Hương Lan: Tôi tôn thờ nghề ca như thờ cha

Xin phép được gọi nghệ sĩ là chị cho dù chị đã đến tuổi điền viên bên con cháu, nhưng giọng hát ngọt ngào của Hương Lan vẫn trẻ và đỉnh cao chưa có người vượt qua! Khi Hương Lan cất giọng, là thấy cả một vùng sông nước Nam bộ!

Hương Lan

Nỗi nhớ làm giọng hát tôi như buồn hơn

– Năm nay là tròn 20 năm chị về lại Việt Nam rồi nhỉ. Chắc mọi người cũng không còn nhớ, Hương Lan chính là nghệ sĩ thành danh ở hải ngoại đầu tiên trở về Việt Nam trình diễn, và để mở lối sau này cho hầu hết các danh ca!

– Vâng, tôi về Việt Nam lần đầu tiên năm 1994, nhưng phải đến năm 1996 mới bắt đầu được trình diễn tại quê nhà. Từ năm 1996 đến giờ, hầu như số nào của chương trình “Duyên dáng Việt Nam” ở trong nước và Thúy Nga tại hải ngoại tôi cũng có mặt. Tôi gắng duy trì sự gặp gỡ của mình với khán giả cả trong và ngoài nước thông qua hai chương trình lớn này.

– Và 20 năm qua, chị đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ?

– Tôi vẫn chủ yếu sống tại Mỹ vì bên đó còn có con cháu, cũng như điều kiện khí hậu tốt hơn cho sức khỏe. Tôi có 2 con, 2 cháu và chúng cũng có cuộc sống công việc riêng. Tôi còn có một căn nhà ở Bình Phước, gần sông nước, cây cỏ, ruộng vườn. Nhưng sống trong một căn hộ thế này cũng ổn, 2 mặt hướng ra sông, thấy cũng nhẹ nhõm…

– Về lâu dài chị sẽ về hẳn Việt Nam chứ!

– Chắc chắn rồi. Lá rụng về cội mà, nghệ sĩ nào cũng muốn như vậy thôi.

– Chị bắt đầu thành danh từ rất sớm, và đến tuổi ngoài 50 rồi vẫn đường hoàng là một tượng đài của dòng nhạc trữ tình quê hương. Nếu để chính chị tự nhận xét, thì điều gì đã làm nên thành công đó?

– Đầu tiên phải nói may mắn nhất đời tôi là do ơn trên đã cho tôi giọng hát, cho tôi được là con của cha tôi (danh ca cải lương Hữu Phước – PV) để ông có thể dìu dắt tôi vào nghề này từ những ngày tháng đầu tiên. Tôi phải cảm ơn cha tôi, rồi các bậc cha chú trong nghề, các nhạc sĩ đã dạy dỗ và nâng đỡ tôi từ năm tôi 10 tuổi đến giờ. Lúc nào xung quanh tôi cũng đều có những người giỏi nhất giúp đỡ và rèn giũa. Cha tôi là người giao thiệp rộng, nên ông có nhiều bạn bè giỏi để gửi gắm tôi. Tôi thấy mình như người học võ, thừa hưởng được nhiều chiêu thức từ nhiều cao thủ. Chẳng hạn ngay từ những lần dượt bài thu thanh đầu tiên, tôi đã được dượt bởi ông Nghiêm Phú Phi, một nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất Việt Nam thời bấy giờ. Rồi tôi đi làm cho truyền hình hay phát thanh, lại có nhạc sĩ Văn Phụng. Tôi chuyển qua hát nhạc miền Trung, lại có ông Duy Khánh, ông Châu Kỳ… Họ cô đọng và bao bọc tôi. Cái gì tinh túy nhất của nghề nghiệp họ đều đã truyền dạy cho tôi.

– Chị có nghĩ rằng chính cuộc sống xa quê hương cũng làm đẹp hơn giọng ca luôn luôn ẩn chứa một vẻ hoài hương buồn buồn, rất hợp với dòng âm nhạc của chị?

– Cũng một phần là như vậy. Thời gian tôi lớn lên chủ yếu là trong chiến tranh. Ra nước ngoài, trong đầu tôi lúc nào cũng mang một thân phận có những sự mất mát lớn, không được gần quê hương. Tôi ra đi khi vừa mới trưởng thành, lúc nào cũng nhớ bạn bè, nhớ từng con sông con đường, nhớ đủ thứ hết… Tất cả những nỗi nhớ ấy làm mình như buồn hơn, tiếng hát hoài cổ hơn nhưng cũng có nhiều khao khát hơn.

Đặc trưng giọng hát Hương Lan nằm ở cái tâm

– Chị yêu âm thanh nào nhất trong các nhạc cụ?

