Huy Tuấn – “Tôi cần tuổi trẻ của họ”

Tạm gác lại những riêng tư

– So với năm ngoài, có vẻ như năm nay anh quá sức bận rộn với truyền hình thực tế, bận rộn đến mức lơ là công việc sáng tác luôn rồi…

– Đúng là khoảng một năm trở lại đây, tôi hầu như không có thời gian dành cho dự án riêng của mình. Album gần đây nhất mà tôi làm là “18+” của Văn Mai Hương. Chương trình này nối tiếp chương trình kia, những thứ mình không chủ động được. Hy vọng một, hai tháng nữa kết thúc các chương trình, tôi sẽ lại tập trung vào công việc chuyên môn của mình là sáng tác và làm sản xuất album nhạc cho các ca sĩ trẻ.

– Làm nhiều thế lấy thời gian đâu tiêu tiền hở anh?

– Việc này tôi dành cho vợ phụ trách.

– Vợ anh có than phiền khi thấy anh bận rộn quá không?

– Làm gì có chuyện không than, không than bằng cách chính thống thì than bằng cách khác. Lúc nào bảo anh bận rồi thì thấy mặt buồn rượi, kiểu đấy. Bận rộn công việc quá cũng có sự trả giá, tuy nói là vợ tôi ở nhà chăm sóc con cái, nhưng mình vẫn tiếc vì có quá ít thời gian dành cho gia đình, nhất là con trẻ, chúng lớn nhanh lắm. Bây giờ mà tôi đi đâu về muộn là thấy tiếc ngay, xem như đã bỏ lỡ một ngày quan sát con mình lớn lên. Tôi thuộc dạng nghiện con, đàn bà chắc cũng không nghiện con bằng tôi.

Huy Tuấn

– Nhìn anh chăm lo cho Vietnam Idol từng bước từng bước có khác gì việc chăm ẵm một đứa con đâu…

– Thực ra, đối với tôi giám đốc âm nhạc là người chịu trách nhiệm cho những thất bại chứ không phải là người hưởng sướng sau những thành công, quan trọng là mình có đủ bản lĩnh đứng ra để làm công việc đó hay không.

– Trong cuộc sống bình thường, anh có thuộc tuýp đàn ông trách nhiệm?

– Tôi nghĩ là có.

– Đây là điểm hấp dẫn nhất ở anh phải không?

– Là mọi người nói vậy đấy nhé.

– Theo anh, cái thực tế nhất hậu truyền hình thực tế mà anh làm được cho thị trường âm nhạc là gì?

– Thật khó nói rành rọt nó là cái gì. Với vai trò giám đốc âm nhạc, tôi coi truyền hình thực tế như một diễn đàn của mình, nơi mình có thể mang tới xu hướng âm nhạc, những thứ mà mình cho rằng thị trường âm nhạc cần có và đi theo. Nó chính là động lực để tôi quyết định đảm nhận công việc này. Tôi không muốn nói tới mức độ thành công vì cái chuẩn thành công của mỗi người khác nhau.

– Việc cập nhật xu hướng có khiến anh chịu nhiều áp lực không, như việc đưa Mỹ Linh, Hồng Nhung đứng cùng sân khấu với Kimmese hay Noo Phước Thịnh?

– Một thị trường âm nhạc nên có nhiều xu hướng âm nhạc để nó trở nên phong phú. Tôi đang đứng ở nơi mà nếu không khôn khéo, tôi sẽ gặp phải áp lực sa đà vào cái cần của thị trường. Cách tốt nhất là làm thế nào để mình vừa nghe ngóng được thị trường và vừa chọn lọc được những thứ mình mong muốn.

– Được mệnh danh là nhạc sĩ dòng nhạc cao cấp thôi không sướng sao ạ?

– Câu chuyện của tôi từ ngày xưa nó đã không nằm ở việc tôi muốn làm nhạc cao cấp hay nhạc thị trường. Con người mình như thế, tâm tư mình như thế, style âm nhạc vốn dĩ nó đã chọn mình rồi, mình chỉ việc đi theo và làm đến cùng thôi.

