Hồn sâu xác bướm

Trước tiên, cần phân biệt rõ người chuyển giới và người đồng tính – hai khái niệm mà nhiều người thường nghĩ như nhau nhưng thực tế là khác. Người chuyển giới là những người có cảm nhận về giới tính mong muốn của mình không cùng với giới tính sinh học đang có. Chẳng hạn, một người có cơ thể là nam hay nữ nhưng họ nghĩ hoặc biết mình là nữ hay nam. Khi nói về người chuyển giới là nói về bản dạng giới của người đó, tức là cảm nhận bên trong của họ về việc mình là nam hay nữ, hay một giới nào khác. Còn nói về người đồng tính, hay song tính là nói về xu hướng tính dục của họ.

Khác biệt lớn nhất là người đồng giới không có cảm giác bất thường về hình thái học của thân thể và cơ quan sinh dục của mình, trong khi người chuyển giới luôn bị ám ảnh về điều này và mong muốn được chuyển giới để sống thật với chính mình.

Từ năm 1973, Hội Tâm thần học Hoa Kỳ không còn xem tình dục đồng giới là bệnh. Tổ chức Y tế thế giới cũng không xem tình dục đồng giới là bệnh từ năm 1992.

Vùng hypothalamus (màu vàng)

Lỗi tại hypothalamus?

Một số tài liệu y khoa đã phân tích rõ rằng, người chuyển giới không phải là người bị bệnh về tâm lý mà họ đã được tạo hóa ấn định như thế, ngay từ trong bụng mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong não của chúng ta có một trung tâm chi phối giới tính, gọi là vùng hypothalamus. Trong thời gian còn là bào thai và một, hai năm đầu đời, trung tâm này có thể bị mã hóa theo kiểu nam hay nữ và sẽ ấn định luôn như thế, không thay đổi cho đến sau này. Các nhà khoa học cũng đã kiểm tra não của nhiều người chuyển giới và thấy rõ rằng có những tế bào chi phối giới tính hoàn toàn ngược lại so với cơ thể của họ là nữ hoặc nam.

Chính vì sự nhầm lẫn này của tạo hóa mà không ít người phải mang “hồn sâu xác bướm” và ngược lại. Cho đến cuối cuộc đời, rất nhiều người trong số họ vẫn không thực hiện được giấc mộng chuyển giới để sống đúng với giới tính mong muốn của mình.

Hành trình biến “sâu” thành “bướm”

Thật diệu kỳ khi y học có thể biến nhiều mơ ước trở thành sự thật, trong đó có giấc mộng biến “sâu” thành “bướm” và ngược lại, một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, cũng như hành trình thoát xác của nhiều sinh vật sống, những người lựa chọn giải phẫu chuyển giới phải trải qua nhiều giai đoạn đầy đau đớn, rủi ro và chấp nhận…

Thông thường, quá trình “thoát xác” sẽ trải qua 4 bước: điều trị tâm lý và tiêm hormon; phẫu thuật thẩm mỹ cho giống với những đặc điểm cơ bản về cơ thể của người nam hay nữ; tạo hình bộ phận sinh dục nam hay nữ; hậu phẫu.  

Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thành Như – chuyên gia nam khoa (từng là học trò của giáo sư Gooren người Hà Lan – chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển giới tính và đồng tính luyến ái): Quá trình này là một chuỗi điều trị tâm lý – nội tiết – phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật chỉ là một mắt xích. Mắt xích quan trọng nhất là nội tiết trị liệu vì nội tiết tố giúp cho các thay đổi thuận lợi về tâm lý và cơ thể trước khi phẫu thuật. Đặc biệt, nội tiết tố cần được duy trì cả đời, trước và cả sau phẫu thuật.

Tại Hà Lan, những công dân của nước này được hoàn toàn miễn phí khi giải phẫu chuyển giới. Quá trình thực hiện là một khoảng thời gian khá dài và đầy thử thách. Người chuyển giới sẽ có 6 tháng đầu để thực hiện việc trắc nghiệm tâm lý. Họ sẽ phải ăn mặc như nữ (nếu là nam) và ngược lại; đứng trước những tình huống được bác sĩ đặt ra như: sẽ mất người thân, bạn bè, công việc, chịu tác dụng phụ của thuốc như một số loại testosterone có thể hại gan, gây chứng đa hồng cầu (mật độ hồng cầu trong máu cao quá, làm máu cô đặc)… Sau giai đoạn này, khoảng 40% số người có ý định phẫu thuật chuyển giới sẽ bỏ cuộc.