– Cây guitar thùng. Nó tạo tình cảm cho tôi nhiều lắm, rất mộc mạc. Hầu như bài hát nào tôi cũng chỉ muốn tiếng guitar mộc, chứ không thích nhạc công chơi guitar điện. Thanh âm thứ hai tôi mê là cây violoncelle, nó rất da diết… Tôi nhớ mình hát câu “Trả lại anh câu yêu mà anh đã tặng…”, tiếng violoncelle kéo lên, nghe xót xa lắm. Còn tất nhiên, nếu tôi hát nhạc quê hương thì nhất thiết là phải có tranh, sáo, bầu…

– Chị có thích những thể nghiệm âm nhạc khác lạ so với sở trường của mình không? Chẳng hạn tôi từng nghe một đĩa nhạc do nhạc sĩ Bảo Chấn thực hiện cho chị với những tình khúc mới. Rất lạ!

– Đúng, đó là một đĩa nhạc rất lạ tai. Nhưng phải ngẫm thế này, đôi khi trình diễn một bài hát, mình phải theo thể điệu và tác phẩm chứ không thể áp đặt màu dân gian vào bài nhạc nhẹ một cách thái quá. Đĩa nhạc đó có vài bài tôi rất thích, nó hợp với đêm khuya, mình tập trung lắng nghe âm nhạc, quên đi đó là Hương Lan đang ca… Tôi cũng thích thử nghiệm, lâu lâu mình cũng cần phải thử. Đối với tôi, âm nhạc bao la lắm. Khi còn trẻ có thể mình chưa đủ trải nghiệm, khi đã có rồi cũng nên chiêm nghiệm lại, thử thách mình một chút cũng không phải là quá mạo hiểm.

– Chị có nhớ mình đã thu bao nhiêu đĩa nhạc không?

– Không, không thể nhớ được. Còn số bài hát thì bao la, càng không thể nhớ được chính xác

– Bây giờ có thể nói có một “trường phái Hương Lan”, bởi tôi thấy nhiều người dạy hát đem những bài hát Hương Lan ra làm tiêu chuẩn!

– Tôi cũng có nghe nói, người ta đem mình ra làm giáo án vậy cũng vui. Nhưng tôi nghĩ, trong mỗi bài hát của tôi, có những câu luyến hay, câu nhạc xử lý đúng chỗ các em nên học. Nhưng học rồi để có cách xử lý bài của riêng mình chứ không nhất thiết phải hát giống Hương Lan mới là hay. Bản thân tôi được trời cho giọng ca. Tôi không học nhiều về kỹ thuật thanh nhạc, mà chỉ học nhạc lý căn bản. Sau này thì tự rèn luyện ca, luyện hơi và giữ giọng. Căn bản nhất vẫn là cố giữ và nghiên cứu những kỹ thuật ca cổ nhạc truyền thống. Hát nhạc dân ca, nhất là dân ca Nam bộ, càng mộc thì càng ra chất, không cần ngân nhiều, và không được điệu đà… vì bản chất người Nam bộ rất mộc mạc.

– Vậy kỹ thuật nào là tiêu biểu của Hương Lan?

– Vì tôi từ cải lương bước qua nên cái nghề ngấm vào trong máu. Trong cải lương, chất Nam Bộ mộc mạc và chân thật, không mộng mị xa vời. Tôi sống bình dị và hát cũng bình dị hơn những người làm nghệ thuật khác, nên cũng dễ đi vào lòng người hơn… Tôi rèn luyện nhiều năm cho giọng hát của mình điêu luyện, nhả chữ nhẹ nhàng, có thể xuống thấp tốt và rền hơn, hát lên cao thì ngọt hơn và nhất là kỹ thuật chuyển giọng thật sang giả thanh mềm mại và tốt hơn. Đặc trưng của tôi nằm ở cái tâm, tôi hát bài nào cũng phải có tình của mình trong đó.

– Thực ra nhiều người nói, hát mộc và đơn giản mới là khó nhất mà chị!

– Đúng. Thực ra học được cách hát mà không biết sử dụng đúng chỗ sẽ khiến cho bài hát máy móc và không còn cái tình. Ví dụ tôi có những câu luyến đặc trưng, nhưng không phải lúc nào cũng sử dụng. Hát nhạc tình tôi cũng hạn chế luyến láy, giữ lề lối cho các tác giả, tránh làm sến bài hát của họ. Nhưng với những bài hát quê hương, câu luyến làm bài hát ngọt ngào mềm mại hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Nhận được bài hát, mình phải nghiên cứu, thêm chỗ này chỗ kia, luyến những chỗ nào. Tiếng Việt mình khó, những dấu hỏi, dấu ngã không có trong nốt nhạc. Nếu hát theo văn bản của tác giả đôi khi không ra chất. Tôi thường xin phép các nhạc sĩ trước khi thu âm cho tôi xử lý hoặc sửa đôi chút cho phù hợp với phong cách của mình.

