Idol debut khi chỉ 14 tuổi: Là tài không đợi tuổi hay hoa nở chóng tàn?

Việc các thần tượng debut sớm khi chỉ mới 14 tuổi đang dần được ưa chuộng gần đây, khi độ tuổi trung bình các nhóm qua từng năm ngày càng có xu hướng giảm. Theo đó, có cả thần tượng phải gác bỏ việc học tập, làm việc với tần suất dày đặc lên tới 20 tiếng mỗi ngày dù chưa đến tuổi trưởng thành. 

Nếu như vào thời kỳ gen 2, các idol ra mắt ở tuổi 15, 16 như SeoHyun (SNSD), Tae Min (SHINee), cặp visual Krystal – Sulli (f(x)), Minzy (2ne1), Ha Young,…đã được xem là quá nhỏ tuổi, thì giờ đây, Kpop lại dần xuất hiện những idol chỉ mới 14 tuổi. Bên cạnh những thành công đáng mơ ước, điều này lại tác động không ít đến thần tượng nhỏ tuổi ở ngay cả hiện tại và tương lai của họ.

Áp lực “hiểu chuyện” nặng trĩu trên vai

Không ít thần tượng trẻ tuổi bị chỉ trích vì cư xử nhõng nhẽo, thiếu tinh tế hay chỉ đơn thuần như một đứa trẻ tập làm người lớn. Theo đó, trước khi được ra mắt, trung bình các idol phải làm thực tập sinh trong vòng ít nhất 3 năm, đồng nghĩa với việc họ phải tập hát, nhảy và cách giao tiếp khi chỉ mới học lớp 5. Vì thế, không thể tập trung vào công việc học vấn tại trường, ít giao tiếp xã hội và vòng luẩn quẩn chi xoay quanh căn phòng tập đã khiến cho nhiều idol bị “sốc” khi va chạm thực tế và dẫn đến bị chỉ trích vì hành động theo bản năng của những cô cậu thanh thiếu niên.

Ngoài ra, vì phải giữ hình tượng, cẩn thận trước mọi hành vi, cử chỉ trước công chúng là yếu tố khiến các thần tượng cảm thấy bị gò bó, chèn ép trong khi họ đang ở độ tuổi cần được sự bay bổng và tự do tự tại trong lối sống. Nếu ở mức độ nhẹ, các thần tượng có thể thu mình lại và ít hoạt bát hơn so với trước, nhưng khi bị giám sát lâu dài như vậy dẫn đến sự nổi loạn của nhiều thần tượng, chẳng hạn là trường hợp cực kỳ nổi tiếng là “tuyết trắng” Sulli (f(x)). 

Phản cảm vì không phù hợp với lứa tuổi

Đã là thần tượng thì dù là tuổi 14 hay 18 đều hát những ca khúc mang nhiều tầng nghĩa ẩn hiện về tình yêu – chủ đề luôn được đón nhận và phổ biến trong thị trường âm nhạc. Vì vậy, khi idol chỉ mới 14 tuổi mà lại thể hiện các bài hát lâm li bi đát như thất tình 7 kiếp thì quả là một yêu cầu quá sức. Bên cạnh đó, để mang lại sự cuốn hút và tạo xu hướng cho các sản phẩm, không ít bài hát chứa những câu từ ẩn ý, gợi nên nhiều suy nghĩ khá “tăm tối” tùy theo người nghe. Chẳng hạn như ca khúc “Cookie” của tân binh nữ New Jeans chứa lời bài hát gây tranh cãi: “Nếu muốn, bạn có thể lấy nó. Nếu muốn, bạn hãy nói với tôi bạn muốn nó nhiều hơn”. Bài hát được lựa chọn từ 2 năm trước, sáng tác bởi người trưởng thành, mang lối nghĩ của người lớn nhưng lại được truyền tải bởi các cô bé chỉ mới 15 tuổi và thành viên nhỏ nhất khi đó chỉ mới 12 tuổi.

