “blog đen”, “blog bẩn” đầu độc cái nhìn giới trẻ, tiêm nhiễm này nọ.
Từ ngữ tôi dùng, thường là từ mạnh, nghe qua thấy “chột” nên người ta phản cảm vội vàng chăng? Tôi chẳng thanh minh, nhưng ngoài những lúc cảm xúc không điều hòa và cảm thấy bực tức, tôi không hề sử dụng từ bậy.
Đừng nói rằng tuổi trẻ mới có lúc như muốn điên lên, người lớn cũng vậy thôi, ai trong lúc cáu giận cũng sẽ nói những điều bình thường người ta không nói. Tôi không sử dụng cái gì thái quá cả. Tôi thường xuyên nhận được message như thế này: “Gào dám nói cái mà tôi nghĩ, tôi muốn nói nhưng tôi không thể, không dám và không biết nói ra!”.
Tôi cũng không cố gây sự chú ý để thể hiện bất cứ một điều gì để được xem là cá tính. Chỉ là không sống giả, nói thẳng và viết thật ra cái mà mình nghĩ!
19 tuổi, viết những truyện người ta gọi là sến, và một số blogger comment cho rằng truyện “Kỹ nữ máu” của bạn “ăn theo” một sản phẩm văn học mạng, đã khiến bạn phản ứng rất mạnh?
Truyện ngắn nào của tôi cũng có nhiều người đọc, những poll vote yêu thích luôn rất nhiều, và được sao chép sang các blog khác hoặc vào forum cho nhiều người khác đọc. Tôi vui vì nhận được phản hồi đồng cảm của nhiều người. Nhiều blogger đã nói rằng họ cảm động và khóc sau khi đọc.
Truyện của tôi thiên về cảm xúc, viết về nỗi đau của người phụ nữ. Nó không thời thượng, không hời hợt, không sến, nó được yêu thích bởi vì được đi ra từ đời thật, từ những gì tôi chứng kiến ở bạn bè, hay được nghe kể lại. Tôi không bao giờ nhận mình là nhà văn, chỉ đơn thuần là một người tay ngang, viết truyện và vô tình được yêu thích.
Tôi ghét cái sự so sánh và lối suy nghĩ của một số blogger đó, và xem nó như sự xúc phạm đến sản phẩm tinh thần của tôi và hạ thấp tôi. Ai chẳng khó chịu khi truyện mình bị coi là sao chép, ăn theo một truyện mà chính mình còn chưa đọc. Tôi không chấp nhận nên đã phản ứng bởi quá bực mình và coi đó là phản ứng tất yếu, không ầm ĩ vì nó ở trong blog của tôi, tôi không nói gì thái quá cả.
Gác việc học đại học, để đi làm, bạn thấy sự lựa chọn con đường đó có ổn không?
Vâng. Tôi không bỏ học, mà bảo lưu kết quả đại học một phần vì công việc rất bận rộn, nhưng cái chính là tôi cũng muốn dành thời gian để định hướng con đường đi dứt khoát cho mình.
Tôi không muốn lao đi một cách mất phương hướng, theo sự sắp đặt mà bản thân cũng không chắc chắn tương lai sẽ như thế nào. Hiện nay, tôi đang làm Trưởng ban Biên tập của B.A.Y Ent. Công việc cũng khá bận rộn và quá trình làm việc dù nhiều áp lực nhưng tôi nghĩ thật may mắn có được một môi trường tốt để cố gắng hết mình.
Ngoài ra, tôi còn cộng tác với một số công ty khác. Người trẻ thì tham vọng càng nhiều, ham muốn khẳng định cao, khiến không điều chỉnh nổi mình… nhưng tôi sẽ cố gắng dần dần, điều chỉnh công việc hợp lý nhất. Điều quan trọng là phải xem mình cần “cố gắng” ra sao, như thế nào, thay đổi cái gì và giữ lấy cái gì.
Tôi luôn đặt ra những mục tiêu để vươn tới, và vì tôi háo thắng đến mức ngang bướng nên tôi sẽ đạt được những mục tiêu đó, dù có khó khăn!
Thời của 7x đã qua, 8x đã chín, và giờ là 9x bước tới, entry “Rụt rè và điên loạn” của bạn muốn nói lên điều gì?
Tôi nghe nhiều lời than phiền, về thế hệ 9x như: làm không được việc, chỉ biết rong chơi, quần áo tơi bời, quan hệ vui chơi bừa bãi… từ những phản hồi của 8x. Và tôi cũng có điều kiện làm việc cùng một số 9x trong thời gian qua. Quả là không phải tất cả 8x chúng tôi đã lớn, nhưng 9x còn non nớt lắm.
Tôi viết bài “Rụt rè và điên loạn” về 8x, 9x chỉ là để nói về cách nhìn của tôi, hai chiều, cả chê trách và ủng hộ, khích lệ, thế hệ đàn em của mình. Để những 8x thông cảm và bớt khắt khe với lứa đi sau… Bởi vì trước đây, bọn tôi – 8x, cũng nhận được không ít sự hoài nghi từ những người đi trước mình.
Tất cả, dù là 8x hay 9x hãy cố gắng để được “nhìn thấy” và được “công nhận” – đó là điều cơ bản mà tôi muốn nói!
Lan Anh |
Ảnh: Hùng Sơn |