Chúng tôi gặp nhau vào một buổi sáng tinh khôi trung tuần tháng Một, thời điểm lý tưởng để khởi động những kế hoạch và dự định cho một năm mới nhiều hứng khởi. Tôi và Hiền Năng đã nói với nhau rất nhiều về 8 năm thăng trầm trong sự nghiệp viết nhạc và đặc biệt là nguồn cảm hứng bất tận trong các sáng tác Tết của anh. Cứ vào mỗi cuối năm khi thời tiết rục rịch chuyển giao, Hiền Năng sẽ cho ra đời một (hay hơn một) bài hát để báo hiệu “xuân đã về”. Bằng những ca từ lấy từ trải nghiệm của chính anh, tôi càng thêm chắc chắn rằng Tết trở nên đặc biệt và giàu cảm xúc với mỗi người từ chính những điều giản dị, mộc mạc nhất.
Anh được nhìn nhận là một nhạc sĩ thành công khi có nhiều ca khúc sáng tác lọt top Trending, thậm chí bài hát “Số nhọ” còn được chọn đưa vào một bộ phim Hollywood. Nhưng với cá nhân mình, anh định nghĩa thành công là như thế nào?
Sau nhiều bài hát không được đón nhận, tôi đã từng nghi ngờ bản thân với nhiều câu hỏi xoay quanh việc “Mình đã đủ giỏi chưa?”. Vì vậy, thành công với tôi là khi không còn nghi ngờ về bản thân và hạnh phúc với những điều mình làm. Sự tự chủ, thoải mái với điều đang làm và muốn được cống hiến nhiều hơn đem đến cho tôi sự thăng hoa.
Lip B vừa ra mắt bài hát “Giải nghiệp” trong mùa xuân này. Giữa “Giải nghiệp” và “Số nhọ” trước đó có một sự liên quan nào không?
Mỗi dịp năm mới đến, không ít người mê tín dị đoan vẫn tin rằng tiền bạc có thể mua được may mắn, phước lành. Điều mà tôi muốn gửi gắm chính là không có bất kỳ phép màu hay thế lực nào giúp chúng ta thay đổi vận mạng, ngoại trừ nỗ lực không ngừng. “Giải nghiệp” cũng là một sự cổ vũ tôi dành riêng cho Lip B. Tôi muốn bài hát vui tươi này giúp các cô gái không còn bận tâm đến những điều không hay xảy ra cho nhóm sau khi hát “Số nhọ” và tiếp tục tiến xa hơn.
Là một nhạc sĩ luôn bắt kịp xu hướng của thời đại, những rung cảm của anh đến từ đâu?
Rung cảm phụ thuộc vào thời điểm ấy tôi đang băn khoăn về điều gì, chứ viết nhạc theo trend không phải là điều tôi hướng đến. Ví như lúc sáng tác “Tiền nhiều để làm gì?” cũng là khi tôi đang lao vào kiếm tiền và không ngừng tự hỏi nó có đang khiến tôi thật sự hạnh phúc hay không. Tôi nhận ra rằng quan trọng hơn hết vẫn là cách mình đón nhận, ứng xử và nhận định về nó như thế nào. Vì tiền chỉ là nền tảng của hạnh phúc, chứ không bao giờ mua được hạnh phúc.
Ca từ trong các bài hát của anh đều mang màu sắc tươi vui, dí dỏm và tràn đầy năng lượng. Có đúng hay không khi gọi anh là người thích lan tỏa niềm vui và cự tuyệt nỗi buồn?
Nỗi buồn hay niềm vui sẽ không là phong cách tôi theo đuổi suốt đời, mà tôi đang chọn tôi của hiện tại và đưa nó vào âm nhạc. Tôi đem góc nhìn và tâm thế sống tích cực của mình vào lời ca nhưng không đồng nghĩa tôi cự tuyệt hay phủ định nỗi buồn. Tôi trân trọng nỗi niềm của từng người. Vì chúng ta làm sao biết cảm giác vui vẻ là gì nếu không đi qua những ngày buồn? Nhưng tôi luôn tin rằng trong hành trình mưu cầu hạnh phúc, mỗi người cần học cách xử lý cuộc đời mình.
Rất ít nhạc sĩ đều đặn sản xuất nhạc Tết như anh, điều gì đã giúp anh duy trì nguồn cảm hứng này?
Những xúc cảm đặc biệt và tình yêu tôi dành cho Tết đều được nuôi dưỡng từ những năm đón Tết với gia đình. Gia đình tôi luôn giữ những tập tục đón năm mới theo truyền thống: từ cúng giao thừa, đi chùa, đi chợ Tết đến qua nhà hàng xóm mừng tuổi nhận lì xì. Một phần cũng vì khách hàng năm nào cũng đặt bài đón xuân đều đặn (cười). Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là tôi vẫn còn chuyện để kể và trải nghiệm để sẻ chia. Nếu một mai hết chuyện để nói, tôi sẽ không viết nữa. Nhạc Tết tôi viết dễ chạm đến trái tim người nghe và có sức sống lâu bền vì đều được lấy từ trải nghiệm chân thật của bản thân.
