Tối 19/10 vừa qua, Nhà hát Sông Hương, một trong những công trình biểu tượng cho sự vươn lên hiện đại và đón vận hội mới của Thừa Thiên – Huế, đã chật kín gần 1000 khán giả. Họ tề tựu về đây, thưởng thức đêm nhạc “Huế Symphony – Bản giao hưởng Cố Đô”, mang đậm bản sắc của thành phố Huế, nơi giao thoa giữa văn hóa cổ kính và nhịp sống hiện đại.
Chương trình đưa khán giả đắm chìm vào không gian âm nhạc du dương trải dài qua 4 chương. Chương đầu tiên “Cuộc hội ngộ giữa Đông và Tây” mở màn bằng một phần trình diễn hoành tráng, đầy cảm xúc, kết hợp dàn Nhã nhạc Cung đình Huế, dàn nhạc IPO và Học viện Âm nhạc Huế. Đây là cuộc đối thoại âm nhạc độc đáo giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một bản hòa tấu đặc sắc chưa từng có. Tiếp đó, Tổ khúc “Bốn Mùa” của Vivaldi vang lên, như đang giới thiệu khéo léo về Huế – thành phố của Festival với các lễ hội được tổ chức liên tiếp trong 4 mùa. Từng nốt nhạc của Vivaldi như vẽ nên bức tranh tứ thời của xứ Huế: mùa xuân hoa đào nở rộ, mùa hạ có cơn mưa rào bất chợt, mùa thu với lá vàng rơi trên sông Hương và mùa đông mang theo những cơn gió se lạnh từ dãy Trường Sơn.
Chuyển sang phần thứ hai “Khúc Hào Hùng Bình Trị Thiên”, chương trình mang đến cho khán giả những khúc ca có âm hưởng bi tráng về vùng đất anh hùng. “Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương”, “Bình Trị Thiên Khói Lửa”, “Huế – Sài Gòn – Hà Nội” do Bạch Trà và Đào Mác thể hiện, khắc họa nên bầu không khí của một thời đất nước bị chia cắt. Đồng thời, các ca khúc cũng như một lời tưởng nhớ, tri ân những người con đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tiếp nối những giai điệu hào hùng là “Bản Giao Hưởng Cố Đô” ở chương 3. Mở đầu là một câu hò Huế đầy dịu dàng tựa như lời chào mời khán giả bước vào thế giới âm nhạc truyền thống của xứ Huế. Trong chương này, Bạch Trà thể hiện nghệ thuật múa chén truyền thống cùng ca khúc “Lý Ngựa Ô”, nghệ sĩ sáo trúc Trần Khánh Tường xuất hiện với tiếng sáo du dương qua bản “Mưa Trên Phố Huế”. Đặc biệt là phần trình diễn của dàn nhạc giao hưởng hiện đại. Họ sử dụng nhạc cụ phương Tây, thể hiện các bản nhạc đậm chất phương Đông như “Lý Mười Thương”, bộ tứ “Lưu Thủy – Kim Tiền – Xuân Phong – Long Hổ”. Màn kết hợp này không chỉ thể hiện tính sáng tạo của các nghệ sĩ, mà còn minh chứng rõ nét cho sự giao thoa văn hóa Đông – Tây tuyệt vời.
Khép lại đêm nhạc là chương cuối “Huế và Trịnh”, tôn vinh những tuyệt phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một người con tài hoa của xứ Huế. Những giọng ca hàng đầu của làng nhạc Việt lần lượt xuất hiện, mang đến những phiên bản độc đáo cho các ca khúc nhạc Trịnh. Ngọc Khuê mang đến chất giọng trong trẻo với “Biết Đâu Nguồn Cội”, Đức Tuấn thể hiện giọng ca đầy nội lực qua “Gọi Tên Bốn Mùa”, “Đóa Hoa Vô Thường” và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn thổi lên tiếng kèn đầy xúc động với “Hạ Trắng”. Đồng thời, Xuân Định K.Y, đại diện thế hệ nghệ sĩ trẻ, đã sáng tác thêm đoạn rap mới, tạo nên một phiên bản trẻ trung cho ca khúc “Ngẫu Nhiên”.
Bên cạnh đó, đêm nhạc còn có màn trình diễn của Akari Nakatani – “nàng thơ” Nhật Bản trong tác phẩm điện ảnh “Em và Trịnh”. Cô mang đến một làn gió mới cho tuyệt phẩm “Diễm Xưa” khi thể hiện ca khúc bằng tiếng Nhật. Đêm nhạc khép lại trong sự xúc động và hân hoan của khán giả với hai ca khúc “Hello Vietnam” và “Nối Vòng Tay Lớn”. Cả khán phòng đứng dậy, cùng nhau hát vang những ca từ đầy ý nghĩa, như một lời khẳng định về tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc.
“Huế Symphony – Bản giao hưởng Cố Đô” là một hành trình âm nhạc đầy cảm xúc, kết nối quá khứ và hiện tại, truyền thống và hiện đại. Sự kết hợp tài tình giữa âm nhạc cung đình Huế, dân ca và nhạc giao hưởng phương Tây đã tạo nên một bức tranh âm nhạc đa sắc màu, phản ánh đúng tinh thần và bản sắc của văn hóa Huế, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện, tạo nên một bản sắc độc đáo và đầy sức hút.