Huy Koki: “Phụ nữ chẳng dễ chấp nhận đứng thứ 2” - Tạp chí Đẹp

Huy Koki: “Phụ nữ chẳng dễ chấp nhận đứng thứ 2”

Sao

Khỏe khoắn trong áo sơ mi ca-rô quần jeans, Huy Koki (biệt danh của Quang Huy) vượt cơn mưa dai dẳng của Sài Gòn đến điểm hẹn đúng giờ. Với chất giọng trầm ấm, đặc sệt miền Nam, anh sôi nổi chia sẻ về niềm đam mê dành cho kiếm đạo.

Kiếm đạo là môn thể thao ít người Việt biết. Cơ duyên nào đưa anh đến với kiếm đạo và gắn bó với nó 13 năm nay?

– Cũng như nhiều đứa trẻ thời những năm 90, nhờ “Siêu quậy Teppi”, tôi biết đến Kendo nhưng phải nhiều năm sau, tới năm 1999, nhờ một người bạn Nhật (tập Kendo đã 21 năm, ngũ đẳng) tôi mới bước lên sân với cây kiếm gỗ. 13 năm là tính từ thời điểm bắt đầu, trừ thời gian tôi tham gia các hoạt động khác (vì tính cả thèm chóng chán) thì mới chừng… 10 năm thôi. Ba mẹ tôi hiểu con nên đã vài lần hỏi: “Tại sao chơi môn này lâu đến vậy?”. Lý do thì nhiều lắm, nhưng nổi bật nhất là tôi thích bản chất của Kendo và tình bằng hữu với bạn bè ở nhiều nước nhờ tập luyện, thi đấu Kendo mang lại.

Anh có thể nói rõ hơn về “bản chất của Kendo”?

– Bắt nguồn từ tinh thần Bushido (Võ sĩ đạo) và môn kiếm thuật của các Samurai (hiệp sĩ), Kendo rèn cho người tập không chỉ về thể lực mà còn luyện cả tinh thần, nghị lực. Kendo thể hiện rõ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ của người Nhật. Không phải lạc quan tếu mà là đối diện hoàn cảnh, biết cách hài lòng với những gì mình có, không đổ lỗi cho điều kiện khách quan, đấu tranh với bản thân và làm tốt nhất có thể.

Tinh thần đó, nghị lực đó rất cần để ứng phó với sóng gió cuộc đời. Bởi vậy, đây là liệu pháp chữa khủng hoảng cực kỳ hữu hiệu của tôi (cười). Ngoài ra, Kendo không chú trọng đến bề ngoài bởi khi bước lên sân, ai cũng mang một chiếc mặt nạ giống nhau, đồng thời, tất cả đều gỡ đi một hoặc nhiều mặt nạ khác vẫn đeo hằng ngày. Lúc này, tính cách và thế giới nội tâm thể hiện qua cách đánh. Được là chính mình thì còn gì thoải mái và sung sướng hơn!

 

Với anh, Kendo là niềm đam mê không thể từ bỏ?

– Đúng vậy! Vì Kendo đã giúp tôi không ngã gục trong suốt 9 tháng sau khi cầm tấm bằng MBA nhưng phải trải qua những ngày dài làm công việc không cần bằng cấp với mức lương 8USD/giờ, thực hiện hơn 40 cuộc phỏng vấn cho nhiều công ty khác nhau. Khi đã có công việc ổn định, tôi lại mất phương hướng một lần nữa vì đã đạt được mục tiêu phấn đấu; sau đó là đến chuyện tình cảm và nhiều chuyện khác… Tôi vượt qua những thử thách này đều nhờ Kendo. Việc tập luyện giúp tinh thần thoải mái hơn, giữ cho trí óc minh mẫn để đối diện với thất bại, nhìn lại bản thân, tìm hướng đi mới, lập ra mục tiêu khác.

Không chỉ ở Việt Nam, Kendo ở các nơi khác cũng chưa phải là nghề được nhiều người lựa chọn dù đã có nhiều giải mang tính quốc tế. Theo anh vì sao?

