Hương Người

Chuyện xưa kể nữ hoàng Ai Cập Cleopatra có sắc đẹp mê hồn, thường đích thân ra trận. Các tướng tá đối phương ngây ngất trước cái nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của bà mà đều đại bại. Khi Hoàng đế Caesar của La Mã đối mặt với Cleopatra trước trận tiền, sắp “xỉu”, thì ông kịp phát hiện: sắc đẹp của bà chưa hoàn hảo vì cái mũi hơi dài, liền tỉnh mộng, quyết đánh và nhờ thế thôn tính được Ai Cập.

Nhà bác học Pascal bình luận: Giá cái mũi của Cleopatra ngắn đi một tí, lịch sử thế giới đã thay đổi. Mũi quan trọng với nhan sắc và với… lịch sử là thế, nhưng chẳng có thể so sánh được với vai trò của nó trong đời sống. Vì sao vậy? Vì mũi là giác quan cảm nhận được mùi.

Từ khi các cô cậu bé vừa mở mắt chào đời, khoa học đã chứng minh, trong 5 giác quan chỉ có mũi là bắt đầu hoạt động. Chúng nhận ra mùi quen thuộc của mẹ và chỉ nín khóc khi được mẹ ôm ấp, bồng bế trên tay. Nhờ mùi, trong mùa sinh đẻ, chim cánh cụt mẹ đi kiếm mồi về, luôn luôn tìm đúng con mình trong hàng vạn “đứa trẻ” khác giống hệt nhau trên bãi biển mênh mông. Nhờ mùi, các chàng bướm tằm đực ở cách xa hàng chục cây số đã kéo về như trảy hội trước thông điệp kén chồng – một chất mang mùi – mà nàng bướm cái phóng thả ra không trung.

Mùi hương – tấm chứng minh thư của mỗi người

Những chú cún – loài vật có cái mũi cực thính vì số tế bào thần kinh khứu giác nhiều gấp trăm lần so với người – nhận ra được kẻ quen người lạ dù trong đêm tối là một chứng cớ cho ta thấy mùi mỗi người mỗi khác. Màu da, chủng tộc, khu vực sinh sống, thói quen ăn uống góp phần “cá thể hoá” mùi người, điều này khỏi cần nói. Và ai chẳng biết mùi nam giới thường “đậm đà” hơn nữ giới. Khiếm khuyết về thị giác, người mù thường trội về khứu giác nên họ phát hiện giỏi hơn người thường khi một người quen đến gần.

Mùi nương náu chủ yếu ở những chỗ được coi là kín đáo nhất, nách, mồ hôi và nước tiểu, hình thành từ các tuyến trong cơ thể tiết ra rồi bị lên men bởi các vi khuẩn thành một hỗn hợp rất đặc trưng. Là những chất hữu cơ bay hơi, chúng tản mác trong không trung và lan xa hàng trăm mét.

Mùi khác nhau đã đành, những khả năng cảm nhận mùi (tức “độ thính”) của mỗi người cũng khác nhau, thậm chí có những người hoàn toàn “mù mùi”. Và cũng không thể phủ nhận mũi phụ nữ thính hơn nam giới rất nhiều lần. Cái câu “mắt con trai tai con gái” có lẽ chỉ để nói cho có vần, chứ “mắt con trai mũi con gái” mới đúng 100%, theo kết quả nghiên cứu về sự khác biệt giới tính.

Tuy nhiên, người ta vẫn cho rằng, ngoài sự ngửi thấy được, mùi còn được cảm nhận bằng một con đường khác tựa như “giác quan thứ sáu” nhất là những mùi được gọi là “tính hương”. Nói cách khác cơ thể vẫn cảm nhận được mùi ở dưới nồng độ mà mũi có thể thông báo vì quá loãng. Hoặc giả, có những mùi, như mùi hóc-môn chẳng hạn, nằm ngoài vùng phủ sóng của “thang bậc mùi” của loài người chăng?

