Tung sản phẩm âm nhạc đầu tay lên internet giữa năm 2014, đến nay, Hồng Nhung ở Hà Nội, đã được nhiều nghệ sĩ thế giới chủ động liên lạc, nhiều blogger yêu nhạc và các nhà báo quốc tế liên hệ phỏng vấn. Mới đây, ngày 19/4, album “Belonging to the infinity” – sản phẩm âm nhạc chung của cô gái trẻ với nghệ sĩ David Teboul đồng thời là ông chủ hãng đĩa Soft và là người đứng sau dự án Linear Bells tại Pháp – được phát hành trên Bandcamp với hình thức digital download và CD (link). Đây là một album ambient/drone được thiết kế khá cầu kỳ và trên hết là rất trang nhã. CD được phát hành dưới dạng giới hạn (limited edition, 60 bản), nhưng chỉ qua một ngày, CD đã chỉ còn khoảng 20 chiếc.
Nói về cô gái 17 tuổi, nhạc sĩ Trí Minh đầy bức xúc: “Thực sự tôi thấy thiệt thòi, cô ấy thì Việt Nam không ai biết trong khi người nước ngoài đã biết rất lâu rồi. Chúng ta luôn là người ‘ăn lại’.” Nhưng kể cả khi Trí Minh biết, nhiều người sành nhạc ở Việt Nam vẫn chưa hề nghe qua tên cô gái ấy 1 lần, cho đến khi cô xuất hiện trong buổi họp báo chương trình Hanoi Sound Stuff Festival đầu tháng 4/2015. “Nghe nhạc Hồng Nhung, tôi thấy đây là một con người có thế giới nội tâm khá phức tạp và những suy nghĩ thực sự có chiều sâu. Đối với âm nhạc thể nghiệm, đòi hỏi mỗi người phải có suy tưởng khác biệt, và ở Nhung tôi thấy âm nhạc của cô gái này có những va chạm văn hóa rất dữ dội” – lời Trí Minh. Anh cũng tràn đầy hi vọng: “Tôi nghĩ những người như Hồng Nhung là nhân tố đầu tiên trong tiến trình phát triển bền vững của nền âm nhạc.”
3 tuổi, Hồng Nhung bắt đầu khám phá thế giới âm thanh, khi được gia đình cho học “vỡ lòng nhạc lý”. Đến năm lên 4, cô gái này bắt đầu học piano cho tới khi 9 tuổi. Nhưng piano chỉ là cánh cửa hé mở để cho Hồng Nhung bước vào thế giới âm thanh của riêng mình.
“Khoảng năm lên 9 (2007), trong em xuất hiện mong muốn tìm hiểu về âm nhạc phương Tây thế kỷ 20, em lên youtube để nghe tất tật các đĩa nhạc từ đầu thế kỷ, rồi em phát hiện ra từ những năm 20, 30 ở thế kỷ trước, âm nhạc phương Tây đã chuyển sang một giai đoạn khác, khi mà rất nhiều người muốn phá vỡ những rào cản mà nhạc cổ điển để lại”, Hồng Nhung chia sẻ. Cũng trong hành trình khám phá đó, Nhung biết được, khoảng năm 1958 ở Pháp đã sản sinh ra musique concrete – nhánh sơ khai nhất của dòng electroacoustic, ở Đức thì có nhánh art electronic. “Em đã nghe song song 2 dòng nhạc đó cùng lúc”.
Chìm trong thế giới âm thanh do mình khám phá, đến năm 2011, Hồng Nhung thấy xuất hiện một khao khát mãnh liệt, phải tự sản xuất được nhạc của mình theo cách tự thu, tự mix và làm mọi thứ. Cô lên mạng download các phần mềm làm nhạc và tự mày mò. Hồng Nhung đã tạo ra những sản phẩm của riêng mình như thế.
Mùa hè 2014, Hồng Nhung bắt đầu đưa sản phẩm của mình lên internet, đến tận cuối năm gia đình mới biết con gái có sản phẩm ra đời. Và người làm nghề ở Việt Nam biết đến Nhung tiếp theo là nghệ sĩ Kim Ngọc.
Hỏi Hồng Nhung mang gì vào âm nhạc của mình, cô bảo: “Em thể hiện nhận thức về thế giới quan của mình, về không gian sống đang chuyển động mà em cảm nhận”. Cô gái 17 tuổi cũng cho biết: “Nhạc cổ điển chỉ là một giọt nước, em học cổ điển ngày bé chỉ để lấy một vài kỹ thuật. Còn từ khi em tự học, thế giới quan của em mở ra rất nhiều”. Nếu nói sự sáng tạo là bất nguyên tắc, thì con đường khám phá thế giới âm thanh của Hồng Nhung chính là một điển hình.
2002: 4 tuổi bắt đầu học piano
2007: 9 tuổi ở Hồng Nhung xuất hiện mong muốn tìm hiểu về âm nhạc phương Tây thế kỷ 20
2011: 13 tuổi, cô lên mạng download các phần mềm làm nhạc và tự mày mò
2014: 16 tuổi, Hồng Nhung bắt đầu đưa sản phẩm của mình lên internet
Bài: Thục Khôi
Ảnh: Thai Pham