Bên cạnh ca từ không phù hợp là vũ đạo và tạo hình trình diễn. Theo đó, em út Eun Chae của nhóm nhạc Le Sserafim gây tranh cãi khi thực hiện vũ đạo gợi cảm dù chỉ mới 16 tuổi trong MV đầu tay “Fearless” ra mắt vào tháng 5 năm nay. Nhóm sau đó phải bỏ động tác và thay thành phân đoạn khác khi trình diễn trên sân khấu. Ngoài ra, trang phục cũng là yếu tố khiến công chúng dành nhiều sự chú ý. Khỏe khoắn, tự tin là chuyện tốt, nhưng ranh giữa giữa chúng và phản cảm là rất mong manh. Thành viên Yuna của nhóm nhạc nữ Itzy từng bị chỉ trích vì diện trang phục không phù hợp khi quảng bá ca khúc “Loco”. Cụ thể, trang phục được thiết kế xuyên thấu, cắt khoét táo bạo và được cho là quá “dừ” đối với thiếu nữ chỉ mới 18 tuổi.

Tương lai bấp bênh với tuổi nghề chỉ kéo dài tới năm 21 tuổi

Không xét đến trường hợp các nhóm nhạc nam, tuổi thọ của các nhóm nhạc nữ khá thấp khi trung bình chỉ kéo dài khoảng 7 năm. Theo đó, khán giả luôn ám ảnh về “lời nguyền 7 năm”, rằng sau thời điểm này các nhóm nhạc nữ có khả năng cao sẽ tan rã. Như thế, nếu idol ra mắt năm 14 tuổi, vậy tuổi về hưu của họ là chỉ mới 21 tuổi – độ tuổi mà người bình thường chỉ mới học tới năm 3 cấp Đại học. Tuy nhiên, nếu con số này được đẩy lên 19, 20, các idol sẽ về hưu vào tầm cỡ 27, 28 tuổi, đảm bảo đã đủ trưởng thành để có thể xây dựng cuộc sống riêng. 

Nếu thần tượng đó là thành viên nổi tiếng có sức hút sẵn từ khi còn ở trong nhóm, họ có thể tiếp tục duy trì sự nghiệp ca hát ổn định như Tae Yeon (SNSD), CL (2ne1). Thế nhưng, trường hợp như vậy là rất hiếm vì không thể trong cùng nhóm nhạc mà các thành viên đều “hot” đồng đều như nhau. Cụ thể, trong thực tế có nhiều idol xuất thân từ các nhóm nhạc nổi tiếng nhưng vẫn “chơi vơi” giữa dòng chảy giải trí vô cùng khắc nghiệt, là Minzy (2ne1), Tiffany (SNSD) hay Hyo Rin, SoYou (Sistar),… Vì thế, có nhiều thần tượng chuyển sang lĩnh vực diễn xuất, lấn sân làm diễn viên nhưng cũng chật vật để thoát mác “tay ngang” hay “bình hoa di động”. YoonA (SNSD), Suzy (MissA) là hai trường hợp phải dành cả gần thập kỷ để có thể khẳng định danh xưng diễn viên của mình. 

Ngoài ra, nếu không đủ thực lực hoặc danh tiếng để tự thân xây dựng thương hiệu cá nhân, thần tượng đó phải trở lại cuộc sống của người bình thường, làm những công việc không phải là người của công chúng để có thể trang trải. Thế nhưng, vì debut quá sớm, nhiều thần tượng không có bằng Đại học, hoặc thậm chí là còn chưa tốt nghiệp cấp 3. Trong khi đó, Hàn Quốc nổi tiếng với chế độ thi cử khắc nghiệt, đề cao địa vị, học vấn và điều này khiến nhiều idol khó có thể kiếm được công việc như mong muốn, hoặc họ buộc phải tham gia các lớp học bổ túc để đáp ứng các điều kiện về văn bằng.


From the same category