“Hợp đồng mãnh thú”: dùng đàn bà thử đàn ông

Nổi tiếng với những bài báo châm biếm, giọng văn chua ngoa, cười nhạo những thói hư tật xấu của đời bằng chất riêng không lẫn được, tác giả kịch bản “Hợp đồng mãnh thú” không ai xa lạ, chính là đạo diễn Lê Hoàng. “Hợp đồng mãnh thú” không nhiều vai diễn, chỉ khoảng 4 diễn viên chính với vài diễn viên nền, nhưng vẫn đẩy không khí kịch lên được những nút thắt khiến khán giả mong chờ, háo hức theo dõi diễn biến đến phút cuối cùng.

Câu chuyện trong vở kịch diễn ra khá đơn giản. Hai cậu thanh niên trẻ nhận lệnh công ty tới gặp một yếu nhân, tìm cách thuyết phục ông ta ký vào bản hợp đồng tiền tỷ, nhằm cứu vớt cả công ty khi kinh tế đang đi xuống. Trong lúc chờ đợi tại khách sạn, hai anh chàng đang tuổi sung sức quyết định tìm cho mình một người đẹp và cùng nhau vui vẻ. Nào ngờ, vị giám đốc yếu nhân kia, lại thích cô gái hạng sang hai anh chàng chọn, thế là họ tìm mọi cách để ép cô đem thân thể mình làm món mồi nhử, khiến ông ta chịu ký vào bản hợp đồng kia. Nhưng chỉ đến cuối cùng,sự thật bất ngờ mới được hé mở.

thanh loc

Với một kịch bản không nhiều tình tiết, thế mạnh của “Hợp đồng mãnh thú” nằm ở những câu thoại hài hước nhưng vẫn đậm chất triết lý, cười đó, nhưng lại thấy nó đắng nghét, chua ngoa. Đặc điểm dễ nhận ra nhất ở một kịch bản sân khấu do Lê Hoàng viết nên, chính là xây dựng tình huống kịch trong một không gian hẹp, thời gian ngắn và ít nhân vật. Cả vở kịch chỉ diễn ra vỏn vẹn trong hai phòng khách sạn, một sảnh chờ. Thời gian cũng chỉ kéo dài đúng 1 đêm ngắn ngủi, và nhân vật thì gồm 4 người, cô gái điếm, anh đẹp “chuẩn”, anh đẹp “triển vọng” và ông giám đốc.

Những tưởng với số lượng vai diễn ít như vậy, sự tung hứng, tình huống kịch sẽ khó lòng đẩy lên cao, nhưng “Hợp đồng mãnh thú” đã làm được những thứ ngoài dự liệu. Vai anh chàng đẹp “chuẩn” do Huy Khánh (sau này là Lương Thế Thành) thủ diễn, là một vai dễ thương. Dễ thương từ tính cách nhân vật, khi được pha lẫn giữa một chút ngây thơ kiểu trai mới lớn, với một chút trách nhiệm của đàn ông trưởng thành. Dễ thương trong cả những hành động hào sảng, khi sẵn sàng bỏ qua cho cô gái điếm khi biết bí mật của cô, hay chịu quỳ xuống chân cô để năn nỉ cô giúp mình thuyết phục ông giám đốc. Huy Khánh vào vai khá ngọt, lối diễn tự nhiên, không cường điệu, người xem dễ dàng thích anh chàng đẹp “chuẩn” khi nhìn anh bối rối, lúng túng gãi đầu gãi tai đứng trước gái đẹp, rồi lúc anh chàng cười lộ ra hai đồng tiền nói câu “ừ, cô về đi”, hay cái run run giọng nói đứt quãng câu “tôi thương cô” của anh khiến vở kịch đang căng thẳng như cũng được dịu xuống ít phút. So với Huy Khánh, Lương Thế Thành khi thủ diễn vai này vẫn giữ được nét cuốn hút, nhưng chỉ tiếc là thiếu đi cái lúm đồng tiền duyên. 

 

Ở vai diễn đồng hành cùng anh đẹp “chuẩn” là anh đẹp “triển vọng” do Tuấn Khải đảm nhận. Vai của Tuấn Khải khiến người xem có một cảm giác vừa ghét, vừa thương mà vừa tội. Ghét vì cái thói họm hĩnh, đem đồng tiền ra làm thước đo, đánh giá cách sống của người khác, cũng như cái quan điểm đồng tiền mua được vạn vật của mình. Thương, là đến khi anh đẹp “triển vọng” gặp phải ả gái điếm cao thủ, bị dần cho một trận tơi tả lá hoa. Và tội, khi thấy rằng cái “ngu” của một đứa tỉnh lẻ, vụng về trong giao tiếp, trong cách thương thảo hợp đồng của chàng đẹp “triển vọng” được phơi bày vanh vách trong một tình huống kịch.

