Thứ hai, bộ phim này mở đầu cho một trào lưu mới đang đe dọa thị phần của các con ngáo ộp truyền hình. Nếu như trước kia original series là độc quyền của những HBO (“Game of Thrones”). AMC (“Breaking Bad”) hay showtime (“Homeland”). Thì nay các dịch vụ video Streaming bắt đầu lăm le chia phần chiếc bánh béo bở này. Thứ ba, “House of Cards” là original series đầu tiên của Netflix. Và cũng là biểu tượng cho thành công của hãng khi đột phá vào lãnh địa tự-túc-nội-dung. Truyền cảm hứng cho những đối thủ khác như Amazon Prime hay Hulu.
Trong lần đầu tiên đặt chân vào địa hạt phim truyền hình, David Fincher đã khiến tất cả phải nghiêng mình kính nể vì cái cách mà anh thổi luồng khí hắc ám dày đặc từng vây phủ “Se7en” và “Fight Club” vào “HoC”. Nhưng, khác với hai bộ phim trước, quầng mây đen vần vũ trên bầu trời Capitol Hill không đậm chất bạo lực, mà sặc mùi quyền lực. Đây cũng là khác biệt lớn nhất giữa “West Wing” và “HoC”: một bên là thứ chính trị rực rỡ những sắc màu lý tưởng, và bên kia là năm mươi sắc đen khác nhau của âm mưu, thủ đoạn, cơ hội, dục vọng và báo thù.
Bởi báo thù là tất cả những gì Frank Underwood (Kevin Spacey), Chấp pháp của phe đa số trong Hạ viện Mỹ, và người vợ trời sinh một cặp Claire (Robin Wright) nghĩ đến, tìm đến, và hướng đến sau khi bị “phản bội” bởi chính tân Tổng thống Hoa Kỳ Garrett Walker – người từ chối Frank chức Ngoại trưởng sau khi thắng cử với sự hậu thuẫn của cặp đôi này.
So với một original series không kém phần đình đám khác mà TTVH & Đàn Ông đã giới thiệu ở số tháng 6/2013 là “Game of Throes” thì “House of Cards” vừa giống mà vừa rất khác. Cũng là câu chuyện đấu tranh chính trị và quyền lực, nhưng trong khi “Game of Thrones” dày đặc với các tuyến nhân vật song hành thì Frank Underwood là hố đen của một vũ trụ hoàn toàn cách biệt với cuộc sống của những con người bình thường: chính trường nước Mỹ. Tất cả mọi nhân vật, mọi sự kiện đều xoay quanh Frank và vận động dưới sự thao túng của Frank. Frank là đạo diễn, là người múa rối, là tay đánh xe ngựa với đòn roi tuyệt kỹ (Whip, chức danh của Frank trong đảng Dân chủ, còn có nghĩa là ngọn roi). Xem “House of Cards” cũng đồng nghĩa với dấn mình vào hố thẳm của riêng Frank, xem nội tâm ông ta sâu đến đâu và đen đến mức nào. Và, đến thời điểm này, khi “House of Cards” mới đi hết mùa thứ hai, không ít khán giả sẽ nghĩ rằng, mình còn lâu mới đi đến đáy.
Để dễ hình dung, người ta có thể gọi Frank Underwood là một Lã Bất Vi của phương Tây, với biệt tài buôn vua bán chúa. Washington D.C. tuy không có vua nhưng lại rất nhiều Nghị sĩ, Bộ trưởng, Thống đốc bang… Có điều, Frank phức tạp hơn Lã Bất Vi nhiều. Lã là con buôn và có duy nhất một tham vọng là kiếm lời, nên Tử Sở trong mắt y chỉ là một món hàng không hơn không kém. Mục tiêu của Frank là báo thù, và mọi nhân vật của D.C. đều là quân bài dưới tay ông ta. Điều đáng nói là Frank tận hưởng quá trình này, bao gồm cả những mạo hiểm và may rủi trong ván bài ấy, và tìm thấy khoái cảm trong việc sở hữu và thao túng quyền lực – dù là quyền lực chính trị trước đồng liêu hay nhục dục với một cô phóng viên đáng tuổi con mình.
Điều đặc biệt ở Frank là rất khó xếp loại ông ta. Ẩn sau bộ mặt chính trực và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác là một con cáo già chính trị gian hùng, thủ đoạn, sẵn sàng đạp lên tất cả để đạt mục đích. Về lý mà nói khán giả sẽ phải chán ghét con người này đến cực điểm. Nhưng không ít người sẽ thấy mình – trong chừng mực nào đó – chia sẻ, đồng cảm, thậm chí là ngưỡng mộ và thầm mong ông ta chiến thắng. Có nhiều lý do cho điều đó.