Hương Lan

Dòng nhạc quê hương không bao giờ chết

– Nãy chị có nói về giọng ca trời cho. Vậy trời cho mình cũng phải cố giữ chứ?

– Ơn trên cho tôi giọng hát, lại cho tôi may mắn ít khi bị khan tiếng đau cổ, chắc cũng bởi dòng nhạc tôi hát không phá giọng nhiều. Tôi không hút thuốc, uống rượu. Và một bí quyết riêng là giấc ngủ phải đầy. Tôi có nguyên tắc là trước khi hát bắt buộc phải nghỉ ngơi, có khi chỉ cần giấc ngủ khoảng 1 tiếng trước khi lên sân khấu là tôi hát đầy đặn và khác liền. Tôi chú ý đến điều này từ khi còn rất nhỏ, trước khi thu băng hay lên sân khấu diễn, mình phải tĩnh tâm thì hát mới có lực và có hồn. Bao nhiêu năm làm nghề, tôi vẫn dậy sớm, từ 7 giờ và không bao giờ động đến điện thoại, không tiếp chuyện ai hết. Chỉ mình tôi và cái đầu trống, ê a hát… Bởi thế 10 giờ sáng là tôi có thể hát hoặc thu âm ngay được rồi. Như đã nói, tôi hát không dùng nhiều kỹ thuật mà bằng cái tình, nên bất cứ chuyện gì chi phối, làm mất tập trung là tôi không hát được.

– Chị có phải là người khó tính không?

– Khó chứ. Tôi luôn đặt ra rằng, nếu bài hát của nhạc sĩ viết ra được 10 phần, tôi phải ca cho được 9 hoặc cao hơn, chứ được chừng 8 phần thôi là không được. Tôi nghiêm khắc và khó với chính bản thân để mình không bao giờ làm việc với thái độ tròn bài.

– Chính bản thân mình đặt ra những sự kỹ lưỡng ấy có khó không chị?

Bài liên quan:
– Hương ca vô tận
– Tự làm khó mình, điều đó phải tập! Tôi thấy người ta thương mình thì dễ dàng lắm… Nhưng nếu nghệ sĩ mà lơ là, quên đi thái độ khắt khe với bản thân là dễ sa sút lắm. Buông cái là xuống lúc nào không hay đâu. Muốn đi đến thành công thực sự phải đánh đổi bằng nhiều khó khăn. Nếu dễ dàng quá dễ làm cho người nghệ sĩ cảm thấy chủ quan, thành công nhanh quá cũng dễ sinh tự mãn. Họ sẽ đánh mất hoặc từ từ đi xuống nếu như không trân quý những gì mình đang có. Tạo được tình cảm cho khán giả đã khó, giữ được uy tín của mình đối với họ còn khó hơn. Chỉ cần 1- 2 bài hát dở, một sự ăn bận vô lối, một vài cử chỉ không đúng mực là mất hết…

– Vậy có khi nào chị bất cẩn không?

– Bất cẩn thì không nhưng sự cố thì có. Tôi lên sân khấu còn phải tập trung mới không quên lời quên nhạc được. Lên sân khấu hầu như tôi hạn chế đi lại, đứng một chỗ hát là vì thế. Đôi lúc, nhóm múa họ va vào là mình quên luôn cả lời… Cách đây chưa lâu, thời gian mẹ tôi hấp hối bên Mỹ, mà tôi lại kẹt lịch diễn ở Việt Nam, tôi đi hát mà tâm trạng thấp thỏm. Lúc lên sân khấu nghĩ tới mẹ nên tôi hát quên lời.

– Chị có thấy vui vì gần đây dòng nhạc quê hương đang sống dậy?

– Tôi mừng lắm. Nhưng tôi nghĩ nhạc quê hương có một sức sống ngầm và mãnh liệt, nó không bao giờ chết. Giới trẻ thích nhạc hiện đại nên chúng ta tưởng là nhạc quê hương mất đi. Nhưng không phải, khi con người đi qua thời tuổi trẻ, ở lứa tuổi trưởng thành nhất định, họ sẽ hướng tâm hồn về dân ca và nhạc trữ tình quê hương. Dòng nhạc này lúc nào cũng âm ỉ cháy trong lòng chúng ta, chỉ chờ thời điểm nào đó là sẽ bùng lên và khiến tâm hồn chúng ta quay trở về với nó. Quan điểm của tôi là hãy để giới trẻ tự chọn lựa âm nhạc, khỏi cần kêu, rồi tự khắc họ sẽ quay trở về nguồn hết thôi.

