Hợp tác hay là chết?

Cảnh trong phim "Áo lụa Hà Đông", bộ phim hợp tác cảu Phước Sang, BHD và công ty Ánh Việt"Hai đại gia của thị trường phim nội hiện nay: Phước Sang & Thiên Ngân sẽ “bắt tay” trong một dự án làm phim!".

"Làm gì có chuyện động trời ấy, khi ai cũng biết “cuộc chiến” dai dẳng giữa hai bên từ mùa phim tết 2005 với “cặp đấu” “Khi đàn ông có bầu” – “Nữ tướng cướp”, “tua” lại ở mùa phim tết 2006 với cặp “Đẻ mướn” – “2 trong 1”, và lên tới đỉnh ở cuộc đua “Võ lâm truyền kỳ” vài tháng trước đây?!"

Cứ chờ xem. Bên Phước Sang úp mở: Cuối năm nay, cùng lắm là sang năm, Hiệp hội các nhà sản xuất phim VN sẽ phải thành lập, nội chiến các hãng phim chấm dứt, hãng phim Phước Sang đã sẵn sàng, chỉ chờ một dự án hợp lý cho việc “bắt tay”…

Nội chiến phim Việt: chờ đến Tết để… chiến đấu
Thật ra trước khi thị trường điện ảnh Việt có dấu hiệu khởi sắc trong 2-3 năm nay, nội chiến đã từng xảy ra rồi, khoảng 10 năm trước đây – thời phim mì ăn liền. Để vào được rạp thời điểm “ngon” lúc đó, các chủ phim cũng phải bươu đầu sứt trán để “đi đêm” bằng “cây”, bằng “chỉ” với chủ rạp. Có điều, phải “đi đêm”, hay “nội chiến tàu ngầm” bởi khi đó chủ phim thực sự vẫn phải núp bóng hãng phim Nhà nước (Luật điện ảnh hiện chưa cho phép thành lập hãng phim tư nhân) và hệ thống rạp chiếu vẫn nằm trong sự quản lý của các công ty chiếu bóng tỉnh, thành phố (tức cũng của Nhà nước luôn). Chung qui nội chiến cũng chỉ bởi thị trường nhỏ, số rạp chiếu hạn chế (lúc đó tuy số lượng rạp hoạt động trên toàn quốc nhiều hơn hiện nay song không có mô hình cụm rạp nên mỗi rạp tại một thời điểm chỉ “vào” được 1 phim) mà người làm thì đông, lại là người bỏ tiền túi ra làm phim nên bằng mọi cách phải từ hòa vốn đến lời.

Nội chiến rạp hoàn toàn không xảy ra ở những thời kỳ điện ảnh không cần thị trường, không cần kinh doanh, làm bằng tiền Nhà nước, xong phim có thể đem cất kho muốn chiếu lúc nào thì chiếu!

Nội chiến đầu thế kỷ 21 không cần “tàu ngầm” nữa vì hãng phim tư nhân được phép thành lập, không chỉ tư nhân sản xuất phát hành phim, nhập phim ngoại về chiếu mà còn có quyền làm chủ luôn cả rạp. Nhưng thị trường vẫn nhỏ, thậm chí còn chưa phục hồi bằng lại thị trường của 10 năm trước. Vả lại, muốn nói gì thì nói, thị trường phim Mỹ trông đợi mùa phim Hè, Hàn Quốc trông đợi mùa phim Noel & Tết Tây… thì người làm phim Việt vẫn trông vào mùa phim Tết Âm lịch, hiện tại, ra ngoài thời điểm này xem như chết ngắc!

