Hương vị Việt - Tạp chí Đẹp

Hương vị Việt

Sống

Mùa đông đã đến, chúng ta đều rét run lên và không thôi mơ mộng về những chuyến đi đến những miền đất mới lạ. Vậy chúng ta sẽ làm gì để cho không khí mùa đông bớt lạnh lẽo, buồn tẻ và chán ngắt? Còn tôi đã quyết định làm một chuyến “ngao du” tới Việt Nam lần nữa nhưng không phải bằng tấm vé máy bay 12 tiếng, mà tôi sẽ tự tay nấu những món ăn Việt Nam – những món ăn đã mê hoặc tôi trong chuyến công tác Việt Nam năm ngoái. Bản thân tôi vốn dĩ đã mê mẩn các món ăn Á và những món ăn thuần Việt cũng không khiến tôi thất vọng. Cái vị thanh nhẹ, sự bổ dưỡng và đầy ắp hương vị trong những món ăn Việt chắc chắn sẽ làm hài lòng những thực khách theo “chủ nghĩa hưởng thụ”.

Những món ăn Hà Nội

Chuyến đi tìm hiểu về ẩm thực Việt Nam bắt đầu ngay khi tôi đặt chân xuống Hà Nội. Bobby Chinn – một đầu bếp Mỹ đã sống và làm việc tại Hà Nội được 10 năm, chủ một nhà hàng nổi tiếng tại Hà Nội, tình nguyện trở thành người hướng dẫn tôi trong chuyến đi này. Sau tách cà phê, Bobby đã dẫn tôi đi dạo phố tại Hà Nội để thưởng thức một vài món ăn ngay trên những con phố này bởi vì chính Bobby đã nói rằng “những món ăn đặc sản chỉ có tại các hàng quán trên vỉa hè”.

Bobby dẫn tôi đến một hàng phở Nam Định “ruột” của anh. Với những sợi bánh phở chan nước dùng đậm đà hương thơm, “phở” được coi là một món ăn truyền thống nhất của Việt Nam được rất nhiều người đón nhận và ưa thích. Hương thơm phảng phất từ nồi nước dùng đang nghi ngút khói khiến tôi quên ngay đi mọi mệt mỏi sau chuyến bay. Sau khi yên vị, tôi mới để ý thấy tại đây cũng giống như mọi hàng quán khác, đều có những rổ rau, những miếng chanh, lọ nước mắm và tương ớt.

Ngay khi bát phở của tôi được mang tới, bản năng bên trong đã thúc giục thêm những phụ gia trên bàn vào bát phở nhưng Bobby đã kịp ngăn tôi lại: “Ngon là ở nước dùng nguyên chất đấy! Hãy nếm trước xem!” Tôi nếm từ từ hớp nước dùng, hương vị tinh tế này đã khiến tôi hết đỗi bất ngờ. Tôi có thể cảm nhận được hương vị đặc trưng của gừng và hồi nhưng hai vị này không hề lấn át những hương vị khác mà còn làm dậy mùi những gia vị khác. Thêm một vắt chanh, một chút nước mắm và một muôi tương ớt vừa phải, tôi bắt đầu thưởng thức tô phở của mình.

Tiếp cận với “tự phục vụ”

Sự đơn giản nhưng tinh tế của phở đã là một bất ngờ nhưng điều kỳ diệu là những món ăn Á luôn khiến cho thực khách cảm thấy rất thoải mái khi ăn. Những gia vị cho thêm và ăn kèm sẽ giúp cho thực khách tự điều chỉnh hương vị của bát phở khi ăn sao cho vừa miệng. Và dần dà tôi cũng hiểu ra được rằng đó chính là hình ảnh chung về những món ăn Việt Nam.

Sau khi rất hài lòng với tô phở, Bobby vẫy một chiếc taxi và nói “chúng ta sẽ khó có thể rời Hà Nội mà không nếm thử món Chả Cá”. Tiếp tục cuộc hành trình đến các nhà hàng đặc sắc của Bobby, chúng tôi dừng chân tại một nhà hàng chỉ phục vụ duy nhất một món ăn nhưng rất nổi tiếng nằm giữa khu phố cổ Hà Nội. Ngay khi chúng tôi ngồi xuống, một chiếc bếp than được mang ra với một chiếc chảo có sẵn những miếng cá filê đang sôi lên trong mùi nghệ thơm lừng.

Thêm một lần nữa, thực khách sẽ phải tự thân phục vụ với những đĩa rau, hành, thì là, rau thơm bạc hà, rau mùi để ăn kèm. Món này được ăn kèm với bún và chúng tôi phải tự đảo chảo cá cùng với những rau ăn kèm. Tôi lại được thấy sự hiện diện của nước mắm và ớt nhưng với món ăn này, chính những lá rau thì là và rau thơm bạc hà đã hết sức xuất sắc khi làm dịu bớt vị tanh của cá và dậy mùi đặc trưng của Chả Cá.

Những gia vị chính

Có rất nhiều những gia vị, phụ gia nằm trong thành phần của món ăn Việt: ớt, rau mùi, nước mắm, riềng, tỏi, gừng, chanh, hành tây, hồi…

Ở Việt Nam, nước mắm là thứ nước chấm làm đậm đà thêm hương vị của đồ ăn và có “họ” với một loại nước chấm ở Thái Lan có tên là “nam pla”. Những loại nước chấm rất phổ biến tại các quốc gia châu Á, nhưng sự hòa trộn giữa những thành phần gia vị, phụ gia trong món ăn Việt Nam đã tạo nên sự khác biệt của các món thuần Việt. Ở Việt Nam, trên bàn ăn ít khi thấy sự xuất hiện của sữa dừa (coconut milk) nhưng bạn sẽ thấy rất nhiều những đồ ăn kèm còn sống và tươi nguyên, có cả những loại rau sống có nguồn gốc từ phương Tây như rau thìa là, rau thơm bạc hà…

Những món ăn được thực hiện khéo léo và sự tương hợp giữa những gia vị, thành phần của các món ăn Việt là những gì tôi thu về được sau chuyến đi tìm hiểu về thế giới ẩm thực Việt tại Hà Nội. Tất cả những gia vị những thành phần trong các món Việt đều không quá xa lạ và không khó khăn để tìm thấy. Nấu các món ăn Việt hết sức đơn giản, rất ngon, bổ dưỡng và còn là một thú vui. Vì vậy hãy để cho những giác quan của bạn cứu bạn thoát khỏi sự buồn tẻ của mùa đông lạnh lẽo.

Merrilees Parker (BBC.co.uk)

(Newsweek số ra ngày 20/11/2006)
 

 

Thực hiện: depweb

20/04/2007, 10:34