Sau khi về nước một thời gian, tôi mới nhận ra chúng ta còn thiếu quá nhiều điều cơ bản để thành một thị trường vững vàng lớn mạnh. Không nói xa xôi Mỹ hay Nhật, tại Hàn Quốc, người ta có cả năm mươi năm chuẩn bị cho bản sắc thị trường âm nhạc của họ. Phải đầu tư cho biết bao lớp người, đến bây giờ họ mới bắt đầu hái quả. Tôi hiểu rằng, vấn đề không phải là sang hay sến nữa mà rất nhỏ bé thôi, ngay từ những bước ban đầu, chúng ta cần định hướng cho thị trường một hướng đi đúng đắn.

– Nhưng anh ơi, có một thực tế rõ ràng là, so với những giá trị cũ đã được xác lập, những thứ mới mẻ thực sự hay ho của chúng tacòn quá mỏng manh và ít ỏi… Đến bao lâu bản sắc thị trường âm nhạc của mình mới được định hình đây?

– Mười năm trước khi làm album đầu tiên của mình tại Việt Nam, chúng tôi gặp phải cú sốc là không được thị trường đón nhận, vì lúc đó chả ai quan tâm RnB. Khi ấy mình tôi nghĩ đơn giản là mình đem kiến thức học được và tính cách con người mình ra thôi chứ không nghĩ được chuyện cái gì cũng cần thời gian để người khác tiếp nhận, thị trường âm nhạc cũng thế. Trong thời gian này tôi tạm gác lại những riêng tư của mình để quay về những điều cơ bản nhất và làm nhiều việc mang tính xây dựng nhiều hơn. Giám đốc âm nhạc là cơ hội cho tôi từng bước đặt những viên gạch chắc chắn đầu tiên, bởi thẩm mỹ âm nhạc là chuyện mênh mông lắm, không chỉ ngày một ngày hai là nói hết được.

Được như Hàn Quốc thì đã tốt

– Dạo này anh chán Diva rồi à? Toàn thấy anh chơi với người trẻ.

– Không, chả chán. Diva vẫn là người cầm cờ tiên phong, những người có khả năng thay đổi cuộc chơi. Họ có sức thuyết phục lớn hơn cả. Câu chuyện Diva là câu chuyện khác, họ không thể chạy theo những thứ thời thượng được. Còn người trẻ, đơn giản là họ có lượng khán giả trẻ, mà chính khán giả trẻ là những người cần có nền tảng thẩm mỹ âm nhạc thật tốt, nôm na là nghe có ý thức đấy.

– Thật lòng nhé, anh và những ca sĩ trẻ, ai tìm đến ai?

– Vì ta cần nhau là chuẩn nhất. Tôi cần tuổi trẻ của họ, còn họ cần kinh nghiệm của tôi.

– Ngoài tuổi trẻ, ở họ có thêm thứ gì mà anh không có, để sự hợp tác công bằng hơn?

– Họ có khán giả mà công việc của tôi cần thêm nhiều diễn đàn khác. Tôi không mong lứa khán giả trẻ của họ thành khán giả của mình, tôi chỉ muốn lứa khán giả trẻ đó được chăm sóc kỹ càng. Ví dụ Sơn Tùng M-TP, cậu ấy là lượng fan cực kỳ đông. Ít có ca sĩ nào nào sở hữu bài hát cả trăm triệu lượt nghe như Sơn Tùng. Một người như vậy thì nhân cách và hướng đi của họ phải được chăm chút tử tế. Thử nghĩ xem, nếu cậu ấy đi sai thì cậu ấy sẽ gây ảnh hưởng tồi tệ thế nào.

– Anh nhìn thấy gì ở lớp khán giả trẻ thời nay?

– Lớp trẻ bây giờ có thuận lợi là chỉ thông qua thế giới phẳng, họ tiếp cận được mọi thứ. Hồi xưa chúng ta quá thiếu thốn, nhưng bây giờ lại quá thừa thãi, cái gì cũng có mặt trái.

– Thế, sao ở thị trường mình cái gì cũng quá vậy nhỉ?

– Vì chúng ta vốn không có nền tảng, nên chúng ta không đủ sức đề kháng để chọn lọc thứ gì ở lại với mình.