Bởi vậy, cứ đến Tết là thiên hạ lại dự báo xem phim cùng xem “chiêu” của hãng nào mạnh hơn, dự báo hãng nào thắng chứ không phải phim nào hay. Và nội chiến không chỉ dừng lại ở cuộc chiến rạp như trước đây, mà lan sang cả cuộc chiến đề tài. Những “chuyện lạ điện ảnh Việt” mấy năm gần đây hầu hết đều có nguồn gốc từ mặt trận đó. Như cuộc thi phim Tết năm vừa rồi ở TP.HCM (để chọn phim nào ra rạp trước). Như chuyện một hãng phim gửi tối hậu thư “nhắc nhở” nếu không chiếu phim do hãng sản xuất vào thời điểm yêu cầu thì hãng này cũng cắt luôn suất chiếu phim ngoại do hãng nhập về. “Trai nhảy” đua cùng thành công của “Gái nhảy”. “Khi đàn ông có bầu” xong thì “Đẻ mướn”. Có mỗi đề tài game “Võ lâm truyền kỳ” mà hai nhà sản xuất giành nhau đưa vào lịch phim Tết vốn chỉ tải được tối đa 3 phim. Và trong cuộc chiến ấy, thôi thì đủ thứ “đòn”, “chiêu”, giấu bài, thủ thế được bày binh bố trận, từ úp mở kịch bản, đánh lạc hướng đạo diễn, tung hỏa mù diễn viên, đến thay đổi xoành xoạch ngày ra mắt. Chắc hiếm có nước nào làm phim giống như người bịt mắt ú tim giống ở ta!

Hợp tác hay là chết?
Nội chiến, dù ở đâu và thời nào, cũng luôn là đại họa. Khi quyết định đầu tư hơn 20 triệu USD cho phim trường lớn nhất VN đặt tại tỉnh Bình Dương và hợp tác với hãng truyền hình SBS (Hàn Quốc), bà Chủ tịch HĐQT công ty Trí Việt đã nằm lòng bí quyết thành công của người Hàn trong ngành công nghiệp giải trí này: Cạnh tranh bằng hợp tác.

Nhân bí quyết của người Hàn, xin mở rộng câu chuyện sang một lĩnh vực vốn không liên quan gì đến điện ảnh song còn rất thời sự với người tiêu dùng VN: xe hơi Honda Civic. Rậm rịch tung ra thị trường từ gần 1 năm nay, sản phẩm 4 bánh đầu tiên của Honda Việt Nam được chờ đợi sẽ làm một cú đột phá về giá (rẻ hơn) trên thị trường xe ôtô siêu đắt ở ta. Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu và hoàn toàn không bất ngờ khi Civic “ra giá” chẳng hề rẻ hơn bất cứ một đối thủ cùng hạng nào đang có mặt trên thị trường, chẳng có cuộc đột phá giá nào hết. Đơn giản vì Civic và Honda là thành viên, là mắt xích trong Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN gồm toàn những hãng xe đang cầm cương thị trường ôtô nội địa. Tất cả các công ty, các tập đoàn lớn trên thế giới đều làm ăn theo kiểu “bắt tay cùng có lợi” để giữ và chia thị trường như thế cả.

Nếu ngồi lại hợp tác cùng nhau, sẽ không có chuyện hai “anh” cùng “đâm đầu” vào dự án làm phim cùng đề tài, hoặc nhiều dự án lớn cùng tập trung vào một thời điểm, trong lúc thị trường còn quá nhỏ. Thay vì rải mỗi phim 3-4 tỷ đồng như hiện nay, các hãng có thể góp vốn bằng hình thức mua cổ phần để tập trung hàng chục tỷ cho một dự án phim ra tấm ra món – ông Khải Hoàng, một chủ nhiệm phim lão làng ở TPHCM, hiện là Phó giám đốc kinh doanh của MegaStar (chủ cụm rạp Cineplex Vincom Hà Nội) phân tích. Chính ông Hoàng, khi chưa đầu quân về MegaStar, đã khởi xướng việc thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất và phát hành phim. Tuy nhiên, Hiệp hội chưa thấy đâu, chính ông đã “dính đòn” của các đối thủ (rạp chiếu) phía Bắc khi dự định triển khai chiến lược chia phim để chiếu (chọn rạp để chiếu “nước 1”, “nước 2”…). Không riêng gì lĩnh vực điện ảnh, ai cũng biết điểm yếu của người Việt là thiếu hợp tác, nên khối Hiệp hội thành lập mà mạnh ai vẫn nấy đi, bó đũa lại trở thành… từng cây đũa.