Mùi rất nhiều tác dụng

Mùi gắn liền với vị. Không có mùi, vị mồ côi. Bạn thử bịt mũi lại mà xem, ăn sơn hào hải vị cũng chẳng thấy ngon. Khi bị “sụt sịt” do thời tiết hoặc cảm cúm, mũi bị ngạt, ta thấy đắng miệng, không muốn đụng đũa đụng bát là vì thế. Mùi dễ chịu, thơm tho làm ta khỏe khoắn, thoải mái, thanh thản… là cơ sở của một phương pháp chữa bệnh ngày càng được ưa thích gọi là hương học trị liệu (aromatherapy).

Trong số 4.000 loài hoa thơm, vài trăm loài có tinh dầu tác dụng lên khứu giác truyền đến hệ thần kinh. Mùi dầu thông, dầu cam quít tạo sự hưng phấn, mùi hồng giúp thư giãn tinh thần, mùi oải hương, hoắc hương, ngọc lan xua đi lo lắng, căng thẳng, mùi chanh gây sảng khoái cho đầu óc, mùi xả, long não, bạc hà có uy thế trấn áp bệnh tật.

Các công ty Nhật đã dùng mùi để tăng năng suất lao động. Buổi sáng, các phòng làm việc tràn ngập mùi chanh, 11 giờ, mùi các loại hoa tăng sự chú ý và buổi chiều, mùi các loại gỗ thơm làm mọi người quên sự mệt mỏi.

Người ta còn huy động các chuyên gia ngửi – những người có khả năng đặc biệt, phân biệt được hàng trăm, hàng nghìn mùi – để từ mùi chẩn đoán bệnh tật, ma tuý, khủng bố…

Tính hương

Lại nói đến cái mùi gọi là “tính hương” che giấu nhiều bí mật vừa nhắc đến, không ngửi thấy nhưng dường như điều chỉnh mối quan hệ nam nữ. Nó thể hiện tác dụng của mùi mồ hôi đàn ông đến quá trình kích thích sự rụng trứng và góp phần vào việc dễ thụ thai của người phụ nữ.

Trong một thí nghiệm, người ta bôi hóc-môn nam giới vào một số ghế tại rạp hát để các quí bà tự do tìm chỗ trong bóng tối, thì thấy hóc-môn đó trở thành người xếp chỗ vô hình dẫn dắt các bà ngồi đúng vào những chiếc ghế đã đánh dấu. Lý do? Xin trả lời: sự can thiệp bí mật của tính hương!

Trước đây, có những lĩnh vực nam giới độc chiếm như thám hiểm Nam cực, du hành vũ trụ, thăm dò địa chất, làm việc trên tàu viễn dương. Các nhà khoa học quan sát thấy các chàng trai cô đơn nơi đây thường có tâm lý lo lắng, bồn chồn, bất an, nhiều lúc cáu kỉnh vô lối. Họ giải quyết bằng cách bổ sung các thành viên nữ trong công tác y tế, hậu cần, thông tin… theo tỷ lệ 3/1 thì hiện tượng ấy không còn nữa.

Người ta bảo rằng “tính hương” đã điều chỉnh sinh lý và trạng thái tinh thần trong một tập thể, từ trạng thái nôn nóng, bất an trở về trạng thái bình tĩnh, ôn hòa, từ chỗ thất vọng, mất niềm tin chuyển sang hy vọng, lạc quan.

Nhà phân tâm học Philippe Desailly chỉ với câu hỏi dành cho người vợ: “Bà có diễn tả được mùi của ông nhà không? Bà có thích mùi ấy không?” hoặc những câu liên quan đến mùi có thể đoán được tình yêu giữa họ bền chặt hay hời hợt. Mà ông còn nói nhiều trường hợp chỉ vì mùi “lạ” ở chồng hoặc vợ đã dẫn đến ly hôn. Một bác sĩ phụ khoa giải thích, mùi đặc biệt của đàn ông khi ngấm vào cơ thể người phụ nữ trót “ăn vụng” có thể tồn tại suốt một ngày.