– Vậy theo chị, một người trẻ hát dòng nhạc này cần tố chất nào để có thể phát triển được?

– Trước tiên là giọng hát, cái đó thì không phải bàn rồi. Nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn vẫn là tình yêu. Họ phải yêu dòng nhạc này, có đam mê, có lửa trong con người. Âm nhạc phải đi vào trong máu, bản thân mình trân trọng và chung thủy với nó. Cả đời tôi chưa khi nào rời chiếc áo dài. Tôi trân trọng dòng nhạc này, và tôi chấp nhận hy sinh những sự tự do, sở thích cá nhân để gìn giữ hình ảnh và tâm hồn âm nhạc của mình. Tóm lại, để đi theo dòng nhạc quê hương này, sự chung thủy với nó là quan trọng nhất.

Hương Lan

Hương Lan – Hương Thanh  & Quốc Trung

– Thời điểm này nhìn lại, chị có thể tự hào trước cha mình rồi chứ!

– Tôi luôn tự hào, trước hết vì cái tên của tôi từ khi vào nghề đã luôn đi kèm với tên ba tôi. Tôi tự hào về ông cụ, tới giờ phút này giọng ca cải lương mà tôi thần tượng chính là cha mình. Và tôi mong ông cụ cũng có thể tự hào về tôi. Tôi tôn thờ nghề ca cũng như tôn thờ cha tôi…

– Trong số những người con của nghệ sĩ Hữu Phước, chỉ có chị và Hương Thanh còn theo nghiệp cầm ca… Cả hai đều thành công nhưng rõ ràng lại đi theo hai hướng khác nhau.

– Cũng có một thời gian tôi hướng Hương Thanh theo cải lương vì ba tôi thích cả mấy đứa con gái theo nghiệp này. Nhưng tiếc là sau này hai chị em không còn ở gần nhau, tôi qua Mỹ còn Thanh ở lại Pháp, sự nghiệp phát triển theo hai hướng khác nhau. Thanh thu nhiều đĩa nhạc với nghệ sĩ quốc tế, hát dân ca với nhạc Tây và được giới chuyên môn công nhận, đó cũng là thành công của Thanh.

– Có điểm gì chung giữa Hương Lan và Hương Thanh không?

– Ngày trước, Thanh hát cải lương hoặc nhạc quê hương cũng được lắm. Nhưng với lối đi bây giờ thì Thanh có nổi bật trong cộng đồng nhạc jazz nước ngoài, chứ người Việt mình chắc số đông không cảm nhận được. Hai hướng đi đã không giống nhau thì không thể có điểm nào chung được. Hơn nữa, môi trường công việc của chị em tôi cũng hoàn toàn khác biệt, lại không sống gần nhau nên ít có dịp trao đổi và góp ý cho nhau. Thi thoảng, nếu Thanh có muốn ca vọng cổ hoặc tân nhạc cũng có điện thoại cho tôi. Tôi tiếc là nếu mình gần Hương Thanh thì có thể giúp em phát triển hơn nữa, mặc dù bây giờ vị trí của Thanh cũng đã rất tốt rồi. Đứng ở góc độ hát dân ca, đôi khi tôi chưa vừa ý lắm với cách Thanh hát nhạc Bắc bộ. Người nước ngoài có thể nghe được Thanh, nhưng với người Việt và bản thân tôi thì thấy chưa đúng lắm.

– Còn về âm nhạc, hướng phát triển dân ca theo nhạc jazz và worldmusic của Hương Thanh, chị thấy sao?

– Tôi không nghe được nhạc của Thanh vì đối với một người gắn bó với truyền thống như tôi thì nó xa lạ lắm. Đưa cho tôi nhạc của Thanh là tôi ca không được. Tôi cho rằng đó là cách làm âm nhạc của người ngoại quốc, họ nhìn thấy cái đẹp của nhạc Việt mà không dựa vào ngôn ngữ. Nhưng chỉ là bản thân tôi không thích hợp, chứ mỗi trường phái âm nhạc đều có cái hay của riêng nó.

Hương Lan

Hương Lan 

 

 
Bài: Chu Minh Vũ
Ảnh: Thiên Minh

logo

>>> Có thể bạn quan tâm:  Một giọng hát đặc biệt và khác lạ như Khánh Ly là biểu hiện đậm đặc và tác động mạnh mẽ đến người nghe. Nhưng Khánh Ly được người dân cả ba miền ưa thích, khác hẳn với các giọng ca khác như Lê Dung, Lệ Thu, Thái Thanh… Tại sao vậy? Đó là vì giọng của bà có chất xẩm.

 


From the same category