Tôi đã ăn, uống suốt 29 năm và lần đầu tiên nghĩ suy thật nghiêm túc về mùi vị cuộc đời, về mùi vị loài người.
1. Ăn. Tôi đi Sài Gòn. Mẹ tôi gọi điện, giọng phều phào trong ống nghe, con đi đến Tết có về nhà không? Thực tôi không biết mình có về nhà không. Cuộc sống bây giờ khiến người ta mệt đến mức nghĩ đến Tết nhiều khi nghĩ đến những ngán ngại của bổn phận. Nhưng tôi hình dung ngay được dáng mẹ ngồi đầu gối quá tai, trở tay những cành bưởi, thừng mực, cành óc chó… đã được rửa sạch phơi ngoài sân.
Tháng chạp, mẹ chọn những cành cây có khói thơm để bắt đầu chuẩn bị cho những chiếc bánh gio của ngày ba mươi Tết. Những cành cây được đốt vào sáng 30 Tết, và những đọt tro thơm được lắng cùng nước giếng khơi. Và đến chiều, mẹ ngâm gạo vào thứ nước trong veo ấy rồi bắt đầu gói bánh.
Gạo nếp của bánh gio chính là một mớ gạo còn thừa lại của những chiếc bánh chưng. Những chiếc lá dong nhỏ cũng là lá còn lại của mẻ bánh chưng. Bánh gio hiền lành, khum như một bàn tay em nhỏ, vừa xinh lại vừa mát. Là thứ bánh tùng tiệm, thứ bánh thêm nếm, nhưng lại mang đến cho người làm một mùi vị thảo thơm như một thứ đặc ân sau một năm vội vã mùa màng.
Sáng mùng một Tết, mẹ sẽ cắt bánh gio màu hổ phách trong suốt, rót mật từ cái liễn sứ ra chiếc bát bạc. Chúng tôi cầm những đồng lì xì thơm mùi giấy mới và ăn những lát bánh gio ngọt ngào. Sáng mùng một nào cũng vậy, nó như một thứ nghi lễ dịu dàng. Cái mùi vị bánh gio luẩn quẩn đâu đó trong tâm trí tôi, mà sau này, ngồi giữa quán Ngon trong lòng Hà Nội, tôi đã gọi hàng trăm lần những đĩa bánh gio rất giống bánh gio của mẹ.
Những hạt nếp đã chín nhuyễn, cắt ra như những lát thạch rau câu, được chấm trong những bát mật mía ngọt sắc. Vậy mà hàng trăm lần tôi tìm không được cái hương vị bánh gio của mẹ… Tôi tắt điện thoại, ngồi một mình trong quán cà phê nhìn ra công viên xanh mượt của thành phố. Phía những ngọn đồi của mẹ vẫn là mùa đông. Còn tôi thì ngày càng đi xa, hình như là đi xa mãi. Không biết năm nay mẹ gói bánh gio cho ai…
2. Uống. “Em mời ba uống trà!”. Bòn Bon, con trai tôi thường giục tôi uống trà mỗi buổi tối khi tôi bắt đầu bật máy tính để chuẩn bị làm việc. Bòn Bon chê trà đắng, nhưng lại biết thích cái mùi vấn vít của hương chè. Mỗi tháng, mẹ tôi gửi qua xe khách đường dài xuống cho con trai một túi chè khô. Đó là thứ chè búp tươi được hái vào ban sáng, và được bỏ vào lò sao khô, đến khi mùi thơm ngai ngái quẩn lên trong gian bếp nhỏ.
Vào những ngày trời gió, mùi chè mới thơm hơn cốm thơm, bay lượn trên những ngọn cây, lan mãi trong những nương chè xanh mượt. Khi tôi bước vào tuổi 17, tôi vẫn còn ngồi sau lưng ôm lấy cổ mẹ, dụi đầu vào mái tóc dài đen mượt của mẹ. Trong mớ tóc dài ấy, luẩn quẩn mùi chè khô, ướp lẫn hương bồ kết và lá bưởi, lá xả mẹ gội đầu.