Sáng tác một bài hát Tết với anh mất bao lâu?
Khó có thể nói một cách chính xác. Thông thường, công đoạn viết lời chỉ mất khoảng 1-2 tiếng nhưng thời gian ngẫm để viết mới lâu. Như bài hát Tết đầu tiên là “Đường về quê”, tôi phải mất đến 3 năm để viết. Mỗi lần về quê tôi viết một đoạn, ba năm thành một bài hát. Đây cũng là ca khúc tôi “ngẫm” lâu nhất.
Cảm xúc của anh như thế nào khi nghe nhạc Tết mình sáng tác vang lên trong thời khắc ý nghĩa nhất năm?
Hồi trước, mỗi lần nghe nhạc của mình được phát ở bất kỳ nơi nào, tôi cũng liền vui vẻ thu lại và gửi cho ba mẹ để khoe. Nhưng hiện tại tôi không còn cảm giác phấn khởi đó nữa. Tôi nghe nó như các bài hát bình thường khác. Tôi nghĩ sáng tác ấy không còn của riêng mình, vì mỗi người đều đem trải nghiệm của họ hòa cùng bài hát làm một.
Ba mẹ anh cũng là người làm nghệ thuật, có phải vì lẽ đó mà anh đã sớm làm quen với âm nhạc?
Thật ra, tôi nung nấu ước mơ trở thành ca sĩ từ khi còn nhỏ. Tôi ca hát và vẽ vời trong suốt những năm trung học. Thậm chí, tôi còn dệt ra một mộng ước rằng sau khi mình vào Sài Gòn thì sẽ có một ông bầu, “bầu” mình lên thành siêu sao như ca sĩ Đan Trường (cười). Nhưng đến khi đối mặt với áp lực thi Đại học, tôi quên bẳng ước mơ ấy. Thời điểm đó, không chỉ ba mẹ mà tất cả mọi người đều quan tâm đến tấm bằng Đại học, vì vậy việc phải thi đậu vào một trường nào đó đã hoàn toàn chiếm lấy tâm trí tôi.
Việc thi cử sau đó thuận lợi chứ?
Chính xác hơn là đầy biến động. Ngay năm đầu tiên tại trường Đại học Hồng Bàng, tôi đã cảm thấy môi trường này không hợp với mình, thậm chí là không có cảm hứng học nên tôi băn khoăn nên tiếp tục hay dừng lại. Đến năm thứ hai, tôi đánh liều gọi điện về cho mẹ và nói rằng: “Mẹ ơi, thôi con không học nữa”. Mẹ đã cảm thấy rất sốc và không thể chấp nhận vì gia đình đã phải vay mượn rất nhiều để có tiền đóng học phí cho tôi. Nhưng sau một thời gian dài thuyết phục thì ba mẹ cũng đồng ý. Đó cũng là lần đầu tiên tôi dám làm trái ý ông bà. Tôi bắt đầu nhớ lại ngày xưa mình thích hát như thế nào và quyết tâm theo đuổi mơ ước bằng cách tự ôn thi vào Nhạc viện Tp. HCM, nhưng thi trượt vì môn chuyên môn (hát – PV) bị điểm liệt trong khicác môn thẩm âm và xướng âm đều đạt điểm tối đa
Phải chăng vì mọi dự định đều không thành, nên sáng tác nhạc nghiễm nhiên trở thành một trong số ít lựa chọn anh muốn liều?
Thẳng thắn mà nói, tôi bắt đầu viết nhạc là vì tiền. Sau khi thi rớt Nhạc viện, nhờ mẹ mà tôi có “một chân” trong nhóm hát bè của thầy Huỳnh Lợi. Trong thời gian làm phòng thu cùng một người bạn, tôi tình cờ biết được một bài hát của người bạn này có thể bán với giá 3 triệu. Trong khi một ngày làm việc ở phòng thu của tôi cũng chỉ vỏn vẹn 240 ngàn. Đó là một con số không tưởng. Trong lòng tôi bật lên một suy nghĩ, rằng: “Mình phải viết nhạc thôi! Mình phải sáng tác!”.
Tôi viết một ca khúc tặng cho người yêu, có tên là “Ngày vắng em” (2011) và thử gửi cho vài ca sĩ mình biết lúc đó nhưng không ai hồi âm. Phải một năm sau đó khi tôi gần như từ bỏ, thì bất ngờ nhận được email của ca sĩ Thanh Ngọc nói muốn mua bài hát. Năm 2013, tôi tiếp tục viết bài “Đừng bao giờ nói yêu em” và may mắn được ca sĩ Đông Nhi mua. Nói một cách chính xác, kể từ năm 2014 tôi mới bắt đầu tập trung viết nhạc.