– Kendo phù hợp với mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, thể trạng bởi thi đấu chỉ là một phần của Kendo, chính yếu vẫn là rèn luyện thể lực, tinh thần và nghị lực. Có lẽ vì thế, 99% người tập Kendo không sống bằng nó, không xem nó là nghề. Có thể Kendo chưa nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic nên mọi người đến với môn thể thao này vì giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất mà nó mang lại. Cũng nhờ ít bị ảnh hưởng bởi vật chất nên những ai chơi Kendo đều vì niềm đam mê. Với tôi, sự thuần khiết này rất cần thiết bởi cuộc sống không chỉ quẩn quanh với nỗi lo cơm áo mà còn cần làm những điều gì đó có ý nghĩa hơn.

Như anh từng nói, hiếm có ai sống bằng Kendo, vậy anh kiếm sống bằng nghề gì?

– Lúc mới về, năm 2009, tôi làm ở HSBC một tháng, sau đó, tôi đi dạy ở trường RMIT, được một năm rưỡi thì chuyển sang làm ở bộ phận hợp tác kinh doanh của Prudential cho đến nay. Công việc hiện tại nhiều thử thách hơn trước đây nhưng tôi học hỏi được nhiều, thay đổi, trưởng thành nhanh hơn bởi vị trí này đòi hỏi không chỉ giỏi chuyên môn mà còn giỏi lãnh đạo.

Tuy nhiên, công việc quản lý 6-7 nhân viên, đồng thời lập kế hoạch, kiểm soát ngân sách, thực hiện kế hoạch, chấm thi đua… khiến tôi có ít thời gian rảnh, căng thẳng. Để cân bằng, tôi ra sân tập Kendo các buổi tối thứ ba, năm, bảy và chiều chủ nhật, nhưng phần lớn thời gian trên sân, tôi đứng lớp nên có những chiêu tôi hiểu cách thức nhưng không thực hiện tốt bằng các bạn (cười).

Anh dành tình yêu và thời gian cho Kendo nhiều như vậy, bạn gái và gia đình có phàn nàn không?

– Phụ nữ chẳng mấy người dễ dàng chấp nhận chuyện mình xếp thứ hai, dù là sau một môn thể thao! (cười). Bạn gái của tôi cũng nhiều lần lên tiếng nhưng tôi cứ xoa dịu và cô ấy chấp nhận Kendo là một phần con người, cuộc sống của tôi. Với lại, thực tế đàn ông Việt mình hay đi nhậu, hơn 30 tuổi mà không có gì làm, không dành đam mê cho việc gì đó thì dễ đổ đốn lắm! Những anh em gắn bó với Kendo như tôi, ai cũng cảm ơn vợ, người yêu của mình đã ủng hộ, chấp nhận để chúng tôi được tập, được nói về kiếm, áo giáp, mặt nạ, đấu pháp… Còn ba mẹ thì cảm thấy an tâm vì tôi sửa được tính cả thèm chóng chán, ít nhất là trong việc này.

Sau thành công ở giải Kendo khu vực Đông Nam Á 2007, anh có tham dự các giải đấu khác không? Mong ước của anh về Kendo là gì?

– Tôi từng tham gia giải vô địch Mỹ các năm 2003, 2005, 2008 nhưng thành tích cao nhất cũng chỉ là lọt vào vòng 3 năm 2008, dự giải Hongkong mở rộng năm 2010. Hiện tôi đang chuẩn bị cho giải thi đấu khu vực Đông Nam Á 2013. Mong ước xa hơn là được tham gia giải vô địch Kendo thế giới, làm huấn luyện viên của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam dự giải vô địch thế giới. n

Anh để ảnh gì trên bàn làm việc?

Một tấm ảnh chụp chung với một số đồng nghiệp trong công ty và CEO… Chỉ đơn giản vì không buồn đem về nhà…

Vật bất ly thân?

Iphone.

Ứng dụng yêu thích nhất trên Iphone?

Kindle… khiến mình chăm chỉ đọc sách hơn… mọi lúc mọi nơi… đúng nghĩa đen của nó!

Anh đang đọc gì?

“Just Listening: Discover the Secret to getting through to Absolutely anyone” và Kendo World Magazine.

Đang nghe gì?

“Telling the World” của Taio Cruz trên Iphone.

Chuyện “điên rồ” nhất anh từng làm?

Mặc váy, đeo bông tai giả và trang điểm như phụ nữ khi tham gia vào trò chơi “Truy tìm kho báu” lúc còn học đại học.

Bài: An Hội, Quỳnh Chi
Ảnh: Lâm Trần


 

Thực hiện: depweb

14/08/2012, 13:23