Tất cả tạo thành mùi hương của mẹ, mùi hương không tên. Thế nên, những ngày tháng sau này, ngồi trong căn phòng đọc sách yên tĩnh của thành phố, tôi uống những tách trà nhỏ, mà nhận ra được cái vị đắng nao lòng và vị ngọt hậu len lỏi trong tâm thức. Và tôi hình dung ra đôi tay đầy vết xước của mẹ, giơ lên trên bếp lửa để sưởi ấm, những vết nẻ bám đầy nhựa chè. Gần như cả cuộc đời mẹ gắn bó với những búp chè ấy.
Những búp chè nuôi cha tôi đi học. Nuôi anh em tôi trở thành người. Đôi tay bám đầy nhựa chè đen đúa và cóc cáy mang đến một sức lực phi thường. Tôi đã uống cái mùi hương nồng nàn trên tóc mẹ của tuổi 17. Mãi đến sau này, tôi vẫn uống bằng thứ cảm giác về mùi hương ấy. Có thể con trai tôi sẽ không bao giờ ngồi chiêu từng ngụm trà nhỏ như tôi.
Thời của con tôi (và đã bắt đầu từ thời của tôi) có thể chỉ còn những cánh chè được bọc trong những túi lọc thơm sạch, và được đóng hộp mỹ miều, sản xuất hàng loạt. Tôi sinh ra trong một “thế hệ nháp”, vẫn còn nặng những điều xưa cũ, nên tôi vẫn thầm nghĩ, một ngày con tôi đủ lớn, cha con tôi sẽ cùng ngồi uống những tách trà của mẹ.
Và khi ấy, tôi uống bằng ký ức của mình. Và con tôi sẽ uống bằng cảm giác thực của ngày hôm nay. Và nếu con trai tôi biết uống từ tốn những tách trà, hẳn con sẽ biết cách ngấm dần những cay đắng của đời người, để hiểu được giá trị của những ngọt ngào sau cuối. Hình như tôi không thông minh để chiêm nghiệm được tất cả những điều như thế. Mà hình như là nhờ những mùi hương đặc biệt của mẹ để lại. Những mùi hương lưu qua thời gian…
3. Và nghĩ. Ở Sài Gòn, tôi có một người bạn. Anh sống như một tu sĩ. Và làm thơ. Cuộc sống của anh là sau giờ làm việc cho tạp chí về nội thất, anh thường ngồi lặng lẽ trong một quán cà phê nhỏ và ngẫm nghĩ về một ngày của mình. Những bài thơ của anh càng về sau này càng giấu kỹ những nỗi buồn. Và càng ngày càng ngắn lại. Mỗi năm tôi gặp anh một lần. Và lần nào cũng thấy anh như vậy. Những câu chuyện nho nhỏ.
Những suy nghĩ chậm rãi. Có cảm giác như thành phố rượt đuổi và gấp gáp này không làm anh đổi thay, cũng không khiến anh mệt mỏi. Anh điềm nhiên chấp nhận nó mà không hề thỏa hiệp. Dường như tôi thì ngược lại. Trong những thất bại, những mệt mỏi tuyệt vọng mà tôi từng gánh chịu, có một phần bởi sự không biết chấp nhận, không biết bằng lòng.
Đôi khi tôi nhìn anh như nhìn vào sự cân bằng. Anh nói, những câu thơ của anh ngày càng ngắn lại, bởi những mùi vị của cuộc sống con người, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, càng ngày càng được lẩn kỹ trong trí nhớ, và nó vang lên rất nhẹ, chỉ là một dấu vết tháng ngày đi qua đời… Còn tôi, tôi đã ăn, uống suốt 29 năm và lần đầu tiên nghĩ suy thật nghiêm túc về mùi vị cuộc đời, về mùi vị loài người. Và tôi chợt nhận ra rằng, hình như vị của ký ức, dù là bất cứ ai, cũng đều rất mặn…