Xuất phát điểm của Frank là nạn nhân của một sự bất công và phản bội; mà báo thù lại là một hành vi ít nhiều được công chúng dễ tha thứ và chấp nhận. Nếu được chọn làm Ngoại trưởng, rất có thể Frank đã dấn thân vào một con đường khác và ta sẽ chẳng còn “House of Cards” để mà xem. Nhưng quan trọng hơn, Frank là một bộ não siêu việt về bày mưu tính kế, luôn giành được điều mình muốn tại công sở – bởi xét cho cùng Capitol Hill là gì nếu không phải một thứ công sở, ở cấp độ cao nhất của hệ thống hành chính? Cuối cùng, Frank thường xuyên phá vỡ “chiều không gian thứ tư” để đối thoại và tâm sự trực tiếp với khán giả, khiến người xem bị kéo lại gần và trở thành đồng minh của ông ta trong vô thức. Sự trầm tĩnh, lọc lõi và tinh quái vừa biểu cảm vừa vô cảm trên gương mặt và trong diễn xuất của Kevin Spacey càng làm Frank có ma lực thu hút hơn đối với người xem.
Sánh vai với Frank là Claire Underwood, trong một cuộc hôn nhân chỉ có thể miêu tả bằng một từ: hoàn hảo. Hoàn hảo với nghĩa là họ sinh ra để cho nhau. Sự hoàn hảo ấy càng nổi bật hơn khi cả Frank lẫn Claire đều có một mối quan hệ ngoài hôn nhân mà khi nhìn vào đó, không cần đến họ mà chính khán giả cũng thấy ngay rằng chỉ họ mới xứng đáng với nhau, rằng những giá trị cốt lõi của mối quan hệ vợ chồng này đặc thù và bền vững đến nỗi không một nhu cầu tình dục hay một giây phút yếu lòng nào có thể lay chuyển được. Vai diễn của Robin Wright khiến người xem phải kinh ngạc, bởi một người đàn bà bá đạo như Claire – đẹp một cách băng lạnh, quyết tuyệt đến mức tàn khốc – thật sự là một tạo vật hiếm hoi ngay cả trên phim, chưa nói đến ngoài đời. Nói như thế không có nghĩa là những vai thứ và phụ của “House of Cards” không có gì đáng kể, mà ngược lại.
Mỗi nhân vật phụ đều mang nét điển hình, tiêu biểu cho từng nhóm lợi ích khác nhau trên chính trường nước Mỹ. Doug và Meechum là những thuộc hạ tin cẩn, không phản bội sếp trong mọi hoàn cảnh; Zoe và Janine đều là những phóng viên lặn ngụp trong chính trường D.C. và sẵn sàng làm tất cả, để có được một nguồn tin đáng giá; Remy Dalton là một trùm vận động hành lang, đại diện cho lợi ích của những tập đoàn tài phiệt khổng lồ; Gillian Cole là một hình mẫu lý tưởng của các NGO; và Peter Russo là một thân phận bi kịch, lạc lối giữa mê cung chính trị và quyền lực và cám dỗ cá nhân. Nhưng điển hình không có nghĩa là một chiều. Ta cứ nghĩ Linda Vasquez là người đơn giản và dễ dàng bị Frank qua mặt, cho đến khi nhận ra, một người phụ nữ ngồi nổi ở ghế Chánh văn phòng Phủ tổng thống thì không bao giờ là một người đơn giản. Và Doug, bên cạnh vai trò Công Tôn Sách của Frank, nghĩa là rất lạnh lùng, tỉnh táo và hiệu quả, lại có thứ tình cảm gần như cha con với một cô gái điếm…
Bên cạnh trục chính của Frank và Claire Underwood, “House of Cards” cũng có không ít các tuyến truyện phụ – như cuộc tình giữa chàng nghị sĩ Russo và cô trợ lý Christina Gallagher, như mối quan hệ khó lòng định nghĩa giữa Doug và cô gái làng chơi giải nghệ. Những subplot này gắn kết một cách chặt chẽ, tác động sâu sắc đến diễn biến của trục chính, và hòa quyện vào nhau trong dòng chảy hối hả, sẵn sàng nhấn chìm tất cả của chính trị và quyền lực. Những cuộc đối thoại của “House of Cards” càng cộng hưởng vào cái dồn dập vũ bão ấy, buộc khán giả phải lưu tâm đến từng chi tiết để có thể bám sát diễn biến của bộ phim. Nhưng, cũng có những thời khắc, nhịp phim chậm lại, để Frank say sưa túy lúy cùng bạn cũ; để Claire đi tìm một chút hương xưa; để hai vợ chồng chia nhau một ly whisky, trước khi bước vào cuộc-chiến-của-ngày-mai. Đấy là khi, ở mỗi kẻ chơi bài dày dạn ấy, chợt ngẫu nhiên lộ ra những góc khuất rất đỗi con người.
Bài: Hoài Anh
>>> Có thể bạn quan tâm: Bạn là gái ngoan, bạn nói vậy mà ai cũng nói vậy. Một bữa, bạn giật mình thức dậy đâu đó khoảng rạng sáng trên một chiếc giường xa lạ giữa một căn phòng xa lạ. Kinh hoàng nhất là khi bạn ngó qua bên cạnh, bạn thấy mình đang nằm cạnh một gã đàn ông nào đó cũng xa lạ nốt…