Kiềng ba chân
Xem ra “bó đũa” các nhà làm phim (chủ yếu là các hãng phim tư nhân, vì đa số hãng phim Nhà nước vẫn chưa thật sự sẵn sàng ra thị trường) khá đông – hàng chục hãng phim đã hoạt động, hàng chục hãng khác đang rục rịch chuẩn bị. Tuy nhiên, vào thời điểm này, việc thống nhất thị trường xem như đặt vào tay 3 đại gia: Thiên Ngân, Phước Sang và MegaStar.

Dù chưa chính thức sở hữu rạp như Thiên Ngân, song Phước Sang với số cổ phần lớn thứ hai tại Công ty cổ phần điện ảnh Sài Gòn (thành lập từ Công ty Điện ảnh TP.HCM) xem như đã nắm tới phân nửa thị trường chiếu bóng TP.HCM. Hãng Phước Sang đã hợp tác với BHD (cũng có cổ phần trong Công ty nói trên) và công ty Ánh Việt (người đẹp Trương Ngọc Ánh đang cai quản) trong dự án phim lớn, chi phí tới cả triệu USD với dự tính quảng bá rộng hơn thị trường nội địa “Áo lụa Hà Đông” (hiện đang tham dự tranh giải chính thức tại LHP Busan); cũng đã hợp tác cùng BHD và HK Film làm “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

MegaStar đang bắt đầu cuộc bành trướng trên thị trường điện ảnh bằng việc thiết lập mạng lưới chiếu bóng trên toàn quốc (sau cụm rạp Vincom tại Hà Nội, sắp tới đây mô hình này sẽ được nhân rộng ra Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ…), trước khi bắt tay vào sản xuất phim của mình. Với tiềm lực mạnh, đặc biệt có “sân sau” là 2 nhà phát hành phim cỡ bự của Hollywood, MegaStar sẽ là một thế lực thực sự cả ở đầu ra lẫn đầu vào. MegaStar đã có ý định hợp tác với Thiên Ngân ở lĩnh vực phát hành phim và ông Phó giám đốc điều hành MegaStar thật ra trước đây từng là người của hãng Phước Sang (chủ nhiệm phim “Khi đàn ông có bầu”).

Việc kết nối kiềng ba chân giờ đây chỉ còn trông vào cái bắt tay của Thiên Ngân và Phước Sang. Về điều này, ông chủ hãng Phước Sang tuyên bố: “Tôi là người đầu tiên vào Hiệp hội (các nhà làm phim). Hợp tác được với nhau thì khả năng thành công rất lớn, rủi ro nếu có sẽ chia bớt, đấu lưng với nhau cùng làm sẽ nhìn được nhiều phía, kiểm soát được rủi ro, miễn là có một dự án thỏa mãn được yêu cầu các bên. Phước Sang, BHD và Ánh Việt đã làm được. Về việc hợp tác với Thiên Ngân, tôi sẽ suy nghĩ tìm 1 dự án hợp tác để chứng minh anh em sẽ đoàn kết. Phước Sang thà ăn một miếng bánh nhỏ nhưng ngon còn hơn nhiều miếng bánh vụn, bể vì cắn xé lẫn nhau!”.

Theo tiết lộ của những người trong cuộc thì Hiệp hội các nhà sản xuất và phát hành phim VN đang gấp rút vận động đế thành lập ngay trong năm nay, hoặc muộn lắm là trong năm 2007. Hy vọng và chờ đợi nó sẽ không phải chỉ là một Hiệp hội trên màn ảnh./.

                                                         Thuỷ Phạm

 


From the same category