“How to train your dragon 2” – Đẹp mắt và chỉ thế

Hiccup (Nấc Cục) là một cậu bé yếu ớt và hậu đậu nhưng thông minh. Cậu lớn lên giữa vùng đất mà mọi người đều coi việc giết rồng là chuyện hết sức bình thường và trở thành chiến binh diệt rồng là ước mơ của mọi đứa trẻ. Lẽ ra Hiccup cũng vậy, nếu như một ngày kia cậu không có cuộc gặp gỡ đầy duyên phận với một con rồng nhóc – mà sau này Hiccup đặt tên cho nó là Toothless (Răng Sún). Hai đứa nhóc bắt đầu chơi với nhau và Hiccup phát hiện ra rồng không đáng ghét, cũng không đáng sợ như những gì bộ tộc, bao gồm cả người cha nghiêm khắc của mình, vẫn nghĩ. 

Nhiệm vụ của Hiccup là cảm hóa mọi người, thuyết phục cha cậu và cả bộ tộc tin rằng người và rồng có thể chơi với nhau, thậm chí người có thể huấn luyện rồng trở thành thú cưng nuôi trong nhà như chó.

Đó là nội dung chính của “How to train you dragon”ra mắt năm 2010, bản phim đã giúp DreamWorks Animation “lấy lòng” khán giả trong cuộc đua tranh cùng Disney/Pixar.
 

Trong phần tiếp theo “How to train your dragon 2” vừa ra mắt tháng sáu năm nay, câu chuyện về rồng sẽ được kể tiếp với những cuộc phiêu lưu mới của Hiccup và Răng Sún. Đã năm năm trôi qua, mọi người đã quen với việc một con rồng được nuôi trong nhà, Hiccup đã trưởng thành (hoặc sắp trưởng thành), phải đối mặt với nỗi lo lắng phải thay cha trở thành thủ lĩnh của bộ tộc. Trách nhiệm này quá nặng nề, trong khi Hiccup chỉ muốn cùng con rồng Răng Sún bay đi khắp nơi khám phá xem có gì hay ho không.  

Và rồi mọi chuyện bắt đầu rẽ sang hướng khác khi Hiccup phát hiện ra hai nhân vật mới trong đời cậu: kẻ săn rồng độc ác tên Drago Máu Me và người mẹ đã thất lạc từ lúc Hiccup mới được sinh ra. 

IMDB đánh giá “How to train your dragon 2” 8,8 điểm, rottentomatoes.com dành cho phim này số điểm là 7,8 với 92% khán giả đồng ý đây là phim đáng xem. Có lẽ sự dễ dãi này đến từ hai điều sau:

1. Bộ phim hài hước, nhẹ nhàng và thú vị. Bọn rồng cực kỳ đáng yêu và còn đáng yêu hơn phần một rất nhiều.

2. Đẹp mắt. Phần nhìn của bộ phim làm tốt hơn phần một. Những gì mà khán giả được xem trong hơn 100 phút sẽ khiến họ phải thốt lên đầy thích thú “Ủa sao mà người ta có thể nghĩ ra được những thứ hay ho vậy?”

Hai điều này đã giúp bộ phim chiếm được cảm tình của khán giả. Điểm trừ lớn nhất là khâu kịch bản của phim khi không tạo ra được gì mới mẻ. Câu chuyện trong phần hai này gần như đi theo mô típ hoạt hình rất cũ kỹ. Tinh thần trẻ trung, mới lạ của phần một hoàn toàn biến mất, và thay vào đó là những tình tiết lỏng lẻo. Nếu khắt khe, chắc hẳn chúng ta sẽ phải thở dài thất vọng khi đèn trong rạp bật sáng lên.

Nhưng đó là nếu khắt khe và đã từng xem qua phần một với một câu chuyện trong trẻo, hay ho, đầy mới lạ. Dẫu sao “How to train your dragon 2” cũng là một bộ phim dành cho thiếu nhi. Việc làm cho bọn nhóc hét lên đầy thích thú với những màn bay lượn của Hiccup cùng Răng Sún trong phim đã là một thành công lớn.

Đẹp Online chấm “How to train your dragon 2” 8/10 điểm. Phim phù hợp với trẻ nhỏ và phụ huynh, không phù hợp lắm với những bạn quá mơ mộng và đòi hỏi phải có một tinh thần mới trong câu chuyện của phim. Phim cực kỳ không phù hợp với những bạn phải đưa một lũ nhóc đi xem trong vai trò giữ trẻ bất đắc dĩ (để lấy lòng người yêu chẳng hạn).

Bởi chuyện lũ nhóc xem xong rồi đòi mua cho chúng mỗi đứa một con rồng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Rất nguy hiểm.

Bài: Phan Hải

Ảnh: IMDB


logo

 >>> Có thể bạn quan tâm: Trào lưu làm lại các phim cổ tích tiếp tục được khơi dậy với “Maleficent”  và trở thành đề tài bàn tán của khán giả. Bộ phim đưa tới người xem một câu chuyện khác hẳn so với những gì mọi người từng biết về “Sleeping Beauty” (Người đẹp ngủ trong rừng) quen thuộc: u ám hơn, nhiều cảnh hành động hơn, mãn nhãn hơn và tiên hắc ám Maleficent là nhân vật chính. Dĩ nhiên là khi Angelina Jolie bỏ tiền ra sản xuất kiêm diễn xuất, thì cô không thể làm nhân vật phụ được, nhất là khi đây là vai diễn đánh dấu sự trở lại của cô sau 4 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng.


From the same category