Huy Tuấn
Stylist: Travis Nguyen – Make-up: Tung Chau

– Mà Huy Tuấn cũng quá đấy, đã làm việc với người trẻ thì cứ phải gọi là trẻ quá thôi, như Sơn Tùng M – TP chẳng hạn, không những trẻ mà lại còn tân thời…

– Biết đâu người trẻ vừa vừa họ thấy tôi không đủ trẻ để làm việc chung. Sơn Tùng M – TP là một khái niệm rất khác. Cậu ấy khá tài năng và có một giọng điệu rất đặc biệt.

– Có vẻ như anh đang lấy thị trường Hàn Quốc làm mục tiêu hướng tới?

– Được như Hàn Quốc thì đã tốt. Thị trường Hàn Quốc có tất cả các loại nhạc, cái chúng ta biết chỉ là trào lưu thời thượng thôi, còn đầy những thứ mình không được tiếp xúc thì hầu như nó đều có nền tảng vững chắc. Phải là một thị trường thế nào mới lòi ra một ông không học hành ở đâu mà hát opera rất khủng hay một cậu thần tượng âm nhạc mười mấy tuổi chứ.

– Chơi với trẻ con có vui không ạ?

– Vui kiểu bọn trẻ. Đôi khi thấy mình mệt và già, tôi mới giật mình nhận ra sao tuổi trẻ của mình khác nhiều quá.

– Anh đã có dự định có hướng đi sắp tới của những ca sĩ trẻ mà anh đang cộng tác chưa?

– Phải trả lời bằng tác phẩm chứ hướng đi thì rất khó nói cụ thể. Ví dụ cặp đôi Đông Hùng – Phương Linh được coi là nhân tố mới của thị trường này khi họ ghép vào với nhau, để định hình phong cách họ thì tôi cần có thêm thời gian. Tôi muốn xây dựng họ thành cặp đôi âm nhạc thực sự. Còn với Cát Tường, tôi nghĩ, bản thân Cát Tường để nguyên như vậy đã đủ mạnh là một nhân tố rồi. Cát Tường là một tác giả, và chẳng có gì hơn cho bằng tự thể hiện luôn những bài hát của mình. Tôi nghĩ Cát Tường là một người nghệ sĩ văn minh và khác biệt, chỉ là cần có ai đó tỉnh táo từ bên ngoài nói rõ cho Cát Tường biết con người cô ấy thuộc dòng chảy nào. Khi chúng ta trẻ, chúng ta tìm tòi sáng tác cho nhiều vấn đề khác nhau. Vai trò của một người sản xuất cuối cùng chính là tóm tắt lại câu chuyện. Văn Mai Hương thì đã khẳng định được con đường đi riêng của mình rồi và những gì mà Hương đang làm tôi nghĩ cô ấy hoàn toàn xứng đáng với vị trí của mình đang có.

– Làm việc vớingười trẻ có khó khăn cho anh không, vì để người trẻ họ biết lắng nghe thì hình như không phải chuyện dễ?

– Chẳng có gì dễ dàng cả. Tôi không dùng quyền của người đi trước đối xử với bọn trẻ được. Tôi muốn tôn trọng cuộc sống riêng tư của họ, chỉ can thiệp về xu hướng âm nhạc và chuyên môn thôi.

– Theo anh, điều nguy hiểm nhất mà người làm nghệ thuật trẻ phải đối mặt là gì?

– Là ý thức đối với nghề nghiệp. Có thể hơi sớm để đòi hỏi họ phải sâu xa, nhưng quả thật họ thường nghĩ công việc của họ một cách quá đơn giản. Họ ít tính đến một sự nghiệp dài hơi mà thường chỉ nhìn được những câu chuyện đang xảy ra trước mắt hoặc chạy theo xu hướng. Đấy là lý do họ cần gặp những người đã trải qua tuổi trẻ của họ, những nhà sản xuất có kinh nghiệm, những người chỉ rõ cho họ biết họ là ai.

– Tuổi trẻ của anh có bị hoang mang như họ không?

– Tuổi trẻ của tôi khác tuổi trẻ của họ, nhưng hoang mang thì vẫn có. Câu chuyện của tôi là mang về Việt Nam sự mới mẻ và bị sốc vì không được đón nhận. Còn với các bạn bây giờ là việc bình tĩnh lựa chọn cho mình một đường đi đúng đắn giữa muôn vàn những điều mới mẻ.