Bất ngờ chuyển hướng làm nhạc sĩ, anh vấp phải những thách thức nào?
Thách thức lớn nhất đó là thời điểm tôi viết “Số nhọ”. Sau khi ca khúc ra mắt vào năm 2016, tôi nhận về hai luồng ý kiến trái chiều – một số cho rằng bài hát hiện đại và tân tiến, số còn lại phê bình gay gắt về ca từ. Đó là lần đầu tiên tôi phải đón nhận nhiều bình luận tiêu cực nên đã có lúc nghĩ rằng liệu bản thân có làm sai hay không? Nhưng kết quả là ca khúc đó trở thành bài hit của nhóm Lip B và một năm sau được Hollywood mua làm nhạc phim cho “Happy Death Day”. Lúc bấy giờ, tôi mới vỡ lẽ một điều quan trọng rằng: nhạc sĩ nên là người đưa suy nghĩ, góc nhìn của mình vào âm nhạc, thay vì quá để tâm miệng lưỡi thế gian. Mọi người biết đến tôi với “Bao giờ lấy chồng” nhưng tôi khá chắc chắn nếu không có “Số nhọ”, ca sĩ Bích Phương sẽ không tìm đến tôi.
Là một sản phẩm giúp tên tuổi của anh “phủ sóng” rộng rãi hơn, “Bao giờ lấy chồng” đem đến những khác biệt đáng kể nào cho anh trong sự nghiệp sáng tác?
Sự thành công của “Bao giờ lấy chồng” đem lại cho tôi muôn vàn cơ hội phát triển. Đơn cử là nhờ nó mà tôi tiếp tục thăng tiến với “Tớ thích cậu” và chính thức “dấn thân” vào showbiz, biến tôi từ một người chỉ viết những điều mình thích chuyển sang phải viết các bài hát theo đặt hàng. Bạn cứ hình dung thế này, nếu trước đây tôi vừa sáng tác vừa làm phòng thu, hát bè mới đủ nuôi bản thân, gia đình và ước mơ, thì nay chỉ cần viết nhạc. Thành công liên tiếp thành công, tên tuổi của tôi dần được nhiều người biết đến, khán giả chỉ mặt nhớ tên nên tôi đâm ra khá tự mãn. Để rồi đón nhận thất bại liền ngay sau đó.
Thất bại như thế nào?
Trên thực tế mọi người đều cho rằng “Bao Giờ Lấy Chồng” là sản phẩm của bản thân tôi mà không biết rằng đó là kết quả của một tập thể với nhiều vị trí quan trọng như hoà âm phối khí, sản xuất,… Tôi chỉ đóng vai trò nhạc sĩ. Thế nhưng vì quá tự tin cho rằng mình có thể làm được tất cả nên các tác phẩm về sau tôi “bại trận” ngay lập tức.
Thời điểm đó tôi cũng nản lắm nhưng vấp ngã giúp tôi nhận ra mình thiếu sót chỗ nào, chưa được ở đâu và kiên trì học hỏi từng chút một. “Chuyện cũ bỏ qua” là ca khúc đặc biệt, đánh dấu cột mốc tôi tự sản xuất một ca khúc từ A đến Z. Ca khúc này cũng là minh chứng cho việc giúp tôi hiểu rõ bản thân mình hơn và biết nên làm gì để cân bằng giữa thứ mình thích nhưng vẫn khiến người khác đồng tình.
Những dự định của anh trong năm 2020?
Tôi muốn khai thác một khía cạnh khác biệt hoàn toàn của bản thân. Đó sẽ là những mặt trưởng thành mà tôi đã cất giữ và bồi dưỡng bấy lâu. Tôi cho rằng con người như một khối đa giác, mà chúng ta ai cũng cần thời gian để khai phá và mạnh dạn thể nghiệm nhiều mặt mới mẻ của mình.
3 từ mô tả nhạc của Huỳnh Hiền Năng?
Đa dạng, chân thật, khác biệt
Những lúc “bí” lời, anh sẽ làm gì?
Không viết nữa. Tôi sẽ chờ cảm hứng đến mới tiếp tục.
Một bài hát đặc biệt thổi bùng cảm xúc của anh?
“Số nhọ”. Ca khúc này đánh dấu bước chuyển mình của tôi với vai trò nhạc sĩ.
Những khác biệt từ khi tập tành sáng tác so với thời điểm hiện tại?
Tự tin sản xuất trọn vẹn một bài hát, trưởng thành hơn, dám từ chối điều mình không thích.
Nếu không làm nhạc, anh muốn thử sức với lĩnh vực nào?
Thiết kế nhà, làm phim và video ca nhạc.
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Tô Hoàng Bảo