Tuấn Khải, chưa phải là một diễn viên lớn của sân khấu Idecaf, nhưng đây xứng đáng là một trong những vai diễn lớn của anh, chiếm được tình cảm của rất nhiều khán giả cho vai diễn này của mình. Linh hồn của vở kịch, ả gái điếm, được thể hiện tuyệt vời với tài năng của NSUT Thành Lộc. Như mọi lần, nếu khen anh Thành Lộc diễn tốt, đó là một lời khen thừa thải. Vai ả gái điếm của Thành Lộc trở thành một trong những vai diễn ấn tượng, được khán giả nhớ đến nhiều nhất trong thời gian qua. 

Bắt đầu bằng màn xuất hiện bí ẩn trong tiếng nhạc mạnh, tung hứng cùng bốn vũ công nam trong điệu nhảy khiêu gợi, ả gái điếm khiến cả khán phòng vỡ òa, bỡ ngỡ trong tiếng vỗ tay liên tục. Từng bước chân, từng ánh mắt liếc háy, cho đến những cú lắc hông, đều toát lên được vẻ quyến rũ khó cưỡng. Cho đến khi cô gái xuất hiện trong căn phòng của hai anh đẹp “chuẩn” và đẹp “triển vọng” thì tiếng cười bắt đầu vỡ tung ở mọi nơi. Những câu thoại đối đáp nhanh đến khó đỡ của cô gái cùng hai chàng trai đẹp làm người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thoại hay, duyên dáng, mặc dù có vài từ “phô” nhưng đều trong mức chấp nhận được để gây cười.

 

Tài ứng biến của vai diễn do Thành Lộc đảm nhận là thứ khiến cho người ta nhớ nhất sau khi ra khỏi rạp, cũng như là lý do khiến người ta quay trở lại rạp dù đã từng coi vở kịch này trước đó. Với những ai coi trên 3 lần, dễ nhận ra có một số câu thoại sẽ được thay đổi tùy theo ngày diễn và độ tung hứng của các diễn viên, cũng như trang phục của ả gái hạng sang sẽ biến chuyển cho hợp với thời trang đang thịnh hành lúc bấy giờ. Mà thậm chí, không cần diễn, chỉ cần giọng nói của anh Thành Lộc vang lên là người ta đã cười, đơn cử như câu hát, “quả pháo ơi sao mày vui như đứa trẻ, suốt đêm ngày ta bế trên tay, bùm, chết hai mẹ con…”

Về bối cảnh và âm nhạc, Idecaf vẫn thể hiện tốt sự tinh tế trong cách dàn dựng sân khấu, cũng như chọn nhạc nền cho từng lớp diễn. Bối cảnh kịch bó hẹp trong khách sạn với hai phòng ngủ, một sảnh chờ. Những lần chuyển cảnh nhanh, thay đổi từ chiếc giường bỗng chốc hóa ra chiếc ghế sofa, hay hai căn phòng khác nhau ở cách bố trí cái bàn, ghế, bức tranh trên đầu giường, cho thấy sự tính toán, sắp xếp hợp lý của những người thực hiện. Với “Hợp đồng mãnh thú” , không có nhạc mới được viết cho vở diễn, nhưng các bài hát nổi tiếng như “Sài Gòn đẹp lắm”, “Tình ca phố” được lồng ghép hợp lý, đẩy được cảm xúc của người xem lên đến những cao trào nhất định.

Mặc dù là kịch bản hài, nhưng xem “Hợp đồng mãnh thú” chúng ta nhận ra được một phần bộ mặt thật của xã hội được phơi bày, nơi mà vì đồng tiền, người ta có thể làm tất cả mọi việc, thậm chí biến mình thành một con mãnh thú, không sĩ diện. Tấn trò đời trong “Hợp đồng mãnh thú” được dẫn dắt khéo léo và hợp lý, không quá khiên cưỡng, làm nổi bật lên được thông điệp vở kịch muốn gởi đến, “đôi khi con người ta phải biết trả đúng giá cho những thứ mình cần để có được”.
Và đặc biệt, cần coi “Hợp đồng mãnh thú” để hiểu được bằng hết câu nói, “dùng lửa thử vàng, dùng vàng thử đàn bà, và dùng đàn bà để thử đàn ông.” Vở kịch, là những phép thử đầy tinh tế.

Bài: Chú Hề

Ảnh: Kichidecaf




 

Mười hai bà mụ– một vở diễn của NS Thành Lộc rất được yêu mến tại sân khấu kịch miền Nam: 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!


From the same category