– Vẫn thấy người trẻ thường sống vội vã, sống như thể bất chấp ngày mai. Làm việc với người trẻ nhiều, anh có mang cái tâm thế này vào âm nhạc của mình không?

– Không, như vậy thì quá nhanh để lưu giữ cảm xúc. Cảm xúc đối với tôi càng già càng quý, mà vì quý nên tôi chắt chiu lắm. Có phải lúc nào chúng ta cũng gặp được điều gì đó hay ho đâu!

– Đã bao giờ anh bị chới với vì nguồn năng lượng của người trẻ?

– Mỗi lần chới với là tôi đặt câu hỏi tại sao ngay. Tôi thấy cuộc sống cuối cùng là để lấy và truyền cảm hứng. Gây cảm hứng cho người khác là điều rất quan trọng. Và nhiều khi tôi suy nghĩ, tại sao mình có thể sống hết ngày này qua ngày khác được? Chính là nhờ cảm hứng mà mình bắt gặp, cuộc sống lẫn âm nhạc. Cảm hứng mở ra cho mình những chân trời mà mình nhất quyết phải đến, hoặc phải gặp được người đó để làm việc cùng. Ví dụ như khi làm việc với Cát Tường, tôi thấy cô ấy có gì đó giống với chúng tôi những ngày đầu vào nghề, ngay cả trong cách viết nhạc. Khi đọc những bài của Cát Tường ở dạng demo, tôi có cảm giác mình gặp lại chút mình của tuổi trẻ, giống như làn gió thổi qua và tôi ngửi thấy được dư vị thời gian mà tôi từng sống ở đấy. Hoặc khi ở trong phòng thu với Văn Mai Hương thì tràn ngập một sự hân hoan trong lòng, cảm giác rất dễ chịu và không gượng ép.

– Anh có nhận ra là, đã lâu rồi âm nhạc của Huy Tuấn không gắn bó với một giọng hát nào như thời anh làm việc cùng Mỹ Linh?

– Với Mỹ Linh tôi đã có được tất cả những thành tựu quan trọng nhất của mình và chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành với nhau trong nhiều dự án sắp tới nhưng tôi cho rằng âm nhạc của mình là rất mở và việc gắn bó với một giọng ca nào đấy còn tùy thuộc vào thời điểm và những cái duyên trong đời nữa. Câu chuyện tôi theo đuổi bây giờ lớn hơn bài hát rất nhiều. Đó chính hướng đi của một thế hệ ca sĩ trẻ.

Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Vì họ cần nhau

Huy Tuấn vẫn gắn bó chặt chẽ với ban nhạc “Anh em”, nhưng từ khi Nam tiến và tham gia nhiều hơn vào các show truyền hình thực tế với tư cách Giám đốc âm nhạc, anh dường như tham gia sâu hơn vào showbiz phía Nam theo một hướng đi vừa tích cực vừa linh hoạt. Người ta thấy anh đứng sau thành công của nhiều hiện tượng âm nhạc như Văn Mai Hương hay gần đây là một loạt hiện tượng ca sĩ trẻ như Sơn Tùng, Cát Tường, Đông Hùng… Một mô hình “Team up” rất lý tưởng vốn rất thịnh hành ở làng âm nhạc thế giới.

Tất nhiên, khác với Mỹ Linh, Nguyên Thảo – những người bạn đồng chí hướng và cùng thời, vai trò của Huy Tuấn đằng sau các ca sĩ trẻ nói trên là người định hướng chuyên môn, thầy và trò (trong giao tiếp hàng ngày họ là chú – cháu). Trả lời câu hỏi của TTVH & Đàn Ông “Ai tìm đến ai trong các mối quan hệ này?” – Huy Tuấn trả lời: “Vì ta cần nhau là chuẩn nhất. Tôi cần tuổi trẻ của họ, còn họ cần kinh nghiệm của tôi”.

Bài liên quan:

– Huy Tuấn – “Tôi cần tuổi trẻ của họ”
Văn Mai Hương: “Hình ảnh của tôi là bộ mặt của Huy Tuấn…”
– Sơn Tùng M-TP – Chàng trai của ngày hôm nay
– Cát Tường – Như người bạn đồng hành


From the same category