Huyền thoại? Tôi chọn YouTube - Tạp chí Đẹp

Huyền thoại? Tôi chọn YouTube

Review

Hãy điểm lại 2 hiện tượng nổi bật của YouTube trong thời gian qua.

Đầu tiên là “Gangnam style” của Psy. Music video (MV) này chính thức xuất hiện trên YouTube ngày 15/7/2012. Gần 6 tháng sau, nó đạt mốc 1 tỉ người xem và tới tháng 4/2013, MV này vươn tới con số 1,5 tỉ người xem. Đây không chỉ là con số cao nhất mà còn là “không tưởng” đối với bất kỳ nghệ sĩ hay nền công nghiệp âm nhạc nào. Cùng với cơn sốt “Gangnam style – Psy” trên toàn cầu, con số đó lần đầu tiên tạo ra một sản phẩm giải trí có thể nói một cách chính xác với nghĩa đen là được mọi tầng lớp, đối tượng khán giả ưa thích.

Gangnam style – Psy

Psy và “Gangnam style” tạo nên một  dấu mốc trong lịch sử âm nhạc đại chúng

Hồi đầu năm nay, câu chuyện về một đoạn nhạc không hoàn chỉnh với tên gọi “Harlem shake” được đứng trong bảng xếp hạng Billboard đã gây nên những tranh cãi trong cả giới chuyên môn và dư luận. Lý do bởi Billboard đã tính cả lượt xem đoạn nhạc vốn chỉ dài 30 giây trên YouTube, vì thế “Harlem shake” vọt lên trở thành một hiện tượng giải trí “kỳ cục” khi mà DJ Baauer, tác giả thực sự của đoạn nhạc, còn chưa kịp làm MV chính thức thì… cả thế giới đã “làm hộ” anh cỡ 350 ngàn phiên bản MV khác nhau!

Người bi quan cho rằng nếu những sản phẩm giải trí kiểu này tiếp tục được cổ súy sẽ là sự bất công với những ca khúc, MV được đầu tư nghiêm chỉnh và chuyên nghiệp. Chưa kể chất lượng của các sản phẩm này rất hạn chế. Kẻ lạc quan lại đưa ra ý tưởng hãy tách riêng những sản phẩm này thành một hình thức giải trí mới, có bảng xếp hạng và thậm chí giải thưởng dành riêng cho nó.

Những cuộc tranh luận chưa có hồi kết, nhưng thực tế là Baauer từ một người vô danh trở thành cái tên “hot” với thể loại nhạc điện tử. Còn các nhà phê bình thì thống nhất với quan điểm của biên tập viên Bill Werde của tờ Billboard: “Đây là thời của YouTube!”

Giới chuyên môn vẫn nhận định rằng sự ra đời của MTV năm 1981 là bước ngoặt quan trọng của công nghiệp giải trí, đặc biệt là âm nhạc. Nói một cách đơn giản, từ việc nghe nhạc, người ta bắt đầu có hình thức tiếp cận mới là “xem” nhạc. Nhưng tới YouTube, tư duy của người sáng tạo cũng như người thụ hưởng còn thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Trước hết, khoảng cách từ nghệ sĩ tới công chúng thu hẹp đáng kể. Mỗi MV mới đưa lên sẽ nhận được ngay những phản hồi “không thể chính xác hơn” từ công chúng qua lượng người xem, nhấn like và những lời bình luận (comment). Chính vì thế, nếu một nghệ sĩ chỉ tung MV mới trên MTV hay các kênh truyền hình ca nhạc khác mà bỏ qua YouTube, thì anh ta thật là… ngu ngốc! “Gangnam style” của Psy là một minh chứng quá rõ ràng.

Chia sẻ giờ đây đã trở thành một hành vi quen thuộc trong thế giới mạng  bởi sự phát triển của mạng xã hội mà YouTube – trang web chia sẻ video miễn phí – là một ví dụ tiêu biểu.

Justin Bieber

Justin Bieber – một “sản phẩm” của YouTube

Sự chia sẻ miễn phí tạo cơ hội cho những nghệ sĩ vô danh “một phút thành sao”. Đồng thời, mạng xã hội cho phép giảm thiểu chi phí và xóa bỏ sự khắt khe của hệ thống tuyển chọn trong ngành công nghiệp âm nhạc. Giờ đây, chỉ có người sáng tạo và người thụ hưởng. Nếu sự sáng tạo của bạn thực sự gây ấn tượng, bạn sẽ được đón nhận. Nếu không có YouTube, hẳn năm 2008 nhà sản xuất Scooter Braun không thể biết trên đời có một cậu nhóc Justin Bieber để một năm sau cậu trở thành ngôi sao nổi tiếng Justin Bieber. Và tất nhiên, hoàng tử nhạc pop không phải là người duy nhất “trúng quả” nhờ YouTube.

Không chỉ “đưa nghệ sĩ ra ánh sáng”, tạo nên những hiện tượng giải trí mới, YouTube còn là cơ hội của những thị trường giải trí nhỏ. Hãy nhìn ngược về chính Việt Nam với trường hợp của Mỹ Tâm. Nữ ca sĩ này là một trong những nghệ sĩ năng nổ nhất trong việc khai thác YouTube. Và thực tế, cô đạt được những thành tích không hề nhỏ. Mỗi MV của cô khi được đẩy lên YouTube đạt lượng người xem khổng lồ. Đặc biệt, vào tháng 10/2013, Mỹ Tâm đã có tên trong top 8 các MV phổ biến nhất trong ngày của YouTube với “Em phải làm sao”. Tất nhiên không phải cứ đứng cạnh Madonna sẽ là nghệ sĩ quốc tế. Nhưng ít nhất những cơ hội là có thật.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, tạo ra quá nhiều điều như vậy, YouTube có thu lại được gì? Tất nhiên là rất nhiều! Tháng 1 năm 2013, những người quản lý trang web này cho biết họ thu về 8 triệu USD tiền quảng cáo từ MV “Gangnam style” của Psy.Tháng 5 năm 2013, CNBC trích nghiên cứu của ngân hàng Morgan Stanley cho biết doanh thu ước tính của YouTube trong năm 2013 là 4 tỷ USD và dự đoán con số này sẽ gấp 5 lần trong 7 năm tới. Những con số trên là mơ ước của mọi hãng ghi âm, công ty giải trí trên toàn cầu. Chúng cũng cho thấy YouTube dường như vẫn còn quá nhiều cơ hội phát triển. Ít nhất thì hồi tháng 11/2013, mùa đầu tiên của giải thưởng âm nhạc YouTube Music Awards đã khởi động, đó là chưa kể những dịch vụ mới mà các nhà quản lý của YouTube sẽ tung ra trong tương lai gần.

Tóm lại, YouTube chính là một huyền thoại đương đại. Bởi nó tạo ra không chỉ những sản phẩm giải trí mà cả các ngôi sao, và đang vươn lên thành một thế lực thống trị nền công nghiệp giải trí. Quan trọng hơn, YouTube đã làm thay đổi quan niệm giải trí của con người trên toàn cầu.

 

Bài: Độc Cầm

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Cứ mỗi ngày trôi qua, lại có vài trăm loài động vật tuyệt chủng trên Trái đất. Và bất cứ thứ gì cũng có thể rơi vào tình trạng tuyệt chủng hàng loạt như thế, khi hệ sinh thái của chúng thay đổi. Ví dụ, như một môn nghệ thuật.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

17/01/2014, 14:26