Phát hiện này mở ra hy vọng mới trong việc tìm ra phương thức điều trị hiệu quả bệnh sốt xuất huyết.
Kết quả nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Y Duke-NUS và Trường Dược Yang Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thực hiện cho biết, tế bào bạch cầu trên có tên gọi T lymphocytes (tế bào T), có thể ngăn chặn các tế bào nhiễm sốt xuất huyết tự nhân lên trong cơ thể người bệnh. Những tế bào bạch cầu này phần lớn được tìm thấy trong da.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết chủ yếu từ muỗi. (Nguồn: ST FILE)
Phó Giáo sư Paul Macary khẳng định nghiên cứu này đã cho thấy tầm quan trọng của tế bào T trong việc phát triển một loại vắcxin phòng sốt xuất huyết hiệu quả.
Cho đến nay, hầu hết các loại vắcxin sốt xuất huyết đều tập trung vào việc cách ly một loại tế bào bạch cầu có khả năng sản sinh kháng thể tiêu diệt tế bào sốt xuất huyết.
Nghiên cứu trên, được thực hiện cách đây 5 năm nhằm mục đích tách tế bào T ra khỏi mẫu máu của 200 bệnh nhân tuổi từ 21-67.
Theo nhóm nghiên cứu, bước tiếp theo sẽ là tìm hiểu làm thế nào những tế bào T này có thể sản sinh trong quá trình tiêm chủng. Trong năm 2013, số người nhiễm sốt xuất huyết tại Singapore ở mức cao kỷ lục, với hơn 22.000 trường hợp, trong đó 7 người đã tử vong.
Theo Vietnamplus