Giai đoạn thứ hai kéo dài 2 năm cho việc điều trị bằng nội tiết tố giới tính để cơ thể thay đổi từ từ cho giống nam hay nữ như: tăng hay giảm lông, ngực to ra hay nhỏ lại, sự phân bố mỡ, tinh hoàn giảm, mất kinh nguyệt… Họ phải thực hiện một số bài tập để luyện giọng nói. Khi cơ thể đã có những thay đổi đến giới hạn, sẽ có một hội đồng y khoa với các chuyên viên về nội tiết, tâm lý, phẫu thuật nghiên cứu kỹ để quyết định có được chuyển sang giai đoạn kế tiếp hay không.

Bệnh nhân đủ điều kiện sẽ được phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục cũ và tạo bộ phận sinh dục mới. Đối với nam chuyển giới thành nữ, phẫu thuật đơn giản và dễ thành công hơn. Bác sĩ sẽ cắt bỏ hai tinh hoàn và dương vật nhưng giữ lại da. Phần da này được khâu lộn lại để tạo thành ống âm đạo. Phẫu thuật kéo dài vài giờ. Ngực bệnh nhân trở nên to hơn nhờ túi ngực giả. Ngược lại, nữ giải phẫu thành nam thì phức tạp hơn nhiều. Trước hết là cắt bỏ hai vú, tạo hình lại núm vú đàn ông. Tiếp theo là cắt bỏ tử cung, buồng trứng. 6 tháng sau, họ sẽ được tạo một ống niệu đạo mới từ miệng niệu đạo cũ ra tới khớp mu và khâu bít âm đạo. Hai tinh hoàn nhựa giả được nhét vào chỗ trước đây là môi lớn. 6 tháng sau nữa, họ sẽ được tạo dương vật mới (khâu khó nhất, kéo dài 8–10 tiếng và ít bác sĩ làm được).

Tổng cộng thời gian cho cuộc đại phẫu là 2-3 năm, chưa kể sau đó, người chuyển giới vẫn phải tiếp tục dùng nội tiết tố và cần được bác sĩ tâm lý theo dõi đến suốt đời.

Tổn thọ hay không?

Rất nhiều lời truyền miệng rằng những người giải phẫu chuyển giới phải chấp nhận sống ngắn hơn vài chục năm so với người bình thường vì những tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Các phẫu thuật điều trị chuyển giới đều liên quan đến những bộ phận bên ngoài như vú, dương vật… chứ không can thiệp trên những cơ quan có nguy cơ dẫn đến tử vong như gan, ruột, tim, phổi, não, ngoại trừ phẫu thuật cắt bỏ tử cung và hai buồng trứng. Nếu có nguy cơ tổn thọ thì thường do người chuyển giới tự ý điều trị bằng cách dùng thuốc nội tiết tố mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, hoặc chọn những nơi không đáng tin cậy để điều trị.

Sau hồ hởi có thể là thất vọng

Từ mong muốn cho đến quyết định là cả một quãng đường rất dài vì người chuyển giới không chỉ cần một khoản chi phí khá lớn mà quan trọng hơn là còn phải đối mặt với nhiều định kiến của xã hội, gia đình, bạn bè. Thuyết phục được những người thân còn khó khăn hơn là tìm được bác sĩ phẫu thuật.

Thêm một điều cần phải cân nhắc thật kỹ là vấn đề tâm lý sau khi giải phẫu. Bác sĩ Nguyễn Thành Như cho biết: “Năm 1999, khi còn tu nghiệp ở Hà Lan, tôi đã từng gặp những người chấp nhận được chuyển giới dù phải hy sinh mất bạn bè, gia đình, người thân. Tuy nhiên, sau khi được chuyển giới tính xong, một số người cảm thấy quá cô độc vì bị những người thân thiết xa lánh”. Nhiều bác sĩ và chuyên gia tâm lý cũng cho biết, rất nhiều người sau khi giải phẫu chuyển giới đã hối hận và thất vọng. Tuy nhiên, họ chỉ dám bày tỏ điều này với bác sĩ tâm lý. Họ không tìm được niềm vui sống và vẫn tiếp tục nhận sự kỳ thị của những người xung quanh. Ngoài ra, không ít người không thể tìm được khoái cảm trong chuyện tình dục như trước khi giải phẫu. Những điều này làm họ chán dần con người mới của mình mà trước đây họ đã từng rất khao khát.

 Bài: Hành Hương

logo


From the same category