Vì sao có sự nhạy cảm giữa mùi và quan hệ nam nữ? Các nhà khoa học lý giải rằng trong não bộ, các trung tâm khứu giác nằm ngay cạnh trung tâm điều khiển tình dục. Hai trung tâm này thường xuyên “hội ý” với nhau.

Có nhà tâm lý còn chứng minh “Tình yêu bắt đầu từ mũi”. Bởi chính chiếc mũi “đánh hơi” thấy một mùi thích hợp đã toé ra một tia lửa điện khơi mào cho tiếng sét ái tình.

Hương gây mùi nhớ

Mùi tạo ấn tượng trên não, lưu vào bộ nhớ. Bởi thế, các đôi lứa yêu nhau “quen hơi bén tiếng” nhau. Vua Tự Đức thương nhớ nàng cung phi bạc mệnh, đành ngậm ngùi “xếp tàn y lại để dành hơi”. Chế Lan Viên thường ngồi bên vợ tâm sự ngoài vườn, đến khi vợ đi xa, đã “Không em, anh chẳng qua vườn/ Sợ mùi hương, sợ mùi hương nhắc mình”. Mùi gắn liền với kỷ niệm. Mùi hương trầm trang nghiêm gợi lại không khí thành kính của những ngày lễ Tết và làm người viễn xứ tha thiết nhớ quê hương.

Các chuyên gia marketing rất hiểu điều đó và áp dụng trong việc chinh phục khách hàng. Họ cố ý tạo mùi đặc trưng cho sản phẩm của hãng mình để mỗi khi thấy mùi, khách hàng lại nhớ đến và chỉ dùng sản phẩm của họ. Và nếu thế, không gì ấn tượng hơn là những mùi quyến rũ lẫn nhau của đôi lứa đang yêu.

Hãng xe hơi Rolls-Royce dán lên mỗi tờ quảng cáo mẫu xe mới nhất của mình một băng giấy tẩm “mùi… da phụ nữ thượng lưu” đã được các “chuyên gia ngửi” thu thập, phân tích và các nhà điều hương phối chế công phu nhằm mục đích tác động đến chiếc ví tiền của bạn đọc giàu sang. Chẳng hiểu có tác dụng gì không nhưng đó là “chiêu độc” được đội ngũ cố vấn bán hàng nghiên cứu rất kỹ.

Mùi không thể thiếu được trong cuộc sống hiện đại. Biết bao nhiêu loại nước hoa đã ra đời, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những quý bà khó tính. Mùi thơm phải thích hợp với thời gian và không gian. Nước hoa buổi sáng phải khác với nước hoa buổi chiều, buổi tối và… ban đêm. Nước hoa cho những buổi hẹn hò tối thứ bảy phải khác nước hoa dùng các buổi tối khác trong tuần.

Các hãng chế tạo nước hoa danh tiếng còn chu đáo đến mức pha chế nước hoa – đúng hơn là hỗn hợp mùi – theo yêu cầu khách hàng. Cô gái này đặt hàng loại mùi hương nhè nhẹ để kìm giữ chàng trai mới quen không vượt quá giới hạn, đặt tên là “Tình bạn”, trong khi cô gái kia lại yêu cầu loại nước hoa mang tên “Say đắm” để thúc đẩy chàng quyết định ngay tối Thứ bảy này.

Một bà khác gửi đến hãng chiếc áo lót, với nguyện vọng pha chế cho bà thứ mùi đúng như thế để bà gửi cho chồng ở xa, lấy tên là “Thương nhớ”. Vậy mà các hãng nước hoa ngày nay đã thoả mãn được những đơn hàng oái oăm như thế.

Công nghệ tạo mùi đã đi đến chỗ thật tinh vi.

Bài: Tuấn Hà
Hình ảnh: Samuel Hoang
Người mẫu: Linh Nga
Trang phục: Công Trí
Makeup: Huyền HP (Nam Trung studio)
Stylist: Quang Tuyến


From the same category